Đã hướng nghiệp sao lại còn hướng học?

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN 13/05/2014 03:05 GMT+7

TTCT - Đã hơn mười năm kể từ khi ngành giáo dục đưa hướng nghiệp vào giảng dạy trong nhà trường.

Hiện trạng hướng nghiệp: Bề nổi và hô hào

Mặc dù vậy, các cấp quản lý, nhất là ở bậc THCS, đều nhắc nhở thầy cô rằng hướng nghiệp gì đi nữa cũng phải là hướng học. Điều này đúng hay sai?

Vẫn nặng tâm lý coi thường thợ

Về chương trình, thời gian đầu học sinh khối 9 được học hai tiết/tháng. Giáo viên phải soạn giáo án đầy đủ như một tiết học chính khóa. Học sinh dù không có cột điểm hướng nghiệp nhưng phải viết thu hoạch, phải dự kiểm tra nhận thức... Cuối năm, nhà trường còn đưa học sinh đến tham quan trường cao đẳng nghề của tỉnh để các em làm quen và định hướng cho việc chọn nghề sau tốt nghiệp THCS. Phụ huynh cũng được mời đến nghe giới thiệu về các nghề nghiệp cho con em.

Nhưng nhìn chung, tâm lý phụ huynh vẫn ngần ngại khi cho con học nghề dù biết sức học của con mình khó theo hết bậc phổ thông. Vì vậy số học sinh vào học trường nghề rất ít. Một số chọn con đường vào học tại trung tâm giáo dục thường xuyên, hi vọng có thể tốt nghiệp THPT rồi tính tới. Do sức học đa số là yếu, nhiều học sinh không theo nổi việc học văn hóa. Cuối cùng số này phải chọn con đường lao động phổ thông mà không có một nghề nghiệp nào vững chắc.

Mấy năm gần đây, chương trình hướng nghiệp được tinh giản để các em dồn sức học văn hóa. Thông thường ở THCS việc dạy hướng nghiệp do ban giám hiệu phụ trách với thời lượng chỉ còn khoảng bốn tiết/năm và thường dồn vào các tháng cuối cùng.

Một điều khó hiểu là khi trường THCS làm tốt việc phân luồng, hướng nghiệp cho các em vào học trường nghề, các học sinh học lực yếu, trung bình thì vào trung tâm giáo dục thường xuyên, nhưng cấp quản lý lại phê bình rằng tỉ lệ học sinh tiếp tục theo học ở THPT chưa cao! Nói hướng nghiệp chứ hướng học vẫn là chủ yếu! Gia đình các em đâu muốn con em mình trở thành thợ dù là thợ giỏi.

Giáo viên chủ nhiệm lớp cuối cấp chưa làm tốt việc hướng nghiệp cho học sinh dù đã được phổ biến là cần tạo nguồn nhân lực lao động tinh thông nghề cho các mục tiêu kinh tế ở địa phương. Giáo viên không làm rõ được việc theo học nghề không có nghĩa là kết thúc con đường học vấn của các em.

Các thầy cô cũng chưa giúp phụ huynh hiểu được việc có một nghề nghiệp tinh thông sẽ đảm bảo cho cuộc sống các em về sau, cơ hội tìm việc làm lớn hơn và cũng không khó để học nâng cao sau này. Tư tưởng làm thợ không được xã hội coi trọng và làm thợ thì cực thân vẫn đè nặng trong tư tưởng phụ huynh.

Kinh nghiệm của tôi

Bản thân học sinh chưa hiểu hết về nghề nghiệp tương lai, lúc nào cũng mơ ước lên thành phố để đổi đời mà không biết rằng không có một nghề nghiệp được đào tạo chu đáo thì đến nơi nào các em cũng không thể kiếm được một công việc ổn định. Kinh nghiệm của tôi là phải tự tìm hiểu các ngành nghề trước một bước. Địa phương tôi có thế mạnh nuôi trồng, chế biến thủy sản, chăn nuôi, chế biến lương thực...

Tiếp theo tôi xác định lại năng lực từng học sinh và tìm hiểu nguyện vọng của các em. Tôi bàn bạc với gia đình và lắng nghe ý kiến của các em. Tôi cũng lưu ý vấn đề giới tính, ví dụ đối với các em gái, tôi thường hướng các em học nghề may, các em trai thì học cơ khí, điện, sửa chữa ôtô... Nhờ vậy, nhiều học sinh đã theo học nghề thành thạo và tìm được việc làm khi ra trường. Có em tiếp tục học lên bậc cao đẳng.

Việc hướng nghiệp không chỉ đợi đến năm cuối cấp mới thực hiện mà phải lưu tâm từ những ngày đầu năm. Các thầy cô chủ nhiệm cần bàn bạc cụ thể năng lực nghề của học sinh cũng như nguyện vọng gia đình sau mỗi năm học. Trước khi tư vấn nghề, thầy cô phải tìm hiểu thật chắc những vấn đề có liên quan và thật sự quan tâm giúp học sinh chọn được một nghề phù hợp.

Việc tư vấn phải mất một thời gian lâu dài mới làm phụ huynh thông suốt. Với cơ quan quản lý nên thống nhất trong đánh giá nhà trường, không thể vì làm tốt việc phân luồng, hướng nghiệp học nghề cho học sinh mà vẫn bị phê bình vì có số học sinh học tiếp THPT không nhiều như trường bạn. Có như vậy mới mong việc hướng nghiệp, dạy nghề cho các em đạt kết quả tốt.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận