![]() |
Biểu diễn cồng chiêng tại Festival hoa Đà Lạt (12-2005) |
Ngày 5-2-1949, tại Dnut Liêng Krak, một ngôi làng hẻo lánh của người Mông Gar ẩn mình dưới chân núi Chư Yang Sin cao ngất thuộc tỉnh Đắc Lắc, nhà dân tộc học trẻ Georges Condominas đã có một khám phá làm chấn động thế giới.
Ông tìm ra được một công cụ đá khổng lồ so với tất cả những công cụ đá cổ tìm được xưa nay, xin phép dân làng gửi về Paris, và được các chuyên gia hàng đầu về nhân chủng học, khảo cổ học, dân tộc học, âm nhạc học... xác định là một bộ đàn đá - bộ đàn đá tiền sử đầu tiên tìm được trên thế giới, có niên đại khoảng 3.000 năm. Liên tục các năm sau, nhiều bộ đàn đá khác lại được tìm thấy ở hầu khắp Tây nguyên. Và có điều kỳ diệu: thang âm thanh của những bộ đàn đá tiền sử hoàn toàn tương ứng với thang âm thanh cồng chiêng của các dân tộc Tây nguyên bây giờ.
Tức có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt từ những đàn đá nghìn năm ấy đến những dàn cồng chiêng Tây nguyên đang làm say đắm chúng ta hôm nay, và vừa mới đây đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
![]() |
Cũng có người sẽ hỏi: nhưng người Tây nguyên có biết đúc đồng đâu. Cồng chiêng Tây nguyên ngày nay đều là mua từ dưới xuôi hoặc từ bên Lào về. Không đâu, Tây nguyên từng biết đến một nền công nghệ luyện kim cổ, thậm chí có thể từng đạt đến trình độ rất cao. Người Xơ Đăng sống ở chân núi Ngok Linh, ngọn núi cao nhất Tây nguyên, cho đến tận ngày nay vẫn là những người luyện thép cực giỏi bằng một kỹ thuật rất cổ xưa.
Bễ thổi là những túi da hoẵng rừng trông hệt như những chiếc kèn túi da của các dân tộc Đông Âu hay Trung Âu, nhiên liệu là một loại than có nhiệt lượng cực cao đốt từ một loại cây chỉ có ở vùng Xơ Đăng, còn nguyên liệu là những quặng sắt hầu như nguyên chất, đen nhánh, nằm dọc các suối chân núi Ngok Linh, một mỏ sắt lộ thiên tuyệt vời...
Nhiều dân tộc khác ở Tây nguyên đã đánh mất đi nghề luyện kim, đúc đồng trong lịch sử lâu dài, đến nay còn chưa ai biết vì sao. Ngày nay họ phải đánh từng đàn trâu sang tận Lào hay cõng lâm sản quí xuống xuôi để đổi hay mua lấy chiêng. Nhưng chiêng đổi hay mua về, đối với người Tây nguyên vẫn chưa thật sự đã là nhạc cụ.
Nói theo một nghĩa nào đó, chúng mới chỉ là những cái xác, chúng chưa có hồn. Phải thổi hồn vào cho chúng để chúng thật sự trở thành những sinh vật, thật sự sống cùng con người, còn hơn thế nữa, trở thành tiếng nói đặc biệt của con người trong cuộc giao tiếp thiết yếu, không thể thiếu của người Tây nguyên hằng ngày với thần linh. Người ta gọi công việc đó là “dạy tiếng cho chiêng”, cũng gần giống như dạy cho trẻ con biết nói vậy để chúng thật sự thành người. Dạy cho chiêng tiếng nói của đàn đá cha ông nghìn năm trước.
![]() |
Tôi đã có cái may mắn được xem một njâu cing dạy tiếng và chữa bệnh cho chiêng. Ấy là một lần tôi đi cùng ông Núp về vùng Kon Hà Nừng thuộc huyện Kpang, Gia Lai. Đang ngồi nói chuyện ở ủy ban xã thì nghe từ sườn núi bên kia văng vẳng tiếng cing (chiêng). Tôi rủ ông Núp: “Ta sang bên ấy xem bà con đánh cing đi!”. Ông Núp lắng nghe một lúc, rồi bảo: “Không phải đâu, người ta đang dạy cing hay chữa bệnh cho cing đấy”...
Chúng tôi lội suối, leo ngược một sườn núi dốc, đi đến ba hay bốn cây số mới tới nơi. Tất cả dân làng đều đang tập trung ở nhà rông. Ngồi giữa đám đông là một cụ già nhỏ bé, tóc đã bạc xóa, người quắt lại vì sương gió, chòm râu lơ thơ, tay cầm một chiếc búa rất nhỏ. Trước mặt cụ là một dãy sáu chiếc cing đặt úp trên sàn nhà: vị lương y đang ngồi trước các con bệnh. Cụ cầm lên một chiếc cing, dùng búa gõ nhẹ, rồi nghiêng tai lắng nghe, đôi mắt hơi nheo lại: cụ lang đang thăm bệnh.
Đám đông im lặng, đến tưởng như mọi người đều nín thở. Tôi đã quen với các đám đông Tây nguyên: bao giờ cũng ríu rít, ồn ào, xôn xao. Nhưng hôm nay, im lặng khác thường. Ông Núp thì thào rất nhỏ vào tai tôi: “Njâu này là bậc thầy đây!”. Mãi sau, lúc mọi việc đã xong, ông mới giải thích rõ hơn cho tôi: có hai loại njâu cing.
Các njâu bình thường - nhưng cũng là hiếm và quí lắm - khi thăm bệnh cho cing đều phải dùng một chiếc cing chuẩn, gõ vào chiếc cing bị bệnh xong, rồi gõ vào cing chuẩn, lắng tai nghe, lại gõ đi gõ lại nhiều lần mới định được thật chính xác căn bệnh. Các njâu bậc thầy - thường mỗi thế hệ mới có được một hay hai người, ông Núp bảo tôi vậy - không cần cing chuẩn, họ lấy tai làm chuẩn để chẩn bệnh cho cing và còn chính xác hơn nhiều.
Sau khi đã nghe rõ bệnh của cing, ông cụ cầm chiếc búa nhỏ gõ nhẹ bốn hay năm lần vào mặt trong của cing, rồi đột ngột gõ hai cái thật mạnh, sau đó lại gõ nhẹ mấy cái nữa, rất nhẹ, như an ủi con bệnh vừa phải chịu một liều thuốc quá nặng. Rồi ông gõ cing theo lối bình thường, và nghiêng tai lắng nghe. Ông lắc đầu: chưa được. Ông lại cầm chiếc búa con lên và lại gõ, nhưng lần này là vào mặt ngoài của cing...
![]() |
Cuộc rượu kéo dài khoảng mươi phút, rồi vị thầy lang tài ba quay lại với chiếc cing thứ hai... Cuộc chữa bệnh cho cả bộ cing mãi đến chiều tà mới xong hẳn. Ngôn ngữ giao tiếp với thần linh của làng đã được khôi phục. Đêm nay làng sẽ vào hội, một hội lễ không lớn lắm nhưng trang trọng để thưa gửi đến thần linh, và với các làng bạn trên các sườn núi điệp trùng bốn bên rằng tiếng nói của làng đã lành, cuộc trò chuyện bất tận của con người với đất trời và với bè bạn lại có thể tiếp tục.
Ông Núp bảo tôi rằng ngày trước lúc ông còn bé, sau khi một bộ cing đã được chữa lành bệnh rồi, còn một việc nữa phải làm: một người dân làng, thường là một thanh niên cường tráng và từng trải nhất, sẽ lên ngựa phóng một mạch sang tận sườn núi bên kia, cách mấy cây số đường chim bay, đối diện với làng, và ở bên ấy anh sẽ chong tai lắng nghe tiếng cing đánh từ làng mình vọng sang để “đọc” xem độ vang và giọng cing của làng đã hoàn toàn bình phục chưa, đã thật đúng là tiếng nói, giọng nói riêng, âm sắc riêng của làng mình chưa.
Vâng, đúng là anh “đọc”. Bởi, qua không gian rừng mênh mông, từ ngàn đời nay, đêm đêm các làng Tây nguyên vẫn “đọc” tiếng cing của nhau như vậy đấy, làm nên cuộc trò chuyện vĩnh cửu của con người trên vùng đất mênh mang và mãi mãi còn bí ẩn này.
***
Mùa xuân ở Tây nguyên thường bắt đầu vào khoảng “tháng ba mùa con ong đi lấy mật”, khi lúa trên rẫy đã chín mẩy và người ta đã trân trọng làm lễ rước Mẹ Lúa về kho, mùa lễ hội rộn rã bắt đầu. Tháng ba này, bạn có muốn đến với Tây nguyên để lại được sống với cồng chiêng, âm vang xa xôi mà còn sống động vô cùng của nhạc đá nghìn năm?
Tháng 12-2005
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận