Đêm của định mệnh ở Jerusalem

SÁNG ÁNH 16/05/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Ngày thứ bảy, 8-5 vừa qua trong lịch Hồi là ngày cầu nguyện quan trọng nhất thuộc tháng Ramadan, và được gọi là Laylat al Qadr, hay “Đêm của định mệnh”. Đây là đêm trời mở ra và ngay cây cỏ cũng rạp người chào, khiến nhiều trẻ con nghe nói thế cũng ráng thức khuya xem có thật không. Đây cũng là ngày an ninh Israel chọn để tấn công đền Hồi Al Aqsar tại Jerusalem trong khi đang có 80.000 người dự lễ. Lực lượng an ninh bắn lựu đạn cay, trái khói, pháo sáng… khiến 200 người bị thương, phía an ninh có 17 người.

Xin nhắc lại, thời điểm đang là tháng Ramadan, sẽ kết thúc vào ngày 13-5 và bắt đầu bằng Eid al Fitr - một dịp giống như Tết Nguyên đán của ta - với người Hồi có tầm quan trọng cũng như Giáng sinh với người Kitô. 

Dân Palestine biểu tình ở đền Hồi giáo Al Aqsar, Jerusalem. Ảnh: Reuters

 

Một mốc khác, năm nay theo lịch Do Thái thì thứ hai, 10-5 lại là “Ngày Jerusalem”, một ngày lễ quốc gia kỷ niệm sự kiện quân lực Israel “giải phóng” thành phố này năm 1967. Vào ngày này, các thành phần quốc gia khuynh hữu tại Israel sẽ diễu hành qua thành phố đến chỗ gọi là cổng Damascus.

Jerusalem là một thành phố ít ra đã 3.000 tuổi, hiện có gần 1 triệu dân, 60% Do Thái và 40% Ả Rập. Đây là thành phố Thánh của ba tôn giáo là Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. 

Tại sao lại như thế? Là vì cả ba tôn giáo này cùng một tổ, tức độc thần dòng Abraham. Với người Do Thái, Cựu ước là sách Thánh. Với người Kitô, Cựu ước và Tân ước là sách Thánh. Với người Hồi, Cựu ước, Tân ước và Koran là sách Thánh. Ba tôn giáo này đều coi Jerusalem là đất thiêng của họ.

Kẻ sống ngoài vòng pháp luật

Năm 1947, khi Liên Hiệp Quốc cắt đất Palestine cho Israel dựng nước, dự trù đây là một thành phố quốc tế quản lý. 

Trong chiến tranh lập quốc năm 1948, quân Israel chiếm một nửa (Tây Jerusalem) và quân Jordan chiếm một nửa (Đông Jerusalem). Đây là việc dụng binh của hai bên, không được luật pháp quốc tế công nhận, nhưng tạm thời trong 19 năm là như vậy, phân chia bởi một lằn ranh ngưng bắn.

Phố cổ Jerusalem được bao vây bởi tường thành Ottoman (đế quốc tiền thân của Thổ Nhĩ Kỳ) năm 1538. Phố này có 8 cổng và phân chia dưới thời Ottoman thành 4 khu vực, Kitô, Do Thái, Hồi và Armenia. Phía đông khu Phố cổ là khu vực bãi Núi Đền (Temple Mount). 

Năm 1948 nó thuộc phần Jordan đóng. Đến chiến tranh 1967 thì quân đội Israel chiếm được - và đây được coi là một chiến thắng hùng tráng và huyền hoặc. Sau 2.000 năm, người Do Thái, cụ thể là lữ đoàn dù của thượng tướng Motta Gur, đặt chân trở lại nơi này. 

Đây là nơi thờ phụng của người Do Thái, được dựng lên từ tận thế kỷ 6 trước Công nguyên, bị quân La Mã phá đi vào thế kỷ 1, rồi người Hồi chiếm đóng vào thế kỷ 7 và xây dựng 3 đền Hồi còn đến ngày nay. Việc Israel chiếm lại Jerusalem không được công pháp quốc tế công nhận nhưng làm gì nhau nào.

Israel là nước đoạt kỷ lục bị quốc tế lên án. Một mình quốc gia này bị Ủy ban Nhân quyền LHQ ra nghị quyết lên án 45 lần, chiếm một nửa số nghị quyết kiểu này tính cả thế giới. Riêng năm 2020, Đại hội đồng LHQ ra 23 nghị quyết thì 17 là để lên án Israel. Tức một mình Israel bị LHQ lên án gấp 3 lần cả thế giới còn lại! Rồi sao nữa? Chẳng sao hết.

Trở lại Jerusalem, Israel tuyên bố đây là thủ đô của họ từ năm 1949. Bao nhiêu nước trên thế giới công nhận chuyện này? 50 nước, 30 nước, 20 nước, hay chỉ có mình nước Mỹ? Câu trả lời là zero, kể cả Hoa Kỳ, trong 68 năm kể từ mốc năm 1949 đó. 

Tới năm 2017, chính quyền Tổng thống Donald Trump mới đơn phương công nhận. 14/15 nước tại Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu chống, nhưng vẫn bị một phiếu của Hoa Kỳ phủ quyết. Chính ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ Rex Tillerson còn ấm ớ: “Tổng thống nói thế không có nghĩa là quy chế Jerusalem đã được quyết định mà hai bên phải thương thuyết”.

Ngày 21-12-2017, đến lượt Đại hội đồng LHQ biểu quyết chuyện này, 128 phiếu chống, 35 phiếu trắng, 21 vắng mặt. Chỉ có 9 phiếu thuận, là Hoa Kỳ, Israel và 7 siêu cường Guatemala, Honduras, quần đảo Marshall Islands, Micronesia, Nauru, Palau và Togo. 

Cảnh sát Israel trong khu phố cổ Jerusalem. Ảnh: timesofisrael.com

 

Đó là sau khi ông Trump đã dọa sẽ cắt viện trợ nước nào bỏ phiếu chống và đại sứ Hoa Kỳ Nikki Haley cho biết sẽ ghi mấy nước bỏ phiếu chống vô “sổ thù vặt”.

Như vậy, làm chuyện ngoài vòng luật pháp quốc tế, theo các nghị quyết LHQ, thì Israel là vô đối.

Những tính toán của ông Netanyahu

Trở lại vấn đề hiện nay, tại sao lại có cuộc gây gổ vừa qua? Hai năm rồi, Israel phải trải qua 4 kỳ bầu cử quốc hội mà vẫn không có kết quả rõ rệt. 

Đương kim thủ tướng Benjamin Netanyahu tại chức 12 năm nay và trong bầu cử lần chót, tháng 3-2021, chỉ có 24,19% phiếu và 30/120 ghế quốc hội. Tại Israel, chính phủ phải nắm đa số ghế tại quốc hội là 61. Các kỳ bầu cử trước, ông Netanyahu có lần 36 ghế (tháng 3-2020), 33 ghế (9-2019), và 35 ghế (4-2019). 

Cho đến giờ, ông lãnh đạo chính phủ được là nhờ trao đổi, mua chuộc, thương lượng... với các đảng khác. Các đảng tại Israel thì rất lắm: bầu cử vừa qua có đến 39 đảng tham gia và 13 đảng có ghế. 

Liên minh chống Netanyahu lần này có lẽ thành công, nghe đâu là cuối tuần sẽ thành lập chính phủ mới vì phe chống Netanyahu được sự ủng hộ của 4 đại biểu thuộc khối Ả Rập.

Bản thân ông Netanyahu hiện đang phải hầu tòa về tội tham nhũng và vị trí cá nhân của ông rất bấp bênh, có khi phải bóc lịch không chừng. 

Bạn chí cốt của ông tại Mỹ là Trump và phò mã Jared Kushner đã ra đi, nên giờ ông cô độc lắm. Việc gây loạn có thể giữ ông lại, với hi vọng nhóm đại biểu Ả Rập thôi không ủng hộ phe đối lập nữa, hay 1-2 đảng be bé có thể nghiêng về phía hữu hơn?

Đụng độ lần này ở Jerusalem nổ ra sau một vụ quân lực Israel trục xuất dân Palestine khỏi nhà. Từ khi được Hoa Kỳ và siêu cường quốc đảo Palau công nhận thủ đô, chính quyền Netanyahu mạnh dạn hơn hẳn trong việc chiếm đất tại Đông Jerusalem, rồi trao cho dân định cư Do Thái từ nước ngoài đến. 

Đây được coi là chuyện sống chết của quốc gia vì người Do Thái nơi khác sang Israel là máu mới được tiếp. Họ di cư sang thì phải cho họ nhà, mà nhà thì lấy ở đâu ra? Lấy của dân Ả Rập là tiện nhất.

Tại khu vực Sheikh Jarrah của Jerusalem có 6 gia đình cư ngụ từ năm 1956 thì bị tòa án Israel ra lệnh trục xuất hồi đầu tháng 5. Họ có sổ đỏ của Jordan (quốc gia quản lý khu này 1949 - 1967), chứng tỏ là dân cố cựu ở đây, nhưng tòa Israel phán đây là đất cũ của người Do Thái trước 1948. 

Ông Netanyahu (phải) và nhà lãnh đạo Palestine Mahmoud Abbas. Ảnh: Getty Images

 

Kiểm tra sổ nhà đất tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia quản lý khu đất tranh chấp này trước Thế chiến I thì có phải vậy đâu. Nhưng chẳng lẽ nói đây là đất Do Thái 4.000 năm trước, nên tòa bảo: thôi, dàn xếp với nhau, người Ả Rập trả tiền thuê cho chủ nhà Do Thái vậy. 

Người Ả Rập, các gia đình bị “cưỡng chế di dời”, làm sao chấp nhận. Nhà họ đang ở mấy chục năm, giờ lại phải trả tiền thuê là sao? Chưa hết, tới tháng 8 này, sẽ lại có 7 gia đình khác dự kiến thuộc diện “di dời giải tỏa”.

Đây chỉ có vài hộ dân, tưởng là chuyện nhỏ, nhưng không hề nhỏ, vì nó cứ kéo dài không dứt và chỉ có thể giải quyết trong một bối cảnh lớn hơn. 

Thí dụ như thỏa thuận thành lập một quốc gia Palestine cạnh Israel và gọi là giải pháp hai quốc gia. Nó có khả thi không và tương lai thế nào thì không ai biết, chỉ biết là mọi thương thuyết bị đình chỉ từ năm 2014. Chính phủ Trump 4 năm qua giao toàn quyền cho cậu con rể “siêu bộ trưởng” (vốn là dân Do Thái) để mang lại hòa bình.

Nhưng từ đầu tới cuối, cậu phò mã chỉ làm những chuyện có lợi cho Israel. Dùng tiền Saudi và UAE để mồi chài, cuối năm 2020, Kushner thuyết phục được 4 nước Ả Rập: Bahrain, UAE, Sudan và Marốc, công nhận Israel và thiết lập bang giao. 

Tuy nhiên, không có giải pháp nào khả thi nếu không có sự đồng ý của đại diện quần chúng Palestine. Các đại diện này lại chia rẽ và mâu thuẫn nhau gay gắt. Đảng Palestine Fatah thế tục ở Bờ Tây là kẻ thù của phong trào Palestine Hamas quản lý khu vực bị vây hãm Gaza. ■

Lại Intifada?

Nếu xung đột ở Jerusalem lần này không lắng xuống thì có thể đưa đến tình huống mà các bên đều ngại là “Nổi dậy” (Intifada) lần thứ 3. 

Cuộc nổi dậy lần đầu 1987 - 1991 được thế giới biết đến qua hình ảnh trẻ em Palestine ném đá xe tăng Israel. 

Kết quả là hội nghị Madrid 1991 và thỏa thuận Oslo 1993, đến nay vẫn chỉ nằm trên giấy. Đỉnh điểm của xung đột lúc đó là khi Israel giết 21 người tại Núi Đền Jerusalem năm 1990! LHQ ra 2 nghị quyết liên tiếp lên án vụ này.

Cuộc nổi dậy thứ hai cũng nổ ra đúng chỗ đền Hồi Aqsa khi Thủ tướng Israel lúc bấy giờ Ariel Sharon đến thăm và phát biểu khiêu khích. Kết quả là 5 năm bạo loạn 2000 - 2005 khiến 3.000 người Palestine và 1.000 người Israel thiệt mạng.

Giờ, mối lo là xung đột bùng lên với hậu quả tương tự. Điều đã thấy đến nay là không có một giải pháp chính trị, thì sức mạnh quân sự cũng không thể thành công và mang lại ổn định lâu dài. 

Thêm xe bọc sắt, thêm súng, thêm hơi cay và thêm dùi cui mà có hòa bình là điều chưa từng thấy.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận