Darwin 70 năm trước

DANH ĐỨC 11/03/2012 13:03 GMT+7

TTCT - Tháng 11 năm ngoái, có tin Úc sẽ đón 2.500 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ đồn trú tại Darwin. Sau đó đến lượt Singapore mở cửa cho một số tàu chiến Mỹ vào và đóng căn cứ. Có báo chạy tít: “Mỹ bao vây Trung Quốc!”. Thật sự điều gì đã xảy ra và vì sao?

Phóng to
Tổng thống Barack Obama bắt tay lính Mỹ và Úc tại căn cứ ở Darwin (Úc) sau cuộc nói chuyện ngày 17-11-2011 - Ảnh: Nationalpost.com

Cho dù có kình chống “một mất một còn” nữ Thủ tướng Julia Gillard trong việc tranh chấp ghế lãnh đạo Đảng Lao động Úc, song ngoại trưởng Kevin Rudd (vừa từ chức ngày 22-2) cũng cho thấy nội bộ đảng cầm quyền ở Úc vẫn thống nhất điều này: họ muốn mời Mỹ cử quân sang đóng tại Úc.

Lựa chọn bước ngoặc của Úc

Tháng 11 năm ngoái, trước hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Kevin Rudd ngỏ lời sau cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hawaii: “Người Úc chúng tôi đang sống trên một lục địa có bờ biển dài đến 32.000km, dân số (chỉ) 22 triệu người, luôn đặt an ninh quốc gia của mình trên một liên minh chiến lược mạnh mẽ, đặc biệt do những kinh nghiệm trải qua trong Thế chiến thứ hai... Chúng tôi đợi tổng thống Mỹ đến thăm Canberra vào tuần tới để ông cùng thủ tướng chúng tôi khẳng định chúng tôi sẽ hợp tác quốc phòng đến đâu trong tương lai” (1).

Không đầy một tuần sau, hôm 16-11-2011 Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Úc Julia Gillard cùng loan báo việc 250 binh sĩ thủy quân lục chiến Mỹ sẽ khởi sự đến đồn trú tại cảng Darwin của Úc từ đầu năm 2012, đến tài khóa 2016-2017 sẽ tăng lên 2.500 quân. Thủy quân lục chiến Mỹ không những sẽ cùng quân đội Úc tập trận mà sẽ lần đầu tiên tập trận “một mình” trên lãnh thổ Úc.

Đây là một chọn lựa bước ngoặt ở Úc vốn đang coi trọng việc giao thương với Trung Quốc. Các trường kinh doanh hay luật ở Melbourne, Sydney từ lâu đã hướng sinh viên đến thực tế giao thương khổng lồ so với một đất nước chỉ 22 triệu dân: Đại sứ quán Trung Quốc tại Úc cho biết năm 2009, trao đổi hàng hóa và dịch vụ hai chiều Úc -Trung Quốc lên đến 85,1 tỉ AUD (tương đương chừng đó USD).

Năm 2009, Trung Quốc qua mặt Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Úc: nhập của Úc 42,2 tỉ AUD, tăng 31,2% so với năm trước Úc bán cho Trung Quốc. Nếu biết rằng cũng trong năm 2009, Trung Quốc nhập từ khắp thế giới 628 triệu tấn quặng sắt (2) thì có thể thấy việc nhập từ mỗi mình Úc đến 266,2 triệu tấn quặng sắt (trị giá 21,7 tỉ AUD) là quan trọng như thế nào.

Úc không chỉ là mỏ sắt lớn nhất cung cấp đến 42,3% lượng quặng sắt Trung Quốc nhập khẩu, mà còn là mỏ sắt tương đối gần nhất, an toàn nhất về mặt vận chuyển. 266,2 triệu tấn quặng sắt tương đương 866 chuyến tàu hàng trọng tải 300.000 tấn/năm, tức 2,3 chuyến/ngày. Trung Quốc không chỉ nhập sắt từ Úc mà còn nhập than, khí đốt, thuê cả một trạm rađa dẫn đường vệ tinh ở Mingenew, cách Perth 400km về phía bắc.

Quan hệ buôn bán đang thuận buồm xuôi gió như thế, bỗng dưng trạm theo dõi vệ tinh mà Trung Quốc thuê ở Mingenew ấy lại bị cho là “trạm do thám” (3) và nay thủy quân lục chiến Mỹ nhảy vào “canh”!

Trận " Trân Châu cảng" của nước Úc

Ba tháng sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Obama, hôm 22-2 nữ Thủ tướng Gillard cùng đại sứ Mỹ tại Úc Jeffrey Bleich đã long trọng tưởng niệm ngày mà bà gọi là “ngày đen tối nhất” trong lịch sử Úc, là “trận Trân Châu cảng của nước Úc”... “mà từ đó mối quan hệ xa xôi giữa Úc và Mỹ trước thế chiến đã trở thành một liên minh mạnh mẽ và lâu dài” (4). 89 thủy thủ của chiến hạm USS Peary đã chết cùng với tàu của mình tại cảng Darwin trong trận đột kích tháng 2-1942 của quân đội Nhật.

Trận “Trân Châu cảng của nước Úc” mà bà Gillard nhắc lại đó chính là vụ không kích bất ngờ bắt đầu lúc 8g45 sáng 19-2-1942. Y hệt như vụ Trân Châu cảng hôm 7-12 trước đó, sự phòng vệ cảng Darwin cũng như lãnh thổ Bắc Úc không hữu hiệu trước một quân đội Thiên hoàng vốn từng chứng tỏ là “xuất quỷ nhập thần” ở Trân Châu cảng.

Thật vậy, 10 ngày trước ngày N, một máy bay thám thính của Nhật đã quần đảo trên cảng Darwin vào lúc một tàu sân bay (chiếc USS Langley) cùng năm khu trục hạm và 21 tàu hàng dân sự đang neo đậu.

Trên lý thuyết, vào lúc đó trong số hai phi đội số 12 và số 13 của không quân Úc với 30 máy bay huấn luyện CAC Wirraway được cải biến thành máy bay chiến đấu và oanh tạc cơ hạng nhẹ Lockheed Hudson đang đóng căn cứ trên hai sân bay lân cận, theo kế hoạch để hỗ trợ phòng thủ cho quân đồng minh tại Đông Ấn Hà Lan (tức Indonesia sau này) trước làn sóng tấn công của bộ binh Nhật vào các hòn đảo Ambon và Timor.

Ngoài ra còn có sáu chiếc oanh tạc cơ hạng nhẹ Lockheed Hudson của phi đội số 2 vừa từ đảo Timor di tản về sáng sớm hôm đó. Đáng phiền là toàn bộ sáu chiếc chiến đấu cơ CAC Wirraway của phi đội số 12 lại bất khả dụng, không cất cánh được.

Thành ra coi như quân Nhật chưa đánh đã chiếm ưu thế tuyệt đối trên không. Trên một bình diện khác, từ tháng 1 trước đó, hai tàu ngầm Nhật I-121 và I-123 đã bắt đầu rình rải mìn ngoài khơi cảng Darwin, khóa chặt cảng này.

Phóng to
Các mũi tấn công của Nhật vào Darwin tháng 2-1942 - Ảnh: Battle of Darwin

Không kích từ tàu sân bay

Đúng 8g45 sáng 19-2-1942, bốn tàu sân bay Nhật Akagi, Kaga, Hiryu và Soryu thuộc hạm đội tàu sân bay số 1, từng đánh trận Trân Châu cảng do phó đô đốc Chuichi Nagumo chỉ huy, đồng loạt tung 188 máy bay chiến đấu Zero và oanh tạc cơ D3A cùng B5N. Lực lượng không kích này do Mitsuo Fuchida, “người hùng” đã dẫn đầu đợt tấn kích đầu tiên trong trận Trân Châu cảng tháng 12 trước đó, chỉ huy.

Bên cạnh các máy bay của hải quân cất cánh từ lực lượng tàu sân bay còn có 54 oanh tạc cơ của không quân cất cánh từ Ambon và Kendari, vốn thuộc Đông Ấn Hà Lan, mới bị quân Nhật chiếm đóng trong khoảng thời gian từ tháng 12-1941 và giữa tháng 2-1942. Đảo Java và đảo Timor bị Nhật chiếm vào cuối tháng 2-1942.

Trên đường bay đến Darwin, các chiến đấu cơ Zero của Nhật đã bắn hạ một chiếc PBY Catalina của hải quân Mỹ và một máy bay vận tải C-47 của không quân Mỹ gần đảo Melville. Đến 9g15, tức 30 phút sau khi lực lượng máy bay Nhật cất cánh, một quan sát viên bờ biển trên đảo Melville phát hiện máy bay Nhật, liền điện báo ngay về Bộ chỉ huy không quân Úc ở Darwin. Bộ chỉ huy lại cho rằng đó là một phi tuần chiến đấu cơ P-40 của Mỹ đang bay về Darwin sau khi hủy bỏ chuyến bay đến đảo Timor.

Hậu quả là y hệt như ở Trân Châu cảng, khi máy bay Nhật bổ nhào xuống “tàn sát”, lúc đó là 9g58, không ai kịp kéo còi báo động. Đến khi phi đội P-40 về đến Darwin thì lọt vào vòng vây của máy bay Nhật: bốn chiếc bị bắn hạ trên không, năm chiếc vừa đáp xuống trước đó bị phá hủy trên sân bay, chỉ mỗi một chiếc anh dũng chống trả và bắn hạ được hai oanh tạc cơ D3A đối phương.

Chiến hạm HMAS Gunbar của hải quân Úc là “nạn nhân” đầu tiên của một loạt chín chiếc Zero. Kế đến là chiếc USS Peary và USAT Meigs của hải quân Mỹ, các chiếc HMAS Mavie, MV Neptuna, Zealandia, Mauna Loa, British Motorist của hải quân Úc cùng kho nổi chở than đá Kelat. Đợt tấn công thứ nhất kết thúc lúc 10g40, phòng không Úc chỉ bắn hạ được bốn máy bay Nhật.

Không kích từ các hòn đảo lân cận

Câu trả lời có thể tìm thấy trong đợt không kích thứ nhì. Gần 1 giờ 20 phút sau khi các máy bay xuất kích từ các tàu sân bay rời mục tiêu cảng Darwin, đến lượt 27 chiếc oanh tạc cơ hai chong chóng Mitsubishi G3M và 27 chiếc Mitsubishi G4M, bay thành hai tốp ở độ cao 18.000 bộ (5.500m), xuất hiện từ hai hướng tây nam và đông bắc nhắm vào căn cứ không quân Darwin.

Đến 12g20, sau 20 phút thả bom, tất cả bỏ đi, không hề hấn gì. Thêm sáu oanh tạc cơ hạng nhẹ Hudson của không quân Úc bị phá hủy, một chiếc khác cùng một chiếc Wirraway bị hư hỏng nặng, hai máy bay chiến đấu P-40 và một oanh tạc cơ B-24 của không quân Mỹ bị phá hủy (5).

Làm thế nào các oanh tạc cơ Nhật có thể cất cánh từ đất liền bay đến Darwin được? Chẳng qua chúng cất cánh từ Ambon và Kendari. Nhìn lên bản đồ sẽ thấy Darwin nằm ở tọa độ 12°28' nam, 130°50' đông, trong khi Ambon nằm ở tọa độ 3°38' nam, 128°07'02” đông, còn Kendari ở tọa độ 3°56' nam, 122°29' đông, thuộc Đông Ấn Hà Lan, khoảng cách gần 9 vĩ tuyến, tức khoảng 1.000km.

Còn nếu tính từ căn cứ hải quân xuất phát Yokohama ở tọa độ 35°28'0” bắc, 139°27'59” đông thì khoảng cách lên đến khoảng 5.300km (khoảng 3.000 hải lý)! Những gì đã xảy ra ở Darwin năm 1942 giải thích những diễn biến mới ở Darwin năm 2012.

__________

(1) http://www.dailytelegraph.com.au/news/kevin-rudd-rejects-criticism-that-build-up-of-us-marines-in-darwin-will-damage-relations-with-china/story-e6freuy9-1226192957177
(2) http://www.chinamining.org/News/2010-01-14/1263456549d33404.html
(3) Cameron Stewart, “Chinese military 'using WA station' to spy on warships”, The Australia, November 16, 2011
(4)
http://wsws.org/articles/2012/feb2012/darw-f22.shtml
(5) Bombing of Darwin

__________

Kỳ tới: Liệu có hiểm họa mới?

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận