Để đời không hối tiếc...

KHẢI ĐƠN 04/09/2012 03:09 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt “Những việc lẽ ra tôi đã phải làm” kỳ này, TTCT giới thiệu hai bài viết về việc chuẩn bị hành trang vào đời. Dù ở tận phương Tây hay tại Việt Nam thì việc học từ những chuyến đi cũng là một bài học giúp người ta lớn lên không phải hối tiếc.

Phóng to
Minh họa: bích khoa

Vào tuổi 20, người ta chẳng có gì ngoài một đôi chân rất khỏe mạnh và một trái tim ít sợ điều gì chưa đến. Đó là những ngày tháng tốt nhất để đi và học về thế giới.

Trên các diễn đàn, người ta đã biến việc đi thành một thứ tôn giáo. Nào là phải mũ áo, phải xe máy, phải cung đường, phải bạn đồng hành. Thật ra thứ quan trọng nhất ở một con đường đó chính là bạn đi và nhìn ngắm thế giới.

Đi và chăm chú ngắm nhìn

May mắn cho tôi, vào tuổi 20 tôi không cắm đầu chạy để chinh phục các cung đường hay đi theo hội này hội kia. Đi mà nhắm mắt lại trong cái thế giới quen thuộc của mình thì chẳng ý nghĩa gì, nên ở nhà cho xong. Khi đi một mình, tôi được gặp gỡ, trò chuyện, được chạm tay vào sinh hoạt thường ngày, được nói chuyện với những số phận khác biệt trong đời. Nhiều ứng xử của người đã gặp sau này lại là bài học để chính tôi sử dụng với hoàn cảnh của mình.

Tôi thích mê những ngọn núi, vì đi lên từng bước thật mệt mỏi, cứ một quãng cảnh quan lại thay đổi, gặp cả những người sống suốt đời trên núi. Lên đến đỉnh núi, thật ra chỉ là một dấu chấm hết cho một câu văn, chẳng còn gì nhiều thú vị ngoài việc thấy một thế giới bên dưới thấp hơn một chút. Còn sự thú vị của cỏ cây, con đường, lời trò chuyện với người xung quanh, hay đơn giản nhất là bạn làm sao để đạp đúng chân vào đúng chỗ mà bước, đó là một hành trình thật sự, vui nhất là khi đi.

Vào năm 20 tuổi, tôi đã không từ chối bất cứ cơ hội nào để đi... lung tung. Vì ở đó tôi thấy người ta sống các cuộc đời khác, gặp các biến cố, đau khổ, tâm trạng. Tôi thấy cách ăn mặc khác, nói năng, sinh hoạt, tập tục khác. Mọi bài học đều không thừa. Nó dạy tôi sống cởi mở hơn và ít thấy những điều sợ hãi nghiêm trọng vây quanh. Nếu như tốn quá nhiều thời gian để nghi ngờ hay lo sợ về một điều gì đó, tốt nhất là nên gặp trực tiếp những góc cạnh khác của chính nó, trong đời sống thường ngày. Khi thấy đủ nhiều rồi thì bạn chẳng có gì sợ nữa.

Tôi thấy người ta hay sợ cánh lái xe quốc lộ, bảo rằng họ hơi côn đồ, có thể làm gì đó nguy hiểm và thường hay dính tới tệ nạn này nọ. Đi thật nhiều rồi thì hiểu cuộc sống của họ quá gian nan, khắc nghiệt, đôi khi khổ sở và căng thẳng đến mức chẳng có gì giải trí, thư giãn, những yếu tố góp phần hình thành họ như vậy. Nhưng những người lái xe rất hay giúp đỡ nhau vô điều kiện trên đường, rất hay giúp đỡ người lỡ đường gặp trắc trở, chia sẻ và bảo vệ người yếu trên đường xa. Những bài học như vậy, chính các con đường đã dạy tôi.

Tận hưởng cuộc sống thật vui

Hãy tưởng tượng năm 75 tuổi bạn rất giàu có. Bạn chi tiền để đi du lịch. Nhưng 75 tuổi thì không thể lái xe máy chạy vòng vòng khắp nơi, không thể đeo 15kg hành lý trên lưng đi lang thang. Ở tuổi ấy và sự giàu có, bạn chỉ có thể ngồi trong khách sạn 5 sao và nặng nề ngắm nhìn thế giới trôi qua trong ngày tháng cuối cùng.

Ở tuổi 20, bạn không một xu dính túi. Nhưng trẻ thế này bạn làm cách nào chả tìm ra cách để đi. Tôi đi làm, kiếm tiền, tiết kiệm và biến lên đường ngay khi tìm được lúc. Tôi có cả ngàn lý do để từ chối chuyến đi. Thời gian eo hẹp quá. Tiền phải để mua xe, mua nhà. Người yêu không muốn mình đi. Cha mẹ ở nhà lo lắng. Nhưng tất cả lý do ấy chỉ dẫn đến một đáp án duy nhất: thật ra bạn không muốn đi.

Có nhiều người tin rằng người ta chỉ đi du lịch khi đã hoàn toàn giàu có và sung túc. Du lịch là một thứ giải trí. Còn với tôi, đi là cách để học các thứ mình thiếu thốn trong cuộc sống tù đọng và bó hẹp của mình. Đi để nhìn thấy xung quanh, thấy bản thân mình, thấy tất tần tật những gì khác thường so với cuộc sống mòn mỏi và đơn điệu xung quanh mình.

Từ đó thấy yêu, thấy vui, thấy học được nhiều chuyện mới mẻ. Chẳng thừa đi đâu cả, rồi tôi sử dụng tất cả những thứ ấy vào cuộc sống của mình trong mỗi ngày. Tôi tự động viên mình vượt qua cái khó, như khi tự nói mình cố gắng đi hết 100km cuối cùng trong mưa. Tôi tự thấy mình chiến thắng khi làm xong việc nào đó, tuy nhỏ nhặt nhưng rất khó với mình. Tôi tự thấy mình vui vẻ, vì biết rằng nếu mình có khổ sở cô đơn dằn vặt mãi cho một ai đó thì cả thế giới này cũng không thể biết đến hay gánh chịu hộ mình. Cuộc sống về cơ bản là vui vẻ, nhiều màu sắc và đáng để tận hưởng.

Tôi cũng biết nếu mà ráng chăm chỉ cày cuốc chờ đến 75 tuổi (giả thiết không chắc chắn là giàu có), tôi chẳng tin mình có thể lái xe hàng trăm kilômet hay đi bộ suốt một tuần trong một thành phố xa lạ như bây giờ.

Thế thì thật đáng tiếc cho một thời trai trẻ chẳng biết đi đâu...

Sự trưởng thành bắt đầu từ đâu?

1. Những người Việt định cư lâu năm tại nước ngoài khi về thăm quê hương thường có nhận xét chung là thanh niên Việt thành thị ở độ tuổi

16-20 hiện nay không tự lập cao như các bạn cùng lứa tuổi các nước. Đa số hay ỷ lại vào những người xung quanh, từ thầy cô ở trường tới cha mẹ, ông bà, cô dì... Thanh niên các nước từ 18 tuổi dẫu không phải kiếm tiền phụ giúp gia đình cũng lo làm thêm, nhất là trong các dịp nghỉ hè, nghỉ đông để có tiền sắm sửa, đi du lịch mà không phiền tới cha mẹ.

Tại các nước thuộc khối Scandinavia, tuy trẻ em có tiền trợ cấp từ khi sinh ra cho tới năm 18 tuổi nhưng vẫn có nhiều thanh niên tranh thủ đi làm thêm trong các kỳ nghỉ, từ bán hàng, làm dịch vụ trong mùa du lịch, thu hoạch trái cây, hoa tại các nông trang tới giữ chó mèo cho các gia đình đi nghỉ hè, dành dụm tiền để mua xe, thuê căn hộ riêng. Sự trưởng thành bắt đầu từ độc lập về tài chính. Nhiều người cũng tranh thủ thời gian nghỉ để tham gia những chuyến công tác xã hội tự nguyện.

2. Thanh niên từ 16 tuổi trở lên là có thể đăng ký tham gia những lớp học hè tại các nước đang phát triển hay thuộc thế giới thứ ba, kết hợp du lịch với công tác xã hội, văn hóa theo đặc thù của địa phương, từ tham gia những đoàn khảo cổ, khảo sát hay nghiên cứu, làm công tác bảo vệ môi trường, biển, động vật hoang dã... đến dạy tiếng Anh, chăm sóc trẻ thiểu năng, trồng cây rừng, đào giếng... Chỉ riêng tổ chức Projectsabroad (trụ sở chính đặt tại Anh) đã thu hút 10.000 thanh niên Đan Mạch tham gia trong năm 2011.

Tại Việt Nam thì Projectsabroad có chương trình chăm sóc trẻ bị bệnh Down bằng phương pháp vật lý trị liệu, chăm sóc trẻ câm điếc tại Hà Nội, dạy tiếng Anh tại các trường cấp II, III vùng xa... (*). Người tham gia ngoài vé máy bay sẽ tự trả chi phí sinh hoạt ăn, ở. Thí dụ như tham gia công tác y tế, xã hội tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ phải trả trung bình 13.450 Kr (khoảng 2.400 USD)/tháng (lương trung bình của một sinh viên Đan Mạch mới ra trường khoảng 18.000-20.000 Kr trước thuế).

Tuy chi phí cao hơn một chuyến du lịch bình thường nhưng họ lại có được những trải nghiệm quý báu trong cuộc sống, có cơ hội đi đến những nơi mà khách du lịch bình thường không đặt chân tới, làm được những chuyện có ý nghĩa cho người khác và nhất là tập cho mình thích ứng với những môi trường xa lạ và không hề tiện nghi như khi ở nhà.

3. Tất nhiên khi thanh thiếu niên có tính tự lập cao quá hay độc lập về tài chính quá sớm thì cũng có những hệ lụy của nó, nhưng đối với người Đan Mạch thì những rủi ro ấy không đáng kể so với sự phát triển của tuổi trẻ. Theo kết quả khảo sát của tổ chức EU Kids Online, được công bố đầu tháng 7-2012, đối với phụ huynh Đan Mạch, mối quan tâm cao nhất là sự học của con cái (chiếm 54%), chuyện trẻ em bị chúng bạn bắt nạt rồi tới tai nạn xe cộ.

Nguy cơ bị dụ dỗ vào chuyện xấu qua mạng chỉ chiếm 29% cho dù Đan Mạch có tỉ lệ người tham gia các mạng xã hội cao nhất thế giới - gần một nửa dân số có tài khoản Facebook. 17% phụ huynh lo con mình nghiện rượu hay sa vào ma túy các loại và chỉ có 9% phụ huynh lo con mình gặp rắc rối với cảnh sát (nguồn: EU Kids Online, Center for Digital Paedagogik). Điều này không có nghĩa là người Đan Mạch ít quan tâm tới con cái, chỉ là họ đã tập cho trẻ em tính tự lập từ rất nhỏ!

____________

(*): http://www.projects-abroad.dk/projekter, http://www.facebook.com/ProjectsAbroadDK

___________

Tin bài liên quan:

Không hối tiếc cũng là một cách học
Tôi muốn thêm vào những tình yêu thương
Một chuyện "điên rồ" của tôi
Tuổi 20 của mỗi người
Thưở đôi mươi lặng thầm của tôi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận