Để tồn tại!

KIM DUY 23/02/2017 23:02 GMT+7

LTS: Không chỉ dịp cuối năm, lễ lạt, tổng kết, cứ có “hội” là cánh chị em lại xì xầm chuyện bị cử đi tiếp khách cùng sếp cho thêm... xuân. Nó trở thành bước đệm cho không ít người trên bước đường thăng tiến, nhưng cũng là nỗi ngậm đắng nuốt cay của kiếp làm... nhân viên. Bạn có bao giờ lâm vào hoàn cảnh này? Bạn nghĩ sao khi có người nói chuyện này là bình thường?

Minh họa: Lê Đình Quì
Minh họa: Lê Đình Quì


Thú thật, trong cuộc đời hơn 30 năm làm công chức tôi chưa hề có một ý nghĩ “lợn gợn” nào trong đầu về việc mỗi khi tháp tùng với sếp đi tiếp khách. Nhớ lại cái thời cách đây 30 năm, chúng tôi, những công chức nhà nước trẻ, sống rất vô tư trong môi trường làm việc tương đối trong sáng. Tôi trải qua những thời kỳ các sếp trẻ, sếp lớn tuổi, sếp nữ...

Thời ấy trong sáng đến mức mỗi khi cơ quan có sự kiện, cánh trẻ bọn tôi “chưa hô đã xung phong”, rất thích được phân công đi... “tiếp khách”. Tuy nhiên, nhiệm vụ của chúng tôi khi ấy chỉ là đón đưa, mời khách đi ăn cơm, nói chuyện vui vẻ, kiểu gặp nhau, kết bạn.

Thậm chí, trong các bữa tiệc, bạn nào uống rượu được thì tiếp chuyện với các sếp, bọn chúng tôi không uống được thì “phá mồi” thoải mái. Chính vì thế, đến khi lập gia đình chúng tôi không hề gặp phải trở ngại nào từ các đấng ông chồng mỗi khi cơ quan có việc hay đi công tác với các sếp chẳng hạn.

Giật mình

Ấy vậy mà, suy nghĩ trong sáng của tôi có lần bị một người bạn đặt vấn đề: “Làm sao biết được trong những lần tiếp khách, đi công tác... nữ công chức trẻ không bị các sếp bắt cụng ly, lả lơi một chút và những công đoạn tiếp theo nữa?”.

Khi ấy tôi mới hiểu ra còn tùy môi trường làm việc, đối tác, công việc và phụ thuộc vào các sếp. Không phải ai cũng như chúng tôi!

Đến khi lên hàng “lão làng” ở cơ quan, tôi mới nhận ra điều đó là có thật, bởi chính tôi là phụ nữ mà cũng bị cuốn vào “cái guồng” đó hồi nào không hay. Những lần cơ quan có sự kiện, tôi phải điều động các nữ công chức trẻ, đặc biệt cô nào biết uống rượu.

Thế nhưng, với tôi, việc này hết sức bình thường. Tôi thấy trong các bữa tiệc có các em trẻ thì không khí sinh động, vui vẻ hẳn lên.

Thậm chí, nhóm “lão làng” có người còn nói thời bao cấp cái gì cũng thiếu thốn, bọn mình không được xinh tươi như các em bây giờ, lại quá cứng nhắc nguyên tắc, không uống được rượu đôi lúc cũng có chút thiệt thòi!

Cái nghĩa “thiệt thòi” còn là chúng tôi không có được một thời tuổi trẻ với nhiều quần áo đẹp, phong cách hiện đại, trẻ trung, năng động, tự tin giao tiếp... như thời “mở cửa”, đổi mới!

Sau này, cơ quan tôi có một sếp nữ chuyển về, là phó. Sếp biết uống rượu, xinh đẹp, ngoại giao rộng nên những sự kiện của cơ quan sếp trưởng hay “bán cái”, phần cũng vì sếp trưởng không biết nhậu nhẹt, lại có con nhỏ phải đưa đón mà vợ là giáo viên, có lớp dạy thêm ở nhà.

Tôi có tham dự vài lần những bữa tiệc tùng chiêu đãi cùng với sếp phó và thấy không khí rất vui nhộn. Không thể phủ nhận quyết định “thắng hay thua” trong công việc, phần phụ thuộc vào yếu tố tiếp khách rất nhiều.

Có những lời hứa, những kế hoạch quan trọng đạt được từ việc ngoại giao này. Với những hội nghị, hội thao trong ngành, trong tỉnh hay ngoài tỉnh, bắt buộc phải có lực lượng trẻ, hoạt bát, nhanh nhẹn, biết tiếp khách...

Tuy nhiên, đó chỉ là suy nghĩ một chiều của tôi, người cả đời làm công tác khoa học, một công việc ít va chạm hay cần các yếu tố “vui vẻ” để tạo thuận lợi cho công việc mà hoàn toàn chỉ là giao tiếp, tạo bầu không khí thân mật, cởi mở, dễ nói chuyện.

Nhìn rộng ra xã hội mới thấy một điều rằng, mối quan hệ thường quyết định tính chất công việc. Trong cái guồng chuyển động chung đó, ai đi chệch ra ngoài sẽ gặp khó khăn ngay.

Những câu nói đùa mà thật kiểu như làm việc thì nói chuyện nhậu, đi nhậu thì nói chuyện công việc, nghe qua để cười ào, vui vẻ, kiểu miếng trầu là đầu câu chuyện nhưng suy nghĩ sâu xa sẽ thấy ít nhiều chua xót!

Thậm chí, nếu có ai đó đặt vấn đề rằng đó là sự thất bại của guồng máy sẽ bị nhìn với ánh mắt chế giễu! Ở thời đại mà chuyện không bình thường hóa thành bình thường và người ta coi là điều hiển nhiên, tất yếu nó phải như vậy mới đúng quy luật thì làm sao đây?

Cái nào là công cụ của cái nào?

Trở lại vấn đề tiếp khách. Tính đa dạng của xã hội là đây. Nếu có người cho là không cần thiết, chỉ lấy cớ để lợi dụng thì cũng có ý kiến ngược lại. Khi có quan niệm cho rằng bàn nhậu không chỉ để ngoại giao mà còn là nơi quyết định tính chất công việc thì việc tiếp khách (theo nghĩa tiêu cực) vẫn là điều quan trọng.

Cái nền văn hóa thể hiện rõ nhất là ở đây. Sau một hội nghị, một buổi liên hoan, chiêu đãi tạo bầu không khí thân mật, đoàn kết là cần thiết và đương nhiên, đất nước nào cũng vậy.

Tuy nhiên, cái gốc văn hóa thể hiện tính chất của bữa tiệc; con người phải đặt ra quy ước và tuân theo quy ước. Nếu quy định bất thành văn đó là yếu tố chính quyết định sự thành công của công việc và lợi dụng nó như một chiêu bài nhằm cho mục đích không tốt thì cái guồng chuyển động sẽ theo quy luật không tốt. Người ta lợi dụng nó để làm chuyện không đúng.

Rượu vào thì lời ra, việc gì cũng có hai mặt, biết bao mâu thuẫn phát sinh từ đó bởi không ai dám khẳng định rằng mình luôn tỉnh táo khi đã có chút men. Bàn thảo công việc hay chỉ là ngoại giao bình thường, hiệu quả và hệ lụy luôn cho kết quả bằng nhau.

Và một khi người phụ nữ bị coi là “công cụ” thì đồng nghĩa với việc phá bỏ nhiều lễ giáo vốn được coi là thứ xa xỉ, hàng quý hiếm trong thời hiện đại!

Bởi tâm lý con người không ai giống ai nên luôn có những luồng ý kiến trái chiều. Theo ý tôi, quan trọng nhất vẫn là cái cốt lõi về văn hóa.

Anh bạn tôi, một hôm gọi điện khoe rằng đứa con trai mới ngày nào còn bé tí mà giờ đây đi làm đã biết tiếp khách, nói chuyện công việc bên bàn nhậu trông bản lĩnh lắm. Đến một lúc người ta cho rằng phải biết “mánh mung” mới tồn tại trong xã hội, mới mưu sự thành công thì bức tranh xã hội ấy sẽ như thế nào rất dễ hình dung.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận