Đằng sau cuộc khủng hoảng Kazakhstan: Lại một “Thiên nga đen”?

TƯỜNG ANH 17/01/2022 18:00 GMT+7

TTCT - Truyền thông Trung Á những ngày đầu năm 2022 nháo nhác. Ngay cả những nhà bình luận chính trị am hiểu nhất cũng tự hỏi chuyện gì thật sự đang xảy ra ở Kazakhstan, nơi chưa đầy một tuần, những cuộc biểu tình biến thành bạo loạn dẫn tới cái chết của những nhân viên thực thi pháp luật, trong đó có hai người bị chặt đầu!

Mọi chuyện bắt đầu từ những cuộc biểu tình ở hai thành phố Zhanaozen và Aktau phản đối tăng gấp đôi giá khí đốt hóa lỏng dành cho ôtô kể từ ngày 1-1-2022, từ 60 tenge/lít thành 120 tenge/lít (khoảng 6.200 đồng/lít). 

Hai thành phố này thuộc tỉnh Mangistau (nằm ở tây nam đất nước) - vùng sản xuất dầu mỏ rất quan trọng, mang lại thu nhập chính cho ngân khố Kazakhstan, nhưng không nhận được các khoản tài trợ thích hợp để phát triển. 

Đại diện của chính quyền địa phương đã đến gặp người biểu tình, nhưng đàm phán bất thành khi giới chức sở tại tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu của các mức thuế mới và không có kế hoạch thay đổi. Biểu tình nhanh chóng lan rộng ra khắp cả nước, bao gồm thủ đô Nur-Sultan. 

Người biểu tình chặn đường, phong tỏa giao thông, đụng độ với cảnh sát, tấn công nhân viên công vụ bằng gạch đá, gậy gộc, bình gas và cocktail Molotov.

Tượng ông Nazarbayev bị giật sập ở Taldygorkan. Ảnh: Nexta Live

“Maidan khí đốt”?

Sáng 5-1, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã ban ra một loạt biện pháp khẩn cấp, bao gồm bãi nhiệm toàn bộ chính phủ, giảm giá khí đốt hóa lỏng - thậm chí còn thấp hơn mức khởi điểm: giá nhiên liệu ở tỉnh Mangistau chỉ còn 50 tenge/lít (2.600 đồng). 

Nhưng các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục, ngày càng dữ dội và bạo lực. Kazakhstan ban bố tình trạng khẩn cấp từ ngày 5 đến 9-1, đồng thời giới nghiêm các tỉnh Mangistau và Alma Ata.

Tình hình tiếp tục căng thẳng mấy ngày sau đó. Tại Taldygorkan, Alma Ata, tượng đài cựu tổng thống Nursultan Nazarbayev bị kéo khỏi bệ, tử thi nằm rải rác trên quảng trường Cộng Hòa ở cố đô Almaty. 

Almaty, cũng là thành phố công nghiệp quan trọng của đất nước, gần như bị những kẻ nổi loạn chiếm giữ trong ngày 5-1. 

Internet chập chờn, báo chí bản xứ bối rối, dư luận trong và ngoài nước bắt đầu nói về một “Maidan khí đốt” khi đám đông biểu tình đưa ra các yêu cầu: thay đổi chế độ, tổ chức bầu lại chính quyền các cấp, đưa vào chính quyền những người “không nằm trong hệ thống”, chính quyền không được truy nã người biểu tình..., theo KP 6-1.

Coi những hoạt động bạo loạn là “hành động xâm lược”, ông Tokayev thông báo quyết định kêu gọi tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO, gồm 6 nước Nga, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan, Tajikistan và Kazakhstan) giúp ổn định tình hình Kazakhstan. 

Ngay trong ngày 6-1, CSTO nhóm họp và quyết định hưởng ứng đề nghị của ông Tokayev. Các binh sĩ gìn giữ hòa bình của CSTO cùng khí tài đã lập tức có mặt ở Kazakhstan.

Âm mưu đảo chính?

Tuy nhiên, ngay khi CSTO đưa binh sĩ gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan, người ta vẫn chưa rõ ai là kẻ giật dây “Maidan khí đốt”? 

Báo chí Nga và địa phương đưa ra các đồn đoán về những nhà tài phiệt, về “cuộc chiến giữa phe Nazarbayev chống phe Tokayev”. Nhưng với việc tượng Nazarbayev bị kéo đổ ở thành phố Taldykorgan, giả thiết cuối có vẻ không hợp lý.

Ba dấu hiệu chính của một cuộc cách mạng màu là: (1) Đám đông hỗn loạn, không còn sợ hãi. (2) Sự ủng hộ chính trị, tài chính và truyền thông của nước ngoài. (3) Sự hiện diện của phe đối lập (hoặc những người sẽ trở thành đối lập) ở một số vị trí then chốt trong chính quyền. 

Đến ngày 7-1, chỉ có dấu hiệu đầu tiên là rõ ràng ở Kazakhstan.

Với chỉ dấu thứ hai, kênh alaniainform.org cho biết như trong trường hợp với Belarus, một kênh Telegram đã được tạo ra để điều phối cuộc biểu tình - lần này là ứng dụng Bridgefy. 

Kênh telegram NEXTA, hoạt động từ Ba Lan, đóng vai trò quyết định trong các sự kiện năm ngoái ở Belarus, cũng tích cực đưa tin về Kazakhstan.

 
 Cảnh sát chống bạo động Kazakhstan ở Almaty ngày 5-1. Ảnh: EPA

Nhưng chỉ dấu thứ ba đến ngày 7-1 vẫn chưa rõ rệt, mặc dù lãnh đạo phe đối lập “Sự lựa chọn dân chủ Kazakhstan”, Mukhtar Ablyazov - cựu bộ trưởng năng lượng và nhà tài phiệt từng bị chính quyền cáo buộc một số tội danh, đang định cư ở Pháp - từng công khai đe dọa sẽ “lặp lại Euromaidan của Ukraine”. 

Nhà khoa học chính trị Arkady Dubnov, chuyên gia về các nước châu Á và SNG, nói trên Meduza.io rằng khủng hoảng ở Kazakhstan là một vụ “thiên nga đen” điển hình, tức những sự kiện khó dự đoán và hiếm gặp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.

Đến ngày 7-1 mới lộ diện một trong những “nhà tổ chức” các vụ bạo loạn: Arman Zhumageldiyev, biệt danh “Arman man rợ”. Theo tờ Sự thật Komsomol, Arman là người được an ninh Thổ Nhĩ Kỳ đào tạo nhằm thúc đẩy lợi ích của các nhóm thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Kazakhstan. 

Từ năm 2015, Arman tích cực tài trợ cho các tổ chức theo chủ nghĩa dân tộc ở Kazakhstan.

Mặt khác, tờ báo này ghi nhận có vẻ một số quan chức Kazakhstan biết trước, nên ngay khi các cuộc nổi dậy vừa chớm, nhiều nhà tài phiệt và chính khách đã rời đất nước. 

Theo báo chí địa phương, chỉ trong hai ngày 4 và 5-1, gần một chục máy bay tư nhân rời Kazakhstan tới châu Âu (Thụy Sĩ, Hungary), chỉ một chuyến tới Nga. Sau đó, nhiều nhân vật do ông Nazarbayev “cài đặt” lại trong chính phủ đã bị loại khỏi quyền lực.

Người “ra đi mà còn ở lại”

Xâu chuỗi tất cả những sự kiện ở Kazakhstan trong tuần ác liệt đầu tiên của năm 2022, dựa vào nguồn tin riêng cũng như các diễn biến chính thức, nhà khoa học chính trị Nga Sergey Markov nêu giả thiết: Gia tộc Nazarbayev có trách nhiệm trong việc ngó lơ để những kẻ cực đoan chiếm giữ Almaty.

Cụ thể, Kairat Satybaldy, cháu trai ông Nazarbayev, chính là nhà tài phiệt tỉ phú kiểm soát các mạng lưới dân quân ở miền nam, tức Almaty. Satybaldy - trước đây từng làm việc cho Cơ quan an ninh quốc gia KNB và hiện vẫn còn nhiều mối quan hệ ở đó - đã tài trợ và điều khiển những chiến binh Hồi giáo.

Ngoài ra, còn phải kể đến phó chủ tịch thứ nhất KNB, anh trai của Satybaldy, tướng Samat Abish, cũng là cháu trai Nazarbayev. Ông Abish đã bị cách chức ngày 5-1. 

Ông cùng người đứng đầu KNB Karim Massimov bị cáo buộc đã không thực thi lệnh của Tổng thống Tokayev bảo vệ Almaty, bỏ sân bay Almaty “vườn không nhà trống” cho các tay súng Hồi giáo tiến vào chiếm giữ. Ông Massimov cũng đã bị bắt và bị cáo buộc tội phản quốc.

Trong lúc tình hình nóng bỏng, việc ông Nazarbayev im lặng khiến có tin đồn ông đã bỏ chạy khỏi Kazakhstan. 

Ông Nazarbayev (phải) và ông Tokayev. Ảnh: Reuters

Mãi đến sau khi Massimov bị bắt, thư ký báo chí của ông Aidos Ukibay ngày 8-1 mới viết trên mạng xã hội cho biết “nhà lãnh đạo quốc gia vẫn ở thủ đô, đang tham vấn trực tiếp với Tổng thống Tokayev và có điện đàm với các nguyên thủ quốc gia thân thiện với Kazakhstan”, đồng thời nhấn mạnh ông Nazarbayev kêu gọi người dân Kazakhstan “đoàn kết xung quanh ông Tokayev”.

Từ đây nảy ra một lời giải thích khác về việc hàng ngàn chiến binh bất ngờ chiếm giữ Almaty: Họ đã được Satybaldy huấn luyện thành chiến binh Hồi giáo cho cuộc tranh giành quyền lực trong tương lai của các cháu trai ông Nazarbayev với ông Tokayev.

Trong cục diện chính trị như thế, thất bại trong chính sách kinh tế Kazakhstan đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng. 

Theo chuyên gia kinh tế Dmitry Evstafiev trên expert.ru, cuộc khủng hoảng hiện nay ở đất nước từng nổi tiếng về công nghiệp hóa dầu thời Xô viết đã được định trước bởi “quá trình phi công nghiệp hóa chung của Kazakhstan trong 20 năm qua” - một nỗ lực “nhảy vào chủ nghĩa hậu công nghiệp” bất thành. 

Theo ông Evstafiev, có những người “đã nhảy ra được và kết thúc ở London, trong khi những người khác bị bỏ lại không có việc làm, dù chỉ là một việc làm khốn khổ, giữa những tòa nhà chọc trời bao quanh”. Tình trạng này đặc biệt nghiêm trọng ở giới trẻ, là một trong những nguyên nhân then chốt dẫn tới khủng hoảng.

Vì sao Nga đưa quân vào Kazakhstan?

Một trong những lý do chính là an ninh của Nga phụ thuộc lớn vào Kazakhstan. Theo RT, Nga có 7.600km đường biên giới với Kazakhstan - một trong những đường biên giới trên bộ dài nhất thế giới. 

Mặt khác, Nga vẫn đang thuê sân bay vũ trụ nổi tiếng ở thành phố Baikonur và khu vực thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo Sary Shagan ở Kazakhstan. 

Lịch sử còn để lại một cộng đồng tới 3,5 triệu người Nga sinh sống ở đất nước này, chiếm gần 20% dân số. An toàn của kiều dân Nga là mối quan tâm lớn của Matxcơva.

Theo nhà bình luận A. Khaldey trên aurora.net: “Nếu không có Nga, sẽ không phải người Kazakhstan quyết định tương lai đất nước, mà là người Thổ Nhĩ Kỳ, người Anh, người Mỹ và một chút Trung Quốc. Rõ ràng là họ đang làm gì ở đó. Sau đó, Kazakhstan sẽ biến thành Afghanistan hoặc Chechnya những năm 1990”, hoặc “một Ukraine thứ hai”.

Đặc biệt, cuộc khủng hoảng ở biên giới phía nam của Nga nổ ra chỉ hơn một tuần trước cuộc gặp Nga - NATO (10 và 12-1) để giải quyết yêu cầu của Nga không mở rộng NATO về phía đông. 

Vấn đề Kazakhstan phải được giải quyết trước cuộc họp này. Nga có một tuần để sắp xếp, nếu không, họ sẽ ở vào thế yếu trên bàn đàm phán, A. Khaldey nhận định.■

CSTO làm gì ở Kazakhstan?

Cơ sở pháp lý của việc hiện diện lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO ở Kazakhstan là điều 4 của Hiệp ước an ninh tập thể ký năm 1992. 

 
 Bạo động đặc biệt nghiêm trọng ở trung tâm công nghiệp miền nam Kazakhstan, Almaty. -Ảnh: DW

Theo đó, trong trường hợp một nước thành viên bị tấn công (quân sự, đe dọa an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ) và có yêu cầu, các nước còn lại sẽ hỗ trợ, kể cả về quân sự.

Ngày 6-1, các binh sĩ CSTO bắt đầu được điều đến Kazkhastan để hỗ trợ chính quyền giành lại quyền kiểm soát đất nước nói chung và Almaty nói riêng. 

Ngày 9-1, tư lệnh lực lượng CSTO ở Kazakhstan, tướng Andrei Serdyukov, cho biết việc triển khai quân CSTO đã hoàn tất và họ sẽ rời đi khi “tình hình trở lại ổn định”. 

Hai ngày sau, 11-1, Tổng thống Tokayev phát biểu ở Quốc hội cho biết sứ mệnh của binh đoàn CSTO đã “cơ bản hoàn thành”, và từ 13-1, quân CSTO sẽ bắt đầu rút khỏi Kazakhstan theo từng giai đoạn, một quá trình dự kiến kéo dài không quá 10 ngày.

Sự hiện diện chớp nhoáng của binh đoàn CSTO ở Kazakhstan không chỉ giúp Chính phủ Tokayev giành lại kiểm soát ở Almaty nói riêng và Kazakhstan nói chung. 

Việc rút quân nhanh chóng còn nhằm đối phó với những “quan ngại” từ phía Mỹ, EU và cả Thổ Nhĩ Kỳ. Với Matxcơva, nó giúp Nga ổn định biên giới phía nam, tăng cường ảnh hưởng với Kazakhstan; đồng thời là cuộc thị uy thực lực của quân đội Nga.

Nursultan Nazarbayev, 81 tuổi, đã lãnh đạo Kazakhstan kể từ khi nước này độc lập vào tháng 4-1990. Năm 2007, quốc hội cho phép ông ứng cử tổng thống không giới hạn số lần. Năm 2015, ông tái đắc cử nhiệm kỳ thứ năm với 97,75% số phiếu.

Tuy nhiên, trước khi nhiệm kỳ chấm dứt vào năm 2020, ngày 19-3-2019, ông từ chức, chuyển sang đứng đầu vô thời hạn Hội đồng An ninh quốc gia. 

Trong gần 30 năm cầm quyền, Nazarbayev theo đuổi chính sách cân bằng giữa Nga, Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ông có quan hệ tốt với Mỹ, mở cửa làm ăn nhiều dự án kinh tế với Trung Quốc. Với Nga ông vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp, hai nền kinh tế tương tác chặt chẽ.

Gần đây hơn, trong quan hệ đối ngoại của Kazakhstan xuất hiện thêm một nhân tố mới: Thổ Nhĩ Kỳ. 

Nhà bình luận A. Khaldey trên aurora.net cho rằng “quá trình Thổ Nhĩ Kỳ hóa Kazakhstan của Nazarbayev - cơ sở để chính danh hóa giới tinh hoa, đồng thời để cân bằng giữa Trung Quốc và Nga - đã thất bại. Điều này đang dẫn Tokayev và gia tộc Nazarbayev đến cái chết lâm sàng”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận