Phản hồi bài “Đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học - cao đẳng 2015: Những vấn đề đặt ra” trên TTCT số 29 ra ngày 2-8.

Hoàn thiện cách thức thi cử để vừa lựa chọn chính xác vừa không gây áp lực lên các em - Ảnh: Hữu Khoa

Hoàn thiện dần cách thức tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là ý kiến nhiều người đồng tình. Xin góp thêm một số ý cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 vừa qua:

Phân bố lại nội dung đề thi và biểu điểm

Với đề thi chung hiện nay, học sinh dự thi muốn được 10 điểm môn toán là điều khó thể xảy ra. Một học sinh Y dự kỳ thi, có dùng điểm để xét tuyển sinh khối A hoặc B cũng cần tự hào đạt 10 điểm môn văn tốt nghiệp chứ, chuyện tuyển sinh tính sau.

Do đó đề thi cần chia làm hai phần, phần thi tốt nghiệp và phần xét tuyển sinh, mỗi phần 10 điểm. Thời lượng làm bài cũng chia hai. Ví dụ môn toán 90 phút cho phần tốt nghiệp và 90 phút cho phần còn lại, như vậy mỗi phần có thời lượng ngang với hai tiết kiểm tra toán cuối mỗi học kỳ. Những nơi tổ chức thi xét tốt nghiệp, thí sinh chỉ làm bài 90 phút mỗi buổi sáng chứ không phải ngồi “cắn bút” đến 180 phút như kỳ thi vừa qua, thậm vô lý.

Đề thi đã chia như vậy thì điểm tốt nghiệp xét riêng, điểm này coi như cột điểm thứ tư tham gia cùng ba môn khác theo các khối tuyển sinh vào đại học. Thử xem, một thí sinh dự tuyển khối A toán - lý - hóa, nhà trường cũng cần biết thí sinh ấy có điểm thi tốt nghiệp môn văn, sử, địa, ngoại ngữ ra sao chứ?

“Học gì thi nấy” hay “thi gì học nấy”?

Nếu đã tổ chức bốn ngày thi cho tám môn thì sao không để thí sinh thi cả tám môn học. Thử coi, một học sinh không chọn thi sử, ngay từ đầu năm lớp 12 em không chịu học môn này, em sẽ là công dân nước Việt mà không rành sử Việt, còn gây phiền toái cho giáo viên dạy sử từng ngày từng giờ. Bạn đọc đừng hỏi: “Vậy thì cho em điểm kém môn sử để khỏi dự thi THPT quốc gia?”. Ôi không, giáo viên vì thi đua sẽ không được phép làm thế (!).

Và tôi thấy tiếc khi đọc những dòng tin trên báo chí về kỳ thi vừa qua: “Sáng nay thi địa, có những điểm thi chỉ có một thí sinh”, “Sáng nay thi sử, có những điểm thi đóng cửa vì không có thí sinh”. Hội đồng thi lập ra rồi, giám thị nhận đủ tiền bồi dưỡng, thí sinh đi thi chi phí ăn ở đi lại cũng chừng ấy rồi... mà không tổ chức thi thì phí quá. Hơn hết, nên chủ trương “học gì thi nấy” chứ không phải “thi gì học nấy”. Nếu có thể cho thi luôn môn giáo dục công dân, môn học hình thành nhân cách con người mà lại không quan trọng lắm ư?

Giao các tỉnh thành (vùng miền) tổ chức thi

Thứ nhất, nước ta trải dài, có nhiều tiểu vùng khí hậu, khí hậu duyên hải, khí hậu cao nguyên, rất khác nhau. Để các vùng miền tự tổ chức thi sau khi kết thúc năm học sẽ chủ động tránh được thời tiết bất lợi như mưa lớn, bão lũ xảy ra.

Thứ hai, các vùng miền hoặc các tỉnh thành tổ chức kỳ thi lệch ngày nhau, bộ sẽ dễ dàng trưng tập đủ người để lập các đoàn thanh tra đến nơi thi. Bộ chỉ nên làm công tác quản lý và thưởng phạt nghiêm minh. Ví dụ vừa rồi đề thi vật lý sai sót, đề thi văn luộm thuộm ở đoạn trích “Nguồn gốc sâu xa của hiểm họa” rằng “hội chứng vô cảm” thì làm gì mà chiếm đến một trong hai phương diện tạo nên cấu trúc bản chất con - người? Nhưng chẳng lẽ bộ lại phạt người của bộ ra đề thi?

Thứ ba, đề thi riêng cho từng vùng miền sẽ có nội dung phù hợp với sự chênh lệch về trình độ thí sinh do điều kiện học tập gây ra mà chỉ những người làm giáo dục ở vùng đó mới nắm bắt sát sao được.

Giao các vùng miền tổ chức thi, bộ phải tin cấp dưới. Ngành giáo dục đã quá khổ vì không tin nhau. Bộ không phải không tin các tỉnh thành không đủ khả năng tổ chức thi, mà không tin ở sự tiêu cực. Vâng, nếu không thi đua về tỉ lệ phần trăm đậu tốt nghiệp, phần trăm thí sinh vào đại học giữa các tỉnh thành thì chẳng người làm giáo dục nào thiếu suy nghĩ đến mức tổ chức kỳ thi không nghiêm túc để học sinh yếu kém đỗ đạt ra làm trì trệ đất nước, làm hại địa phương mình. Ngoài ra còn một “cái sàng” chất lượng giáo dục ở đại học sẽ loại bỏ những sinh viên yếu kém kia.

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận