Dân trí thức dự SEA Games

HUY ĐĂNG 30/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT - Lần đầu tiên trong lịch sử tham dự các kỳ SEA Games, đoàn thể thao Việt Nam sẽ đăng ký thi đấu ở bộ môn ba môn phối hợp. Còn đáng ngạc nhiên hơn, trong danh sách tham dự Manila 2019 tới đây, VN sẽ có những VĐV là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân...

Phạm Minh Quang - một trong những VĐV Ironman hàng đầu của VN. Ảnh: T.V.
Phạm Minh Quang - một trong những VĐV Ironman hàng đầu của VN. Ảnh: T.V.

 

Ba môn phối hợp (triathlon) bao gồm bơi lội, đạp xe và chạy bộ không chỉ là một môn thể thao, mà còn là những kỹ năng sinh tồn, vận động cơ bản của con người. Ngày nay, nó trở thành trào lưu tập luyện phổ biến rộng rãi trên toàn thế giới.

Bắt đầu muộn

Việc đoàn thể thao VN đến bây giờ mới tham gia bộ môn này ở một kỳ SEA Games thật ra là khá muộn. Ba môn phối hợp đã xuất hiện ở Olympic từ Sydney 2000 và tại SEA Games từ Zambales 2005. Nhưng giải đấu có công lớn nhất trong việc quảng bá môn thể thao này rộng rãi ra thế giới là Ironman - cuộc thi đã có mặt ở hàng chục quốc gia ngày nay.

Ra đời từ năm 1978 ở Hawaii, Ironman ban đầu không thu hút nhiều người vì độ thử thách quá khắc nghiệt đúng như cái tên của nó (nghĩa là “người sắt”, bao gồm khoảng 4km bơi biển, đạp xe 180km và chạy bộ 42km).

Phải đến khi cuộc thi Ironman phiên bản 70,3 ra đời với các cự ly được rút lại còn một nửa (bơi 1,9km, đạp xe 90km và chạy 21km - tổng cự ly tương đương 70,3 dặm Anh), khái niệm “3 môn phối hợp” mới dần gần gũi hơn với những người bình thường.

Bơi, đạp xe và chạy khi tách riêng ra là những môn thể thao đòi hỏi sự chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao độ nếu muốn tranh tài ở đỉnh cao. Nhưng ba môn phối hợp lại khác. Ngay từ khi ra đời, tiêu chí của Ironman đã không phải là “vô địch” mà là “chinh phục”.

Các VĐV dự giải rất ít người đặt mục tiêu chiến thắng, mà cốt hoàn thành phần thi và dần cải thiện thành tích là mãn nguyện. Những người tham dự ba môn phối hợp vì vậy rất đa dạng thành phần, và đa phần không phải là VĐV chuyên nghiệp.

Gwen Jorgensen - nữ kế toán viên người Mỹ nắm giữ kỷ lục 3 môn phối hợp ở Olympic.-Ảnh: Pinterest
Gwen Jorgensen - nữ kế toán viên người Mỹ nắm giữ kỷ lục 3 môn phối hợp ở Olympic.-Ảnh: Pinterest

 Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đặt ra tiêu chuẩn cho một cuộc thi ba môn phối hợp là bơi 1,5km, đạp xe 40km và chạy bộ 10km. Những quốc gia tốp đầu ba môn phối hợp hầu hết ở châu Âu, thêm vào Mỹ, Canada, Úc và New Zealand. Còn ở SEA Games, Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines là những quốc gia mạnh nhất.

Những VĐV trÍ thức

Điều đó khiến ngay cả những nhà vô địch bộ môn này ở các kỳ Olympic cũng không hẳn là VĐV chuyên nghiệp. Tiêu biểu là Alistair Brownlee - VĐV người Anh - người giành 2 tấm HCV ba môn phối hợp nam ở Olympic 2012 và 2016, đồng thời có bảng thành tích học tập rất ấn tượng.

Ban đầu Brownlee học ngành y ở ĐH Girton rồi chuyển sang ngành khoa học thể thao ở ĐH Leeds - một trường giàu truyền thống ở Anh và được xếp trong top 100 đại học hàng đầu thế giới. Đến năm 2013, thời điểm Brownlee đã trở thành nhà vô địch thế giới, anh tiếp tục lấy thêm bằng thạc sĩ tài chính ở Leeds.

Gwen Jorgensen - VĐV người Mỹ giữ HCV ba môn phối hợp nữ ở Olympic 2016 còn ấn tượng hơn nữa. Cô tốt nghiệp ngành kế toán ở ĐH Wisconsin-Madison danh tiếng (nằm trong top 30 đại học hàng đầu thế giới) rồi lấy bằng thạc sĩ cũng tại đây.

Jorgensen sau đó trở thành nhân viên kế toán cấp cao của Hãng kiểm toán Ernst & Young với chứng chỉ CPA. Khi Jorgensen bắt đầu nổi danh trên đấu trường ba môn phối hợp, nhiều người phải ngạc nhiên khi một nữ nhân viên công sở làm việc 50 giờ mỗi tuần như cô có thể trở thành VĐV đẳng cấp cao.

Lịch tập luyện của Gwen rất khắc nghiệt. Cô thức dậy vào 4h sáng mỗi ngày, đạp xe một mạch đến hồ bơi, bơi và sau đó chạy bộ về nhà trước khi đến sở làm lúc 8h, tức cả một cuộc đua Ironman trên đường đi... làm.

Khó khăn nhưng hoàn toàn khả thi với những người đam mê thể thao và có nghị lực như Gwen. Cô chia sẻ: “Kế toán dạy cho tôi những bài học để áp dụng vào ba môn phối hợp: đừng chần chừ, hãy vận dụng linh hoạt, đầu tư tối đa cho công việc và theo đuổi những con số không biết mệt mỏi”.

Thói quen tập luyện mang đến cho Gwen một nguồn năng lượng gần như vô tận. Tháng 8-2017, cô sinh con đầu lòng. Đến tháng 11, cô tuyên bố giã từ ba môn phối hợp để... trở thành một VĐV marathon với tham vọng vô địch Olympic 2020.

So với Gwen, Brownlee yêu thích một cuộc sống thể thao chuyên nghiệp hơn. Nhà vô địch 31 tuổi cho biết anh từng theo học ngành y chỉ vì mong muốn nối nghiệp cha mẹ. Brownlee cuối cùng bỏ ngành y để theo đuổi những ngành học phù hợp với cuộc đời VĐV của anh, nhưng không phải vì vậy mà anh xem việc học là một gánh nặng.

“Tôi luôn muốn trở thành một VĐV ba môn phối hợp. Cha tôi nói rằng tôi có thể làm cả hai, tập luyện chuyên nghiệp và tốt nghiệp ĐH. Điều đó thực sự đúng. Bây giờ tôi có cả huy chương và bằng cấp trong tay, trường học đã tạo điều kiện cho tôi.

Những ngôi trường luôn rất quan trọng, đó là nơi tạo đường dẫn cho mọi đứa trẻ đến với thể thao” - Brownlee nói. Với kiến thức về tài chính cũng như khoa học thể thao, Brownlee hoàn toàn có thể trở thành HLV hoặc những nhân vật cấp cao trong các tổ chức thể thao.

Nicola Spirig - nữ VĐV kỳ cựu người Đức từng giành HCV ở Olympic 2012 - vốn là cử nhân luật ở ĐH Zurich danh tiếng (top 50 thế giới). Song song với sự nghiệp thể thao, Spirig là một nhà hoạt động xã hội và sáng lập nên nhiều tổ chức thể thao có uy tín ở Đức.

Những VĐV Ironman có tiếng ở VN cũng không khác. Phạm Minh Quang - người VN đầu tiên giành vé chính thức tham dự Giải vô địch Ironman 70,3 thế giới vốn làm việc trong ngành kinh tế ở Singapore.

Cao Ngọc Hà, người chiến thắng cuộc thi Ironman 70,3 Đà Nẵng 2018 cũng là một doanh nhân có tiếng ở Hà Nội... Nếu họ tham dự SEA Games, đoàn thể thao VN sẽ đến Philippines với một đội ngũ “VĐV trí thức”.

Nếu biết rằng 80% VĐV Mỹ tham dự Olympic 2016 đã hoặc đang là sinh viên thì sẽ hiểu trong xu hướng tập luyện thể thao không ngừng của thế giới, những VĐV đỉnh cao - thậm chí cả những nhà vô địch Olympic, không nhất thiết phải gắn trọn cuộc đời với “quần đùi áo số”.

Những bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân, nhân viên công sở cũng có thể tỏa sáng ở một kỳ đại hội thể thao đỉnh cao như ai. ■

Không dễ tuyển chọn

Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục thể thao VN, cho biết hiện ông cùng HLV phụ trách đội tuyển ba môn phối hợp VN đang nghiên cứu để thống nhất tiêu chí tuyển chọn VĐV tham dự SEA Games.

“Ở VN ngày càng nhiều VĐV tập luyện, thi đấu ba môn phối hợp. Nhiều người Việt giành được kết quả rất tốt ở các giải quốc tế như Ironman 70,3. Nhưng cự ly ở SEA Games sẽ chỉ bằng khoảng một nửa Ironman 70,3. Trong thể thao, cự ly khác nhau một chút đã thành một nội dung khác hẳn rồi nên việc tuyển chọn không hề dễ dàng” - ông Thủy cho biết.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận