Đấu giá, đấu thầu: Cần chuyên nghiệp và minh bạch hơn

DƯƠNG NGỌC HÀ 19/01/2022 19:00 GMT+7

TTCT - Thời gian qua, hàng loạt sai phạm xảy ra trong quá trình chỉ định giao đất. Những sai phạm này do lỗ hổng của pháp luật hay do người thực thi?

Khu đất vàng giao chỉ định cho Tổng công ty Lương thực miền Nam hiện vẫn chưa triển khai dự án. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Chỉ định bán giá bèo

Luật đất đai quy định đất công phải được giao qua phương thức đấu giá quyền sử dụng đất, Luật quản lý tài sản công cũng quy định bán tài sản công phải qua đấu giá. Tuy nhiên, bằng hình thức chỉ định, các khu đất công, tài sản công của Nhà nước rơi vào tay tư nhân với giá rẻ bèo.

Lô đất vàng số 33 đường Nguyễn Du và 34-36-42 đường Chu Mạnh Trinh nằm ngay trung tâm TP.HCM, diện tích hơn 6.200m2. UBND TP.HCM đã xác lập sở hữu nhà nước khu đất và giao cho Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) làm văn phòng và nhà ở cho cán bộ, nhân viên công ty. 

Năm 2004, khi Bộ Tài chính duyệt phương án sắp xếp nhà, đất công cho đơn vị này đã đồng ý chuyển mục đích xây dựng cao ốc văn phòng và nhà ở cao tầng để bán, cho thuê, tiền sử dụng đất được thực hiện như hình thức bán chỉ định. 

Đến năm 2015, Vinafood 2 vẫn không triển khai dự án mà liên kết với Công ty TNHH TM quảng cáo xây dựng địa ốc Việt Hân lập ra Công ty TNHH 2 thành viên Việt Hân Sài Gòn. Trong đó Vinafood 2 góp 20% vốn điều lệ bằng toàn bộ quyền sử dụng khu đất trên. 

Hơn 10 ngày sau khi ký hợp đồng liên kết, Vinafood 2 và công ty đối tác thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất lòng vòng để cuối cùng, thoái vốn khỏi Công ty Việt Hân Sài Gòn với giá bán cổ phần 160 tỉ đồng và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 570 tỉ đồng, khu đất vàng hoàn toàn rơi vào tay tư nhân.

Đáng nói là ngay sau khi Vinafood 2 (lúc bấy giờ đã cổ phần hóa) bán hết phần vốn góp thì Công ty Việt Hân Sài Gòn cũng bán 99% cổ phần cho một cá nhân với giá ngang vốn điều lệ là 800 tỉ đồng. Cá nhân này ngay sau đó lại bán cổ phần cho một doanh nghiệp với giá 1.980 tỉ đồng.

Cuối cùng, các bên chuyển nhượng hoàn toàn vốn cho một đơn vị khác nữa với giá 2.250 tỉ đồng. Như vậy, chỉ sau một năm từ khi Vinafood 2 chuyển nhượng phần vốn góp, rời khỏi liên danh thì giá trị của công ty liên danh - có quyền sử dụng lô đất vàng - tăng từ 800 tỉ đồng lên 2.250 tỉ.

Khu đất vàng giao chỉ định cho Tổng công ty Lương thực miền Nam hiện vẫn chưa triển khai dự án. Ảnh: QUANG ĐỊNH

 

Hổng khâu nào?

Trường hợp các công ty, đơn vị nhà nước quản lý đất công rồi đem đất góp vốn, liên danh sau đó thoái vốn là một công thức phổ biến để đất công thành đất tư nhân không qua đấu giá quyền sử dụng đất. 

Hoặc trường hợp các công ty tư nhân được cơ quan thẩm quyền giao đất bằng các quyết định chuyển mục đích sử dụng đất mà không phải qua đấu giá, hay đấu thầu dự án có sử dụng đất. Rất nhiều khu đất công trên địa bàn TP.HCM đã rơi vào tay tư nhân theo hai công thức phổ biến trên. Tất cả đều được chỉ định chọn nhà đầu tư, giao đất chỉ định.

Chuyên gia về chính sách công Nguyễn Quang Đồng cho rằng bỏ qua trường hợp khẩn cấp, việc áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá rộng rãi cần phổ biến hơn nữa ở các lĩnh vực để hạn chế mua - bán tài sản công qua chỉ định.

“Có hai vấn đề trong việc mua (đấu thầu) và bán (đấu giá) tài sản công hiện nay mà pháp luật cần phải cải thiện: đó là chuyên nghiệp hóa và minh bạch thông tin” - ông nói.

Theo ông Quang Đồng, cần phải chuyên nghiệp hóa công tác đấu thầu, đấu giá, bắt đầu từ việc lập ra một cơ quan chuyên trách vấn đề này, ở trung ương để hướng dẫn nghiệp vụ và cơ quan thực thi ở địa phương. 

Đơn vị ở địa phương chuyên thực hiện các thủ tục đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho các cơ quan nhà nước, kể cả trường hợp chỉ định thầu hoặc bán đấu giá các tài sản công như đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá cổ phần của Nhà nước tại các công ty khi thoái vốn…

 Như vậy sẽ tránh được những rủi ro, sai sót khi để các cơ quan, đơn vị nhà nước tự đấu giá, đấu thầu vốn không thuộc chuyên môn của họ. Hiện nay, các kênh giám sát như kiểm toán, thanh tra tài chính hoạt động khá hiệu quả nên không lo tiêu cực sẽ chuyển từ các cơ quan, đơn vị thụ hưởng đến đơn vị thực hiện đấu giá, đấu thầu này. 

Nên xem việc mua sắm công, quản lý, đấu giá tài sản công là một nghề như kiểm toán, thẩm định giá… Trước mắt, các địa phương nên thí điểm thực hiện trung tâm quản lý tài sản công này để tìm ra mô hình phù hợp.

Ngoài ra, phải công khai thông tin trúng đấu thầu. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị chỉ công khai thông tin mời thầu hoặc thông tin giá sản phẩm bán ra chứ không công khai thông tin công khai giá trúng thầu sau khi đã mở thầu mua sắm.

 Từ những thông tin công khai này, nếu giá trúng thầu có sự chênh quá đáng thì các cơ quan chức năng, người dân, báo chí… dễ dàng giám sát. 

Tất nhiên, đã là thị trường thì không có chuyện bán cho tỉnh này bằng giá bán cho tỉnh khác, giá tháng này bằng giá tháng sau… Nhưng thông tin minh bạch sẽ hạn chế thấp nhất khả năng tiêu cực, hối lộ.

69% chỉ định thầu

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, từ năm 2015-2020 cả nước có tổng số 1.406.754 gói thầu được thực hiện theo Luật đấu thầu, với tổng giá gói thầu 3.954.035 tỉ đồng và tổng giá trúng thầu là 3.715.484 tỉ đồng, chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu (giá trị tiết kiệm) là hơn 238.540 tỉ đồng, tương đương 6,033%.

Trong đó, các gói thầu được áp dụng hình thức chỉ định thầu chiếm cao nhất: 69% dù tỉ lệ tiết kiệm thấp nhất trong các hình thức đấu thầu (3,08%). Hình thức đấu thầu cạnh tranh có tỉ lệ tiết kiệm cao nhất là 6,6% nhưng số lượng chỉ chiếm 14,88% trong tổng số các gói thầu.

Chỉ định thầu giá cao: trường hợp của Việt Á

Ba ngày sau khi giám đốc công ty bán kit xét nghiệm Việt Á bị bắt, ngày 21-12-2021 Bộ Y tế thông báo trên trang web của bộ: cuối năm 2020 bộ không chỉ công bố sản phẩm kit xét nghiệm của Công ty Việt Á mà còn của nhiều đơn vị khác có bán sản phẩm cùng loại. 

Bộ Y tế cấp phép lưu hành kit xét nghiệm cho Công ty Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương cùng ngày. Giá kit xét nghiệm của Việt Á là 470.000 đồng/sản phẩm, giá của Sao Thái Dương là 300.000 đồng và của một công ty khác chỉ 179.800 đồng/sản phẩm…

Nhưng thay vì chọn sản phẩm có giá hợp lý để mua sắm, nhiều trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh thành, bệnh viện… lại mua kit xét nghiệm của Việt Á có giá cao nhất trong các sản phẩm niêm yết.

CDC tỉnh Nam Định mua sản phẩm của Việt Á 53 tỉ đồng qua 4 gói thầu từ tháng 2 đến tháng 11-2021. Giai đoạn đầu, giá kit xét nghiệm lên đến 509.000 đồng/sản phẩm. Lãnh đạo CDC Nam Định lý giải do gói này mua số lượng dưới 200.000 kit nên không được hưởng giả niêm yết (là 470.000 đồng).

Tháng 8-2021, Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa mua 60.000 kit xét nghiệm của Việt Á giá 470.000 đồng/sản phẩm qua quy trình chỉ định thầu rút gọn. Đơn vị này nói có tham khảo giá trên trang thông tin điện tử và công văn của của Bộ Y tế, trang tin của Bộ Kế hoạch và đầu tư và nhận thấy giá sản phẩm của Công ty Việt Á là… rẻ nhất. 

Vì vậy, sở này đã lập hồ sơ trình UBND tỉnh Thanh Hóa và hội đồng thẩm định giá của tỉnh để thẩm định, xác định giá sản phẩm là 470.000 đồng.

Nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Lạng Sơn, Nam Định, Bắc Ninh, Huế, Kon Tum, Cần Thơ... đều có sự hiện diện của Việt Á, giá trị cung cấp kit xét nghiệm từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng. Cho đến khi ông Phan Quốc Việt - tổng giám đốc Công ty Việt Á - bị bắt, các đơn vị mua kit xét nghiệm đều khẳng định đã thực hiện chỉ định thầu rút gọn đúng quy trình.

Nhưng tại cơ quan điều tra, ông Việt khai đã sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán theo giá do công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. 

Đổi lại, phía Việt Á chi “hoa hồng” cao cho những người chịu trách nhiệm mua sắm vật tư y tế. Doanh thu của Việt Á là 4.000 tỉ đồng nhưng thu lợi 500 tỉ đồng và tiền hối lộ, chi hoa hồng cho những người có trách nhiệm là 800 tỉ đồng!

Theo quy định của Luật đấu thầu, việc mua kit xét nghiệm Sars-CoV-2 trong tình hình dịch bệnh thuộc trường hợp chỉ định thầu. Tháng 7-2021, Chính phủ ban hành nghị quyết về việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị phòng chống dịch COVID-19 quy định rõ việc chỉ định thầu để tránh nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của người dân.

Một luật sư thuộc Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định về quy định về đấu giá, đấu thầu từ các luật cho đến văn bản hướng dẫn hiện nay khá chặt chẽ, đến nỗi làm khó người thực hiện với thời gian cho mỗi thủ tục, mỗi khâu được quy định rất sát sao. 

Trong trường hợp chỉ định thầu, trách nhiệm được giao hoàn toàn cho đơn vị có nhu cầu mua sắm. Trường hợp Công ty Việt Á cung cấp kit xét nghiệm, các bên đã đưa, nhận hối lộ để làm sai một số quy trình, dẫn đến chấp nhận giá cao.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận