Di chuyển trên bánh xe hồn nhiên

HƯƠNG DUY 14/06/2017 22:06 GMT+7

Năm 2013, tạp chí Business Insider có bài viết đăng lại kết quả khảo sát của Triposo đối với 700 người từ 62 quốc gia về các hành vi xấu xí khi đi du lịch. Qua các câu trả lời, 10 quốc gia bị bêu tên vì hành vi của công dân nước đó khi đi du lịch nước ngoài.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

 Danh sách gồm có Trung Quốc, Ấn Độ cho đến các vị trí đầu bảng lần lượt gồm Nga, Anh, Mỹ. Dù có nhiều tranh cãi sau đó về cách lấy mẫu, tuy nhiên trong kết quả công bố, nguyên nhân khiến các quốc gia trên bị đánh giá xấu lại chính là việc giữ khư khư lấy các đặc điểm đặc trưng của dân tộc mình.

Như dân Pháp thích chuyện giật gân (xìcăngđan), dân Mỹ với gu thời trang kinh dị và số lượng người béo quá đỗi.

Bài báo đọc vui nhằm mục đích giết thời gian, song lại cho thấy mức độ được chấp nhận đầy hạn chế đối với những thói quen dân tộc tính trong ngôi làng toàn cầu.

Với những người lo xa như tôi, bài viết cũng đánh động về khả năng người Việt Nam rồi cũng bị gán mác bởi cư dân nước khác vì những thói quen “hồn nhiên” khi tham gia những chuyến đi ra bên ngoài.

1 Năm năm trước, tôi và người bạn rủ nhau đi du lịch nước Lào. Dọc đường từ Quảng Trị sang Savannakhet qua cửa khẩu Lao Bảo, đất nước Lào thanh bình hiện lên như vùng nông thôn Việt Nam với núi, đồi xen lẫn cánh đồng lúa trải dài.

Tuy nhiên khi đến thủ đô Vientiane, chúng tôi lập tức thay đổi suy nghĩ khi nhìn thấy hàng dài ôtô di chuyển trên đường. Do chính sách thuế nhập khẩu, giá ôtô của Lào khá rẻ nên đa số người dân đều sở hữu xe hơi. Trên đường phố rất ít người sử dụng xe máy hay xe đạp.

Anh tài xế chở chúng tôi có vẻ hào hứng, bảo chúng tôi hạ kính xe xuống mà chụp ảnh. Rõ ràng với một nước có thu nhập trung bình thấp hơn Việt Nam mà sở hữu lượng ôtô đông đúc như vậy là điều khá cuốn hút với khách du lịch chúng tôi.

Khi các cửa kính đã hạ xuống và mọi người bấm xong các pô ảnh, anh tài xế mới thủng thẳng bảo: “Nãy giờ mọi người có nghe thấy tiếng còi xe nào không?”.

Mọi người ngơ ngác nhìn nhau, lắng tai nghe và quả thật không nghe thấy những tiếng còi cáu kỉnh, giục giã trong dòng xe đông đúc kia. Lúc đó anh tài xế mới cười vẻ tự hào: “Đặc sản của xứ Lào đó!”.

Rồi anh tiếp: “Đi đường mà thấy xe nào bấm còi ầm ầm là biết Việt Nam mình mới sang!”. Trời ơi, anh tài xế người Đà Nẵng nói gì mà khiến mọi người nhột vậy không biết.

Hệ thống giao thông của Lào được đánh giá là phát triển với đường phố phần lớn là hai chiều. Lượng xe máy lưu thông trên đường khá ít, nhường chỗ cho xe hơi cá nhân và các loại xe công cộng.

Những ngày ở Lào, tôi được biết giao thông của nước bạn là giao thông một hướng. Khi đèn xanh bật lên tại một ngã tư, ba hướng còn lại phải dừng, chỉ phía nào có đèn xanh mới được đi. Và người dân trật tự chấp hành quy định đó hằng ngày, không thấy cảnh chạy lấn vạch vôi hay chen lấn để di chuyển vào mỗi sáng như tại các đô thị lớn nước mình.

Anh tài xế bảo: “Người Lào hiền lành lắm. Họ làm việc và thấy đủ thì dừng, không tranh giành”. Chính điều này làm nên sự bình yên đến lạ ở xứ sở này. Đến tối, chỉ khu vực chợ đêm và khu phố Tây là còn hoạt động, còn người dân đa số “rút” về với mái nhà bình yên của họ.

Sự đủng đỉnh của người Lào là nét văn hóa. Có người chê chậm, có người chê chán. Song với những ai đang muốn bùng nổ vì áp lực từ công việc, từ gia đình thì cuộc sống này thật ra lành như nước giếng, là cái đích mơ đến của rất nhiều kẻ đang hùng hục lao vào cuộc tranh giành địa vị, với cái nhãn hạnh phúc treo lơ lửng trên đầu.

Đoàn bắt đầu đi tiếp vào sâu nội thị Lào. Xe dừng ở một cửa hàng mini-stop cho khách nghỉ ngơi. Điểm dừng chân khá rộng, trồng cỏ xanh rì. Toilet sạch sẽ, mát mẻ.

Khi chúng tôi di chuyển cho thoải mái chân cẳng bỗng bắt gặp dòng chữ “Cấm đái bậy” trên cỏ. Tấm bảng viết nắn nót bằng tiếng Việt, cắm giữa bãi cỏ xanh như một cách phản ứng của chủ tiệm trước vấn nạn có thật đến từ các khách du lịch láng giềng.

Sự vô tư hay vô ý tứ của người Việt đâm ra đẩy đồng bào vào hoàn cảnh ngượng ngùng. Người ta bảo những người bạn Lào hiền lành mà còn phải cắm bảng cấm ấy thì chắc là tình trạng đã quá quắt lắm rồi. Có ai đi du lịch mà bắt gặp những biển báo tiếng mẹ đẻ như vậy không?

2 Không biết có ai để ý không, nhưng đi một đoàn Việt Nam có hai anh con trai trở lên thì thể nào tối đến phải có tiết mục rủ nhau đi uống vài chai rượu, lon bia giao lưu với nhau.

Những lúc ấy họ hồn nhiên nói chuyện, hồn nhiên to tiếng và trêu chọc nhau, tạm quên thân phận làm khách ở một vùng đất lạ. Nếu có ai hỏi hay nhắc, họ bảo: Vui mà. Ngay cả ở Việt Nam, các chuyến công tác hoặc du lịch đến các địa phương khác, tiết mục chính của các buổi tối cũng phải khề khà bên chai rượu.

Khi chúng tôi đi thực địa cho dự án, đoàn hơn 20 người gồm các cán bộ của viện nghiên cứu và đại diện nhóm giám sát của nhà tài trợ đến một xã miền núi phía Bắc. Trong bữa cơm chiều, anh cán bộ của viện bắt đầu lôi rượu ra chúc mọi người.

Thật ra là ép uống nhiều hơn. Rượu chuyền xoay vòng, nói chuyện rộn ràng. Đến cậu thanh niên đối tác của dự án, cậu từ chối, thế là mọi người hùa vào bảo cậu không đáng mặt nam nhi!? Cậu thanh niên đỏ mặt tía tai: “Em không uống được, mọi người đừng ép em”.

Bàn tiệc lặng ngắt, sau đó mọi người tiếp tục “bài ca Bắc Cạn” (uống cạn chén), bỏ mặc cậu nhỏ. Tôi thấy rõ sự khó xử trong mắt cậu và sếp cậu.

Báo Tuổi Trẻ cuối tuần thực hiện chuyên đề văn hóa giao thông, tuy nhiên chuyện di chuyển đối với người thế kỷ 21 thật ra mở rộng hơn chuyện điều khiển phương tiện cá nhân nơi công cộng.

Đó còn là sự giao thoa văn hóa, nơi các đặc tính của một quốc gia, dân tộc được dịp va chạm với các quy chuẩn của một quốc gia, dân tộc khác. Đó là lúc phải điều chỉnh cái tôi, cái tự do của mình để hòa nhập với các quy tắc chung được chấp nhận bởi phần đông của thế giới.

Nếu những đặc tính hồn nhiên của người mình trở thành trò lạ lẫm trong mắt bạn bè thế giới thì đặc tính ấy cần được xem xét lại, điều chỉnh để nó không trở thành cơn cớ cho người ngoài gắn mác cả dân tộc một cách phiến diện.

Người Việt Nam được quyền tự hào với các đặc tính của riêng Việt Nam, không lẫn với các dân tộc khác. Tuy nhiên nếu đó là những ưu điểm, nhân văn thì tự hào hơn là những ánh nhìn thẹn thùng vì chưa hội nhập.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận