Đến với nghệ thuật như một liệu pháp

ĐOÀN BẢO CHÂU 07/04/2013 19:04 GMT+7

TTCT - Tiếng nhạc êm dịu cất lên, mỗi người nhận về một chồng tạp chí cũ, bút vẽ, màu sáp và có nhiệm vụ cắt dán, sắp xếp những hình ảnh gần gũi với chính mình nhất trên một trang giấy A3.


Giới thiệu những “công trình nghệ thuật” nhóm, kết quả của rất nhiều bất đồng và sau đó là hòa hợp trong quan điểm về nghệ thuật của từng người trong nhóm - Ảnh: Như Thủy

Sau 30 phút, từng người lần lượt nói về câu chuyện của mình trong từng “tác phẩm nghệ thuật” này. Đó là một phần của liệu pháp nghệ thuật (art therapy), hình thức trị liệu tâm lý từ phương Tây vừa bước đầu phổ biến tại Việt Nam.

Ngô Thúy Anh, 23 tuổi, chia sẻ câu chuyện của mình qua bức tranh trước mặt: “Tôi chọn hình ảnh những cô gái năng động và táo bạo, đi ngược mọi định kiến xuất hiện trong các tạp chí như mong ước mình cũng sẽ có một cuộc sống tự do, thoải mái như thế. Bên cạnh đó, tôi cũng cắt dán những chiếc mặt nạ trong lễ hội carnival ở Ý như một thể hiện về nhiều mặt nhân cách của cùng một con người”.

Tính cách bộc lộ qua sự lựa chọn

Liệu pháp nghệ thuật là cách tiếp cận tâm lý học dựa trên tư tưởng cho rằng tiến trình sáng tạo có giá trị hàn gắn và là một dạng thức truyền đạt không lời của các ý nghĩ và cảm xúc. Nó giúp chúng ta có thể khuyến khích sự trưởng thành cá nhân, gia tăng khả năng tự ý thức và hỗ trợ trong các khủng hoảng tâm lý. Nhà trị liệu chỉ quan tâm đến nhu cầu thẩm mỹ của cá nhân đó, khả năng tự bộc lộ bản thân trong quá trình sáng tác và sự gắn bó của cá nhân đó với tác phẩm.

Sau khi lắng nghe tất cả câu chuyện của người tham gia, bà Loyda Santolaria, thạc sĩ tâm lý người Tây Ban Nha từng có hơn 10 năm làm việc với liệu pháp nghệ thuật trong các dự án xã hội khắp nơi trên thế giới, đúc kết bằng một điều rất giản dị: theo các nghiên cứu khoa học, một cách ngẫu nhiên, hình ảnh bên tay trái thường thể hiện quá khứ của bạn, bên tay phải là mong ước tương lai, ở giữa là những gì bạn đang cảm nhận trong hiện tại và phần bên dưới của bức tranh là giá trị nền tảng bạn theo đuổi trong cuộc đời mình.

Tất cả quan sát một lần nữa và gật gù đồng ý, vài tiếng ồ à bất ngờ “đúng quá”, “hay thiệt, nhìn kỹ mới thấy đúng” cũng bật lên.

Liệu pháp nghệ thuật không đòi hỏi hai người phải trực tiếp trò chuyện với nhau mà thông qua đối tượng thứ ba là những yếu tố có liên quan đến nghệ thuật như hình ảnh, màu sắc, âm nhạc, điệu nhảy, phim ảnh... Qua thảo luận, những câu chuyện của bản thân sẽ được bộc lộ dễ dàng hơn, kể cả những vấn đề sâu kín.

Ví dụ, khi người hướng dẫn yêu cầu người tham gia chọn một màu sắc đại diện cho chính mình, cách lựa chọn và sự lý giải của họ sẽ thể hiện được phần nào tâm trạng, tính cách trong thời điểm đó.

Thạc sĩ Loyda hỗ trợ lý giải ý nghĩa của một tấm ảnh học viên đã chọn - Ảnh: Bảo Châu

“Người Việt Nam có bản năng nghệ thuật tuyệt vời”

Đó là nhận định đầu tiên của thạc sĩ Loyda Santolaria. Theo bà, có hai cách nhận định năng lực nghệ thuật của một nhóm người: cách thứ nhất là năng lực đến từ giáo dục, tức được cung cấp và nuôi dạy về nghệ thuật một cách bài bản trong không gian nghệ thuật có sẵn. Cách thứ hai là bản năng, xuất phát từ nền tảng văn hóa dân tộc kéo dài hàng ngàn năm. Và Việt Nam là một quốc gia như thế.

“Khi tôi vào nhà của người Việt Nam, nội thất luôn đối xứng, hài hòa, từ cách bày biện trên bàn thờ đến cách sắp xếp sách trên kệ, chén bát trên bàn ăn. Và khi tôi hỏi, mỗi người đều có ít nhất một sở thích nào đó liên quan đến nghệ thuật: thích hát, thích làm thơ, thích vẽ... Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho liệu pháp nghệ thuật phát triển tại Việt Nam” - bà Loyda phân tích sau khi có gần bốn năm sống và làm việc tại Việt Nam.

Một năm trở lại đây, với sự hỗ trợ và hợp tác của các đồng nghiệp Việt Nam tại We Link (một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ tư vấn và giáo dục tại TP.HCM), bà Loyda đã dành hết ngày cuối tuần để đứng lớp, từ những khóa học về liệu pháp nghệ thuật chuyên sâu kéo dài 12 buổi dành cho giới chuyên gia về tâm lý, y khoa, hoạt động xã hội, nhân sự... đến các buổi tiếp cận dành cho công chúng.

Lý giải cho sự tận tụy này, bà nói: “Cách đây 15 năm, khi muốn học về liệu pháp nghệ thuật trong tâm lý tôi phải đến Anh vì không ai ở nước tôi biết về nó. Nhưng chỉ ba năm sau, liệu pháp này rất phổ biến tại Tây Ban Nha với nhiều trường lớp đào tạo”.

Tham gia khóa học chuyên sâu đầu tiên về liệu pháp nghệ thuật, tiến sĩ Vũ Phi Yên, chuyên viên tư vấn và đào tạo Công ty Better Living, nhận xét: “Từ trước đến nay, ngành tâm lý học ở Việt Nam chủ yếu chú trọng đến não trái, tức là thiên về tính logic, phân tích vấn đề và nhận thức nhiều hơn là não phải, tức các vấn đề liên quan đến thói quen, tiềm thức, trong khi đây là nền tảng vô cùng quan trọng.

Thông qua hoạt động nghệ thuật, người tiếp nhận trị liệu có thể chợt được khai sáng nhận thức về nhiều gút mắc, đồng thời nhiều xung đột ẩn sâu trong tiềm thức được thể hiện thành các biểu tượng hữu hình, và những hành động biểu tượng mang tác động tích cực sẽ đem lại chuyển biến không ngờ. Những buổi học luôn làm tôi thấy vui vì có thể hình dung được nhiều ứng dụng để làm việc với thân chủ của mình.

Ví dụ, khi cho thân chủ nói ra những cảm nhận về hình ảnh do họ lựa chọn, tôi có thể thu được nhiều thông tin về vô thức của họ, đồng thời câu chuyện giữa hai bên cũng được khơi mở dễ dàng, thân chủ nói về các vấn đề của mình rõ ràng hơn hẳn”.

Nghịch ngợm với báo, tạp chí cũ và màu vẽ để tạo những “tác phẩm nghệ thuật” cho riêng mình - Ảnh: Như Thủy

Đối thoại với chính mình

Ở bước đi chập chững đầu tiên, phản hồi từ phía người tham gia là khá tích cực.

Bà Nguyễn Thị Minh Phương - điều hành nhóm thiện nguyện Nụ Cười, chuyên hỗ trợ trẻ em mồ côi bị ảnh hưởng của HIV/AIDS - cho biết: “12 buổi không phải là dài, nhưng ít nhất học xong khi nhìn từng bức vẽ của các em, tôi cũng đoán biết được phần nào những tâm tư, tình cảm giấu kín để kịp thời tâm sự, giúp đỡ các em”. Ngay cả những người làm trong ngành kinh tế, kỹ thuật cũng rất quan tâm đến liệu pháp nghệ thuật. Chế Quang Thọ (kiến trúc sư) là một ví dụ.

Anh giải thích: “Tôi không nghĩ rằng người hướng dẫn có thể là thần tiên giải quyết mọi tâm tư của mình, nhưng ít nhất liệu pháp này khơi mở cho mình một con đường. Chẳng hạn khi đặt ra một câu hỏi và chọn ngẫu nhiên một tấm ảnh, nói về nó với mọi người, tôi nhận ra câu trả lời dần dần hiện lên trong tôi, rất thông suốt”.

Với đa số buổi tiếp cận dành cho đại chúng, điều được mọi người tâm đắc nhất chính là có một buổi sáng hiếm hoi để lắng nghe bản thân, thông qua việc “nghịch ngợm” thoải mái với màu vẽ, bút sáp, âm nhạc, trò chuyện với những người xa lạ. Bà Thiên Nga, một phụ nữ ở tuổi trung niên, chia sẻ: “Điều tôi học được nhiều nhất là không đợi đến lúc rảnh rỗi mới lấy màu, lấy giấy ra vẽ. Có ngồi vẽ, tôi mới biết cảm giác thư thái và tự do như thế nào, như được trở lại với thế giới tuổi thơ đầy màu sắc”.

Hãy tập dành cho mình một khoảng thời gian nào đó trong ngày, nhắm mắt lại, bật nhạc lên và vẽ bất cứ điều gì bạn muốn, không nghĩ ngợi gì cả, sau đó bạn sẽ thấy mình bình tĩnh, sáng suốt hơn. Lời nhắn nhủ cuối buổi học của bà Loyda đã khiến không ít người vội vã lấy giấy bút ghi chú để nhớ và để làm khi về nhà.

 Cần nhiều thời gian kiểm chứng hiệu quả lâu dài 

Từng làm việc như một chuyên gia tâm lý tại Pháp trong nhiều năm với nhiều đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ vị thành niên và các vấn đề về gia đình, nhà tâm lý lâm sàng Anna Le Van Huy - hiện đang làm việc tại CMI (Centre Medical International) - Alain Carpentier Foundation, TP.HCM - cho biết:

“Thông qua các buổi học, tôi không chỉ trải nghiệm được liệu pháp nghệ thuật như một “bệnh nhân” mà còn có thể từ các nền tảng đó sáng tạo thêm nhiều cách thức khác để điều trị cho các thân chủ. Liệu pháp này cũng hỗ trợ tôi đẩy lùi được các cảm xúc tiêu cực và căng thẳng trong một tuần làm việc thông qua quá trình sáng tạo tự do.

Trong khi nhiều quan điểm tâm lý học khác chủ yếu xây dựng dựa theo các hình mẫu phương Tây, liệu pháp nghệ thuật mang đến một cơ hội chia sẻ mang tính “toàn cầu” hơn về mặt cấu trúc và những biểu tượng, ngôn ngữ cảm xúc.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều liệu pháp còn rất mới trong tâm lý học, dù liệu pháp nghệ thuật ngày càng được thừa nhận nhiều hơn trên khắp thế giới, nó vẫn đôi lần bị đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả lâu dài. Tất nhiên để trả lời được tất cả điều đó, chúng ta còn cần rất nhiều thời gian và công sức để kiểm chứng”.


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận