Đi học cách cứu người

TRỌNG NHÂN 27/05/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Trong nhiều tai nạn, thời gian là vấn đề sinh tử với nạn nhân. Nhiều người gặp nạn đã sống sót nhờ được sơ cấp cứu đúng cách và kịp lúc.

Thực hành tại lớp sơ cấp cứu của SSVN. Ảnh: CTV

 

Câu chuyện đại úy Thái Ngô Hiếu (Đồng Nai) cứu 5 nạn nhân đuối nước khỏi cửa tử mới đây là một minh chứng về tầm quan trọng của những kỹ năng sơ cấp cứu.

Giảm chấn thương nhờ cấp cứu đúng cách

2h sáng đêm Halloween 2019, chị Vi Vi (quận Bình Tân, TP.HCM) vừa thiếp đi thì nghe tiếng khóc thất thanh của con gái chưa tròn 2 tuổi. Chị dáo dác tìm con thì thấy mẹ ruột ngã dưới sàn nhà vệ sinh bất tỉnh, em bé nằm cạnh bê bết máu. Có lẽ bà ngoại ẵm cháu đi vệ sinh thì chẳng may trượt chân.

“Người nào không động đậy cần phải được kiểm tra trước” - nhớ tới ngay nguyên tắc này, chị kiểm tra thấy hơi thở của bà vẫn bình thường, thân thể không chảy máu nhưng có dấu hiệu gãy xương. Trong lúc chờ người thân đến giúp đỡ, chị lấy nước đá bọc trong khăn khô chườm vào vùng chảy máu sau cổ con gái. 

Người nhà định bế bà lên giường nhưng chị can, sợ nếu gãy xương thật, bế lên không đúng cách thì rất có thể khiến chấn thương nặng thêm. 

Chờ hoài không thấy xe cứu thương đến, chị lấy chiếc bàn để ủi đồ gập phẳng lại làm băng ca, nhấc nhẹ cơ thể mẹ đặt lên trên, lấy vải mềm cố định rồi đưa vào ôtô gia đình chở đến bệnh viện. Mẹ chị bị gãy đốt sống cổ khá nặng nhưng phục hồi rất tích cực. 

Bác sĩ trị liệu khen chị nhờ những quyết định sơ cấp cứu hợp lý đã giúp tiến trình phục hồi của mẹ chị tốt hơn nhiều so với những trường hợp tương tự. 

Vì làm việc cho đoàn phim, phải di chuyển liên tục, có nhiều đạo cụ để dựng cảnh…, chị Vi Vi biết những tai nạn không lường trước có thể xảy ra. Một cú té khi dàn dựng bối cảnh trên cao, một sợi dây điện hở cũng mang tới nhiều rủi ro nên đã chủ động học lớp sơ cấp cứu.

Nhập vai

Ông Nguyễn Đức Thắng (39 tuổi, ngụ Bình Thuận) vừa hoàn tất khóa học sơ cấp cứu tại TP.HCM. Hành nghề hướng dẫn viên các tour băng rừng lội suối, ông đã biết vài phương pháp xử trí các tình huống gặp nạn. 

Nhưng kiến thức ông học từ lâu giờ cần được cập nhật. Ông học 2 lớp sơ cấp cứu, lớp 4 tiếng, lớp 8 tiếng. Phần lớn thời gian là thực hành, bởi chỉ có bắt tay vô làm thực tế thì mới nhớ các kỹ năng được lâu.

12 tiếng sơ cấp cứu mà ông Thắng được học không khác những màn nhập vai. 15 học viên, từ thanh thiếu niên đến U50, không rời mắt khỏi chuyên gia hướng dẫn kỹ năng của SSVN (Survival Skills Vietnam - chuyên đào tạo kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu), tay liên tục ghi chép những lưu ý, trình tự sơ cứu trong từng tình huống cụ thể: cách sơ cứu người bị bất tỉnh, hóc dị vật vào đường thở, cầm máu, sơ cứu bỏng, gãy tay chân, sơ cứu nhồi máu cơ tim… 

Người học lần lượt thao tác các bước trên búp bê hoặc cùng nhau thực hành, người đóng giả nạn nhân, người trong vai cứu hộ.

Những bài học được ưu tiên dạy trước là cách xử lý những rủi ro có tốc độ tử vong nhanh: ngưng tim, ngưng thở, tiếp đó là chảy máu, bỏng, gãy tay chân… 

Trong khoảnh khắc cấp bách, biết nên làm cái gì trước, cái gì sau là đã giúp tăng cơ hội sống sót cho nạn nhân. Trong nhiều vụ tai nạn giao thông, thấy nạn nhân máu me bê bết, nhiều người nhào ngay đến cầm máu mà không kiểm tra đường thở, nhịp tim. 

“Chúng tôi được dạy cách đặt nạn nhân sao cho thẳng đường thở, kiểm tra xem trong mũi, miệng của họ có dị vật làm họ khó thở không. 

Càng học, tôi càng nhận ra nhiều sai lầm do không hiểu đúng trước đây, như lúc ép tim, thay vì ép giữa bên trái, các chuyên gia khuyên nên ép ở giữa lồng ngực sẽ cho hiệu quả tốt nhất”, ông Thắng nói. 

Theo ông, các công thức sơ cấp cứu ở các lớp học kỹ năng ngày nay được tinh gọn dễ nhớ, vì khi gặp trường hợp khẩn cấp, người cứu hộ khó nhớ tuần tự các bước, chỉ cần nắm những quy tắc cốt lõi để mau chóng cứu người.

Các lớp học sơ cấp cứu của SSVN. Ảnh: CTV

 

Chuyên gia về sơ cấp cứu Tony Coffey (người Úc) nhắc đi nhắc lại lời khuyên trong những buổi dạy học: “Cứu người là hành động cao cả, nhưng người cứu cũng cần giữ mạng sống của mình”.  Các em nhỏ thấy bạn mình chẳng may đuối nước thường nhào xuống cứu bạn, không ít em cùng nhau bị nước cuốn trôi.

 “Cần bình tĩnh, quan sát và hét to để cầu cứu. Kế đó, tìm xung quanh những vật dụng dài để đưa nạn nhân bám vào hoặc vật liệu nổi như phao xốp ném cho nạn nhân nếu ở khoảng cách gần. 

Không còn cách nào khác thì cần mang theo phao, vật dễ nổi để cho nạn nhân và mình bám vào. Cần chuẩn bị trước tâm lý người bị đuối nước rất hoảng loạn, dễ khiến người cứu bị chìm theo”, ông nói.

Chuyên gia Tony Coffey cũng lưu ý trong một số tai nạn, đặc biệt là tai nạn giao thông, người sơ cứu phải biết cách để bảo vệ mình trước các rắc rối pháp lý. Nhiều trường hợp cứu người nhưng bị người nhà nạn nhân hiểu lầm. 

Trước tiên xác định được tình trạng nạn nhân, chụp nhanh tối thiểu 3 bức ảnh và quay video ngắn thể hiện toàn cảnh hiện trường, tìm nhân chứng. Đừng quên các số điện thoại khẩn cấp nếu cần sự trợ giúp.

Nhiều lớp miễn phí

Thời gian gần đây, người đăng ký học các kỹ năng sơ cứu tại TP.HCM gia tăng. Trung tâm Huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TP.HCM liên tục mở những lớp tập huấn, cả miễn phí lẫn thu phí, để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn ấy. 

Ông Nguyễn Tiến Đạt, phó giám đốc trung tâm, cho biết cứ 2 tuần một lần sẽ tổ chức các lớp học. Lớp gần đây nhất vào ngày 16-4, học sinh sinh viên đã có một ngày tìm hiểu nhiều kỹ năng từ căn bản đến nâng cao. “Đứng lớp là các bác sĩ, tập huấn viên có kinh nghiệm”, ông Đạt nói.

Giai đoạn 2014 - 2017, SSVN là một dự án cộng đồng, thường “mượn” những quán cà phê để giảng dạy kỹ năng sơ cấp cứu. Nhóm từng tiếp cận nhiều người đang làm những nghề có rủi ro tai nạn cao như tài xế, công nhân xây dựng… đề nghị họ tham gia những lớp học miễn phí nhưng nhiều người có năn nỉ đến mấy cũng không đi. 

Từ năm 2018 đến nay, SSVN chuyển sang hình thức doanh nghiệp xã hội khi nhận thấy nhu cầu tìm đến các khóa học của nhóm ngày một tăng. Hiện cứ mỗi 2-3 tuần có khóa mới, mỗi khóa từ 15 - 20 học viên.

Ông Hồ Thái Bình (31 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu), thành viên chủ chốt của SSVN, cho biết các doanh nghiệp ngành xây dựng, giao thông vận tải, du lịch và cả truyền thông, marketing cũng liên hệ SSVN tập huấn cho nhân viên của họ.

 Để hỗ trợ nhiều người, nhóm thiết kế app sơ cấp cứu, hiện có trên Google Store và CH Play, hướng dẫn chi tiết cách xử lý một số rủi ro thường gặp. Những khóa học có thu phí tại SSVN giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng, tùy thời gian học.

 Ngoài ra có lớp đào tạo miễn phí hằng tháng dành cho nhóm đối tượng yếu thế tại TP.HCM và các tỉnh lân cận. “Có lần chúng tôi tổ chức lớp dạy miễn phí ở TP Vũng Tàu, một nhóm học sinh 3-4 em bắt xe từ Bà Rịa sang học. 

Khi giảng xong nội dung về dấu hiệu nhận biết và sơ cứu đột quỵ, một em đã bật khóc. Em nói nếu biết trước những kiến thức như thế này sớm hơn 1 tháng thì ba của em có thể không mất vì đột quỵ”.

Đội sơ cấp cứu của anh Phạm Quốc Việt (giữa) có cả những đội xe máy lẫn xe cứu thương. -Ảnh: FAS

 

Sơ cấp cứu qua Zalo

Từng theo học lớp sơ cấp cứu tại TP.HCM, ông Phạm Quốc Việt (35 tuổi, quê Nam Định) về Hà Nội thành lập đội hỗ trợ sơ cứu từ thiện cho những người bị tai nạn “FAS Angel” (FAS) năm 2019. Từ 5 người ban đầu, đến nay đội đã có 130 thành viên chính và rất nhiều cộng tác viên ở các điểm trực chốt khắp thủ đô. 

Trung bình mỗi ngày FAS hỗ trợ sơ cứu 4-8 trường hợp, chủ yếu là tai nạn giao thông vào ban đêm. Ông Việt chia sẻ: dù mạng lưới cộng tác viên của đội phủ khắp, có thể phi xe máy đến nơi xảy ra tai nạn từ 4-5 phút, nhưng vai trò của người trực đường dây nóng hướng dẫn người báo tin sơ cấp cứu vô cùng cần thiết.

Thường ông Việt trực tổng đài. Trong khi chờ thành viên gần nhất xuống hiện trường, ông kết bạn Zalo và gọi video trực tiếp với người đã báo tin tai nạn về cho nhóm. Thông qua hình ảnh từ video, ông Việt đánh giá tình hình của nạn nhân và hướng dẫn người báo tin một số cách sơ cứu cần làm ngay. 

Ưu tiên là giữ cho đường thở của nạn nhân được thông, tiếp đó là cầm máu, cố định vết thương trong trường hợp gãy tay chân. “Không cần phải thực hiện hết các công đoạn, nhưng một số thao tác đơn giản như đặt nạn nhân nằm đúng tư thế cũng sẽ rất có ích trước khi thành viên của FAS đến nơi”, ông Việt nói.

Qua 2 năm hoạt động, nhóm đã giúp gần 2.000 trường hợp gặp tai nạn tại Hà Nội. Nhóm cũng tạo điều kiện để những thành viên có thể học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau về sơ cấp cứu và lan tỏa kiến thức này đến với người thân, cộng đồng.

“Có người tôi từng cấp cứu, mãi đến 6 tháng sau, tôi tình cờ gặp ông ấy đi bộ ở gần nhà. Ông ấy không nhận ra tôi, nhưng nhìn ông khỏe mạnh là tôi đã thấy vui sướng”, ông Việt kể.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận