​Đập búa vào tay

NGUYỄN THỊ HẬU 20/12/2014 00:12 GMT+7

TTCT - Bây giờ người ta hay chê nhau tay nọ, kẻ kia “không là cái đinh gì” mà chẳng ai chú ý đến bức tường cái đinh ấy đóng vào.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Bạn đã có lần nào đau điếng người vì đập búa vào chính tay mình chưa? 

Bạn ở trong bếp, ông xã ngoài phòng khách đóng cái gì đấy cộp cộp. Bỗng nghe tiếng con khóc, rồi thằng bé chạy vào ôm lấy bạn. Bạn âu yếm hỏi, hệt như ông bụt hỏi cô Tấm, rằng làm sao con khóc? Thằng nhỏ trả lời bố bị búa đập vào tay.

Ồ, vậy à. Bố bị đau nhưng không khóc. Con trai phải dũng cảm như bố chứ? Hu hu, thằng bé nức nở, tại lúc bố đập búa vào tay con buồn cười quá… À, thế thì chính là con trai bị “búa đập” chứ không phải là bố!

Hồi yêu nhau. Có lần gọt trái cây cho nàng, anh bị đứt tay. Nàng mặt mày tái mét, ôm cả cánh tay anh hốt hoảng đòi đưa đi… bác sĩ! Lấy nhau rồi. Một lần thấy tấm hình cưới sắp bị rớt, anh mang búa đinh ra sửa. Loay hoay sợ đụng bể kính, búa đập vào tay.

Máu tóe ra. Anh xuýt xoa nhờ nàng lấy giùm bông băng, nàng bực bội rời mắt khỏi màn hình tivi đang sướt mướt phim Hàn: “Sao anh vụng thế, chồng với chả con!”. Vết đứt tay ngày xưa giờ anh mới thấy thấm đau!

Nhà không có đàn ông, tất tật mọi việc bạn đều (phải) tự làm lấy. Từ việc lớn như kiếm tiền, xây nhà, sửa nhà... cho đến việc nhỏ như chăm con, cơm nước chợ búa, việc vặt như đóng đinh treo tấm lịch hay móc đoạn dây phơi, bạn đều thành thạo.

Vậy mà đã có lần bạn gọi cho tôi, giọng nức nở, tôi hốt hoảng hỏi có chuyện gì, bạn nghẹn ngào không nói được. Một lúc sau nghe tiếng con bạn trả lời “mẹ con bị búa đập vào tay”. Ừ, lỡ bị búa đập vào tay thì chắc là rất đau, nhưng đau đến mức phải gọi và khóc với một ai đó thì nỗi đau không phải chỉ ở cái tay bị thương... 

Có câu chuyện ngụ ngôn thời hiện đại rằng cậu bé kia tính khí nóng nảy rất hay làm tổn thương người khác. Bố cậu bắt buộc: mỗi lần phạm lỗi con hãy tự đóng một cây đinh vào hàng rào ngoài kia để nhìn thấy mà răn mình.

Nhiều lần sau đó, dù đã biết lỗi, cậu vẫn không bình tĩnh nên thường đập búa vào tay đau điếng. Chính vì bị đau như vậy nên một thời gian sau cậu từ bỏ được tính khí nóng nảy, nhưng hàng rào nhà cậu thì trở nên xấu xí vô cùng vì bị những chiếc đinh đóng vào nham nhở.

***

Thường thì ta sẽ rất cẩn trọng khi làm những việc lớn, nhưng khi làm việc nhỏ thì ít ai chú ý. Là vì ta nghĩ nó là chuyện vặt, dễ làm, nếu có làm sai cũng chẳng sao, làm lại mấy hồi. Đấy, như việc đóng đinh lên tường chẳng hạn.

Tường cũ gạch ẩm, lớp vữa đã mềm thì đóng đinh nào cũng dễ vào, nhưng có khi vì vậy mà chỉ cần lay nhẹ là đinh rơi ra, treo cái gì lên không khéo lại rơi trúng đầu mình.

Tường mới nhưng xây ẩu trát vụng thì cũng vậy, có khi phải đóng đi đóng lại, xê dịch vài lần chiếc đinh mới yên vị. Nếu là tường mới, vết đinh để lại làm xấu hẳn. Chưa kể đinh làm bằng thép dỏm, đinh gỉ, mới bị một búa đã cong queo, chuyện đóng đinh mà đập búa vào tay là thường.

Cuối cùng thì vẫn là người đóng đinh. Tay búa tay đinh cẩn thận thế mà còn đập vào tay mình! Mà cái đau khi bị búa đập vào tay mỗi người mỗi khác! Bởi vậy có ai dại mà cầm giùm đinh cho người khác đóng đâu.

Bây giờ đinh bằng thép không gỉ có thể đóng thẳng vào tường, thậm chí qua cả tường bêtông. Nhưng người ta hay dùng khoan điện, khoan vào tường, đóng một cái tắckê, rồi đóng cái đinh sáng loáng vào đó, thế là xong. Chắc chắn. Sau này không cần nữa thì nhổ đinh ra, không làm “nát tường”. 

Cũng cái đinh thép ấy đóng lên tường mục thì dễ, nhưng cũng như đinh gỉ, chẳng an toàn chút nào khi treo vật gì lên đó, là tại tường chứ không phải tại đinh. Tường mục tường cũ, đinh mới đinh tốt đóng lên cũng phí. Cho nên tường chắc, đinh đóng vào mới chắc.

Lẩn thẩn chuyện về đinh với tường thế này mà lại nghĩ miên man ra thành chuyện đời, chuyện người. Thế nào mà lại thấy mỗi người, bằng hành vi và lời nói, rồi sẽ luôn đóng những chiếc đinh lên bức tường xã hội.

Từ những “chiếc đinh” ấy, bức tranh xã hội muôn hình vạn trạng được “treo” lên, đẹp hay xấu, nham nhở hay có mỹ thuật, chắc chắn hay lỏng lẻo lung lay... tùy thuộc vào cách ta cầm búa đóng đinh có khéo léo hay không, vào chất lượng cái đinh ta chọn.

Chẳng ai chọn đinh gỉ để đóng lên tường nhà mình, phải không? Vậy cũng đừng biến hành vi, lời nói của mình thành “chiếc đinh gỉ” mang vi trùng uốn ván phát tán khắp nơi.

Ấy vậy mà bây giờ người ta hay chê nhau tay nọ, kẻ kia “không là cái đinh gì” mà chẳng ai chú ý đến bức tường cái đinh ấy đóng vào.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận