"Đặt hàng" gì cho các tân bộ trưởng?

BÚT ĐÀM thực hiện 06/08/2007 02:08 GMT+7

TTCT - Bộ trưởng là những người trực tiếp thực thi các chính sách theo từng lĩnh vực nên đã có những ý kiến rất “nóng” ngay khi thủ tướng giới thiệu nhân sự bộ trưởng để quốc hội phê chuẩn. qua các đại biểu quốc hội, người dân đang nghĩ gì, “đặt hàng” gì cho các bộ trưởng mới?

Phóng to
Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Lê Doãn Hợp
TTCT - Bộ trưởng là những người trực tiếp thực thi các chính sách theo từng lĩnh vực nên đã có những ý kiến rất “nóng” ngay khi thủ tướng giới thiệu nhân sự bộ trưởng để quốc hội phê chuẩn. qua các đại biểu quốc hội, người dân đang nghĩ gì, “đặt hàng” gì cho các bộ trưởng mới?

Ông Nguyễn Đình Xuân - đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh: Lo nhất Bộ Thông tin - truyền thông

Các bộ đã được tổ chức để quản lý đa ngành. Đã là bộ đa ngành thì phải quản lý theo hướng đa ngành, phải có những định hướng, giám sát ở tầm vĩ mô. Các bộ hiện còn nhiều việc quá cụ thể mà đáng ra có thể phân cấp, phân quyền, xã hội hóa. Nên để các hiệp hội, các tổ chức xã hội dân sự tham gia.

Ví dụ vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, không có nhà nước nào có thể đi cân đong đo đếm, kiểm tra tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được. Phải để các hiệp hội vào cuộc, phải phát huy tính tích cực của người dân, Nhà nước đề ra luật, tạo cơ chế để những người vi phạm phải trả giá đắt là đủ. Người dân đòi hỏi các bộ trưởng phải có tầm nhìn và năng động, có năng lực giải quyết những vấn đề bức xúc của họ. VN đang tăng trưởng với tốc độ nhanh, cả nước giống như một chiếc xe đang đi nhanh.

Vì vậy cần những người cầm lái phải có tầm nhìn và năng lực chèo lái thật sự, nếu chỉ sa đà vào những vụ việc trước mắt thì có thể ta sẽ mất chủ động, không giải quyết kịp những vấn đề đột xuất của đất nước. Các bộ trưởng phải có khả năng tổ chức. Là một người có tầm nhìn và khả năng tổ chức thực hiện tốt thì xã hội sẽ bớt đi những vấn đề nổi cộm, báo chí cũng bớt tốn giấy mực viết về những thiếu sót, chậm trễ trong việc điều hành của các bộ như đã thấy gầnđây.

Để hoạt động hết công suất, các bộ trưởng cần được giao quyền, giao trách nhiệm lớn và cụ thể hơn để có thể qui trách nhiệm cho người đứng đầu ngay khi có vụ việc gì đó xảy ra. Các bộ trưởng nên có quyền lớn hơn để chịu trách nhiệm hoàn toàn về lĩnh vực mình phụ trách.

Với cách tổ chức các bộ như hiện nay, lo nhất là Bộ Thông tin - truyền thông. Bộ này quản lý hai lĩnh vực ở hai ngành trái nhau: truyền thông thiên về khoa học tự nhiên, quản lý cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, máy móc thiết bị; còn thông tin, báo chí thuộc khoa học xã hội. Nghe thì có vẻ hai lĩnh vực trên gần gũi, bởi có thông tin mới có truyền thông, nhưng thật ra không phải vậy. Tất nhiên, chúng ta vẫn phải làm thử mới biết thực tiễn trả lời như thế nào.

Ông Lương Phan Cừ - phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội: Bộ trưởng cần bám sát thực tiễn hơn nữa

Tôi mong chúng ta sẽ có những bộ trưởng giỏi để có một Chính phủ mạnh. Các bộ trưởng cần năng nổ và bám sát thực tiễn hơn, đề xuất được những đạo luật cần thiết và thực thi một cách trọn vẹn những nghị quyết, đạo luật mà Quốc hội đã ban hành. Bởi đó là ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Ông Nguyễn Đăng Vang - phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - công nghệ và môi trường: Bệnh viện cho người nghèo, chống nạn phong bì

Hiện nhiều người nghèo muốn được chữa bệnh theo đúng mong mỏi của gia đình và bản thân là rất khó. Cảnh hai người nằm chung một giường bệnh đã là bức xúc nhưng còn nhiều điều khó nghĩ hơn. Không ít trường hợp phải về nhà chờ chết vì không có tiền. Miễn giảm cho người nghèo đôi lúc không có tác dụng, khi mà người ta không còn tiền. Người nghèo ở ta còn nhiều, 20% bằng khoảng 16 triệu người chứ không ít.

Bảo hiểm y tế hiện nay không chi trả cho nhiều loại bệnh. Không nên vì thế mà người dân nghèo không được chữa bệnh. Chúng ta có ngân hàng chính sách thì không có lý gì không có bệnh viện chính sách. Vì vậy, bên cạnh việc phát triển bệnh viện tư, bệnh viện cao cấp, bộ trưởng Bộ Y tế cần quan tâm làm sao phát triển thêm chỗ chữa bệnh cho người nghèo. Cùng lúc đó, để người dân đi chữa bệnh vốn đã khó khăn lại phải phong bì phong bao cho bác sĩ là không thể chấp nhận được. Tân bộ trưởng cần có đối sách trước thực tế này vì người dân rất bức xúc.

Phóng to
Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: Cải thiện hình ảnh người lao động VN ở nước ngoài

Phần việc của Nhà nước làm cho công tác xuất khẩu lao động đến nay có thể nói là rất nhẹ. Chỉ quản lý thôi đã không tốt, để tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động xảy ra ở nhiều nơi nhiều chỗ như hiện nay là rất đáng buồn.

Mỗi năm người lao động gửi về nước tới 4 tỉ USD, nhưng chúng ta vẫn để có người Việt bị đối xử tàn tệ, phải bơ vơ ở nước ngoài là không thể chấp nhận được. Phải nghĩ đến những điều lớn hơn, đó là hình ảnh đất nước hay tương lai của chính người đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, một trong những vấn đề thời sự nhất mà tân bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh & xã hội cần quan tâm ngay là nâng cao chất lượng đội ngũ lao động VN đi làm việc ở nước ngoài. Phải hạn chế nguồn lao động đơn giản.

Cần hoạch định chiến lược để tận dụng nguồn lao động đã qua đào tạo, có thể nói là chất lượng cao, từ nước ngoài trở về. Đã đến lúc phải nhìn lại, làm sao để chất lượng lao động tăng lên, để thu nhập của người lao động tăng và ngoại tệ đất nước thu về cũng lớn hơn. Không nên nhận tất cả những công việc không phù hợp với hình ảnh người VN. Gần đây đã xuất hiện đây đó một vài biểu hiện tích cực khi đưa một số lao động chất lượng cao ra nước ngoài. Điều này hoàn toàn có thể phát huy, nhân rộng.

Việc của tân bộ trưởng là làm sao tăng tỉ trọng đó lên một cách vững chắc. Không nên để hình ảnh lao động VN ở nước ngoài là những lao động trình độ thấp kém, hay vi phạm kỷ luật lao động, dễ bỏ trốn. Hình ảnh ấy rất không có lợi cho đất nước.

Ông Phạm Văn Nhân - nhà giáo, cử tri phường Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội: Trường học cho trẻ em vùng sâu, vùng xa

Ở nhiều nơi trên đất nước ta, để được đi học cái chữ vẫn còn là cả một vấn đề. Trường học ở nhiều điểm sâu xa không ra làm sao cả, rất khó khăn. Tôi chứng kiến có trường chỉ là vài tấm lá lợp lên. Học sinh phải đi mười mấy cây số, men theo suối, chỉ cần lũ quét bất ngờ là nguy hiểm. Học sinh nhiều khó khăn thế nhưng cũng chỉ được trợ cấp đến hết lớp 5.

Nếu muốn học tiếp phải xin được xét và cũng chỉ có một tỉ lệ nhất định được xét. Thử thách việc đi học ở nơi còn khó khăn như thế là quá lớn. Chúng ta không bao cấp cho người lớn, nhưng phải tính đến làm sao để trẻ em muốn và được đến trường đến khi các em có kiến thức cơ bản. Chứ hết lớp 5, trẻ về nhà một thời gian, rất nhiều em lại mù chữ. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cần quan tâm để giáo dục phát triển đồng đều.

Phải đẩy nhanh kiên cố hóa trường học theo cách cùng phối hợp với địa phương làm. Muốn chất lượng giáo dục miền núi cao lên, là nền tảng cho chất lượng nguồn lao động, nguồn lực cho phát triển thì trường lớp, ăn ở cho học sinh phải tốt lên.

Phóng to

Tuổi Trẻ Cuối Tuần số 30-07 (ra ngày 5-8-2007)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận