Đạo diễn Oliver Stone: “Tôi làm phim, viết sách cho các con mình...”

DUY VĂN trích dịch 17/11/2014 06:11 GMT+7

TTCT - Ngày 4-11, đạo diễn Mỹ Oliver Stone đã tới Nga để hoàn tất kịch bản cho bộ phim về cựu điệp viên NSA Snowden khởi quay đầu năm sau.

Đạo diễn Mỹ Oliver Stone - Ảnh: rg.ru
Đạo diễn Mỹ Oliver Stone - Ảnh: rg.ru

Trước chuyến đi, ông đã trả lời phỏng vấn tờ báo Nga Rossiiskaya Gazeta (*) trong một cuộc trò chuyện phản ánh cái nhìn của vị đạo diễn từng đoạt ba giải Oscar này về mối quan hệ Mỹ - Nga và về cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay. TTCT trích giới thiệu.

Tặng gì cho đạo diễn lừng danh là câu hỏi các nhà báo tờ Rossiiskaya Gazeta (Nga) đặt ra khi vô tình lịch hẹn gặp Stone của họ diễn ra đúng dịp sinh nhật 68 tuổi của ông, ngày 15-9-2014. Cuối cùng họ mang tới cho ông một chai vodka Kalashikov hình súng tiểu liên và một áo thun in hình “Những người lịch sự”!

* R.G: Loại áo này đang mốt. Hồi tháng 9, khi diễn viên Steven Seagal biểu diễn ở Sevastopol (Crimea), được tặng áo thun có hình Putin, ông ấy đã mặc ngay trên sân khấu. Hoặc như diễn viên Mickey Rourke khi tới Nga đã xếp hàng mua áo thun in ảnh Putin. Tấm ảnh Rourke đi mua áo được lan truyền trên nhiều tờ báo, khiến sau đó trợ lý của Rourke cho biết là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có gọi điện yêu cầu không nên quảng bá quá mức tình yêu với nước Nga. Ông có sợ mặc áo thun in ảnh Putin không?

- Oliver Stone: Thành thật mà nói, tôi không tin Bộ Ngoại giao (Hoa Kỳ) gọi điện nói như vậy. Tôi không cho là họ có sự ủy nhiệm pháp lý đó. Mọi công dân Mỹ có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Nhưng có lẽ tôi sẽ không mặc cái áo đó trước công chúng, bởi nó khiêu khích. Tôi không muốn khiêu khích.

Vâng, đôi khi những nhận định của tôi có tính công kích, nhưng thường thì tôi cố giữ một thái độ kiềm chế. Đơn giản tôi cho rằng tôi có quyền bày tỏ ý kiến như một công dân Mỹ mà nếu không làm vậy, vô hình trung tôi chịu thua sự sợ hãi và tuân phục các giáo điều, thứ tôi căm ghét. 

Người Nga luôn phải chơi theo luật khác

...Nhiều người Mỹ không biết về nước Nga, đến nay vẫn cho rằng ở đó chỉ có Siberia và trên đường đầy gấu. Ông đến Nga không dưới một lần. Ông đánh giá thế nào về sự tiến bộ ở đó?

- Tôi chỉ thấy những gì trên bề nổi, tôi cũng không phải chuyên gia trong lĩnh vực này. Tôi không biết tiếng Nga, không đến các làng quê, không có nhiều mối quan hệ ở Nga. Tôi chỉ có thể nói về bộ mặt của nước Nga dựa trên Matxcơva và Saint Petersburg.

Tôi đã tới Liên Xô đầu thập niên 1980, khi Leonid Brezhnev còn nắm quyền, để phỏng vấn khoảng một chục vị bất đồng chính kiến Xô viết. Với sự lên ngôi của Gorbachev, trong tôi cũng như nhiều người khác nảy sinh hi vọng về hòa bình... Giai đoạn từ năm 1986-1989 cứ tưởng mọi thứ là như thế.

Đến năm 1989, Mỹ tấn công Panama, tôi đã vô cùng thất vọng. Năm 1991, bắt đầu chiến tranh Kuwait, hi vọng về một trật tự thế giới mới sụp đổ. Chiến tranh ở Kuwait đã giữ nước Mỹ tiếp tục trên đường ray quân sự hóa. Nước Mỹ đã không khác đi sau các tất cả thỏa ước với Liên Xô.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hi vọng thay đổi lại một lần nữa xuất hiện. Nhưng không. Tôi không biết hết chi tiết, bởi tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử không phải trong trường học mà muộn hơn, năm 2008, khi nhiệm kỳ tổng thống của G. Bush (con) đang ở năm thứ tám.

Khi đó tôi đã 60 tuổi, tôi tiến tới biên độ tuổi này với nỗi thất vọng lớn lao về những gì xảy ra ở Mỹ - đất nước tôi yêu. Bush đã làm sai lệch tất cả những gì tôi hằng tin thời ấu thơ và niên thiếu. Tôi bắt đầu nghiên cứu lịch sử Mỹ, và Peter Kuznick (**) giúp tôi nhiều trong việc này.

Kết quả là việc làm phim tài liệu và sách. Lúc đó tôi cũng bắt đầu tìm hiểu những gì đã xảy ra ở thập niên 1980-1990. Tôi nhận ra Mỹ đã bóp méo tinh thần những thỏa thuận giữa Gorbachev và G. Bush (cha) về các vấn đề thống nhất nước Đức, mở rộng NATO và những vấn đề khác. 

* Oliver, liệu chúng tôi hiểu ông đúng không nếu nói ông ủng hộ Gorbachev, người mà ở nước tôi ít được nghe nói tốt về ông ấy?

- Vâng, tôi thích ông ta, dù tôi biết ông ấy không được ưa chuộng và bị truất quyền năm 1991. Tôi đọc những hồi ký gần đây của ông ấy, trong đó ông ta kể lại chi tiết chuỗi sự kiện làm bất ổn tình hình, về Boris Yeltsin và về sự sụp đổ Liên Xô.

Tôi có cảm tưởng nếu cho Gorbachev ở lại, tình hình thế giới có thể đã tốt hơn. Nhưng Mỹ muốn biến Nga thành nước tư bản và đã gửi tới đó các chuyên gia của mình để khuyên nên làm cho nền kinh tế tự do hơn, được gọi là những chàng trai Harvard (tức các cộng sự từ Viện Phát triển kinh tế của Đại học Harvard cố vấn cho Chính phủ Nga lúc bấy giờ - R.G).

Kết quả là ta nhận được nền kinh tế gangster.

* Vậy thì ông thấy vai trò của Putin trong mối quan hệ đó là gì?

- Tôi cho rằng, dù nhiều người cảm nhận khác, V. Putin đóng một vai trò hết sức quan trọng, ngăn chặn cú trượt dài của nước Nga khi nói “không” với chính sách của Yeltsin, đặt ra một trật tự mới và chế độ toàn trị mới. Tôi nghĩ điều đó đã mang tới cho người Nga cảm giác ổn định, bình an, tự hào.

Những năm 1990, kinh tế Nga thu hẹp lại chỉ còn cỡ nền kinh tế Hà Lan, quá nhỏ so với một đất nước rộng lớn như thế. Lấy lại quốc gia từ tay những kẻ cướp là một bước đi vô cùng quan trọng cho nước Nga. Tôi khâm phục Putin như một người mạnh mẽ trong ý nghĩa đó.

Ở Nga, người ta luôn phải chơi theo những luật lệ khác với ở Mỹ, nghiệt ngã và hà khắc hơn nhiều. Tức nếu nói về cảm nhận của tôi thì khi tôi đến Nga thập niên 1990, trông nó đã có vẻ tươi tắn, mới hơn, nhiều hộp đêm, cận vệ hơn. Sau đó tôi đến đây vào đầu những năm 2000.

Tôi không biết ở các khu vực khác thì sao, còn ở Matxcơva thì chất lượng phục vụ đã tốt hơn nhiều. Thành phố rất đắt đỏ, chói sáng, hiện đại. Người ta trông hạnh phúc hơn. Có thể họ không quen cười nhiều bởi vì khí hậu nước các bạn khắc nghiệt, nhưng tâm hồn họ sâu sắc và khi có thời gian ở cùng họ, bạn sẽ hiểu họ rất hiếu khách và nồng hậu.

Tôi thích người Nga.

“Phim tôi không nói Snowden tốt hay xấu”

* Trên Internet có tin rằng ông dự định làm một bộ phim về chủ nghĩa dân tộc mới ở Ukraine?

- Lại là một tin đồn nữa, mặc dù tôi biết vai trò của những người theo chủ nghĩa dân tộc mới trong các biến cố ở Ukraine. Nhưng tôi không có kế hoạch làm phim tài liệu mới. Hiện giờ tôi chỉ theo đuổi bộ phim Snowden và một đề án khác.

* Ông muốn nói về “Một lịch sử chưa được kể của nước Mỹ” (**)?

- Vâng, tôi và Peter Kuznick mới đây vừa hoàn tất quyển sách về bộ phim tài liệu 12 giờ Một lịch sử chưa được kể của nước Mỹ, sẽ được chiếu trên kênh 1 truyền hình Nga. Quyển sách viết về bộ phim này chứ không phải ngược lại như thường thấy.

Các nhà phê bình nhiều lần buộc tôi tội bóp méo sự thật, vì vậy chúng tôi quyết định chuyển thể phim lên giấy. Khi viết sách, cũng như khi làm phim, chúng tôi làm việc với ba nhóm độc lập để kiểm tra các sự kiện. Chúng tôi cố làm tốt nhất có thể.

Chúng tôi tổ chức bán sách ở nhiều nước. Tôi hạnh phúc vì sau tất cả các nỗ lực, chúng tôi đã có thể giới thiệu sách và bộ phim tài liệu này ở Nga. Người Nga có cái nhìn hoàn toàn khác về những sự kiện của các cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai. Người Mỹ không hiểu nhiều điều về lịch sử hai cuộc chiến này, chúng tôi đã kể về điều đó trong quyển sách...

Chúng tôi viết sách và làm phim cho những người trẻ như con gái và các con trai tôi, để họ biết câu chuyện này. Tôi và Peter đã đi khắp nước Mỹ, nhiều nước khác trên thế giới, tiếp xúc với các sinh viên.

Thí dụ, vào những ngày cuối tuần tới đây chúng tôi sẽ phát biểu ở bang Arkansas để giới thiệu phần thứ năm nói về cuộc khủng hoảng nhập cư năm 1957 thời tổng thống Eisenhower. Kiểu dạy lịch sử cho giới trẻ như thế rất quan trọng đối với tôi... 

* Điều gì khiến ông quay phim về Snowden, người mà nhiều người ở Mỹ cho là kẻ phản bội?

- Về chính hành động của Snowden thì tôi không thể nói nhiều bởi trong trường hợp đó tôi sẽ là kịch tác gia chứ không phải nhà báo. Hình tượng sân khấu khác với (hình tượng) chính trị. Vì vậy khi tôi làm phim về G. Bush con, ở mức độ nào đó tôi phải cố làm sao cho mọi người có thể hiểu ông ấy, dù tôi không thích ông ta.

Chính ở đó là công việc của tôi như một nhà viết kịch - làm sao để mọi người hiểu Snowden. Trong ý nghĩa đó, tôi không đứng ở một quan điểm nào khi làm phim, không nói Snowden tốt hay xấu. Tôi chỉ giới thiệu sự kiện và để mọi người tự phán xét. Xung quanh Snowden có nhiều cuộc đối thoại chính trị, nhưng phim thì không làm điều đó.

* Ông nghĩ gì về hành động của Chính phủ Nga khi cho Snowden cư trú trên lãnh thổ Nga?

- Tôi nghĩ việc cấp nơi cư trú cho Snowden là một bước đi tốt bởi anh ta không có nhà cửa, không ai sẵn sàng tiếp nhận anh ta. Và tôi có cảm giác (người Nga làm) điều đó không phải để gây khó chịu cho Mỹ, mà để nói: phải có một đối trọng cho một thế giới mà Mỹ đang điều khiển toàn bộ.

Chỉ cần nhớ việc máy bay Tổng thống Bolivia Evo Morales bị buộc hạ cánh (vì tình nghi có Snowden trên đó - TTCT). Tay của người Mỹ vươn dài. Trước kia có thể tìm nơi cư trú chính trị ở Brazil, Pháp, Thụy Sĩ hay Thụy Điển. Giờ thì không thể. Khắp nơi là ảnh hưởng của người Mỹ.

Mỹ đã trở thành siêu cường duy nhất, và tôi không cho rằng điều đó có lợi cho ai, kể cả người Mỹ. 

Mấy tháng trước tôi gặp Mikhail Gorbachev. Ông lên án những gì người Mỹ đã làm, gọi đó là sự phản bội nước Nga và vi phạm tinh thần những thỏa thuận với G. Bush (cha). Những thỏa ước đó không được củng cố bằng văn bản, bị vi phạm đầu tiên bởi Bill Clinton, sau đó là G. Bush (con) rồi đến Barack Obama.

Từ đó có 13 quốc gia gia nhập NATO. Đối với Nga, đó là một cơn ác mộng... 

...Phương Tây cho rằng nước Nga chỉ muốn vươn tới sự vĩ đại, rằng Putin muốn khôi phục quá khứ. Theo tôi, Putin giữ vị thế phòng thủ, bảo vệ những lợi ích địa chính trị then chốt của Nga. Ông ta có quyền đó như bất cứ nước nào khác... Nhưng Mỹ không chịu dừng lại ở Ukraine. Mà với Nga - đó là biên giới của Nga.

(*): http://rg.ru/2014/09/22/oliver-stone-site.html#

(**): The concise untold history of The United States của Oliver Stone và Peter Kuznick. Peter Kuznick là giáo sư lịch sử, giám đốc Viện Các nghiên cứu hạt nhân Đại học Mỹ (Washington, Mỹ).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận