Để tiền dự trữ ở đâu?

NGUYỄN VŨ 14/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Đến một nửa trong số 643 tỉ USD dự trữ ngoại hối của Nga bị các nước phong tỏa, đóng băng, không giao dịch được làm nảy sinh một quan ngại của khá nhiều nước khác: dự trữ ngoại hối nên có cơ cấu như thế nào và để ở đâu cho an toàn.

Đồng đôla Mỹ được sử dụng rộng rãi trong tài chính, thương mại, đầu tư quốc tế do người ta tin rằng đôla Mỹ trong tài khoản ngân hàng có giá trị y như đôla Mỹ tiền giấy; mọi giao dịch dựa vào quy luật được định hình và tuân thủ qua hàng chục năm giao thương quốc tế. 

Việc đóng băng tiền trong dự trữ ngoại hối của Nga đã làm lung lay niềm tin này, buộc người ta phải tính toán lại các biện pháp phòng chống. 

Đó là lý do nhiều người cho rằng cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã gián tiếp mở ra một giai đoạn mới trong tiền tệ quốc tế, các nền tảng tài chính tập trung hoạt động dựa vào niềm tin sẽ bị thay thế bởi tài chính phi tập trung dựa vào công nghệ.

 
 Ảnh: Financial Times

Có tiền còn phải lo chỗ giữ

Thật ra, chính Nga cũng lường trước rủi ro này nên đã toan tính cơ cấu dự trữ ngoại hối để tránh phụ thuộc vào đồng đôla Mỹ. 

So sánh giữa hai thời điểm cuối năm 2013 và giữa năm 2021, dự trữ ngoại hối của Nga có những thay đổi đáng kể: chẳng hạn vàng từ chỗ chỉ chiếm 8,8% đã tăng lên 21,7%, đồng nhân dân tệ từ chỗ 0% tăng lên 13,8%. Giảm mạnh nhất là tài sản bằng đôla Mỹ, từ mức cao đến 28,2% nay chỉ còn 6,6%.

Việc thay đổi cơ cấu như thế riêng đối với Nga cũng không giảm được nhiều rủi ro, bởi không chỉ các tài sản bằng đôla Mỹ của họ bị phong tỏa mà cả tài sản bằng đồng euro, bảng Anh hay yên Nhật cũng bị ảnh hưởng. 

Nhưng nhìn chung với các nước khác đang quan ngại mức độ an toàn cho kho dự trữ ngoại hối của mình, chắc chắn việc đa dạng hóa cơ cấu ngoại tệ sẽ diễn ra mạnh hơn và từ đó vai trò của đồng đôla Mỹ là ngoại tệ dự trữ có thể sẽ giảm sút, nhất là khi lạm phát ở Mỹ đang cao như hiện nay.

Hiện nay đa số dự trữ ngoại hối được duy trì ở dạng trái phiếu chính phủ bằng các ngoại tệ phổ biến trong giao thương quốc tế, trong đó đôla Mỹ vẫn chiếm ưu thế. 

Theo số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) do báo Financial Times trích dẫn, cơ cấu bình quân của dự trữ ngoại hối các nước gồm 59% bằng đôla Mỹ, 20% bằng euro, 6% bằng yen, 5% bằng bảng Anh và phần còn lại bằng các ngoại tệ khác. 

Nói “bằng đôla Mỹ” không có nghĩa toàn bộ bằng tiền mặt, mà đa phần là trái phiếu hay tài sản khác; với các ngoại tệ khác cũng vậy. 

Trái phiếu Chính phủ Mỹ là loại tài sản được nhiều nước mua làm dự trữ ngoại hối nhất; tính đến cuối năm 2021, có đến 7.700 tỉ đôla Mỹ trái phiếu được nước ngoài mua và cất giữ mà nhiều nhất là Nhật Bản và Trung Quốc.

Trái phiếu mà ngân hàng trung ương các nước mua làm dự trữ thường được cất giữ tại các trung tâm lưu ký chứng khoán của nước phát hành. 

Từ đó mới có chuyện một khi có lệnh cấm vận áp đặt lên một nước thì nước cấm vận mới dễ dàng ra lệnh cho các nơi nắm giữ tài sản của nước bị cấm vận phong tỏa các tài sản đó. 

Bài học của Nga buộc nhiều nước cân nhắc lại, không chỉ cơ cấu dự trữ ngoại hối mà còn cả cách quản lý tài sản ngoại hối để không rơi vào thế bị động.

Riêng với vàng, có khi vàng mua làm dự trữ cũng để nguyên ở nước khác chứ không đem về cất giữ ở nước mua. 

Theo Financial Times, từ năm 2013 đến năm 2017, Ngân hàng Trung ương Đức chuyển 300 tấn vàng từ New York và 374 tấn vàng từ Paris về Frankfurt sau nhiều năm để ở nước ngoài. Mục đích của Đức là cất giữ trên một nửa dự trữ vàng ở bên trong nước Đức. 

Một tỉ lệ lớn dự trữ ngoại hối của Nga đang ở dạng vàng, chừng 2.299 tấn, được cho là đang cất giữ tại Nga. Nga có thể bán lượng vàng này cho những nước không áp dụng cấm vận, nhưng cũng không phải là chuyện dễ dàng.

 
 Riêng dự trữ vàng của Nga tính tới tháng 2-2022 trị giá ước tính hơn 130 tỉ USD. -Ảnh: King World News

Các cách cất tiền thay thế

Quan ngại của các nước không chỉ dừng lại ở mức độ để tiền dự trữ ở đâu hay cơ cấu thế nào, họ còn nghĩ đến chuyện sử dụng đồng tiền kỹ thuật số quốc gia như một cách phòng tránh rủi ro triệt để nhất. 

Tiền giấy là trách nhiệm nợ của ngân hàng trung ương nước phát hành - ai nắm giữ có nghĩa ngân hàng trung ương nước đó thừa nhận có nợ người này chừng đó tiền. 

Thế nhưng khi tiền giấy đi vào tài khoản ngân hàng thương mại, nó không còn là nghĩa vụ của ngân hàng trung ương nước phát hành nữa mà nó trở thành nghĩa vụ nhận nợ của chỉ ngân hàng thương mại đó thôi. 

Đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (CBDC) mà nhiều nước nghiên cứu và một số nước đã phát hành thử nghiệm đã thay đổi cơ chế này, tức người nắm giữ CBDC luôn được ngân hàng trung ương nước phát hành nhận nợ dù tiền đó đang nằm trong ví điện tử.

Hiện Nga không chỉ cố gắng tái cơ cấu dự trữ ngoại hối để tránh bớt đồng đôla Mỹ, nước này còn nỗ lực chuyển sang sử dụng các loại ngoại tệ khác trong giao thương quốc tế. 

Chẳng hạn, vào năm 2013, đến 80% kim ngạch xuất khẩu của Nga là bằng đôla Mỹ, nhưng đến nay chỉ còn hơn một nửa được thanh toán bằng đôla Mỹ và phần còn lại đã chuyển sang euro và nhân dân tệ. 

Một khi Nga bị các nước phương Tây cấm vận, họ sẽ chuyển mạnh hơn nữa sang giao dịch bằng nhân dân tệ với Trung Quốc, đặc biệt khi Trung Quốc đang phát triển nhanh đồng nhân dân tệ điện tử. 

Giao dịch bằng CBDC sẽ diễn ra tức thời, không cần thông qua các ngân hàng hay định chế trung gian xử lý thanh toán.

Hiện các nước có thể phong tỏa dự trữ ngoại hối của Nga là bởi tài sản trong dự trữ ngoại hối này được cất giữ ở các định chế trung gian, có thể là ngân hàng trung ương hay ngân hàng thương mại các nước khác. 

Để lấy tài sản từ dự trữ ngoại hối ra bán nhằm hỗ trợ nền kinh tế, Nga phải phụ thuộc vào các định chế trung gian này, là nơi chịu tác động trực tiếp của lệnh cấm vận. Ngược lại, nếu tài sản dự trữ ngoại hối ở dạng CBDC, tức không cần định chế trung gian, thì khó lòng bị phong tỏa bằng bất kỳ lệnh cấm vận nào.

Một con đường né tránh các lệnh cấm vận khác là sử dụng tiền mã hóa. 

Trong khi hệ thống ngân hàng của các nước phải tuân thủ lệnh cấm vận một cách nghiêm ngặt như khóa chặt giao dịch với các cá nhân hay tổ chức có trong danh sách bị cấm vận, kể cả tiền của nhà nước, các hệ thống giao dịch tiền mã hóa lại không có sự nghiêm ngặt này. 

Chính phủ Nga cũng đang xây dựng đồng tiền kỹ thuật số cho riêng mình, tuy mới ở giai đoạn thử nghiệm, với kỳ vọng thuyết phục được các đối tác thương mại sử dụng loại tiền này mà không cần chuyển đổi sang đôla Mỹ hay euro, và họ sẽ tránh được các biện pháp cấm vận hay phong tỏa. 

Hiện ngân hàng trung ương các nước gồm Singapore, Malaysia, Úc và Nam Phi đang hợp tác với nhau trong một dự án mang tên “Project Dunbar”. 

Dự án xây dựng một hệ thống chung bao gồm tiền kỹ thuật số của các quốc gia này để thử nghiệm thanh toán không cần qua trung gian cũng không cần dùng hệ thống thông tin SWIFT.

Giả thử một ngân hàng Malaysia cần chi trả đôla Úc theo yêu cầu của khách hàng nhưng ngân hàng Malaysia không có tài khoản ở ngân hàng trung ương Úc. Thông thường trong trường hợp này người ta sẽ dùng SWIFT và một ngân hàng đại lý ở Úc để phối hợp thanh toán. 

Nhưng liên lạc qua SWIFT nhanh nhất cũng mất 5 phút và chậm thì có khi đến hai ngày. Chi phí trung gian cũng là một vấn đề, nhất là với các khoản kiều hối nhỏ, chừng 200 đôla mà phải chịu phí đến 6,3% thì quá cao.

Với các đồng tiền kỹ thuật số quốc gia trong dự án thử nghiệm, một ngân hàng Singapore có chi nhánh ở Sydney hoàn toàn có thể trao cho ngân hàng Malaysia một khoản tiền đôla Úc ở dạng kỹ thuật số rồi nhận lại một khoản ringgit tương đương cũng ở dạng kỹ thuật số. Giao dịch sẽ diễn ra tức thời, không tốn phí trung gian. Đó là một trong những cách hoạt động của đồng tiền kỹ thuật số quốc gia CBDC trong giao dịch quốc tế.

Thay đổi trong cơ cấu dự trữ ngoại hối của Nga

Tài sản/đồng tiền Cuối năm 2013   Giữa năm 2021

Vàng                      8,8%                     21,7%

Trung Quốc           0%                        13,8%

Pháp                     28,6%                   12,3%

Nước khác           3,4%                      10,7%

Nhật                     0,5%                      10%

Đức                     17,5%                     9,6%

Mỹ                       28,2%                     6,6%

Định chế quốc tế 1,6%                       5%

Anh                      8,6%                      4,5%

Áo                        0%                         3%

Canada                2,8%                      2,8%

(Nguồn: Ngân hàng Trung ương Nga, Bloomberg)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận