Đầu năm, nghe ông Lý Hiển Long tâm sự

DANH ĐỨC 24/01/2011 07:01 GMT+7

TTCT - Khó có nhà lãnh đạo chính phủ nào có thể được như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long để loan báo với các công dân của mình rằng “kinh tế Singapore đã khôi phục mạnh mẽ trong năm 2010, tăng 14,7% cả năm”.

Tuy nhiên, ông không chỉ nói mỗi chuyện tăng trưởng GDP.


Đồng tiền vàng bốn số 9 trị giá 12.600 đôla Singapore (9.810 USD) phát hành với số lượng hạn chế vào dịp đầu năm 2011. Theo người Hoa, năm 2011 là năm Thỏ - Ảnh: Reuters


Không quá tự hào về thành tích, trái lại ông Lý thận trọng căn dặn: “Xin nhớ rằng đó là kết quả của những hoàn cảnh đặc biệt, và không chắc sẽ sớm lặp lại được!”. Thật vậy, GDP tăng 14,7% là do năm 2009 đã tăng trưởng âm 2,1% so với năm 2008. Nhờ năm 2010 vừa qua Singapore “buôn bán phát tài” nên thông điệp năm nay của ông ngắn hơn năm ngoái 142 từ, chỉ 1.130 từ.

Thách thức trẻ hóa dân số

Trong bài nói chuyện đầu năm 2010 tức tết năm Dần, khi đề cập đến tác động của tình hình thế giới, ông giải thích cặn kẽ: “Giá bất động sản ở Dubai rớt mạnh, Hi Lạp lâm nguy tài chính nghiêm trọng, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cùng chịu áp lực. Điều đó gây rối toàn thể khu vực đồng euro và làm lung lay các thị trường tài chính toàn cầu. Các sự kiện xa tít mù khơi đó có thể làm Singapore tổn thương, do lẽ kinh tế chúng ta quá rộng mở và toàn cầu hóa... Chính phủ Singapore thận trọng theo dõi tình hình, người Singapore cũng nên chuẩn bị tâm lý”.

 “Chúng ta sẽ phải nâng tầm tri thức và kỹ năng của nhân dân, tăng tính sản xuất và cạnh tranh, đồng thời tiếp tục thích ứng bản thân chúng ta và cả xã hội chúng ta nữa với thế giới đang thay đổi này” 

(Thủ tướng Lý Hiển Long)

Sau đó, ông động viên dân chúng bằng những lý lẽ dân gian quen thuộc: “Năm Dần còn là biểu tượng của can trường và sức mạnh. Người Singapore phải thấm tinh thần đó của năm Dần để sẵn sàng đối đầu với các thách thức và bất trắc...”.

Nhờ quen nói trực tiếp với dân chúng nên năm ngoái ông Lý đã có thể đề cập chuyện sinh đẻ với họ: “Bên cạnh việc cải thiện kinh tế, còn một thách thức khác là trẻ hóa dân số. Chúng ta cần có đủ em bé để sang thế hệ tới thay thế chúng ta. Cần duy trì một khối công dân sinh đẻ và lớn lên tại đây làm nền tảng để duy trì, chuyển giao các giá trị và tinh thần của đất nước này.

Bất hạnh thay, chúng ta đã sinh quá ít em bé, giảm còn 1,23% so với tỉ lệ 1,28% của năm trước. Điều đó có nghĩa là năm tới chúng ta sẽ thiếu đi ít nhất 10.000 em bé để thế chỗ chúng ta. Tôi sợ rằng năm nay cũng lại thế. Một số gia đình người Hoa không muốn sinh con trong năm Dần này. Trong ba năm Dần trước đây (các năm 1998, 1986 và 1974), số vụ sinh đẻ giảm những 7%.

Theo tử vi là một chuyện, song vì mê tín mà không ưa trẻ con sinh năm Dần lại là chuyện khác. Các trẻ em ấy có khác gì với các trẻ em sinh các năm khác đâu! Tử vi thì tử vi, chúng ta cũng phải giữ cho Singapore là một chốn tốt để có con với nhau và thế hệ tương lai được nhẹ gánh”. Tuổi của ông Lý Hiển Long cũng đủ để đóng vai cha chú các cô cậu công dân Singapore trong tuổi sinh đẻ để khuyên họ như thế.

Nâng tầm tri thức và kỹ năng của nhân dân

Cũng thế, năm nay ông Lý không đánh giá chung chung tình hình thế giới. Phức tạp ra sao, ông nêu rõ: “Có những mối âu lo đáng ngại. Kinh tế Mỹ vẫn yếu ớt. Châu Âu đối diện khủng hoảng nợ ở Hi Lạp, Ireland cùng vài nước khác. EU cần cải cách cơ cấu để cho đồng tiền chung euro xài được mà không cần đến các giải pháp quá thẳng thắn. Song ở châu Á, động lực thúc đẩy tăng trưởng thì mạnh lắm.

Trung Quốc và Ấn Độ đang dẫn đầu phía trước, các nước Đông Nam Á cũng đang tăng trưởng vững chắc. Châu Á hi vọng sẽ tiếp tục thành công cho dù các nước phát triển vẫn còn yếu, và qua đó tạo ra một môi trường khu vực thuận lợi cho Singapore”.

Vấn đề đặt ra cho Singapore nằm ở cuối đoạn phân tích này: “...một môi trường khu vực thuận lợi cho Singapore”. Các công dân Singapore đủ học vấn để có thể liên hệ đến vị trí ngã tư quốc tế của Singapore, cùng sự tùy thuộc của Singapore vào thương trường thế giới mà hiểu trọn đánh giá tình hình thế giới của ông Lý.

Sau đó, ông giới thiệu chỉ tiêu năm 2011 và kế sách mới: “Bộ Công thương dự trù tăng trưởng từ 4-6%, thấp hơn năm nay nhiều, song vẫn còn là đáng kể. Không dễ gì duy trì được tăng trưởng đó trong thập niên tới đâu. Chúng ta sẽ phải nâng tầm tri thức và kỹ năng của nhân dân, tăng tính sản xuất và cạnh tranh, đồng thời tiếp tục thích ứng bản thân chúng ta và cả xã hội chúng ta nữa với thế giới đang thay đổi này”.

Có dễ nói cho dân nghe?

Một dân số lao động chính, tuổi từ 25 đến 39, có đến 91,7% có học lực trung học hoặc hơn (1) sẽ hiểu được thế giới đang thay đổi ra sao và thế nào là nhu cầu “thích ứng với thế giới đang thay đổi”mà ông Lý nêu ra. Kinh hoàng nhất trong thời đại tính bằng thời gian thực của kỹ thuật số này là sự tĩnh tại không thay đổi, phi thời gian. Nước nào cũng có bản sắc dân tộc của mình, cũng ý thức phải giữ gìn bản sắc đó, cho dù đó là một quốc gia rất non trẻ như Singapore. Song không vì thế mà cứ “ở lì” trong cái thành trì “bản sắc” đó, mặc cho thời gian bay qua.

Lịch sử không cho phép kêu nài như nhà thơ Lamartine “Thời gian hỡi, hãy dừng cánh lại”. Những kiểu “đóng cửa” của nhà Thanh, cùng “mở cửa” như Minh Trị thiên hoàng đã đem lại những gì, ai cũng đã rõ. Bởi thế, không thể không hiểu tại sao ông Lý nhấn mạnh khi mô tả tình hình thế giới cho người dân Singapore: “...Các nước xung quanh chúng ta đang dựng lên cuộc chơi của họ”. Quả thật là nước nào cũng đang dựng lên “cuộc chơi” của mình và muốn nước khác theo “luật chơi” của họ bày ra.

Thật ra, không chỉ Thủ tướng Lý Hiển Long nói chuyện với dân chúng. Các cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu, Goh Chok Tong cũng luân phiên nói chuyện trong cương vị bộ trưởng cao cấp. Thế nhưng, chưa hẳn toàn thể dân chúng Singapore hài lòng.

Năm ngoái, ông Goh đã phải khuyên họ: “Chúng ta đừng nên than phiền nhiều quá khi không mua được căn nhà như ý, không có đủ chỗ đậu xe hơi, tàu điện ngầm hơi bị chật. Đó là những vấn đề xảy ra từ chính những thành quả của chúng ta, trong khi còn có nhiều người khác chưa được hưởng mọi thành quả ấy. Hãy nhớ đến họ trong khi ra sức giải quyết rốt ráo các vấn đề của chúng ta” (2).

Một cây bút nổi tiếng của CNN ấn bản châu Á, trú tại Singapore, đã phản ứng sau phát biểu của ông Goh: “Nói cho ngay, ở Singapore việc than phiền nay là môn “thể thao quốc gia”, còn được ưa chuộng hơn cả môn bóng đá mà dạo sau này chẳng thu hút khán giả, trung bình mỗi trận bán được chỉ 214 vé... Người nghèo đâu có than phiền vì các phương tiện chuyên chở công cộng chật ních người hay vì thiếu nhà ở. Họ đang bận làm sao lãnh được trợ cấp an sinh từ một chính phủ khét tiếng là chẳng an sinh” (3).

Thành ra trong thông điệp đầu năm của mình, Thủ tướng Lý Hiển Long phải hứa hẹn: “Nhờ tăng trưởng đó, chúng ta sẽ cải thiện cuộc sống của người dân. Có thể tạo ra việc làm trọn vẹn đủ sống và đào tạo người dân vào các công việc đó. Có thể xây thêm chỗ ở mới, thêm trường học trang bị tốt hơn, chuyên chở công cộng đầy đủ hơn... Có thể biến nơi đây thành mái ấm cho mọi người dân chúng ta...

Chúng tôi sẽ gắng sức đảm bảo cho đại đa số người dân Singapore được hưởng lợi ích từ tăng trưởng, từ người thu nhập thấp, lao động ít chuyên môn nhất đến người có thu nhập trung bình”.

__________

(1) http://www.singstat.gov.sg/stats/keyind.html

(2) SM Goh: “Singaporeans should not complain too much”, 5 September, 2010

(3) Mrbrown: Singapore is a nation of complainers, 10 September, 2010

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận