Dân sẽ ủng hộ những quyết sách đặt lợi ích dân tộc hàng đầu

QUỐC VIỆT 24/01/2016 02:01 GMT+7

TTCT - “Những tri thức mới đều xuất phát từ và nhằm giải quyết các vấn đề của sự hội nhập trên hệ giá trị căn bản của nhà nước pháp quyền dân chủ với hệ thống tòa án độc lập, của tự do, bình đẳng và quyền con người. Không thể sử dụng chúng một cách đúng đắn và cho kết quả tốt khi tách rời những cơ sở nền tảng của chúng” - giáo sư Nguyễn Vân Nam, chuyên gia công pháp quốc tế, trao đổi với TTCT khi Đại hội Đảng XII đang diễn ra với nhiều kỳ vọng của nhân dân về tiếp tục đổi mới, thượng tôn lợi ích dân tộc.

Giáo sư Nguyễn Vân Nam -Hữu Khoa
Giáo sư Nguyễn Vân Nam -Hữu Khoa

Năm 1986, Đại hội VI đã mở ra bước ngoặt lịch sử. Trong những nội dung đổi mới có vấn đề rất quan trọng là chuyển từ quan hệ đơn cực với các nước XHCN sang đa phương “làm bạn với tất cả các nước”. Thị trường giao thương của Việt Nam hạn hẹp trước đó đã mở rộng sang nhiều nước. Nhiều nhà đầu tư có tiềm lực lớn dần vào thị trường Việt Nam... Quan điểm của ông về “bước ngoặt mở cửa” này?

- Đại hội VI năm 1986 chắc chắn là một sự kiện rất quan trọng, một điểm son không thể nào quên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng tôi không nhìn nó như một “bước ngoặt”, vì về cơ bản cho đến nay Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định giữ vững bản chất và những nền tảng đã làm nên Đảng, đã giúp Đảng đạt được những thắng lợi vẻ vang của mình.

Đại hội VI đã chứng tỏ hai điểm quan trọng nhất có ý nghĩa quyết định đến các bước phát triển sau này của Đảng là: (1) Sự nhạy bén, khả năng nhìn xa, trông rộng của Đảng. Điều này có một ý nghĩa đặc biệt hơn khi ta để ý rằng cho đến thời điểm này, hệ thống các nước XHCN cũ vẫn cho thấy đang là một hệ thống bền vững với các giao dịch kinh tế nội khối là chủ yếu; (2) Đại hội VI chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam sẵn sàng đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích của Đảng.

Vì lúc đó, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam rất ổn định, đoàn kết, vị trí của Đảng ở Việt Nam vững như bàn thạch. Mở cửa hoàn toàn không phải để cứu Đảng mà chỉ là để cứu nước. Đây là hai điểm cốt yếu đảm bảo cho Đảng gặt hái thành công từ năm 1986 đến nay.

Chúng ta đã gia nhập hàng loạt định chế quốc tế, mới nhất là TPP. Đó là những quá trình đàm phán rất dài và phức tạp, điều chỉnh môi trường kinh tế, môi trường pháp luật... mà có người trong cuộc nói rằng chúng ta “có cái được, cũng có cái mất”. Ông đánh giá sao về quá trình này? Chúng ta đã gặt hái được những gì? Đằng sau những lợi ích kinh tế, việc gia nhập “sân chơi” quốc tế đa phương rộng lớn đã giúp Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp của mình như thế nào và đem lại gì cho đất nước?

- Hội nhập quốc tế, tham gia các hiệp định song phương, đa phương đảm bảo tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng là bước đi tất yếu của quá trình mở cửa mà Đại hội VI đã đặt những bước đầu tiên. Về cơ bản, chúng ta được. Tuy nhiên, mất đi những gì quen thuộc, đặc biệt là những điều ta vẫn tự cho là tốt, luôn đau đớn và kéo dài.

Trong khi đó, những cái được hay nhất, tốt nhất mà quá trình hội nhập quốc tế có thể đem lại như: nhà nước pháp quyền - dân chủ; nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp để có thể đứng vững trên thị trường toàn cầu; nâng cao mức sống người dân và phúc lợi xã hội... thường không đến ngay mà tỉ lệ thuận với tốc độ đoạn tuyệt cái cũ, cái lạc hậu, trước hết là với tốc độ cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật cho tương thích với các điều kiện bảo đảm sự hội nhập về kinh tế, thương mại.

Hội nhập quốc tế tạo điều kiện và sức ép khiến ta phải thay đổi, phải cải tổ để hội nhập thành công. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam mới là nơi duy nhất quyết định có cải tổ hay không và cải tổ như thế nào.

Nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn chưa ngừng phàn nàn về môi trường chính sách, luật pháp Việt Nam (dù đã dần hoàn thiện hơn trước). Chẳng hạn họ nói những chính sách kinh tế “giật cục” làm họ bị động; môi trường đầu tư còn thiếu hấp dẫn, lại lắm phiền hà, nhũng nhiễu và mất thời gian; tham nhũng... Là một chuyên gia về luật, ông đánh giá hiện trạng này đang ở mức độ nào, đang cản trở sự hội nhập quốc tế và phát triển của Việt Nam ra sao?

- Ở đâu cũng vậy, nhà đầu tư quốc tế luôn kêu ca, phàn nàn để có thể có được điều kiện tốt nhất cho khoản tiền đầu tư của mình. Nhưng không thể vì thế mà coi nhẹ phàn nàn của họ ở Việt Nam.

Chắc chắn môi trường đầu tư ở Việt Nam là một trong những môi trường bị nhà đầu tư quốc tế kêu ca nhiều nhất do chính sách kinh tế “giật cục”, hay thay đổi, không thể dự đoán được. Đây là điều tối kỵ đối với một nhà đầu tư, vì họ không thể đề ra được một chính sách phát triển kinh doanh phù hợp với một chính sách không thể biết ngày mai sẽ là cái gì.

Ông có thể so sánh với hiện trạng môi trường chính sách, pháp luật nước khác gần gũi với Việt Nam như Malaysia, Singapore? Có quan điểm cho rằng trước đây hệ thống chính sách, luật pháp của họ còn rất kém, không hấp dẫn được các nhà đầu tư quốc tế, nhưng giờ họ đã thay đổi hoàn toàn. Theo ông, nhờ đâu họ đã làm được như vậy?

- Trước đây các nước này tuy khác Việt Nam về thể chế nhưng cũng có chính sách tự lực tự cường đóng cửa phát triển, chính sách và môi trường đầu tư, hệ thống pháp luật, tập quán làm ăn, làm kinh tế không khá hơn Việt Nam của thời kỳ 1986 về trước.

Hiện nay, không những họ hơn Việt Nam rất xa về mức độ hấp dẫn đầu tư mà còn đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, thu hút các nhà đầu tư quốc tế rời bỏ Trung Quốc. Hiện tượng này cũng đã được nhiều công trình nghiên cứu lý giải.

Nguyên nhân thành công được các học giả nhất trí là: họ đã thay đổi một cách căn bản, khiến nhà đầu tư tin tưởng các nước này đã quyết tâm chấp nhận các giá trị nền tảng chung của quá trình hội nhập quốc tế là: nhà nước pháp quyền dân chủ (theo cách hiểu thống nhất của cộng đồng quốc tế, chứ không phải theo diễn giải của nhà cầm quyền mỗi nước); hệ thống tòa án độc lập; kinh tế thị trường tự do không có sự can thiệp của nhà nước; cạnh tranh bình đẳng, tự do.

Có lẽ khác với Việt Nam, nhà cầm quyền ở các nước này, đặc biệt sớm nhất là Singapore, đã nhận thức được rằng không thể dùng những tri thức, những giá trị nền tảng truyền thống của mình, cũng không thể tìm cách vận dụng nó một cách khéo léo cho phù hợp với thực tiễn hội nhập chỉ qua việc cập nhật các tri thức quốc tế mới để hội nhập thành công, mà phải chấp nhận các giá trị nền tảng khác của quá trình hội nhập quốc tế. Không phải tự nhiên mà nhà cầm quyền lại dễ dàng chấp nhận những giá trị, chuẩn mực mới.

Càng hội nhập sâu hơn, toàn diện hơn, họ càng nhận ra rằng quyền lực của chính phủ quốc gia ngày càng giảm mạnh theo cấp số nhân. Thay vào đó, các quyết sách quốc gia chỉ có giá trị khi chú ý đến quyền lợi của các nước khác, các tác nhân quốc tế khác. Vì vậy, các quyết sách của họ có thể có lúc sai, có lúc không hợp lý, nhưng không mâu thuẫn và vẫn nằm trong những sai lầm có thể dự đoán được trong quá trình hội nhập.

Đại hội XII bàn nhiều vấn đề phát triển đất nước, đặc biệt là hội nhập quốc tế để phát triển sản xuất, giao thương, nhân lực trình độ cao... Theo ông, Việt Nam cần phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện những gì trong môi trường chính sách kinh tế, hệ thống pháp luật của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế, hấp dẫn được đầu tư nước ngoài và có chiến lược phát triển quốc gia bền vững?

- Hội nhập quốc tế là một quá trình lâu dài với những hậu quả trước mắt là nhiều khó khăn, thiệt thòi cho người nghèo, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đại hội VI đã cho thấy những chiến lược, quyết sách nào của Đảng Cộng sản Việt Nam đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, đồng thời quan tâm đúng mức đến lợi ích người dân sẽ được toàn dân tin theo, ủng hộ và sẽ thành công.

Trước mắt, cần quay lại xác định và tập trung xây dựng những nền tảng cơ bản để: a) bảo đảm ban hành được các quyết sách đúng; b) cải cách tư pháp; và c) nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Sở dĩ các chính sách của Việt Nam thường nhanh chóng bị lạc hậu, mâu thuẫn, “giật cục” và không thể dự đoán được là do được xây dựng trên cơ sở phối hợp những tri thức mới được cập nhật với hệ giá trị truyền thống.

Tuy nhiên, dùng tri thức mới này hoặc là để lý giải vận dụng các giá trị tư tưởng, nguyên tắc truyền thống của Đảng, hoặc là nhằm đạt được các mục tiêu cần phải có từ hệ giá trị và những nguyên tắc đó là hoàn toàn không phù hợp.

Những tri thức mới đều xuất phát từ và nhằm giải quyết các vấn đề của sự hội nhập trên hệ giá trị căn bản của nhà nước pháp quyền dân chủ với hệ thống tòa án độc lập, của tự do, bình đẳng và quyền con người. Không thể sử dụng chúng một cách đúng đắn và cho kết quả tốt khi tách rời những cơ sở nền tảng của chúng.

Có thể học tập Singapore, tách riêng hệ giá trị tư tưởng của đảng với hệ giá trị của một quốc gia thời hội nhập toàn cầu. Hệ giá trị tư tưởng, các nguyên tắc xây dựng đảng sẽ củng cố sức mạnh của đảng, bảo vệ vị trí của đảng trong lòng dân. Hệ giá trị phổ quát của hội nhập sẽ giúp đất nước hội nhập thành công.

Hệ thống tòa án độc lập là điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài tin rằng các chính sách của chính phủ sẽ được thực thi nghiêm chỉnh. Thực tế cho đến nay, trong hầu hết các hợp đồng đầu tư, giao dịch với doanh nghiệp Việt Nam, nhà đầu tư nước ngoài đều chọn cơ quan giải quyết tranh chấp ở nước ngoài và luật áp dụng không phải luật Việt Nam.

Mức độ tin cậy vào tòa án Việt Nam rất thấp. Không phải vì trình độ chuyên môn của các thẩm phán, mà là vì sự phụ thuộc, không độc lập của tòa án. Bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào cũng biết điều kiện được bổ nhiệm thẩm phán ở Việt Nam thì phải là đảng viên Đảng Cộng sản. Đảng nên chủ động cho phép và khuyến khích bổ nhiệm thẩm phán không phải là đảng viên.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam là điều có ý nghĩa then chốt trong quá trình hội nhập quốc tế. Đó là một quá trình dài lâu và phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, điều kiện. Nhưng ít nhất cũng phải tạo điều kiện cơ bản tối thiểu cho doanh nghiệp: tạo sức mua của người tiêu dùng.

Dân nghèo, không có tiền mua hàng hóa của doanh nghiệp thì doanh nghiệp không thể sống chứ đừng nói đến cạnh tranh. Người dân sẽ chẳng còn đồng nào mua sắm khi họ luôn phải đóng thuế ngày càng tăng. Cân đối ngân sách là quan trọng, nhưng tăng thu qua tăng thuế đánh vào người tiêu dùng là giải pháp không hay, không tốt bằng khuyến khích doanh nghiệp làm ăn tốt hơn, từ đó nộp thuế nhiều hơn.

Cảm ơn ông! ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận