Cuối năm, nhìn về người vô gia cư

V.THỦY - C.TRIỆU 19/01/2019 22:01 GMT+7

TTCT - Khi hàng quán Sài Gòn bắt đầu đóng cửa cũng là lúc nhiều người chọn cho mình mái hiên, lề đường, lan can cầu làm chỗ ngả lưng qua đêm. Trời cuối năm se lạnh, nhưng nhiều người vẫn nằm ngủ rải rác trên những tuyến đường ở các quận 1, 3, 5, Tân Bình, Phú Nhuận…

Khi hàng quán đóng cửa cũng là lúc nhiều người chọn cho mình một chỗ ngủ dưới mái hiên (ảnh chụp tại đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận)  Ảnh: CÔNG TRIỆU
Khi hàng quán đóng cửa cũng là lúc nhiều người chọn cho mình một chỗ ngủ dưới mái hiên (ảnh chụp tại đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận) Ảnh: CÔNG TRIỆU

 

11 giờ đêm, cầu Công Lý có hai người đàn ông đã say giấc, một người nằm trên chiếc xe máy chất đầy đồ đạc, chiếu, áo mưa, quần áo... Thấy có người đến hỏi chuyện, ông ra hiệu rằng ông không nói được. Ông trả lời bằng cách viết ra giấy những dòng nguệch ngoạc, đại ý: ông từ Long An lên thuê nhà ở Hóc Môn cho mẹ ở nhiều năm nay, nhưng ông thì nay chỗ này mai chỗ khác, ăn cơm chay trong nhà chùa, trời mưa thì che áo mưa ngủ.

Trời về khuya, dọc đường Võ Văn Kiệt có không ít người nằm ngủ. Ông Nguyễn Thanh Bình (65 tuổi) nằm ngủ cạnh một cái xe đẩy dưới gầm cầu chữ Y, quận 5. Ông kể: “Nhà thì mấy ông anh bán, đuổi ra ngoài đường ở”.

Chừng một năm nay, ông ra gầm cầu ngủ, mưa thì lội qua trước căn nhà đối diện ngủ. Trước đây, ông ở cùng mẹ trong căn nhà của mẹ ở đường Hải Thượng Lãn Ông.

“Rồi mấy ông anh kiếm chuyện đuổi tôi đi. Mẹ tui mất, nhà đó giờ họ bán rồi, hộ khẩu mấy ông anh giữ. Tui nói với mấy người anh em rằng ngày xưa cha mẹ còn thì còn anh em, giờ cha mẹ chết coi như anh em hết, để cho tui yên. Giờ tui cơm ngày hai bữa, coi như tạm thời yên ổn” - ông kể.

Ông nói cũng có lúc công an hỏi khi thấy ông nằm ở gầm cầu. Sau khi nghe trình bày, công an chỉ nhắc đừng tụ tập đông người.

Cách đó không xa, vợ chồng ông Hạo giăng võng ngủ cạnh bờ sông. Một đầu võng mắc lên thân cây, đầu còn lại buộc vào lan can dọc bờ sông. “Tui bên quận 5, ở chung nhà cha mẹ với nhiều người, nhưng gia đình có chuyện lục đục nên vợ chồng ra đây ở chừng ba tháng nay” - ông nói.

Ông Hạo chạy xe ôm, còn vợ thì ai mướn gì làm đó, nhưng dạo này chạy xe ế vì điện thoại “cùi bắp” không đăng ký được 3G để chạy xe ôm công nghệ. “Mình có giấy tờ, có chứng minh nhân dân, đâu làm gì xấu nên cũng không ai hỏi gì. Xe máy thì khóa lại gốc cây” - ông Hạo nói thêm.

Dưới gầm cầu Phạm Ngũ Lão, quận 1, một người đàn bà đang nằm trên ghế xếp. Người bán hàng gần đó kể đã thấy bà sống dưới gầm cầu lâu lắm rồi, khoảng 9-10 năm nay. Ban ngày bà bán hành, tỏi, ban đêm ngủ lại gầm cầu, mấy bữa dông gió tạt vào ướt hết. Nhiều lần bà cũng mướn nhà ở nhưng buôn bán có lúc ế ẩm, không đủ trả tiền nhà nên bà không mướn nữa.

Khi thấy có người hỏi chuyện, bà tỏ vẻ khó chịu: “Ở đây quá xưa cái câu chuyện này. Tôi ở đây buôn bán, không có nhà. Quê nhà ở xa lắm, tận Phan Thiết, nhưng tui lên đây hồi mười mấy tuổi, mà năm nay tui đã sáu mấy tuổi rồi”.

Hai người đàn ông chọn cầu Kiệu (nối quận 1 và quận Phú Nhuận) làm chỗ ngả lưng qua đêm. Ảnh: Vũ Thủy
Hai người đàn ông chọn cầu Kiệu (nối quận 1 và quận Phú Nhuận) làm chỗ ngả lưng qua đêm. Ảnh: Vũ Thủy

 

Đã quá nửa đêm, một người đàn ông vẫn ngồi trên lề đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận. Ông tên Bắc, 61 tuổi. “Tôi ở đây gần 4 năm rồi. Hôm qua, vừa băng qua đường xin đồ từ thiện bị xe đụng sưng hai cẳng chân mà không có tiền mua thuốc uống. Quần rách mà không có thay. Nếu có cho quần thì lựa cái quần nào bự bự mới mặc vừa” - ông nói.

Trước đây ông chạy xe ôm quanh khu vực chợ Phú Nhuận nhưng sau đó mất xe, chỉ xin đồ từ thiện để sống. Những ngày bình thường thì ông ngủ ngoài đường, mưa bão thì vô chợ ngủ.

Gần nửa đêm, chúng tôi bắt gặp cả trẻ em lang thang theo người lớn trên những con đường với áo quần nhàu nhĩ, lếch thếch. Gần cầu Phạm Ngũ Lão không xa, trên bãi cỏ đường Võ Văn Kiệt có ba người phụ nữ và một đứa trẻ chừng 6-7 tuổi.

“Em ở thành phố từ đó đến giờ. Trước em ở quận 6 chung với nội, giờ nội mất rồi. Đã nhiều năm nay không có nhà cửa, chỉ ngủ ngoài đường. Có miếng đất người ta bỏ không ở quận 2, tụi em dựng cái chòi, che lại và ngủ ở đó” - một cô gái tên Linh (30 tuổi) cho biết. Linh đang ở cùng với Nữ (33 tuổi), hai người đều nghiện ma túy, ban ngày bán vé số, kẹo cao su, lượm ve chai… để có tiền chích.

“Thuê phòng cũng phải 1-2 triệu đồng/tháng. Tụi em đi bán, lại nghiện cái này nữa đâu có đủ tiền thuê nhà” - Linh kể. Người phụ nữ bế con thì kể chị ở Nhà Bè, lát sẽ thuê xe ôm về. “Em có con lớn đang học lớp 5, ông bà nuôi. Chồng thì bị gom vào trung tâm cai nghiện rồi” - chị nói thêm.

Đoạn đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cách cầu Công Lý không xa có ba mẹ con đang ngồi ăn một hộp gà chiên. “Hộp gà này người ta vừa cho. Mình ở đây tới chừng nào người ta hết cho đồ thì đi, mỗi chỗ ở một ít. Khi nào có tiền thì thuê chỗ ngủ, không có thì ngủ ngoài đường. Có người thấy mình khổ nên cho thuê phòng, mỗi đêm chỉ trả mấy chục ngàn” - người mẹ nói.

Hỏi về cha của hai đứa trẻ, chị chỉ nói ba chúng “đang đi làm”, cũng đủ tiền sống qua ngày. “Chị hỏi bấy nhiêu được rồi. Con em nó đang bị bệnh bại não, có lúc đang lên cơn động kinh nhưng nhiều người cứ quay phim, chụp hình em, em không có thích. Bản thân em thì em chẳng sợ gì đâu, em chỉ lo cho thằng này tới tuổi cho đi học, thì để em cho đi học” - chị chỉ vào đứa trẻ ngồi cạnh bên và cắt ngang câu chuyện.■

Một thành viên ban đại diện giáo xứ Xây Dựng (quận Tân Bình):

Không thể làm tự phát

Nhiều cơ sở tôn giáo có thể hỗ trợ chính quyền trong việc giúp đỡ người vô gia cư. Nhà thờ Xây Dựng nhiều năm trước cũng là nơi tiếp nhận sĩ tử và thân nhân các em từ các tỉnh thành đến Sài Gòn thi đại học, cao đẳng đến tá túc.

Chính quyền cần là người khởi xướng. Những dịp bão lũ cần hỗ trợ ngắn 1-2 ngày thì các cơ sở trường học hay cơ sở tôn giáo đều có thể tiếp nhận người vô gia cư tá túc. Riêng về việc có thể tổ chức tá túc lâu dài cho người vô gia cư thì cũng cần Nhà nước có chính sách, kêu gọi sự tham gia. Nhiều cơ sở tôn giáo có điều kiện về mặt bằng, nguồn lực có thể tổ chức được, nhưng không thể làm tự phát vì không thể tiếp nhận vô tội vạ, khó quản lý, có thể xảy ra mất mát, rủi ro...

Hòa thượng Thích Thiện Tánh (đại biểu HĐND TP.HCM):

Tính cách giúp đỡ căn cơ

Tình trạng này đã tồn tại nhiều năm, các tôn giáo muốn chung tay, chính quyền cũng muốn giải quyết nhưng nhìn chung còn gặp khó.

Cái khó ở chỗ tâm lý người dân từ các tỉnh - đặc biệt là ở thôn quê, những nơi có điều kiện sống khó khăn - thường thích lên TP kiếm sống.

Nếu TP cố gắng lo nhà cửa đàng hoàng cho tất cả số này thì không bao giờ là đủ bởi giúp hết số này thì số khác sẽ tiếp tục đổ về, TP không đủ lực. Giúp đỡ như vậy cũng không phải căn cơ, lâu dài, chưa kể còn làm nảy sinh tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách.

Hiện ở nhiều nhà chùa cũng có cưu mang trẻ mồ côi, những người có hoàn cảnh thật sự khó khăn, nhưng số lượng cũng không nhiều do phần lớn các chùa đều không có đất đủ rộng. Còn trong những ngày mưa bão, lũ lụt, ở các chùa lớn đều có mở cửa để bà con lỡ đường vào tá túc. Đó là trách nhiệm của nhà chùa.

Bà Nguyễn Thành Phụng (trưởng phòng bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB&XH TP.HCM):

Mỗi tháng tiếp nhận 100-200 người

Chủ trương của TP là tập trung người lang thang, ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP vẫn còn tồn tại tình trạng người lang thang, ăn xin trên nhiều tuyến đường. Nguyên nhân là với người sống lang thang, người ăn xin, chủ trương của chúng ta chỉ là trợ giúp, hỗ trợ xã hội vì họ không vi phạm pháp luật.

Trong suốt quá trình tập trung tiếp nhận về các trung tâm, bất cứ khi nào xác minh được nơi cư trú là phải cho họ rời trung tâm. Thời gian tiếp nhận ban đầu 15 ngày và tổng thời gian trợ giúp cũng chỉ trong 90 ngày.

Hết thời hạn này, nếu vẫn không xác minh được nơi cư trú của đối tượng thì buộc phải giải quyết dừng trợ giúp xã hội và để họ ra đi nếu họ có yêu cầu. Còn những người muốn tiếp tục ở lại thì có thể làm đơn và chúng tôi giải quyết chăm sóc theo nguyện vọng.

Số người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định mà sở tiếp nhận dao động 100-200 đối tượng/tháng (tùy thời điểm). Lưu lượng đối tượng được đưa vào trung tâm tiếp nhận ban đầu là trên 20 người/tuần lúc thấp điểm.

Đây là những người lang thang, ăn xin bình thường, không có dấu hiệu tâm thần, còn số người có vấn đề sức khỏe hay biểu hiện tâm thần thường ít hơn. Còn lúc cao điểm, số lượng có thể lên khoảng 200 người/tháng. Số đối tượng đang được chăm sóc tại các trung tâm bảo trợ xã hội thuộc sở (tính đến ngày 30-11-2018) là gần 6.200 người.

Thạc sĩ xã hội học Nguyễn Quang Giải:

Cần giải quyết sinh kế

Để giải quyết vấn đề vô gia cư thì mấu chốt là vấn đề sinh kế. Những cơ sở tập trung người vô gia cư là cần thiết, sau đó là phân loại, đào tạo nghề cho họ.

Tuy nhiên, hiện nay việc đào tạo nghề cho người vô gia cư còn gặp nhiều khó khăn và cần phải nỗ lực tìm ra những giải pháp hiệu quả hơn. Ngoài ra, chính quyền có thể tìm hiểu để xây dựng mô hình như trại tế bần, tương tự mô hình ở một số nước, người vô gia cư có thể đến đăng ký để tá túc qua đêm và có thể nhận được trợ giúp về thực phẩm...

Điều này sẽ là một điểm tựa có thể giúp nhiều người nỗ lực vượt qua thời kỳ khó khăn, đồng thời cũng có thể giúp quản lý, kiểm soát bước đầu các nhóm người vô gia cư. Riêng đối với nhóm không có khả năng lao động, người già neo đơn... cần có các cơ sở, mái ấm để chăm sóc, nuôi dưỡng.

Hiện nay, một số mái ấm của các cơ sở tôn giáo, cá nhân đang tham gia làm công việc này và TP.HCM cần phải kêu gọi, khuyến khích, nhân rộng những cơ sở như vậy để có thể giảm bớt áp lực cho Nhà nước trong việc chăm lo cho nhóm đối tượng này.

MAI HƯƠNG - VŨ THỦY ghi

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận