Cứu cây dầu đôi Diên Khánh

PHAN SÔNG NGÂN 24/04/2023 11:58 GMT+7

TTCT- Có những cây xanh không chỉ đem lại bóng mát mà trở thành ký ức thân thương, biểu tượng của một vùng đất khiến ai cũng muốn giữ gìn. Cây dầu đôi Diên Khánh là một biểu tượng.

Có những cây xanh không chỉ đem lại bóng mát mà trở thành ký ức thân thương, biểu tượng của một vùng đất khiến ai cũng muốn giữ gìn. Cây dầu đôi Diên Khánh đã trở thành di sản trong lòng người dân huyện Diên Khánh và cả tỉnh Khánh Hòa trước khi được Nhà nước công nhận là Cây di sản năm 2016.

Cây dầu đôi ở ngã ba Thành - Diên Khánh (trái) và cây dầu đôi hậu duệ (phải). Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Cây dầu đôi ở ngã ba Thành - Diên Khánh (trái) và cây dầu đôi hậu duệ (phải). Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Tốn bao nhiêu tiền cũng phải cứu cây đầu đôi

Năm 2000, UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai dự án mở rộng đường 23 Tháng 10 (nối TP Nha Trang và quốc lộ 1). Theo phương án ban đầu, con đường này sẽ được mở rộng sang hai bên từ tim đường, vị trí cây dầu đôi nằm giữa các làn xe hướng từ ngã ba Thành về TP Nha Trang. 

Số phận cây dầu đôi được người dân quan tâm đặc biệt. Sau khi bàn bạc, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa khi ấy đã chọn phương án đường phải né cây, yêu cầu Sở Giao thông vận tải làm đường nhưng phải giữ được cây dầu đôi. Đường 23 Tháng 10 sau đó phải thiết kế lại để  tránh chạm vào cây dầu đôi.

Tuy nhiên, vì cây dầu quá lớn, rễ cây "bơi" đến gần giữa đường nên đơn vị thi công phải cắt bớt một phần rễ để đào đất, đổ bê tông làm móng. Thời gian sau, lá cây dầu đôi bắt đầu héo úa, một số cành cây bị khô tưởng chết đến nơi.

"Công ty phải cầu cứu các chuyên gia lâm nghiệp và các đơn vị liên quan tìm cách cứu cây. Nhưng nói thẳng là lúc đó chúng tôi cũng không có nhiều hy vọng sẽ cứu được cây bởi hai nhánh rất lớn của cây đã bị chết khô" - ông Trần Đức Thắng, nguyên giám đốc Công ty Môi trường đô thị Nha Trang, kể.

Đó cũng là lúc tỉnh Khánh Hòa chuẩn bị kỷ niệm 350 năm thành lập tỉnh. Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bấy giờ là ông Phạm Văn Chi chỉ đạo: tốn bao nhiều tiền cũng phải cứu sống cây dầu đôi!

Cứu cây như cứu người

Nhắc lại chuyện cứu cây dầu đôi Diên Khánh, ông Trần Đức Thắng nhớ lại khi đó công ty không tìm được đơn vị hay cá nhân nào có kinh nghiệm cứu sống cây cổ thụ mấy trăm tuổi như vậy. Vì thế, phương pháp nào thấy hữu ích thì họ làm, kiểu "có bệnh thì vái tứ phương".

Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Khánh Hòa cho hay hiện không có tài liệu tính chính xác tuổi của cây dầu đôi Diên Khánh. Tuy nhiên, bằng nhiều tài liệu liên quan đến lịch sử, văn hóa và cả phương pháp đo tuổi sinh trưởng thì cây dầu đôi Diên Khánh có tuổi nhiều hơn hàng trăm năm so với tiêu chí 200 tuổi để công nhận cây di sản.

Về giống loài, cây dầu đôi được xác định là cây dầu rái (tên khoa học là Dipterocarpus Alatus Roxb) có họ hàng rất đông ở vùng đất Diên Khánh - Khánh Hòa, cụ thể là ở khu vực Suối Dầu và vùng chân núi Chín Khúc.

Hiện ở khu vực mộ bác sĩ Alexandre Yersin ở Suối Dầu (thuộc xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) còn một số cây dầu rái "anh em" với cây dầu đôi Diên Khánh.

Bia công nhận Cây di sản Việt Nam.  Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Bia công nhận Cây di sản Việt Nam. Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Việc cứu cây dầu đôi tựa như cứu người đang bị bệnh nặng, nguy kịch và thực hiện đồng thời nhiều biện pháp. Bên trên thì cắt, tỉa những cành cây khô, phun thuốc trừ sâu bệnh, thuốc kích thích sinh trưởng, dưỡng lá... 

Dưới đất thì đào dỡ bớt phần nhựa đường, xi măng quanh gốc cho rễ cây có chỗ thở. Đồng thời, lắp thêm hệ thống cung cấp nước tưới thường xuyên bên dưới mặt đất, bơm thêm phân, dinh dưỡng cho cây... 

Đội cứu cây còn làm một hồ nước ngầm để cung cấp nước thường xuyên cho rễ cây. Một nguồn tin cho biết những người cứu cây đã lắp đặt dưới mặt đất một dàn ống nước bằng nhựa to cỡ bắp tay có khoan các lỗ, khi nước vô ống sẽ chảy ra ngấm vào lòng đất xung quanh gốc cây dầu đôi. Tổng chi phí cứu cây dầu đôi lên đến 50 triệu đồng.

Sau đó, dù cây dầu đôi đã bắt đầu hồi tỉnh, lá xanh tăng dần lá vàng giảm đi nhưng việc phục hồi phát triển cây không nhanh chóng, dễ dàng. Công ty Môi trường đô thị Nha Trang lo xa nên đã tìm một cây dầu đôi khác, cũng có một gốc hai thân, trồng bên cạnh cây dầu đôi cổ thụ phòng khi cây dầu đôi lớn không sống được thì cũng có cây bên cạnh thay thế.

"Lúc tìm mua cây dầu đôi thay thế, chúng tôi cũng giữ kín tiếng để tránh bị hét giá quá cao - ông Thắng kể - Cây con này cũng phải giống cây sinh trưởng ở Khánh Hòa cho hợp thổ nhưỡng, cây dễ sinh trưởng, phát triển bình thường". 

Một người dân ở ngã ba Thành cho biết cây dầu đôi nhỏ khi mua về trồng chỉ cao chừng 4-5m, ban đầu được trồng bên đường, nằm về phía nam cây dầu đôi lớn. Nhưng sau đó cây nhỏ được dời vào bên trong tường rào miếu thờ Trịnh Phong. Cây dầu đôi "hậu duệ" trồng vào năm 2004, đến nay cả hai thân đều đã vươn cao chừng hơn 20m.

Ông Lê Văn Thắng - bí thư Đảng ủy xã Diên An, huyện Diên Khánh - kể mấy năm trước mưa lớn nước ngập cả sân miếu thờ nên UBND xã định cải tạo, nâng nền sân miếu để tránh ngập. Khi khảo sát thì đụng hồ chứa nước ngầm cung cấp nước cho cây dầu đôi nên xã dừng cải tạo miếu để tránh ảnh hưởng đến cây.

Sau hơn 20 năm được cứu sống, hồi sinh, cây dầu đôi Diên Khánh đã có thêm nhiều nhánh mới, tàn lá đã xanh hơn. Đi trên đường 23 Tháng 10 từ Nha Trang lên Diên Khánh, nhìn từ xa bóng cây dầu đôi vẫn tròn đều tán, đứng gần giữa đường. 

Trên thân cây hiện vẫn còn những sẹo to, dấu vết của trận bệnh thập tử nhất sinh năm nào. Với người dân Diên Khánh, việc cứu sống được cây dầu đôi những năm 2000 vẫn được xem như một kỳ tích. Đó cũng là một kinh nghiệm trong việc giữ gìn, cứu sống cây xanh. ■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận