Đặt hàng Quốc hội

NGUYỄN ĐỨC LAM 14/07/2016 03:07 GMT+7

TTCT - Cử tri kỳ vọng Quốc hội khóa mới tiếp tục phát huy những việc đã làm được của Quốc hội khóa XIII, đồng thời đổi mới hơn nữa, nhất là trong chuyện chất vấn và trả lời chất vấn.

Luật sư Phạm Công Hùng -H.Điệp
Luật sư Phạm Công Hùng -H.Điệp

“Hỏi xoáy, đáp xoay”

Từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII sang khóa XIII, các ủy ban của Quốc hội đã tiến hành những phiên giải trình (mà ở nghị viện các nước gọi là điều trần), yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương đến trả lời, giải trình về những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động của các cơ quan đó.

Ví dụ như giải trình về nguy cơ vỡ của thủy điện sông Tranh, giá thuốc, tính tiền bán nhà chung cư, xử phạt trong giao thông đường bộ, đào tạo các chức danh tư pháp... Chỉ có điều vẫn thiêu thiếu một cái gì đó làm nên tính “điều trần”.

Đó là thiếu sự tham gia thật sự của các chuyên gia - những người am hiểu sâu về vấn đề; của những người dân - những người trực tiếp đối mặt với vấn đề; các tổ chức xã hội dân sự - những người thật sự bảo vệ lợi ích của nhóm dân cư.

Thiếu kiểu hỏi dồn dập, “hỏi xoáy”, không cho “đáp xoay” như trong các phiên điều trần ở nghị viện Mỹ, Úc, Anh. Thiếu sự chuyên sâu, kéo dài nhiều phiên hàng tuần, thậm chí hàng tháng của điều trần.

Từ những bước đầu tiên chập chững, khó khăn trong việc tổ chức giải trình của khóa trước, cử tri đặt hàng các ủy ban của Quốc hội khóa mới tiến hành “điều trần” nhiều hơn nữa, sâu hơn nữa, làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ ngành về những vấn đề thuộc trách nhiệm của họ. Đặc biệt, những phiên giải trình như vậy có thể làm rõ trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Để thu nhận được thông tin về những vấn đề cần làm rõ, các ủy ban sẽ phải tiến hành nhiều phiên, gọi các bộ, ngành, chính quyền các tỉnh đến để “hỏi xoáy”, đối chứng, đối chất với thông tin của các chuyên gia môi trường, kinh tế, pháp luật, các tổ chức xã hội, và nhất là tạo cơ hội cho những người dân lầm lũi, lặng yên như cá “mở miệng”, theo cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tương tự như vậy, Quốc hội có thể buộc các cơ quan nhà nước giải trình về mọi vấn đề thuộc trách nhiệm của họ trước bàn dân thiên hạ, “ba mặt một lời”. Người ta gọi đó là sự minh bạch, một bậc cao hơn nhiều so với sự công khai.

Cứ như vậy, các phiên giải trình tại các ủy ban của Quốc hội, hay là các phiên chất vấn, thảo luận tình hình kinh tế - xã hội, các hoạt động khác của Quốc hội, nếu làm bài bản, đến nơi đến chốn sẽ rọi sáng những khuất tất, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, quan chức nhà nước. Người ta ví minh bạch như ánh nắng mặt trời quả thật là đúng.

Dưới ánh nắng đó, các loại vi khuẩn khó có cơ để tồn tại. Sự minh bạch làm cho người dân, xã hội thấy cuộc sống sáng hơn, đáng sống hơn, tin hơn, ủng hộ Chính phủ hơn.

Nhiều điểm tiến bộ

Dù còn những sai sót, thật ra Bộ luật hình sự 2015 đã đưa được khá nhiều điểm mới tiến bộ. Nhiều đại biểu Quốc hội đã tập trung tranh luận, bảo vệ những chính sách hình sự lớn có lợi cho người dân, xã hội. Đó là điều đáng làm, đúng với vai trò của đại biểu Quốc hội.

Bên cạnh đó, để chuyện kỹ thuật lập pháp, câu chữ không bị bỏ ngỏ, Quốc hội cần có một bộ phận chuyên giúp rà soát kỹ lưỡng những chuyện như thế giống như Cục hỗ trợ lập pháp trong Quốc hội Nhật Bản, Ba Lan. Đồng thời, quy trình lập pháp cần mở hơn nữa, có sự tham gia thật sự của các chuyên gia, các tổ chức xã hội, các luật sư.

Mỗi đại biểu Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội hãy dũng cảm nói “không” với những điều khoản, dự luật mà bản thân mình vẫn chưa thấy yên tâm về chất lượng. Nhất là từ bỏ tư duy lập pháp phải có luật điều chỉnh, chuyển sang tư duy chỉ ban hành luật lúc nào, chỗ nào thật sự cần.

Lúc đó, sẽ bớt được tình trạng như ông Nguyễn Đình Lộc, cựu bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Quốc hội nhiều khóa, trả lời phóng viên: “Không bấm nút thông qua thì bể chương trình, bấm nút thông qua thì trong lòng không yên”. Lúc đó, đại biểu Quốc hội không phải xem lại ngón tay của mình, không phải nhận lỗi về sai sót trong dự luật mình vừa bấm nút thông qua.

Trong đợt tập huấn về điều trần ở Úc vài năm trước, khi được hỏi khó khăn lớn nhất trong cuộc điều trần là gì, bà chủ nhiệm Ủy ban điều trần cho biết đó là áp lực về mặt bổn phận đối với những con người bị đối xử bất công, hiện đang cần và đang trông chờ sự công bằng.

Cũng như vậy, ứng xử với áp lực bên ngoài từ phía công chúng, báo chí, người dân đã là khó, nhưng khó hơn nhiều khi các nhà lập pháp Việt Nam sẽ phải đối mặt với chính mình, với bổn phận đại biểu dân cử.

Để làm sao mỗi câu hỏi trong phiên giải trình, phiên chất vấn, phiên thảo luận luật đều đau đáu nỗi niềm của cử tri, của người dân, của đất nước; mỗi lần bấm nút xong không phải nhìn lại ngón tay của mình. Đó là đặt hàng lớn nhất của người viết bài này, một trong những cử tri đã đi bỏ phiếu vào tháng 5 vừa qua đối với các đại biểu Quốc hội khóa XIV.■

Luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND tối cao):

Không nên để Chính phủ trình dự thảo luật

Hiện nay chúng ta đang xây dựng luật theo quy trình Chính phủ soạn thảo, lấy ý kiến góp ý rồi trình Quốc hội thông qua. Rất dễ thấy rằng Chính phủ là cơ quan hành pháp nhưng đồng thời tham gia quá trình lập pháp, như vậy không khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Việc Chính phủ làm dự thảo luật dù công bằng cũng không tránh khỏi để người dân nghi ngờ việc làm luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi cho mình nhiều hơn, hay lớn hơn có thể xảy ra “lợi ích nhóm”. Vậy nên, tiến tới một nhà nước pháp quyền cùng với tiến trình cải cách tư pháp thì cần phải tách Chính phủ ra khỏi việc làm luật, đưa về Quốc hội để Quốc hội thực hiện chức năng của mình.

H.Điệp ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận