​Hợp nhất bộ máy Đảng và Nhà nước: Sẽ phụng sự dân tốt hơn?

NGUYÊN LÂM 09/12/2014 04:12 GMT+7

TTCT - Phát biểu của bà Đỗ Thị Hoàng - phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh - tại kỳ họp Quốc hội vừa qua với đề xuất hợp nhất bộ máy Đảng với Nhà nước đã thu hút sự chú ý của công luận.

Cải cách lớn về quản trị quốc gia, về thể chế luôn khó khăn và có hai mặt, nhưng không thể không làm.  Trong ảnh: các đại biểu dự họp Quốc hội kỳ 8, khóa XIII - Ảnh: Vương Hải Nam
Cải cách lớn về quản trị quốc gia, về thể chế luôn khó khăn và có hai mặt, nhưng không thể không làm. Trong ảnh: các đại biểu dự họp Quốc hội kỳ 8, khóa XIII - Ảnh: Vương Hải Nam

Ý kiến này gợi lại một vấn đề quan trọng bậc nhất trong thiết kế mô hình tổ chức thực hiện quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước trong quy trình ra quyết sách ở Việt Nam. Vấn đề này cần được nêu ra để có những thảo luận, góp ý nhiều chiều.

TTCT giới thiệu một trong những góc nhìn về chủ đề này.

Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Hoàng - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Hoàng - Ảnh: Việt Dũng

Sự vận hành hiện nay

Dù ở quốc gia nào, bản thân việc tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước đã phức tạp và khó khăn. Khi có thêm sự tham gia của các tổ chức khác, nhất là đảng cầm quyền, các mối quan hệ quyền lực sẽ càng trở nên phức tạp.

Ở Việt Nam, về mặt lý luận, bộ máy của Đảng chỉ lãnh đạo chính trị, còn bộ máy nhà nước quản lý. Nhưng trong thực tiễn có tình trạng song trùng, ví dụ Chính phủ có bộ, ngành nào thì Đảng cũng có các ban tương tự.

Hoặc là, mặc dù đại đa số đại biểu Quốc hội là đảng viên Đảng Cộng sản, nhưng như bà Hoàng nhận xét rằng các cơ quan Đảng đang “đứng ngoài Nhà nước, đứng trên Nhà nước, vừa chồng chéo về tổ chức, vừa đông về biên chế”.

Từ trước tới nay cũng đã có không ít người phát biểu tương tự, chỉ cần tìm lại những diễn đàn trên các báo góp ý cho văn kiện các kỳ Đại hội Đảng như năm 2006 hoặc 2011 đều có những ý kiến như vậy. 

Sự vận hành của hai bộ máy này không tránh khỏi hiện tượng chồng chéo, sự phối hợp thiếu đồng bộ, sự bao biện làm thay công việc Nhà nước của các tổ chức Đảng. Cách làm như vậy có thể dẫn đến sự trùng lắp trong việc ra quyết sách, hoặc có những trường hợp bàn ở bên Đảng, sau đó mới đưa ra Quốc hội ở dạng đã rồi.

Bộ máy nhà nước do phụ thuộc vào bộ máy của Đảng đã mất dần tính chủ động, sáng tạo và có xu hướng ỷ lại.

Bên cạnh đó, không chỉ có bộ máy nhà nước, bộ máy của Đảng các tổ chức chính trị - xã hội cũng mở rộng không ngừng, làm cho số lượng người ăn lương ngân sách nhà nước ngày càng nhiều, kinh phí ngân sách nhà nước nuôi các bộ máy đó ngày càng tăng.

Hợp nhất hóa hai bộ máy?

Từ thực tế trên đây, nhân thảo luận về Luật tổ chức chính quyền địa phương, bà Hoàng đề nghị không né tránh vấn đề nhất thể hóa Đảng và chính quyền.

Theo đó, Chủ tịch cần nhất thể với Bí thư, sáp nhập cơ quan như Tổ chức (của Đảng) và Nội vụ (của chính quyền), sáp nhập Thanh tra với Kiểm tra, sáp nhập Tuyên giáo với Thông tin truyền thông, sử dụng cơ quan giúp việc dùng chung giữa MTTQ và các đoàn thể. 

Cách đây vài năm, nguyên phó trưởng Ban Tổ chức trung ương Đảng Nguyễn Đình Hương cũng cho rằng nên mạnh dạn bàn cụ thể về sự tồn tại của các cơ quan Đảng như Ban Kinh tế, Ban Dân vận, Ban Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Nội chính. Ông lập luận bốn vị đứng đầu đất nước tất nhiên là những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và đó là sự lãnh đạo (của Đảng) rồi.

Trong Quốc hội, Chính phủ cũng có các ủy viên Bộ Chính trị. Những người giữ các cương vị quan trọng trong bộ máy của Đảng thì cũng đồng thời giữ những chức vụ quan trọng khác trong bộ máy nhà nước.

Trong Quốc hội, đảng viên chiếm đại đa số, phần lớn các ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng là đại biểu Quốc hội, chỉ có một ủy viên Bộ Chính trị không phải là đại biểu Quốc hội, còn lại các ủy viên Bộ Chính trị khác đều là đại biểu Quốc hội.

Thành phần tương tự cũng có thể nhận thấy trong HĐND các địa phương. Như vậy, phần lớn bộ máy của Đảng đã hiện diện trong bộ máy nhà nước. Không cần phải có các ban của mình thì Đảng cũng đã thể hiện sự lãnh đạo một cách “tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện”.

Tuy nhiên, khác với bà Hoàng, ông Hương cho rằng các cơ quan khác của Đảng không thể thay đổi được gồm Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo, Văn phòng Trung ương, Trường Đảng. Ban Tổ chức để chuyên về tổ chức cán bộ của Đảng; Ban Kiểm tra là để giữ kỷ luật Đảng nghiêm; Ban Tuyên giáo để đảm bảo giáo dục, kiểm tra công tác tư tưởng trong Đảng; Văn phòng để giúp việc cho Ban Bí thư, Bộ Chính trị và Ban chấp hành trung ương. 

Ngay trong diễn đàn Quốc hội đã có khá nhiều ý kiến đề xuất chủ tịch HĐND các cấp đồng thời là bí thư cấp ủy. Không những thế, theo các ý kiến đó, những chức danh chủ chốt trong HĐND như phó chủ tịch, trưởng và phó các ban của HĐND cũng cần có vị trí trong cấp ủy Đảng ở địa phương.

Điều này xuất phát từ thực tế là HĐND vẫn gặp lúng túng trong hoạt động, khi tiếng nói của cá nhân những người lãnh đạo trong bộ máy HĐND không có sức nặng cần thiết. 

Không chỉ là “xếp mâm này sang mâm kia”

Nhất thể hóa bộ máy Đảng với bộ máy chính quyền là điều đáng bàn thêm. Nhưng đáng bàn hơn là việc thay đổi tổ chức phải dựa trên cơ sở đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng chứ không phải chỉ là “xếp mâm này sang mâm kia” như lời ông Nguyễn Đình Hương.

Chẳng hạn hiện nay, đối với các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội của địa phương, cấp ủy Đảng thường trực tiếp giao cho UBND cùng cấp chuẩn bị trình ra trước Ban thường vụ Đảng hoặc tập thể cấp ủy Đảng xem xét, quyết định phương hướng, mục tiêu, giải pháp lớn.

Sau đó UBND xây dựng dự thảo các đề án để đưa ra HĐND thảo luận thông qua nghị quyết nhằm thể chế hóa các quyết sách của Đảng. Nhưng trong quy trình này của các đề án, UBND nhận chỉ đạo trực tiếp từ Ban thường vụ trong việc soạn thảo các dự thảo, vì thế các hoạt động ở công đoạn của HĐND như thẩm tra, xem xét, thảo luận và thông qua các nghị quyết của HĐND thường mang tính chất hình thức.

Vai trò của HĐND sẽ được phát huy tốt hơn nhiều nếu mọi đề án quan trọng về quy hoạch, kế hoạch, chính sách kinh tế - xã hội chỉ được đưa ra cấp ủy xem xét khi đã có sự thảo luận, tranh luận giữa UBND và HĐND. Việc này đòi hỏi mất thêm thời gian nhưng sẽ làm chất lượng các quyết định tốt hơn, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. 

Còn ở cấp độ quốc gia cần xác định rõ mô hình thể chế. Trong bất kỳ mô hình nhà nước hiện đại, một chính đảng nào đó đều nắm vai trò lãnh đạo, đặc biệt là đảng có đa số trong nghị viện. Vấn đề chỉ là tổ chức sự lãnh đạo đó như thế nào mà thôi.

Chẳng hạn theo mô hình đại nghị, toàn bộ ban lãnh đạo đảng cầm quyền (ví dụ như Công Đảng ở Anh) tạo thành nội các và nằm trong quốc hội. Tất cả đảng viên trong quốc hội tạo thành đảng đoàn quốc hội.

Việc tranh luận và hoạch định đường lối, chính sách của đảng xảy ra ngay trong đảng đoàn quốc hội. Mô hình thể chế ở Việt Nam hiện nay có nhiều yếu tố của mô hình đại nghị, ví dụ như Quốc hội thành lập Chính phủ, Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội.

“Cái gì có lợi cho dân thì làm”

Nếu đẩy cho hai bộ máy của Đảng và của Nhà nước giao thoa với nhau như trên thì cái lợi dễ thấy là có thể giảm bớt được nhiều cơ quan, nhiều người trong hai bộ máy này. Khi đó bộ máy của Đảng sẽ trở nên gọn nhẹ hơn rất nhiều, chỉ cần một số cơ quan chuyên trách những công việc liên quan đến nội bộ tổ chức Đảng.

Theo đại biểu Quốc hội Đỗ Thị Hoàng, việc nhất thể, sáp nhập này vừa đảm bảo tinh giản, vừa đảm bảo sự giám sát của nhân dân đối với các tổ chức Đảng và đảng viên, vừa tiết kiệm được nguồn lực và sự đóng góp của nhân dân. 

Nếu thiết kế lại mô hình tổ chức và ra quyết định cho đúng những nguyên tắc cơ bản của mô hình đại nghị như đã nêu ở trên, người ta hi vọng quy trình ban hành quyết định sẽ trở nên thống nhất, minh bạch và hiệu quả từ khâu sáng kiến về chính sách đến tranh luận, phê chuẩn chính sách.

Các bước trong quy trình ban hành quyết định sẽ mạch lạc hơn và bổ sung giá trị cho nhau: ban lãnh đạo đề ra chính sách, thảo luận trong Đảng đoàn nên sẽ có sự gắn kết, minh bạch, ra toàn Quốc hội thì có sự phản biện và tranh luận.

Quy trình như vậy cũng xác lập được chế độ trách nhiệm rõ ràng hơn (nếu việc này được tổ chức một cách thực chất và đúng nghĩa), rủi ro sẽ nhỏ đi.

Những bước đi chuyển tiếp như vậy, cũng như những cải cách lớn về quản trị quốc gia, về thể chế luôn khó khăn và có hai mặt: những lợi ích mang lại và những chi phí phải bỏ ra; người được, người thiệt. Nhưng nếu đặt lên bàn cân, lợi ích chung mang lại cho nhân dân, cho đất nước và cho chính bản thân Đảng thu được lớn hơn những khó khăn, những chi phí cần bỏ ra

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận