​Đến Thổ Nhĩ Kỳ “bỏ ống heo”

NGUYÊN TRÍ 30/07/2015 22:07 GMT+7

Giải bóng đá MLS của Mỹ hay Ấn Độ đang đối mặt với một đối thủ rất lớn trên phương diện tuyển mộ những cầu thủ “xế chiều”: giải Super Lig của Thổ Nhĩ Kỳ.

Van Persie được chào đón nồng nhiệt ở Fenerbahce - Ảnh: Reuters

Thời gian qua, Super Lig liên tục chào đón các tên tuổi như Lukas Podolski, Robin Van Persie, Luis Nani, Samuel Eto'o... Câu hỏi đặt ra là nhờ đâu giải đấu này có thể thu hút được nhiều tên tuổi đến vậy?

Câu trả lời nằm ở khoản thuế. Theo quy định, thu nhập cá nhân của các ngôi sao bóng đá tại Anh phải chịu mức thuế 45%, ở Bồ Đào Nha là 56,5%, thậm chí tại Thụy Điển là 56,9%. Trong khi đó, luật của Thổ Nhĩ Kỳ ghi rõ khung áp thuế cho các cầu thủ nước ngoài chỉ là 15%. Nhờ vậy, hàng loạt cái tên như Didier Drogba, Dirk Kuyt, Wesley Sneijder, Guti Hernandez... đồng loạt đổ bộ tới đây nhiều năm trước.

Đó là chưa kể các đội bóng ở Thổ Nhĩ Kỳ đối đãi những ngôi sao rất tốt. Trong quyển tự truyện The beautiful games of an ordinary genius, HLV Carlo Ancelotti kể lại tình tiết được Fenerbahce tiếp cận vào năm 1998 khi sẵn sàng đáp ứng các điều kiện như căn biệt thự ngay sát biển, xe hơi có tài xế riêng, chi phí đi lại từ Ý... theo như yêu cầu của ông.

Gần đây nhất, Robin van Persie trở thành cầu thủ nhận lương cao nhất Thổ Nhĩ Kỳ nhờ ký hợp đồng ba năm với Fenerbahce và hưởng mức lương 4,9 triệu euro/năm (chưa bao gồm các khoản thưởng). Đáng chú ý là Fenerbahce chèo kéo Ancelotti trong thời điểm vị thuyền trưởng này vừa bị Parma sa thải, còn Van Persie bị “đẩy” khỏi M.U do đã 31 tuổi và thi đấu nhạt nhòa mùa trước.

Rõ ràng chính sách chuyển nhượng của những “ông lớn” ở Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp giải đấu này nâng tầm chất lượng, từ đó trở thành đối trọng cực lớn với các giải ở Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận