Danh phận cho giống lúa chịu mặn 

QUỐC THANH - CHÍ QUỐC 24/03/2016 21:03 GMT+7

TTCT - Trận mặn “đổ bộ” sớm vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua đã gây tổn thất lớn đối với người trồng lúa và vẫn chưa dừng lại. Nông dân cần có giống lúa chịu mặn, còn các nhà khoa học, nhà quản lý bận loay hoay với việc thừa nhận hay không một loại giống chịu mặn đang sống được với thực tế.

Đồng ruộng của ông Nguyễn Hoàng Dương (ấp Nhị Cầm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) vừa thu hoạch xong lúa Sỏi phá quang kỳ. Trong khi những giống lúa truyền thống khác của địa phương đều không thể sống được với điều kiện mặn khắc nghiệt của năm nay thì giống lúa Sỏi phá quang kỳ vẫn sống được và cho năng suất khá tốt -Chí Quốc
Ruộng lúa của ông Nguyễn Hoàng Dương (ấp Nhị Cầm, xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) vừa thu hoạch xong lúa Sỏi phá quang kỳ. Trong khi những giống lúa truyền thống khác của địa phương đều không thể sống được với điều kiện mặn khắc nghiệt của năm nay thì giống lúa Sỏi phá quang kỳ vẫn sống được và cho năng suất khá tốt -Chí Quốc

Vẫn đang khảo nghiệm

TS Trần Ngọc Thạch, phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết sáu giống lúa triển vọng chống chịu mặn ở các mức độ khác nhau (trong bộ giống gồm 18 giống vừa được viện giới thiệu vào cuối tháng 2), gồm OM 108, OM 284, OM 376, OM 359, OM 232, OM 9921.

Một số giống trong nhóm này được giới thiệu chống chịu mặn ở giai đoạn sinh trưởng với nồng độ muối 4-5 phần nghìn, có giống được công bố chống chịu mặn tốt ở giai đoạn sinh trưởng với nồng độ thanh lọc mặn 8 phần nghìn và giai đoạn làm đòng trổ hoa trong nhà lưới với nồng độ 3-4 phần nghìn… Tuy nhiên, theo TS Thạch, tất cả sáu giống vừa nêu đều chưa được công nhận và đang được khảo nghiệm ở các địa phương.

Các nhà khoa học khẳng định đến nay có thể giải quyết được một số giống lúa chịu mặn khá tốt ở giai đoạn mạ non (nước mặn khoảng 3-4 phần nghìn, mạ non có thể vượt qua).

Song, nông dân cần nhất là những giống lúa chịu được nước mặn ở giai đoạn đòng trổ thì hiện nay chưa có giống lúa nào đã qua khâu thử nghiệm và công nhận để nông dân có thể yên tâm mua giống sản xuất. Sáu giống lúa có khả năng chống chịu mặn như nêu trên chỉ mới là những giống triển vọng, đang ở giai đoạn làm hồ sơ thủ tục để sản xuất thử, đánh giá giống phù hợp ở những khu vực nào…

TS Thạch cho biết các giống có khả năng chịu mặn đang được gửi khảo nghiệm cấp quốc gia, Viện Lúa ĐBSCL cũng tiến hành khảo nghiệm song song ở một số địa bàn. Nếu kết quả khảo nghiệm tốt, các giống lúa sẽ được đưa vào sản xuất. Quy trình có thể mất khoảng một năm.

Những hạt lúa chịu mặn quý giá -Chí Quốc
Những hạt lúa chịu mặn quý giá -Chí Quốc

 

Câu trả lời từ đồng ruộng

Trong lúc đó ở huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), nông dân đã thu được lúa ngay trên ruộng nước mặn. Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ huyện Hồng Dân xác nhận nơi nông dân thu được lúa là vùng đất có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nhất trong tỉnh Bạc Liêu.

Vùng đất này có khoảng 500ha thường xuyên bị “ninh” trong nước mặn. Độ mặn trong nước ngay trong mùa mưa cũng ở mức trên 7 phần nghìn, cây cối khó có thể sống và phát triển được.

Mọi chuyện bắt đầu từ khoảng năm 2010, khi Trường ĐH Cần Thơ và huyện Hồng Dân bắt tay kết nghĩa, một giống lúa có tên là “Sỏi” được trồng thử nghiệm trên diện tích 3ha, ở vùng nước mặn đắng và mùa đó thu được khoảng 4 tấn/ha.

Tuy nhiên, vốn có nguồn gốc là giống lúa mùa nên rất dài ngày, không phù hợp với nhu cầu mùa vụ ở đây. Ngoài ra, yêu cầu phải rút ngắn ngày hơn và làm sao chuyển từ hạt lúa tròn thành hạt dài. Nhu cầu này được đáp ứng và thử nghiệm trong khoảng hai năm bởi nhóm nghiên cứu của PGS.TS Võ Công Thành.

Hiện giống lúa Sỏi đột biến (còn gọi bằng tên khác là lúa Sỏi phá quang kỳ) đã đáp ứng được yêu cầu này. Đặc tính nguyên thủy của giống lúa Sỏi là cảm ứng với quang kỳ, chỉ ra hoa trong điều kiện ánh sáng ngày ngắn, nghĩa là chỉ trổ và chín theo mùa.

Gọi là phá quang kỳ bởi bằng các biện pháp kỹ thuật, nhóm nghiên cứu nói trên đã phá vỡ được đặc tính chỉ trổ và chín theo mùa. Cũng nhờ đó thời gian từ khi gieo giống đến lúa chín ngắn ngày hơn rất nhiều, hiện đạt mức từ 95-100 ngày, tương tự các giống lúa cao sản ngắn ngày.

Cán bộ ở đây kể khi ngâm giống trong nước mặn 9-10 phần nghìn, hạt lúa vẫn nảy mầm và đến giai đoạn mạ, nước mặn khoảng 7-8 phần nghìn vẫn sống bình thường. Và đến giai đoạn đòng trổ, gặp nước mặn (khoảng 5-6 phần nghìn), lúa vẫn sống, sau đó nông dân vẫn thu được lúa.

“Cái hay của giống lúa Sỏi phá quang kỳ là ở chỗ này, nên có cơ sở cho thấy đây là giống lúa chịu mặn tốt” - thạc sĩ Võ Đăng Ký, giám đốc trung tâm, đánh giá. Còn phẩm chất gạo, theo cá nhân ông Ký, khác với các giống lúa mùa thường cứng cơm, lúa Sỏi phá quang kỳ cho gạo hạt dài, ngon cơm. Năm 2013, huyện Hồng Dân trồng được khoảng 20ha lúa Sỏi phá quang kỳ.

Theo ông Ký, để có thể phát triển giống lúa Sỏi đột biến cần triển khai các bước thử nghiệm theo quy trình dù thực tế nó đã được “thử thách” ở môi trường có nhiều bất lợi cho trồng lúa.

Một trong các yêu cầu là phải qua các bước theo quy định về khảo nghiệm để được chứng nhận là giống chịu mặn. Ông Ký cũng nói thêm sở dĩ trong thực tế người dân chưa trồng nhiều do giống chưa được công nhận, nên dân chưa yên tâm. Mặt khác, thương lái thấy lúa lạ, ngại mua, nên dân sợ khó bán lúa và ngại trồng.

Phía tác giả giống lúa Sỏi phá quang kỳ khẳng định về mặt khoa học đã có đầy đủ số liệu thử nghiệm để có thể thực hiện các quy trình, thủ tục thẩm định, công nhận giống.

Tuy nhiên, tác giả giống dường như ngán ngẩm khi đề cập việc phải làm các thủ tục trên. Có lẽ vì thế giống Sỏi phá quang kỳ đến nay chưa có một “danh phận” rõ ràng. Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, không nên quá cầu toàn, nếu một giống lúa mới ra đời mà giải quyết được nhu cầu của một vùng hẹp, có điều kiện tự nhiên đặc thù, đồng thời đáp ứng được nhu cầu lúa gạo tại chỗ cũng nên khuyến khích.

Thực tế đồng ruộng cho thấy dù có được công nhận hay không được công nhận “danh phận”, giống lúa Sỏi đột biến vẫn được nhiều bà con nông dân biết đến như một loại lúa có thể mang lại hạt gạo cho họ từ chính dòng nước mặn. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận