Đại dịch, luật pháp và nhân phẩm

NGUYỄN ĐỨC LAM 12/10/2021 17:05 GMT+7

TTCT - Triết gia vĩ đại người Hy Lạp Aristotle đã lưu ý rằng “phẩm giá con người không ở những vinh dự nhận được, mà ở chỗ biết rằng mình thực sự xứng đáng với chúng”. Mỗi con người xứng đáng được hưởng một cuộc sống mà trong đó nhân phẩm của mình được trân trọng. Vật lộn sinh tồn trong đại dịch, con người suy ngẫm về thân phận của mình, thấm thía về sự phù du và phi lý của kiếp người, cũng đồng thời thấy rõ giá trị của nhân phẩm hơn bao giờ hết.

 
 Hai đứa trẻ trong một xóm lao động nghèo ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM - một trong cả vạn xóm bình dân ở TP.HCM bị khóa cứng trong đại dịch COVID-19. Các em nhận sự trợ giúp của các đoàn thiện nguyện bằng sự hồn nhiên dễ thương của con trẻ.Ảnh: Ngô Trần Hải An

Chính quyền ở một xã cho người phá cửa, trói và đưa người phụ nữ là F1 đi cách ly tập trung. Ở một phường, lực lượng chống dịch phá khóa vào nhà, “lôi” một phụ nữ xuống sân, bẻ quặt tay chị để xét nghiệm COVID-19. Ở nơi khác, người ta khóa trái cửa toàn bộ nhà của cư dân là F2 trong một ngõ. Ở nhiều nơi trong thành phố, hàng loạt “chiến lũy” xấu xí được dựng lên đầu các ngõ hẻm, nhiều nơi dùng cả dây thép gai và bêtông. Hàng triệu con người bị nhốt trong những khoảng không gian chật hẹp suốt mấy tháng... Dẫu biết rằng đó là vì chống dịch nhưng những hành động, hình ảnh như vậy vẫn làm cho chúng ta không khỏi đau và buồn. Tự hỏi, liệu có cách nào khác để vừa bảo vệ được sinh mệnh, vừa không làm phẩm giá con người tổn thương?

Nhân phẩm là gì?

Trong lịch sử phát triển của tư tưởng loài người, nhân phẩm hay phẩm giá con người được hiểu theo hai cách. Theo cách thứ nhất, nhân phẩm là đặc tính bẩm sinh của con người. Cách hiểu thứ hai, nhân phẩm là sứ mệnh do mỗi cá nhân tự kiến tạo, có được nhân phẩm hay không là tùy vào lối sống, hành xử của mỗi người. Triết gia người Đức Emanuel Kant cho rằng chỉ riêng con người có giá trị tự thân, vì thế có thể tự trọng và tôn trọng phẩm giá người khác, đồng thời có nghĩa vụ với chính mình, không làm nô lệ cho người khác.

Từ thời Hy Lạp cổ đại, qua thời Khai sáng, cho đến các hiến pháp thế kỷ 19, do quan niệm coi nhân phẩm như là đặc tính bẩm sinh của con người nên con người có những quyền tự nhiên từ lúc sinh ra, có sẵn, phải được thừa nhận trong hiến pháp mà không cần phải do Nhà nước tạo ra; thậm chí chúng còn là thước đo tính chính đáng của Nhà nước, của pháp luật. Sang thế kỷ 20, những luận cứ bảo vệ cho pháp quyền tự nhiên bị lung lay, nhưng giá trị cốt lõi vẫn được giữ gìn và được đưa vào đời sống chính trị - pháp lý ở nhiều nước.

Từ giữa thế kỷ 20 đến nay, nhân phẩm được nâng lên thành giá trị pháp lý tối cao của nhân loại vì kinh nghiệm xương máu từ hai cuộc thế chiến thảm khốc và các chế độ cực quyền nửa đầu thế kỷ 20. Từ đó mà hàng loạt văn kiện quốc tế ra đời và đã ghi nhận trực tiếp hoặc gián tiếp về nhân phẩm: Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945; Tuyên bố phổ quát về quyền con người năm 1948; Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966; Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966.

 
 Ảnh: Behance

Nhân phẩm: Giá trị pháp lý tối cao

Từ giữa thế kỷ 20, nhân phẩm được nâng lên thành giá trị pháp lý tối cao toàn cầu trong các công ước quốc tế. Như vậy, bảo vệ nhân phẩm của mỗi con người trước hết là trách nhiệm của Nhà nước và nghĩa vụ của mỗi nhà chức trách. Trong đại dịch COVID-19, đằng sau những số liệu thống kê là hàng triệu con người đã qua đời, hàng chục triệu phận người bị sang chấn tâm lý. Những mất mát, tổn thất vô cùng lớn ấy càng làm cho nhân phẩm của mỗi con người xứng đáng phải được tính đến đầu tiên trong mỗi câu chữ của pháp luật, trong mỗi hành động của nhân viên thực thi pháp luật.

Trong các quốc gia đề cao nhân phẩm, CHLB Đức là trường hợp điển hình, thể hiện qua sự tuyệt giao với quá khứ của chế độ phát xít đã xâm phạm nhân phẩm một cách ghê tởm. Hiến pháp năm 1949 của nước này đặt nhân phẩm lên đầu tiên, tiếp đó là quyền tự do và bình đẳng, sau nữa là các quyền con người khác. Để tránh những bài học cay đắng từ quá khứ, các nhà lập hiến Đức nhấn mạnh sự bất khả xâm phạm của nhân phẩm, coi các quyền con người không phải do Nhà nước ban cho mà vốn có từ lúc sinh ra, chính các quyền đó tạo ra giới hạn hành động của Nhà nước. Quan trọng hơn, đây không phải là khái niệm chung chung mà là một “khái niệm pháp lý thực tế”, được áp dụng thành công trong đời sống pháp lý thường ngày ở Đức qua các vụ xét xử của Tòa án Hiến pháp CHLB Đức. Vào nửa sau của thế kỷ 20, dưới ảnh hưởng của Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Tòa án Hiến pháp CHLB Đức đã thừa nhận sự kết hợp giữa nhân phẩm với Nhà nước phúc lợi.

Ở Việt Nam, Hiến pháp năm 2013 nhấn mạnh tại điều 14: quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết, trong đó có vì lý do sức khỏe của cộng đồng. Như vậy, trọng tâm của quy định này nhằm đặt ra giới hạn, kiểm soát hành vi lạm quyền của cơ quan nhà nước trong một số trường hợp buộc phải hạn chế quyền con người, quyền công dân. Hơn nữa, theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, trong tình trạng khẩn cấp, cơ quan nhà nước không được xâm phạm một số quyền, trong đó có quyền không bị hạ nhục.

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ ràng tại điều 20: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Tiếc rằng ngôn ngữ hiến định rất nhân văn nhưng tiến bộ này chưa được hiện thực hóa bằng một cơ chế hiệu quả trên thực tế. Quy định của Hiến pháp chưa được áp dụng trực tiếp, tạo cơ sở pháp lý cho mỗi công dân có thể sử dụng để bảo vệ nhân phẩm của mình khi cần thiết. Nếu có một cơ chế như vậy, những người bị phá cửa, bị trói mang đi cách ly, bị lôi xuống sân và bẻ quặt tay để xét nghiệm có thể đâm đơn kiện; cơ quan bảo hiến sẽ xem xét quy định pháp luật nào điều chỉnh các hành vi xâm phạm nhân phẩm này và sẽ ra phán quyết tương xứng.

Như vậy, Hiến pháp cần tạo ra cơ chế thực tế để bảo vệ nhân phẩm và các quyền tự do khác không bị xâm phạm từ phía các cơ quan nhà nước. Thực ra, theo lời của một giáo sư luật người Đức tại một cuộc hội thảo ở Việt Nam, tỉ lệ thắng kiện của công dân ở Tòa án Hiến pháp CHLB Đức chỉ khoảng 1,5% (người dân Đức nói đùa: “Thà chơi xổ số còn hơn đi kiện ở Tòa án Hiến pháp”). Nhưng 1,5% đó có giá trị làm gương, răn đe đối với các cơ quan công quyền trong việc đối nhân xử thế với công dân; mỗi công dân nhỏ bé đều cảm nhận được vị thế lớn lao của mình. Cảm giác của người dân rất quan trọng, nói như Montesquieu, “tự do xuất phát từ niềm tin rằng được sống trong sự an toàn”. Cơ chế bảo hiến hiệu quả sẽ tạo ra niềm tin ấy, rằng công dân có thể trông cậy vào đó để bảo vệ các quyền tự do của mình, để được sống trong sự an toàn về mặt pháp lý, nhân phẩm được bảo vệ.

Đồng thời với một cơ chế bên ngoài luôn phải sẵn có thì các giá trị tối cao của nhân phẩm còn phụ thuộc nhiều vào lòng tự trọng và tự tin của mỗi con người, vào nhận thức và nhu cầu của mỗi người sử dụng cơ chế đó để bảo vệ nhân phẩm của mình. Bên cạnh nhiều người phẫn nộ lên án các hành vi xâm phạm nhân phẩm trong chống dịch, thật là buồn và đau khi vẫn có những người ủng hộ các hành vi đó. Có lẽ họ vừa không nhận thức được giá trị tự thân, vừa không tôn trọng phẩm giá của người khác.

Với nhân phẩm, theo cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc, “con người có thể đi qua tất cả bùn lầy, giữ vững chất người của mình chống lại mọi tình cảnh đen tối nhất muốn trừ diệt chất người của con người”. Châu Âu thế kỷ 14, sau đại dịch tan hoang, con người đột nhiên phát hiện một cảm thức mới mẻ về cuộc đời, trở nên nhạy cảm trước nhu cầu nội tâm hướng tới cái đẹp, được khắc ghi trong nghệ thuật và sáng tạo, từ đó khởi phát phong trào Phục hưng. “Về bản chất, thời Phục hưng là nụ xanh sau mùa đông khắc nghiệt” - một nhà văn Anh từng nhận xét như vậy. Tin rằng những tháng ngày khốc liệt của đại dịch COVID-19 không thể tận diệt nhân phẩm; ngược lại, ý thức về nhân phẩm càng trỗi dậy trong mỗi chúng ta. Chất người của con người vẫn sống. Nụ xanh rồi sẽ tiếp tục đâm chồi. ■

Nỗi đau của nhân phẩm

Trong tác phẩm kinh điển Dịch hạch, Abert Camus mô tả cuộc sống hằng ngày bức bách của các cư dân trong trận dịch hạch tấn công thành phố và chia cắt nó khỏi phần còn lại của thế giới. Thực tế thì vào giữa thế kỷ 14 ở châu Âu, nạn dịch hạch đã xảy ra. “Cái chết đen” không từ một ai, cuốn đi khoảng 20 - 25 triệu sinh mạng, tức là một phần ba dân số châu Âu thời đó.

Còn thời nay, ngoài những nỗi đau về thể chất mà virus COVID-19 gây ra, những biện pháp chống dịch có thể dẫn đến những chấn thương tâm lý thầm lặng hằng ngày. Qua hai năm đại dịch, với hàng triệu người đã mất, chúng ta sống trong bi kịch của toàn nhân loại, của quốc gia, toàn xã hội và bi kịch của cá nhân những con người.

Tới giờ, Việt Nam đã có gần 20.000 người chết vì COVID, trên 800.000 người nhiễm. Tôi từng nghe khá nhiều người già nói không muốn chết mà không được mai táng như bình thường, không người thân bên cạnh; họ “muốn chết một cách tử tế”. Hàng triệu gia đình khốn khó, hàng triệu người không có việc làm, gần trăm ngàn doanh nghiệp đã chết, hàng trăm ngàn doanh nghiệp khác ngắc ngoải. Bên trong những ngõ hẻm bị chốt cứng, chi chít các chấm đỏ vàng trên bản đồ, những phận người khốn khó đang kêu cầu trợ giúp. Nhưng họ chỉ có thể kêu cứu ngày một ngày hai, không thể làm như thế mãi suốt hơn trăm ngày. Bởi thế, khi thành phố nới phong tỏa, hàng ngàn người đã ùn ùn về quê, bước vào những hành trình gian nan khổ nhọc trên đường, chí ít không phải ngày ngày trông chờ xin trợ giúp.

Trong đó, giống như nhiều nước trên thế giới, các biện pháp phong tỏa, cách ly xã hội càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, ảnh hưởng rất nhiều tới nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, do mất việc làm, tình trạng bất ổn, thu nhập hộ gia đình giảm nhiều. Người ta nói nhiều đến việc ngăn ngừa bạo lực gia đình gia tăng trong những ngày đại dịch, làm tổn hại nhân phẩm của phụ nữ và trẻ em. Nhưng nhân phẩm còn ở những chi tiết ít ai để ý, như băng vệ sinh từng không được coi là hàng thiết yếu và bị cấm lưu thông. Bởi vậy, một tổ chức đã rất tinh tế và thấu cảm khi tặng những vật dụng cơ bản mà phụ nữ và các em gái cần dùng để bảo vệ bản thân và giữ vệ sinh cá nhân, giữ gìn lòng tự trọng và nhân phẩm trong đại dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận