Đại học ngoài công lập: Vì sao rối ren?

PHẠM THỊ LY 25/02/2014 23:02 GMT+7

TTCT - Thực trạng khó khăn hiện nay của các trường ngoài công lập cần được tháo gỡ không phải bằng những giải pháp nhất thời như mở rộng cửa tuyển sinh, mà bằng một chủ trương đúng đắn và minh bạch, từ đó cải thiện chất lượng trường ngoài công lập và thay đổi định kiến của công chúng.

Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT phối hợp Trường ĐH Vinh, Sở GD-ĐT và Tỉnh đoàn Nghệ An tổ chức tại Trường ĐH Vinh ngày 18-1-2014 thu hút khoảng 5.000 học sinh tham gia

Vụ tranh chấp quyền lãnh đạo vừa qua tại Đại học (ĐH) Hùng Vương, cũng như nhiều vụ tranh chấp ngấm ngầm hoặc công khai ở các trường ĐH tư khác xảy ra trước đây, đã tạo nên một cái nhìn rất tiêu cực trong công chúng về ĐH ngoài công lập (NCL).

Những diễn biến đó cho thấy một khoảng trống chính sách khi chuyển từ những trường ĐH được thành lập theo mô hình ĐH dân lập sang mô hình trường ĐH tư thục, thực chất là chuyển từ sở hữu tập thể thành sở hữu cá nhân, gây ra mâu thuẫn và tranh chấp tại nhiều trường NCL. Đó cũng là lý do đến nay một số trường vẫn chưa hoàn tất thủ tục chuyển đổi sang mô hình ĐH tư thục dù chủ trương chuyển đổi đã bắt đầu từ năm 2006.

Diễn tiến chính sách

Từ chỗ e ngại sở hữu tư nhân và thương mại hóa giáo dục, các nhà ban hành chính sách bước hẳn sang thái cực ngược lại là đối xử với các trường giống hệt các doanh nghiệp. Đến nay vẫn chưa có khung pháp lý nào cho việc thành lập và hoạt động của các trường NCL không vì lợi nhuận, nên tình thế vẫn tiếp tục rối ren và định kiến của công chúng vì vậy cũng rất khó thay đổi.

Theo GS Lâm Quang Thiệp, hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) hiện đại của Việt Nam bắt đầu vào đầu thế kỷ 20, về sau đã có một số trường ĐH tư hình thành ở miền Nam Việt Nam vào thời kỳ 1954-1975 như các Viện ĐH Đà Lạt, Vạn Hạnh, Minh Đức... Sau năm 1975, một hệ thống GDĐH đồng nhất được xây dựng trên cả nước, trong đó thành phần kinh tế tư nhân không được thừa nhận, do đó các trường ĐH tư tồn tại trước năm 1975 tại miền Nam đã bị đóng cửa.

Từ năm 1987 Việt Nam chấp nhận mô hình kinh tế thị trường “theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh được công nhận, là cơ sở để phát triển hệ thống GDĐH NCL. Năm 1993, quy chế đầu tiên về trường ĐH tư thục được ban hành nhưng thật ra đã không được đưa vào cuộc sống.

Năm 1994, Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tạm thời về trường ĐH dân lập và quy chế tạm thời trường ĐH bán công, đến năm 2000 thì có quy chế chính thức. Các văn bản này đã thể hiện một quan điểm dè dặt đối với sở hữu tư nhân và phân chia lợi nhuận.

Nhìn chung, mô hình bán công và dân lập dựa trên nền tảng sở hữu tập thể và có nhiều yếu tố phi lợi nhuận, vì Nhà nước quy định phần chênh lệch thu chi phải dành cho quỹ dự trữ bắt buộc, đầu tư cơ sở vật chất; trả lãi và hoàn trả vốn góp, vốn vay. Thật ra đó cũng là một hình thức phân chia lợi nhuận nhưng dưới một ngôn từ thận trọng.

Bước ngoặt đối với GDĐH NCL là Luật giáo dục 2005 và nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục, tại đây hai loại hình trường ĐH bán công và dân lập bị xóa bỏ, chỉ còn loại hình duy nhất là trường ĐH tư thục. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục được ban hành, trong đó các khái niệm “góp vốn”, “vốn điều lệ”, “thành viên sáng lập’’, “hội đồng quản trị” - những khái niệm gắn liền với doanh nghiệp - lần đầu tiên được sử dụng cho lĩnh vực GD-ĐT.

Điều này thể hiện rất rõ quan điểm xem trường tư thục là một doanh nghiệp vì lợi nhuận, toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư. Thu nhập còn lại sau khi thực hiện nghĩa vụ và trích lập quỹ được phân chia cho các thành viên góp vốn theo tỉ lệ vốn góp. Cổ đông có quyền chuyển nhượng và rút vốn.

Trong trường hợp nhà trường bị giải thể, việc xử lý tài chính, tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật về giải thể doanh nghiệp.

Từ đó đến nay, vấn đề phân biệt giữa trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận không ngừng được đặt ra. Chính phủ đã liên tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan “nghiên cứu làm rõ những vấn đề về sở hữu, tính chất lợi nhuận và phi lợi nhuận, trách nhiệm của các cơ sở và hình thức xã hội hóa trong từng lĩnh vực, kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp” và trình cơ chế phi lợi nhuận.

Quốc hội sau khi giám sát vào tháng 5-2010 cũng đề xuất Chính phủ sớm ban hành các tiêu chí xác định trường ĐH, CĐ NCL hoạt động theo nguyên tắc “không vì lợi nhuận” và “vì lợi nhuận hợp lý”.

Mãi đến khi Luật GDĐH ban hành (tháng 6-2012) thì lần đầu tiên, “không vì lợi nhuận” mới được định nghĩa là “phần lợi nhuận tích lũy hằng năm là tài sản chung không chia, để tái đầu tư phát triển cơ sở giáo dục ĐH; các cổ đông hoặc các thành viên góp vốn không hưởng lợi tức hoặc hưởng lợi tức hằng năm không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ”.

Tuy nhiên, định nghĩa này chưa thật thỏa đáng vì đã bỏ qua vấn đề gốc rễ là sở hữu và cơ cấu quyền lực.

Những mâu thuẫn chính trong chính sách

Luật giáo dục 2005 “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi” (điều 20). Luật GDĐH 2013 tiếp tục nhắc lại điều này. Từ điển tiếng Việt định nghĩa “lợi dụng” là “dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để làm việc gì”, “dựa vào điều kiện thuận lợi nào đó để mưu lợi riêng không chính đáng”. Còn “vụ lợi” được định nghĩa là “chỉ mưu lợi riêng cho mình”.

Trong thực tế, điều này mâu thuẫn với quy chế ĐH tư thục (ban hành theo quyết định số 61/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) cho phép chia cổ tức và tổ chức trường ĐH giống hệt một công ty cổ phần. Theo đó, quy định “Tài sản là vốn góp được công nhận sở hữu tư nhân.

Tài sản tăng thêm thuộc sở hữu chung của trường” nhằm mục đích làm giảm tính chất “vì lợi nhuận” của các trường, cũng thể hiện mâu thuẫn giữa một bên là công nhận mục đích tìm kiếm lợi nhuận của nhà đầu tư, một bên là hạn chế mức độ lợi nhuận mà họ có thể sở hữu.

Nếu điều này được thực hiện, tức là tài sản tăng thêm không được công nhận sở hữu cá nhân, đầu tư vào giáo dục sẽ không bình đẳng với đầu tư vào các lĩnh vực khác. Phần tài sản tăng thêm này thuộc quyền quản lý của hội đồng quản trị, trong khi hội đồng quản trị lại bao gồm cả những người không góp vốn (theo điều 17 Luật GDĐH) thì không xảy ra tranh chấp mới là chuyện lạ!

Diễn tiến chính sách đó trong 20 năm qua đã thể hiện một mâu thuẫn thường trực giữa xu hướng thị trường và quan điểm muốn kiểm soát nhà trường tránh khỏi tự do hóa và thương mại hóa, chưa bắt kịp thực tế và do đó đã gây ra tranh chấp, xung đột.

“Tình trạng đó dẫn đến một hệ quả là mặc dù các trường ĐH NCL ở Việt Nam được hình thành từ nhiều phương thức khác nhau (tổ chức xã hội nghề nghiệp cấp vốn, nhóm cá nhân góp vốn, cá nhân độc quyền góp vốn, góp vốn không hưởng lãi suất..., có mức độ hưởng lãi suất khác nhau...) nhưng tất cả đều tự nhận mình là “không vì lợi nhuận” (báo cáo của Hiệp hội Các trường ĐH-CĐ NCL tại Hội nghị đánh giá 20 năm phát triển mô hình GDĐH NCL ở Việt Nam 1993-2013).

Điều này tạo ra ba hệ quả: (1) Nhà nước rất khó biện minh cho việc dành nguồn lực công để hỗ trợ các ĐH tư thục, vì như thế nghĩa là dùng tiền thuế của người dân để tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đào tạo và các doanh nghiệp khác;

(2) Rất khó huy động nguồn hiến tặng của xã hội, vì truyền thống hiến tặng xưa nay bao giờ cũng là phục vụ lợi ích công chứ không ai hiến tặng tài sản cho một nhóm các nhà đầu tư;

(3) Tạo ra phản ứng tiêu cực của công chúng, của giảng viên và sinh viên, vì có lẽ rất ít ai tin rằng các trường ĐH tư thục hiện nay thật sự là các trường phi lợi nhuận.

Thay đổi định kiến

Hãy nhìn xem thế giới chúng ta đang sống thay đổi nhanh như thế nào. GDĐH từ chỗ chỉ dành cho một thiểu số tinh hoa, nay đã trở thành không thể thiếu hầu như với số đông. Kinh tế tri thức và toàn cầu hóa làm nảy sinh nhu cầu lớn về lao động có kỹ năng cao.

Đào tạo kỹ năng nghề nghiệp bậc cao là một nhu cầu rất lớn của cả xã hội và là một hoạt động dịch vụ thật sự. Nhà nước theo truyền thống chỉ lo về mặt chính sách điều phối các lực lượng và nguồn lực xã hội nhằm bảo vệ lợi ích công, còn tổ chức cung ứng các loại dịch vụ là công việc của cả xã hội, trong đó khu vực tư nhân có vai trò ngày càng quan trọng.

GDĐH là khu vực giao nhau giữa những lợi ích căn bản và lâu dài của xã hội với tư cách một tổng thể, với những mục tiêu tìm kiếm lợi ích trước mắt và ngắn hạn của các cá nhân, trong đó có người học. Nếu phó mặc cho thị trường vận hành thì những mục tiêu phục vụ lợi ích công và dài hạn có thể sẽ không được đáp ứng. Nhưng phủ nhận vai trò của thị trường là nhà nước tự giới hạn năng lực của mình, tự kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Sẽ có người phản biện giáo dục là một hàng hóa đặc biệt không thể kinh doanh tự do. Nó có thể làm tổn thương người học khi nhà đầu tư bán một món hàng không xứng với giá trị nhằm chạy theo lợi nhuận trước mắt. Mối lo đó có thể được giải quyết thông qua hoạt động của kiểm định độc lập và thông qua các chính sách đòi hỏi các trường tư vì lợi nhuận phải công khai minh bạch về năng lực đội ngũ và về kết quả đào tạo của mình.

Điều quan trọng nhất mà nhà nước cần làm là có chính sách minh bạch để phân biệt và đối xử phù hợp với các trường vì lợi nhuận và trường không vì lợi nhuận. Các trường vì lợi nhuận sẽ có lợi thế trong việc đào tạo những ngành nghề chuyên môn mà thị trường đang đòi hỏi và có triển vọng thu nhập tốt.

Khi vị trí pháp lý được khẳng định và quyền sở hữu được bảo hộ lâu dài, nhà đầu tư có động cơ để đầu tư dài hạn bằng cách nâng cao chất lượng nhằm cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng của mình, điều này có lợi cho toàn xã hội.

Còn các trường công và trường NCL không vì lợi nhuận, do được ưu đãi về nguồn lực công và được tài trợ từ các nguồn thiện nguyện, không phải chịu sức ép của việc tìm kiếm lợi nhuận, sẽ có thể làm tốt nhất việc phục vụ cho những hoạt động thuần túy lợi ích công hoặc thiên về lợi ích công, là những việc mà các trường vì lợi nhuận không có động lực để làm. Chẳng hạn đào tạo và nghiên cứu về khoa học cơ bản và khoa học xã hội, công tác xã hội hay phát triển cộng đồng...

Thay vì hạn chế các trường NCL hay tránh né mô hình vì lợi nhuận, nên thẳng thắn thừa nhận sự tồn tại có thật của nó và đưa ra những chính sách giúp nó phát triển một cách đúng đắn. Điều đáng buồn chỉ xảy ra khi ĐH tư thục vì lợi nhuận trở thành mô hình duy nhất của GDĐH ngoài công lập.

Thực tiễn chính sách của chúng ta đang trộn lẫn loại hình vì lợi nhuận và phi lợi nhuận, trong đó giới đầu tư và giới học thuật, do khác biệt lợi ích và mục tiêu, nhiều khi không tìm được tiếng nói chung và tạo ra những mâu thuẫn khó giải quyết. Cả hai loại trường này đều cần có không gian để phát triển và đóng góp cho sự phát triển lành mạnh của xã hội.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận