Để đi đường đỡ phải chết oan!

THIÊN DI 18/03/2013 21:03 GMT+7

TTCT - Ngày càng có quá nhiều tai nạn thảm khốc như tai nạn tuần trước ở Cam Ranh, Khánh Hòa (ảnh). Có cách nào giảm bớt nhanh những bất trắc rình rập trên đường hay không? Có thể được, nếu thử tham khảo kinh nghiệm nước ngoài và khuyến cáo của WHO.



Ảnh do cơ quan công an Khánh Hòa cung cấp

Trong năm 2012, toàn quốc đã xảy ra 36.376 vụ, làm chết 9.838 người, bị thương 38.060 người, giảm 17% về số vụ, 14% số người chết và 20% số người bị thương so với năm 2011. Tổng số xe hơi trong cả nước là khoảng 1,5 triệu xe, xe máy 35 triệu, gộp chung là 36-37 triệu xe có động cơ. Tai nạn chết người như vậy nhiều hay ít?

Tạm so sánh với Pháp sẽ thấy ngay nhiều hay ít: đầu năm 2012 cả nước Pháp có 38 triệu chiếc xe hơi, song cả năm 2012 số người chết vì tai nạn giao thông cả nước Pháp chỉ là 3.645 người! 

Xem như số đầu xe ở Pháp tương đương ở Việt Nam, thậm chí còn hơn 1 triệu chiếc, song số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông chỉ bằng 37% so với ở Việt Nam!

Nhận thức kém, ý thức kém?

Vậy mà ở Pháp, tốc độ đường trường cho phép trên xa lộ cao tốc là 130km/giờ, trên đường hai làn mỗi bên có dải phân cách ở giữa là 110km/giờ, 90km/giờ trên các đường khác, trong khi ở Việt Nam tốc độ tối đa cho phép trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương là 100km/giờ! Tại sao người ta lái nhanh hơn ta đến 30% vận tốc mà số tai nạn chết người chỉ bằng 1/3 (nếu tính luôn số xe nhiều hơn ở Việt Nam hơn 1 triệu chiếc)?

Giải thích quen thuộc ở Việt Nam là “một số nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn giao thông như uống rượu bia điều khiển phương tiện, chạy quá tốc độ quy định, lấn làn, lấn luồng, không chấp hành, thậm chí chống người thi hành công vụ, vẫn còn diễn ra phổ biến”, theo tổng kết của Bộ GTVT mà báo Nhân Dân đăng lại.

Chuyện người Việt coi thường luật giao thông và sinh mạng của người khác cùng chính mình đã khét tiếng trên báo chí quốc tế và trong truyền khẩu. Ấy vậy mà Việt Nam lại là nước treo băngrôn tuyên truyền an toàn giao thông đỏ rực phố phường. 

Quy mô kế hoạch tuyên truyền an toàn giao thông rất lớn, từ “tăng cường tuyên truyền trực quan, sử dụng thông điệp, panô, apphich, tờ rơi, băngrôn, khẩu hiệu, triển lãm tranh ảnh, các hội thi” đến “tổ chức và tuyên truyền sản phẩm từ các cuộc vận động sáng tác âm nhạc, phim ảnh, văn học nghệ thuật về an toàn giao thông...”.

Kết quả là vào những tháng “chiến dịch”, dày đặc khẩu hiệu rất kêu như “An toàn giao thông - trách nhiệm của mỗi người”, “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”, “Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường”, “Quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt”...

Người kẻ khẩu hiệu cứ kẻ, người treo cứ treo, không rõ có để ý xem người đi đường, lái xe hơi hay xe máy có thể rảnh tay lái, thuận mắt để đọc được hết các loại khẩu hiệu lớn bé đó? Và đọc xong có tăng nhận thức gì hơn về việc phải lái xe, đi đường như thế nào cho an toàn hơn, cho đúng luật? 

Nhận thức chỉ có khi hiểu luật, thuộc luật, tóm gọn luật trong một vài nguyên tắc cơ bản như “STOP” khi ra khỏi nhà vù xe từ trên vỉa hè xuống đường, ra đến đầu hẻm, đến ngã ba, ngã tư... hay từ một tòa nhà (trường học, công sở...) nào đó và ngó trái!

Ở các nước, tấm bảng “STOP” hầu như được treo một cách “hệ thống” để người lái xe đến đó phải thắng đứng xe lại, riết rồi thắng đứng khi đến giao lộ trở thành bản năng chờ xe bên kia ưu tiên! Có những nước cẩn thận vạch hẳn xuống mặt đường “LOOK RIGHT” (Ngó phải), qua nửa phần đường kẻ “LOOK LEFT” (Ngó trái)...!

Trong khoa học truyền thông có quy tắc “Chỉ cụ thể cho làm, đừng nói suông” (Show, don’t tell!). Thiết nghĩ trong giáo dục an toàn giao thông cũng thế, cho dù có thuộc cho bằng hết những khẩu hiệu treo cùng khắp, đố ai chưa học lái xe hoặc bằng dỏm biết được phải lái xe như thế nào cho đúng luật, cho an toàn. Nhận thức chưa hoặc không có thì lấy gì ý thức? Hậu quả là ai muốn chạy xe như thế nào cứ việc, đi ẩu hay đi ngược chiều có va chạm cũng lớn tiếng cự người bị va phải, chuyện thượng cẳng chân hạ cẳng tay không hiếm.

Trong khi đó lại rất thiếu các biển báo đúng nơi, đúng chỗ! Đầu tiên là các tấm bảng “STOP” ở các giao lộ, phía đường không ưu tiên để người đi đường tự khắc biết mình đang không ưu tiên, phải thắng xe, nhường xe đường kia ưu tiên qua trước. Nguy cơ đâm đầu vào nhau sẽ giảm thiểu một cách hệ thống chứ không chỉ trông vào khả năng tránh xe...! 

Riết rồi sẽ nhập tâm thế nào là ưu tiên/không ưu tiên, rồi hình thành ý thức. Nói đơn giản là nếu ra khỏi nhà, ngõ hẻm, cơ quan, đến ngã ba, ngã tư mà biết STOP và ngó trái cũng đã bớt nguy cơ bị xe từ phía trái húc vào rồi!

Kế đến là những tấm bảng chỉ đường. Vô số bảng như bảng quy định tốc độ cho từng loại xe bé tí xíu, chi chít chữ, sát ngã rẽ mới treo làm sao đọc cho kịp? Trong khi theo quy ước, cả thế giới sử dụng ngôn ngữ ký hiệu để kẻ biển báo giao thông và hệ thống ký hiệu đó toàn cầu đều hiểu. Những thí dụ trên cho thấy nhu cầu sửa đổi, thay mới cách phổ biến, tuyên truyền, chỉ dẫn giao thông sao cho người dân dễ lĩnh hội, hiểu và nhớ là vô cùng cấp thiết.

Chỉ do người dân nhận thức kém, ý thức kém?

Đọc cả kế hoạch hành động “Năm an toàn giao thông” chỉ thấy quy lỗi về phần người dân nhận thức, ý thức kém mà gây ra tai nạn, từ đó đề ra mục tiêu “Thay đổi nhận thức và ý thức của người tham gia giao thông”. Trong khi đó chưa thấy đề cập đến lỗi của phía cung cấp hệ thống giao thông là Nhà nước, như thể hệ thống đường sá đã là toàn bích.

Trong khi đó ở các nước, theo báo cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2004 về phòng ngừa thương tật do tai nạn giao thông (World report on road traffic injury prevention: Summary), không chỉ người trực tiếp gây ra tai nạn mới phải chịu trách nhiệm, mà cả các tác nhân gián tiếp gây ảnh hưởng như: “Thiết kế và hoàn tất con đường, bản chất chiếc xe, luật giao thông cùng việc thực thi luật giao thông tác động đến hành vi khi giao thông trên các con lộ quan trọng.

Ở nơi nào có văn hóa giao thông an toàn, ở đó những nhà cung cấp các hệ thống giao thông, người thực thi pháp luật giao thông, từ nhà sản xuất xe, nhà quy hoạch đường sá, kỹ sư an toàn giao thông, cảnh sát, nhà giáo dục, nhân viên y tế (cấp cứu) đến nhà bảo hiểm, đều phải chịu trách nhiệm đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ của họ phải đạt tối đa các chuẩn an toàn giao thông”.

Trong số các tác nhân “gián tiếp” đó có những nhà “thiết kế và hoàn tất con đường”, nhà “quy hoạch đường sá, kỹ sư an toàn giao thông...”, tức phía cung cấp đường sá. 

Nguyên tổng thống Brazil Luis Inácio Lula da Silva có phát biểu được trích dẫn trong báo cáo trên, đã tóm tắt vấn nạn của các nước đang phát triển như sau: “Sự thiếu hạ tầng cơ sở thích hợp cùng với sự thiếu một khung pháp luật điều phối làm tai nạn cứ gia tăng theo cấp số nhân một cách đáng lo ngại”. Đây chính là trách nhiệm của nhà cung cấp đường sá đủ an toàn hay không.

Ở Pháp, trách nhiệm về sự an toàn của đường sá được mặc định cho nhà nước. Pháp luật định nghĩa một cách “kinh điển” khuyết điểm trong bảo dưỡng đường sá như là một trục trặc trên công lộ vượt quá khả năng tự xử lý của bất cứ người tham gia giao thông nào. Chính vì thế mà người dân có thể kiện nhà nước vì một vũng dầu nhớt trên mặt đường, một ổ gà, đá sỏi..., cho dù là ra tòa hành chính các quan tòa vẫn thường nghiêm khắc với người tham gia giao thông...

Tất nhiên không phải lúc nào người dân cũng cần kiện cáo. Ở Mỹ, năm ngoái cư dân hạt Houghton (Upper Michigan) đã bực bội khi đường sá sau mùa đông tuyết tan bị lầy lội, ổ gà, ổ voi... đã phản đối kịch liệt, năm nay sở công chính đang chuộc lỗi bằng cách 3, 4 giờ sáng đã cho xe ủi ra dọn tuyết để cư dân giao thông được vào đầu buổi sáng. 

Ở Malaysia, đầu tháng 3 năm nay, cư dân ở Brickfields đâm đơn phản đối lên Tòa đô chính Kuala Lumpur về một ổ voi ở giao lộ Jalan Thambi Abdullah 1, và nhà nước nhận trách nhiệm.

Một khi đã nhận ra trách nhiệm bảo dưỡng duy trì sự an toàn của đường sá sao cho đừng vượt quá khả năng tự xử lý của người lái xe là thuộc về nhà nước, có thể nhìn lại tai nạn thương tâm ở Cam Ranh khiến 12 người thiệt mạng, 61 người bị thương: tuy chưa khẳng định rằng vệt bùn dày dài 100m tại khúc cua tang tóc có là nguyên nhân khiến một tài xế lạc tay lái mà gây ra tai nạn hay không, song cùng với việc trước đó vài phút một xe container bị lạc tay lái do trơn trượt cũng tại chỗ này, buộc phải đặt câu hỏi: thanh tra giao thông tỉnh đó đã ở đâu mà không thấy vệt bùn đó?

Tỉnh thành nào cũng có thanh tra giao thông được trang bị phương tiện tuần tra đầy đủ, nhưng chủ yếu vẫn có tiếng là phạt xe tải, chứ không được tiếng là thanh tra tình trạng đường sá, báo động đâu có ổ voi, ổ gà, đâu có cột điện mọc giữa đường, đâu có cây cầu sút đinh, đâu có vệt bùn, cát, nhớt đổ...? Hay đó chẳng phải là chức trách của thanh tra giao thông? Ai chịu trách nhiệm về sự mất an toàn của những con đường và về những tai nạn xảy ra từ sự mất an toàn đó?

Nếu đích thực vệt bùn là nguyên nhân gây mất lái, tài xế xe chở bùn chịu trách nhiệm vương vãi gây hậu quả nghiêm trọng, thì ai khác nếu không phải là cơ quan giao thông công chính chịu trách nhiệm vì không phát hiện, cảnh báo, xử lý...

Có những vấn nạn tưởng chừng như nan giải, song chỉ cần “nhúc nhích” một chút là có thể tháo gỡ được ngay và với thật ít chi phí. Hai cây cầu vượt qua ngã tư Hàng Xanh và ngã tư Thủ Đức đã rút ngắn chuyến xe TP.HCM - Đồng Nai tối thiểu nửa giờ, thông thoáng suốt qua khỏi Suối Tiên là một ví dụ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận