Đi "nghe" cờ tướng

TẤN PHÚC 18/03/2013 05:03 GMT+7

TTCT - Khác với các môn thể thao khác, cờ tướng không có khán giả. Nói cách khác, khán giả yêu cờ tướng không được tiếp cận phòng thi đấu nên phải nghe bình “trực tiếp” những ván cờ ở bên ngoài.

Phóng to
Đông đảo người hâm mộ nghe bình cờ trực tiếp - Ảnh: Tấn Phúc

Lượt đấu chung kết Giải vô địch cờ tướng hạng nhất quốc gia (Ngô Lan Hương và Lại Lý Huynh đoạt cúp) bắt đầu lúc 8g30 ngày 6-3, nhưng từ 7g những người hâm mộ đầu tiên đã tề tựu tại căntin nhà thi đấu Phú Thọ (TP.HCM). Họ xuất thân đủ mọi thành phần: có anh xe ôm tranh thủ lúc chưa có khách, có người công nhân xin nghỉ việc, giới trí thức - sinh viên lẫn những bác hưu trí.

Văn hóa nghe bình cờ

Có những người chỉ vô tình ngồi cạnh nhau cũng có thể bắt chuyện như thân thiết tự bao giờ, bởi họ cùng chung “ngôn ngữ” cờ tướng. Họ bàn tán rôm rả những trận đấu đã qua, những nước cờ cao tay... và tranh cãi sở trường - sở đoản của hai kỳ thủ dự chung kết. Anh Nguyễn Văn Lung (Q.6), công nhân ngành viễn thông, cho biết: “Tôi mê cờ tướng khi được ông ngoại dạy chơi từ nhỏ. Lớn một chút, tôi xem việc dự khán các kỳ đài hay bình cờ là niềm vui. Hôm nay tôi xin nghỉ việc để đến đây”.

Khi ván cờ bắt đầu, không gian bỗng im bặt, cả trăm cặp mắt cùng hướng về HLV tuyển cờ tướng Việt Nam Hoàng Đình Hồng cùng bàn cờ khổng lồ đặt dựa vào tường nhà thi đấu. Bằng kiến thức chuyên môn uyên thâm, ông Hồng thao thao bất tuyệt bình những nước cờ của các học trò, đồng thời cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho những người hâm mộ về thân thế, sự nghiệp cũng như sở trường, sở đoản của từng kỳ thủ.

Mỗi ván cờ tướng thường kéo dài 4-5 giờ. Những người mê cờ phải đội nắng suốt quãng thời gian ấy mà gương mặt vẫn luôn tươi tỉnh và tập trung “nuốt” từng lời của HLV Hồng. Thậm chí khi ván cờ kết thúc, họ vẫn nán lại bàn tán sôi nổi những nước cờ sắc sảo trong trận.

Dù đã ngoài 60 tuổi, bác Trần Lê Phương Nam vẫn đủ sức ngồi suốt thời gian dài nghe bình cờ. Ông cho biết: “Tôi đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian rảnh rỗi. Nghe bình cờ giúp tôi học được nhiều từ những nước cờ cao siêu của các cao thủ để áp dụng vào ván đánh của mình. Theo tôi, đây là một nét văn hóa rất riêng của những người mê cờ”.

Thú vui dân dã

HLV Hồng chia sẻ: “Nếu như cờ vua phát triển trong hệ thống trường học một cách bài bản thì cờ tướng là môn thể thao trí tuệ đã có ở Việt Nam từ rất lâu, mà ngay cả những bậc tiền bối đương đại cũng không thể xác định chính xác. Vì thế, cờ tướng mang yếu tố dân dã và được mọi tầng lớp ưa chuộng. Từ quán cà phê hay những con hẻm nhỏ, chúng ta dễ dàng bắt gặp người chơi cờ tướng”.

Nhờ đó, cờ tướng luôn có lực lượng người hâm mộ hùng hậu. Môn thể thao này không có những chiếc bàn gắn thiết bị điện tử có thể trực tiếp trên Internet nên nhu cầu xem thi đấu trực tiếp rất lớn. Thế là HLV Hồng đặt một bàn cờ khổng lồ có gắn kim loại phía trong, quân cờ được làm bằng mút, khoét lỗ đặt nam châm phía sau để có thể dễ dàng đặt lên bàn cờ dựng đứng.

Để bình trực tiếp, cứ sau khoảng năm nước cờ sẽ có người chạy vào nhà thi đấu xem biên bản rồi mang ra cho HLV Hồng bình. Vì vậy cũng có “sự cố” dở khóc dở cười khi biên bản mang ra sai khiến HLV Hồng phải “chữa cháy” sau lời bình sai. Tuy nhiên, chưa bao giờ ông bị trách móc bởi những điều này!

Vì mang yếu tố dân dã nên chuyện bình cờ cũng khá ngẫu hứng. Có người vì kỳ thủ hâm mộ thua trận đã nán lại chờ để động viên, nhưng cũng có khi là lời phàn nàn “sao ông dở vậy”, “ra xe sớm một nước là thắng rồi”... Thậm chí có người cao hứng vì nước đi hay của kỳ thủ đã “thưởng nóng” cho họ. Khoản tiền có khi vài triệu, có khi chỉ trăm ngàn đồng, nhưng là niềm khích lệ lớn cho kỳ thủ và chứng tỏ sức hấp dẫn của cờ tướng trong đời sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận