![]() |
Thí sinh làm bài thi tại Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở phía Bắc) kỳ thi tuyển sinh ĐH 2005 |
Chỉ tiêu tuyển ĐH 2006
Trường ĐH Ngoại thương đào tạo tại hai cơ sở là Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, tại cơ sở Hà Nội trường dự kiến tuyển 1.650 chỉ tiêu cho các ngành Kinh tế đối ngoại (thi khối A) và Kinh tế đối ngoại (thi khối D) sẽ học các tiếng Anh, Nga, Pháp, Trung, Nhật.
Ngành Quản trị kinh doanh với các chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, Luật Kinh doanh quốc tế; ngành Tài chính - Ngân hàng chuyên ngành Tài chính quốc tế; ngành Tiếng Anh chuyên ngành Tiếng Anh thương mại; ngành Tiếng Pháp chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại; ngành Tiếng Trung chuyên ngành Tiếng Trung thương mại; ngành Tiếng Nhật chuyên ngành Tiếng Nhật thương mại.
Tại cơ sở TP.HCM trường dự kiến tuyển 650 chỉ tiêu cho các ngành Kinh tế đối ngoại (thi khối A) và Kinh tế đối ngoại (thi khối D) sẽ học các tiếng Anh, Nhật; ngành Quản trị kinh doanh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế.
Trường tuyển sinh trong cả nước. Môn Ngoại ngữ hệ số 1. Điểm xét trúng tuyển chung theo từng khối thi: A, D1,2,3,4. Căn cứ vào chỉ tiêu của từng ngành và chuyên ngành, căn cứ kết quả thi tuyển sinh và nguyện vọng đã đăng ký của thí sinh để xếp ngành và chuyên ngành học.
Nếu thí sinh không đủ điều kiện vào học ngành và chuyên ngành đã đăng ký nhưng đủ điều kiện vào học ngành và chuyên ngành khác còn lại thì được chuyển học ngành và chuyên ngành khác còn chỉ tiêu và có điều kiện xét tuyển thấp hơn.
Trường vẫn có chế độ tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT. Hồ sơ dự thi để học tại Hà Nội (ký hiệu trường NTH) nộp cho cơ sở ở phía Bắc và thi tại Hà Nội, Vinh và Quy Nhơn. Hồ sơ dự thi để học tại TP.HCM (ký hiệu trường NTS) nộp cho cơ sở ở phía Nam và thi tại TP.HCM, Cần Thơ và Quy Nhơn.
Đối với hệ CĐ, trường dành 500 chỉ tiêu cho ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế. Hệ CĐ không thi tuyển mà lấy kết quả thi ĐH năm 2006 của những thí sinh đã thi khối A, D1,2,3,4 vào trường và các trường ĐH trong cả nước theo đề thi chung của Bộ để xét tuyển, trên cơ sở hồ sơ đăng ký xét tuyển.
Ngoài ra trường còn dành 3.400 chỉ tiêu đào tạo hệ không chính quy; 700 chỉ tiêu cho hệ hoàn chỉnh kiến thức từ CĐ lên ĐH (ngành Quản trị kinh doanh, chuyên ngành Kinh doanh quốc tế).
Các ngành đào tạo ĐH mới mở năm 2006
Từ năm học 2006-2007, Trường ĐH Ngoại thương được Bộ GD-ĐT cho phép tuyển sinh và đào tạo thêm 4 chuyên ngành mới hệ ĐH theo Quyết định số 4866/QĐ-BGD&ĐT, đó là các ngành Tài chính - Ngân hàng (chuyên ngành Tài chính quốc tế); ngành Tiếng Pháp (chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại); ngành Tiếng Trung (chuyên ngành Tiếng Trung thương mại); ngành Tiếng Nhật (chuyên ngành Tiếng Nhật thương mại).
1. Ngành Tài chính - Ngân hàng (chuyên ngành Tài chính quốc tế): Thi khối A, D1; mã ngành 410
Kể từ mùa tuyển sinh 2006, Bộ GD-ĐT cho phép Trường ĐH Ngoại thương mở ngành đào tạo Tài chính - Ngân hàng hệ ĐH chính quy gồm hai chuyên ngành: Tài chính quốc tế; Ngân hàng và thị trường tài chính. Chuyên ngành Tài chính quốc tế đào tạo cử nhân vững kiến thức cơ bản về tài chính - ngân hàng; có năng lực nghiên cứu, hoạch định chính sách và giải quyết các vấn đề chuyên môn trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng.
Sinh viên cũng được đào tạo các kỹ năng chuyên sâu về các nghiệp vụ ngân hàng quốc tế như Thanh toán quốc tế, Tài trợ thương mại quốc tế, Kinh doanh ngoại hối, Quản lý rủi ro tài chính; các hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán; tỉ giá và chính sách điều hành tỉ giá; thị trường tài chính và các định chế tài chính quốc tế; tiếng Anh chuyên ngành.
Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc ở ngân hàng Nhà nước, các Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính, ngân hàng, các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty chứng khoán, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và đầu tư quốc tế, làm cán bộ giảng dạy về các lĩnh vực tài chính - ngân hàng quốc tế tại các trường ĐH, CĐ.
2. Ngành Tiếng Pháp (chuyên ngành Tiếng Pháp thương mại):Thi khối D3; mã ngành 761 (thi tiếng Pháp học tiếng Pháp)
Đào tạo cử nhân Tiếng Pháp có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và khả năng sử dụng tiếng Pháp thành thạo trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, trong các doanh nghiệp; có khả năng làm công tác biên dịch, phiên dịch; có kiến thức kinh tế, kinh doanh và quản lý cần thiết để thích ứng với môi trường kinh doanh; hiểu biết về văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị và phong tục của các nước trong cộng đồng Pháp ngữ.
3. Ngành Tiếng Trung (chuyên ngành Tiếng Trung thương mại): Thi khối D1, D4; mã ngành 771 (thi tiếng Anh học tiếng Trung, thi tiếng Trung học tiếng Trung)
Đào tạo cử nhân tiếng Trung có kiến thức cơ bản về ngôn ngữ và khả năng sử dụng tiếng Trung Quốc thành thạo trong các lĩnh vực hoạt động kinh doanh, trong các doanh nghiệp; có khả năng làm công tác biên dịch, phiên dịch; có kiến thức kinh tế, kinh doanh và quản lý cần thiết để thích ứng với môi trường kinh doanh; hiểu biết về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị, phong tục của các nước nói tiếng Trung Quốc.
4. Ngành Tiếng Nhật (chuyên ngành Tiếng Nhật thương mại): Thi khối D1; mã ngành 781 (thi tiếng Anh học tiếng Nhật)
Đào tạo cử nhân tiếng Nhật cung cấp cho sinh viên những kiến thức tương đối rộng về ngôn ngữ, văn hóa - văn học Nhật Bản; rèn luyện và phát triển các kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Nhật ở mức độ thành thạo; có kiến thức kinh tế, kinh doanh và quản lý cần thiết để thích ứng với mọi môi trường kinh doanh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận