Để mỗi nhà khoa học đều truyền cảm hứng cho xã hội

MINH PHƯỚC 14/10/2013 23:10 GMT+7

TTCT - “Tôi làm khoa học chính bởi vì tôi kinh ngạc trước vẻ đẹp của thế giới và cảm nhận được sự bí ẩn khôn tả của nó” - mọi vấn đề trong câu nói này không hề thay đổi sau nhiều năm nghiên cứu khoa học và trở đi trở lại trong các tác phẩm của Trịnh Xuân Thuận.

Phóng to

Với Vũ trụ và hoa sen (*), ông tiếp tục với những đề tài tâm đắc nhất: bản chất của vũ trụ và những suy tư về sự tương thích giữa khoa học phương Tây với triết học phương Đông, đặc biệt là Phật giáo. Đặc biệt hơn, người đọc được tiếp cận với những tâm sự riêng tư của ông về cuộc sống, sự nghiệp và những cơ duyên khiến ông gắn bó với ngành vật lý thiên văn.

Trịnh Xuân Thuận có lý do để ưa thích dùng tiếng Pháp viết các tác phẩm của mình. Đối với ông, thứ tiếng này có đầy đủ các thuật ngữ cần thiết nhưng vẫn thể hiện được chất thơ của khoa học, và ông thấy thoải mái nhất khi sử dụng nó để biểu đạt cái đẹp và sự hài hòa trong mỗi cuốn sách.

Xuất thân từ một gia đình Nho giáo, học trường Pháp và sau đó được đào tạo khoa học theo kiểu Mỹ, ông thuộc thế hệ trí thức Tây học cuối cùng của Việt Nam trước giải phóng. Hoàn cảnh lịch sử đã đặt ông vào nơi hợp lưu của ba nền văn hóa, từ đó tạo nên một nhà khoa học có vốn kiến thức uyên thâm nhưng vẫn luôn là một người con của phương Đông.

Những câu hỏi mà Đức Phật và các nhà triết học Ấn Độ từng đặt ra luôn theo sát ông trong quá trình theo đuổi những nghiên cứu khoa học hiện đại nhất. Sự khao khát kiếm tìm vị trí của con người trong vũ trụ này chưa bao giờ lỗi thời, khi khoa học càng tiến xa thì càng nhiều vấn đề hóc búa xuất hiện và sự nhỏ bé của con người ngày một tăng lên.

Phần thứ nhất, “Tôi là ai: sự hợp lưu của ba nền văn hóa” chiếm một nửa dung lượng cuốn sách, chứa đựng những câu chuyện rất cá nhân về tuổi thơ, gia đình và cuộc chiến tranh Việt Nam mà tác động của nó đối với ông là không nhỏ dù ông sống xa đất nước. Những sự kiện bất ngờ trong thời kỳ này là một trong những động cơ khiến ông ngày càng say mê tìm kiếm sự liên quan giữa quy luật và sự ngẫu nhiên.

Tuy sớm tiếp cận với lối tư duy chính xác và nhiều năm miệt mài với những dữ liệu bất tận, nhưng công việc khoa học không đối nghịch với tâm hồn nhạy cảm của ông, ngược lại ông luôn để mình được dẫn dắt bởi những suy ngẫm mỹ học. Đề cao cái đẹp như một yếu tố của chân lý, ông cho rằng “quá trình sáng tạo khoa học gần gũi một cách đáng ngạc nhiên với sáng tạo nghệ thuật”.

Nhà khoa học cũng được vô thức và bản năng dẫn đường rất nhiều, họ cũng thấy phấn khích khi phát hiện một phương diện ẩn giấu của tự nhiên cũng như người nghệ sĩ khi sáng tạo tác phẩm, “vì trong một thời khắc ngắn ngủi đã được tiếp cận với chân lý vĩnh cửu”.

Trịnh Xuân Thuận là một trong số những nhà khoa học luôn kêu gọi sự thống nhất tư tưởng giữa khoa học phương Tây và triết học phương Đông để tìm ra cách tiếp cận vấn đề chân xác hơn, đồng thời đạt được tính nhân bản khi sử dụng các thành tựu khoa học. Nếu nhìn nhận quá rạch ròi, cứng nhắc thì khoa học sẽ vấp phải nhiều nghịch lý, trong khi đó cách quan sát của các nhà tư tưởng như Đức Phật hay Lão Tử lại soi rọi được nhiều khía cạnh không ngờ.

Luôn hướng tới sự hài hòa, ông không tán thành việc khoa học khép mình trong những đường hầm chuyên biệt mà mong muốn mỗi nhà khoa học đều truyền được cảm hứng cho xã hội. Bởi vậy ông rất chú trọng cách trình bày sáng rõ, uyển chuyển những vấn đề chuyên môn, như các loại vật chất huyền bí cấu tạo nên vũ trụ hay sự tương đồng trong những khái niệm của cơ học lượng tử và triết lý Phật giáo... để một độc giả vốn chỉ quen với sách văn học cũng dễ dàng hiểu được.

Về mặt này, Vũ trụ và hoa sen là một cuốn sách thành công và đầy sức cuốn hút, cung cấp cả kiến thức khoa học và những vấn đề tâm linh thú vị.

Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948) là nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt, một nhà văn đã viết nhiều sách có giá trị cao về vũ trụ học và sự tương quan giữa khoa học với Phật giáo. Ông còn là nhà thơ, triết gia, phật tử, nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. Ông đã nhận nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và văn hóa xã hội.

Nhiều sách của ông đã được dịch ra tiếng Việt, trong đó có: Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Lượng tử và hoa sen. Vũ trụ và hoa sen là tác phẩm mới ra đời năm 2011, đoạt giải Louis Pauwels năm 2012.

(*): Vũ trụ và hoa sen - Trịnh Xuân Thuận. Phạm Văn Thiều và Phạm Nguyễn Việt Hưng dịch, NXB Tri Thức, tháng 9-2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận