Đàn ông cũng chịu áp lực

CÁT KHUÊ THỰC HIỆN 08/03/2011 11:03 GMT+7

TTCT - Phan Ý Ly - thạc sĩ về sử dụng nghệ thuật trong phát triển cộng đồng, người sáng lập Life Art, doanh nghiệp xã hội đầu tiên và duy nhất tại VN về phát triển con người qua quá trình sáng tạo - chia sẻ với TTCT về ngày 8-3.

Phóng to
Phan Ý Ly - Ảnh nhân vật cung cấp

* Ngày 8-3, những người đàn ông xung quanh chị có làm gì đặc biệt cho chị?

- Trước đây khi còn ở VN, với tôi ngày này rất đặc biệt, lúc nào cũng thấp thỏm xem có nhận được gì ở đàn ông không. Khi đi học ở nước ngoài thì lạ thay, họ chẳng quan tâm đến ngày này. Ngày xưa, 8-3 thường là ngày để người đàn ông duy nhất trong gia đình là bố tôi tỏ tình cảm với bốn mẹ con tôi.

Người đàn ông hiện tại của tôi thì lại viết một email đơn giản nhân ngày... 20-10: “Hôm nay là ngày 20-10, Ngày phụ nữ VN - thấy mọi người bảo thế - nhưng ngày nào em cũng có ý nghĩa, ngày nào em cũng đặc biệt với anh”. Đó là lý do đặc biệt khiến tôi bắt đầu nhớ đến ngày của... phụ nữ.

* Chị có thấy dường như ở VN, ngày 8-3 được chú ý hơn ở các nước phương Tây, vì sao vậy?

- Đúng là ngày 8-3 ở ta rầm rộ hơn rất nhiều. Dù ở phương Tây họ luôn tìm kiếm những ngày đặc biệt gì đó để kinh doanh, bán hàng, kích cầu kinh tế... nhưng có cố đến mấy cũng không biến 8-3 thành một cơ hội vàng được. Quá khác với ta, ngày này hoa hồng, sôcôla, vật phẩm lưu niệm lên ngôi, lên giá!

Điều kỳ lạ ở VN là vai trò của phụ nữ khá lớn, nhưng những cái tốt đẹp dành cho họ dường như chỉ là những áp lực bắt họ phải làm tốt hơn, hoàn hảo hơn mà thôi. Vì thế 8-3 như là ngày duy nhất trong năm họ được dỡ cái áp lực đó ra, được làm một người phụ nữ bình thường. Và đàn ông cũng có một ngày để tỏ ra biết ơn phụ nữ.

Những người đàn ông trong gia đình VN truyền thống sẽ thấy ngày này thật đặc biệt để họ làm gì đó cho người phụ nữ trong gia đình (mẹ, vợ), có thể còn vì để đỡ ăn năn cho cả năm (cười).

* Nhìn vào khoảng cách giữa chị và mẹ, chị thấy bình đẳng giới biểu hiện như thế nào?

- Tôi cũng chỉ nhìn bề ngoài được thôi. Mẹ tôi là mẫu người hi sinh, luôn tự nguyện hạ thấp hạnh phúc, quyền lợi của mình trước chồng. Đàn ông từ thế hệ bố tôi đến bây giờ phần nhiều vẫn là những người đàn ông vô tư. Phụ nữ thường chịu áp lực từ truyền thống, xã hội để tự khoác lên mình thói quen chăm sóc, chiều chuộng đàn ông đến quên mất mình.

Tôi thì khác, tôi muốn đàn ông cần gì phải nói ra và sự chăm sóc phải bắt nguồn từ thực chất. Chính có thể do cách lựa chọn ấy nên những người đàn ông xung quanh tôi đã biết để ý hơn đến những định kiến của xã hội mà thay đổi, giúp người phụ nữ của họ được hạnh phúc hơn.

* Sự phân chia nghĩa vụ và trách nhiệm của nam nữ trong các hoạt động xã hội và trong gia đình ở VN, theo chị, có bất bình đẳng không?

- Bất kỳ sự phân chia nào phù hợp và xuất phát trên sự tình nguyện sẽ rất khoa học. Như hôm nay tôi rửa bát thì anh giặt quần áo. Nhưng nếu xuất phát từ việc cô là đàn bà nên cô làm cái này, anh là đàn ông nên anh phải làm cái kia thì rất sai.

Sự bất bình đẳng chính là biểu hiện ở sự quy chụp: đàn bà thì nấu bếp, chăm con... không đếm xỉa đến sở thích, nguyện vọng của mỗi người. Đàn ông cũng vậy, họ cũng bị đối xử không công bằng nếu cứ chờ đợi họ là chỗ dựa về tinh thần lẫn tiền bạc và thường bị so sánh về sự thành đạt với những người đàn ông khác.

Tôi nghĩ những người đàn ông VN cần dành thời gian đối thoại, trò chuyện nhiều hơn với phụ nữ, biết cách hỏi sâu hơn về trạng thái tình cảm ở người phụ nữ của họ. Đối thoại không đơn thuần là khen một món ăn ngon hay nói bâng quơ về thời tiết. Tuýp phụ nữ cổ điển sẽ không dám bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc của họ với đàn ông nếu họ biết đàn ông sẽ không quan tâm đến.

Vợ mang thai và sinh nở thì phải mua sách đọc để biết vợ mang thai, sinh nở ra sao. Đàn ông cũng cần phải cố gắng nhìn rộng hơn, nâng cao kiến thức và văn hóa vì tôi biết bất bình đẳng không chỉ xuất phát từ sự kỳ thị giới tính, mà chính vì thiếu hiểu biết. Không ai biết hơn ai cả và tất cả đều phải học để biết cách sống và chung sống.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận