Đàn ông đích thực và “ngày của chị em”

TỊNH ANH 31/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT - Trên diễn đàn “Dạy giới tính cho con”, một số bài viết đề cập việc ứng xử không hay với chị em trong những “ngày đèn đỏ”. Trên thực tế cũng có không ít “kỳ thị” của cánh đàn ông với vấn đề này. Nhưng cũng có những đấng mày râu nghĩ khác...

“Vua băng vệ sinh” Ấn Độ.
“Vua băng vệ sinh” Ấn Độ.

 

Tại nhiều quốc gia, cả Âu lẫn Á, chuyện kinh nguyệt của phụ nữ vẫn là một cái gì đó cần phải tránh xa, tránh bàn luận, không nhắc đến.

Chính vì thế mà hồi tháng 3-2016, cậu sinh viên Chance Ward của Trường Occidental College (Los Angeles, Mỹ) trở thành hiện tượng khi ra “tuyên ngôn” trên Facebook cá nhân, kêu gọi đàn ông hãy luôn nghĩ đến người bạn đang “tới ngày của mình”.

Nam sinh mang theo băng vệ sinh...

Thông điệp của Ward không chỉ nhằm vào những cậu trai hay đem chuyện khó nói của bạn nữ ra trêu chọc, mà còn nhằm khuyến khích đàn ông không nên phớt lờ “chuyện ấy” của phụ nữ, trái lại, hãy giúp đỡ họ khi có thể.

Theo Ward, nam giới cũng không nên tránh né chủ đề kinh nguyệt vì nó chẳng có gì là đáng xấu hổ cả, vì “chúng ta đều biết một nửa thế giới này là phụ nữ kia mà?”.

Để tiên phong, chàng sinh viên 21 tuổi Ward luôn mang theo băng vệ sinh và tampon trong balô để có thể đưa ngay cho người cần chúng.

Có lần Ward đang tập gym thì tình cờ nghe một cô gái hỏi mượn tampon từ một người bạn. Cậu chàng không ngần ngại đến nói với cô gái, “này cô, đừng lo lắng” và đưa một chiếc tampon cho cô. “Đừng bao giờ xấu hổ khi phải hỏi xin (băng vệ sinh) từ người khác - điều đó là rất con người” - Ward viết trên Facebook.

Lời kêu gọi táo bạo của Ward nhanh chóng lan truyền trên Facebook với hơn 40.000 lượt thích và 9.000 lượt chia sẻ. Cánh chị em gửi đến chàng trai những lời khen nức nở, gọi anh là “người tuyệt vời nhất”, “món quà thượng đế gửi đến thế giới này”, hay đơn giản, là “người hùng”.

Một chàng trai Mỹ khác, Jose Garcia (15 tuổi) cũng có lời kêu gọi tương tự trên Instagram, rằng nam sinh nên mang theo băng vệ sinh hay tampon khi đến trường để giúp bạn nữ khi cần, và rằng phụ nữ hãy cứ hỏi xin những sản phẩm này khi cần thiết, chớ ngại ngần.

Garcia đưa ra thông điệp bằng hashtag #realmensupportwomen (Đàn ông đích thực phải giúp phụ nữ) và kêu gọi: “Nếu bạn tôn trọng mẹ, bạn gái hay chỉ là phụ nữ nói chung, tôi mong bạn hãy theo tôi trong chiến dịch này”.

Thông điệp của Garcia nhận được hàng chục ngàn lượt thích trên Instagram, và cả lời khen ngợi từ Hãng Kotex.

Nhà sản xuất sản phẩm phụ nữ này hưởng ứng bằng bức ảnh chụp túi quần sau của một cậu trai với hai chiến tampon, cùng hashtag “Đàn ông đích thực là người biết mua băng vệ sinh”.

“Vua băng vệ sinh” Ấn độ

Nếu ở môi trường học đường đã có những “thiếu niên xuất anh hùng”, không ngần ngại đứng lên bảo vệ nữ sinh trước những kỳ thị về chuyện khó nói, ngoài xã hội lại có những người anh hùng khác tận lực để tăng tính an toàn và vệ sinh cho sản phẩm đặc thù của phụ nữ.

Vào năm 2018 tới, điện ảnh Ấn Độ (Bollywood) dự kiến khởi chiếu bộ phim Padman, với nam chính là diễn viên nổi tiếng Akshay Kumar, khắc họa chân dung Arunachalam Muruganantham - người được xem là “vua băng vệ sinh” và là anh hùng đích thực của phụ nữ Ấn.

Câu chuyện của Muruganantham là nguồn cảm hứng thực sự để Bollywood phải làm một bộ phim về ông - người đàn ông 55 tuổi này đã chế tạo ra chiếc máy có thể làm băng vệ sinh bằng cotton với giá tối thiểu để giúp phụ nữ ở các vùng quê nghèo, vốn phải đối mặt với nguy cơ sức khỏe khi không tiếp cận được với sản phẩm đúng chuẩn.

Nhân thông tin về bộ phim Padman sắp khởi chiếu, tờ The Economic Times (Ấn Độ) ngày 24-4 có bài viết điểm lại hành trình “cách mạng ngành băng vệ sinh” ở quốc gia đông dân nhì thế giới.

Theo The Economic Times, Muruganantham chỉ biết đến nỗi khổ của phụ nữ Ấn khi không có băng vệ sinh đúng chuẩn để dùng vào năm 1998, từ chính câu chuyện của vợ mình.

Đó là khi Muruganantham thấy vợ gom những tấm giẻ dơ bẩn khắp nhà và hỏi bà định dùng chúng để làm gì. Người vợ ngập ngừng và cuối cùng thú thật bà sẽ giặt chúng và dùng như băng vệ sinh. Muruganantham tiếp tục hỏi sao vợ không ra cửa hàng mà mua băng vệ sinh và sốc nặng hơn với câu trả lời, “nếu thế thì nhà ta không có tiền đong gạo”.

Muruganantham sau đó phát hiện nhiều phụ nữ trong làng cũng thế. Cứ 10 người thì chỉ có một người sử dụng băng vệ sinh sản xuất trên thị trường, còn thì tận dụng tất cả những gì có thể - khăn tay, giẻ lau thậm chí cả “cát, lá cây và tro mỗi khi đến kỳ”, theo The Economic Times.

Điều này cực kỳ có hại cho sức khỏe người phụ nữ, và tệ hơn là chuyện “tới tháng” vẫn được xem là cấm kỵ ở nhiều nơi trên đất Ấn.

Khi đến kỳ “đèn đỏ”, phụ nữ không được vào đền thờ hay đến các nơi công cộng, không được nấu nướng hoặc đụng vào nguồn nước, và gần như không ai dám chạm vào họ trong những ngày ấy.

Muruganantham từ đó đặt ra sứ mệnh phải sản xuất được băng vệ sinh rẻ tiền để giúp trước hết là vợ mình và những người phụ nữ trong làng.

Dù bỏ học từ khi mới 14 tuổi, Muruganantham có kiến thức về dệt cotton và máy dệt vì cha ông vốn là công nhân dệt thủ công.

Sau nhiều lần mày mò, Muruganantham cũng chế được chiếc máy có thể làm băng vệ sinh bằng cotton.

Ban đầu ông định nhờ vợ thử nghiệm, nhưng không thể chờ đến một tháng để xem kết quả. Muruganantham tiếp tục nhờ đến chị gái và một số nữ sinh trường y khoa ở địa phương, nhưng đều bị từ chối.

Muruganantham mất hai năm ba tháng mới có thể tìm ra “công thức” cuối cùng để làm băng vệ sinh bằng cotton, và mất thêm đúng chừng ấy thời gian để tạo ra chiếc máy làm ra sản phẩm với giá rẻ.

Năm 2005, Muruganantham mang chiếc máy của mình dự giải thưởng của Quỹ sáng tạo quốc gia Ấn Độ và vượt qua 942 sản phẩm khác để giành giải nhất, do tổng thống khi đó là bà Pratibha Patil trao tặng.

Ngay sau đó, ông cho sản xuất 250 chiếc máy trong 18 tháng và cung cấp cho những bang kém phát triển nhất ở Ấn Độ gồm North - Bihar, Madhya Pradesh, Rajasthan, and Uttar Pradesh.

Ngày nay, theo The Economic Times, “vua băng vệ sinh” đang điều hành Công ty Jayashree Industries với 2.003 cơ sở khắp nước Ấn và 21.000 nữ nhân công.

Muruganantham được tạp chí Time chọn là 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2014 và được trao huân chương Padma Shri, phần thưởng lớn thứ tư trong bốn phần thưởng quốc gia cao quý nhất dành cho công dân Ấn Độ, hồi năm 2016.

Theo báo Independent (Anh), sản phẩm của “vua băng vệ sinh” mang tính cách mạng cho sức khỏe phụ nữ Ấn bởi nó dễ vận hành - phụ nữ ở các làng quê có thể học năm bước sử dụng cỗ máy trong một tuần.

Vào thời điểm đăng ký bằng sáng chế, máy của Muruganantham trị giá 850-3.400 bảng, có thể làm ra 120 miếng băng một giờ với giá 10 rupee/miếng (so với giá 30 rupee/miếng của Hãng Procter & Gamble).

Một “gương điển hình” tương tự, cũng xuất thân từ quốc gia nơi “ngày ấy” phụ nữ bị xem là xấu xa, là cụ ông người Mỹ gốc Iran Kenneth Alvandi (69 tuổi).

Alvandi cùng con gái đang điều hành Công ty Maxim Hygiene Products, chuyên sản xuất tampon và băng vệ sinh, cùng các sản phẩm khăn vệ sinh khác 100% bằng cotton hữu cơ.

Đàn ông đích thực.
Đàn ông đích thực.

 

Theo tạp chí Newsweek ngày 24-7, Alvandi lớn lên ở thủ đô Tehran, nơi phụ nữ phải im lặng và xấu hổ mỗi khi đến tháng.

Gần một nửa các bé gái ở Iran nghĩ rằng có kinh là một căn bệnh, theo một báo cáo năm 2012 của Tổ chức WaterAid. Khi còn thiếu niên, Alvandi một lần thấy mẹ phơi những mảnh vải cotton có vết máu ngoài nắng, và thay vì hỏi mẹ, chàng trai mới lớn lại hỏi bạn thân chúng dùng để làm gì.

“Kinh nguyệt là điều cấm kỵ, đặc biệt là với nam giới - Alvandi nói - Đàn ông (ở Iran) là vua, mà vương tướng thì chả bao giờ dính đến chuyện phụ nữ”.

Alvandi tốt nghiệp thạc sĩ ngành khoa học máy tính, song buộc phải chạy sang Mỹ trong cuộc cách mạng Iran năm 1979. Khi đến New York, ông đầu tư vào bất động sản, rồi mất hết vốn liếng trong cuộc suy thoái những năm 1980.

Cuối cùng, Alvandi mua một chiếc xe tải nhỏ để làm nghề chuyển phát. Khi một công ty băng vệ sinh trong số các khách hàng của ông phá sản năm 1993, Alvandi mua lại nhà máy và tiếp nối việc kinh doanh trong 13 năm sau đó, đến khi ông nhận ra sản phẩm này có thể tốt hơn, tiện lợi và an toàn hơn.

Người đàn ông gốc Iran dành ra hai năm nghiên cứu và thành lập Maxim Hygiene Products, sản xuất băng vệ sinh 100% bằng cotton hữu cơ, với mục tiêu cung cấp sản phẩm sạch, giá phải chăng cho phụ nữ.

Ngày nay, Maxim Hygiene Products đã phát triển từ gara nhà Alvandi thành một công ty “phủ sóng” toàn nước Mỹ. Con gái Alvandi, Rebecca Yadegar hiện là phó chủ tịch công ty và điều hành trang Blog Maxim, đấu tranh cho quyền phụ nữ, gây quỹ từ thiện và vinh danh các phụ nữ dám thay đổi và hành động.■

Muruganantham quyết định tự mình sẽ “mang băng vệ sinh” để kiểm tra hiệu quả của sản phẩm. Ông dùng ruột một quả bóng đá và đổ máu dê pha với hóa chất chống đông vào đó, rồi buộc “tử cung nhân tạo” này vào bên dưới quần áo và đi lại cả ngày để kiểm tra độ thấm của sản phẩm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận