Cuộc sống sau án tử

TRUONGUY 29/09/2012 03:09 GMT+7

TTCT - Làn sóng biểu tình phản đối phim Mỹ Sự ngây thơ của người Hồi giáo, tranh biếm của báo Pháp đã làm lu mờ nỗ lực của Salman Rushdie, người hiểu rõ tình cảnh bị cô lập hơn ai hết và kể lại trong tác phẩm mới nhất vừa được phát hành đồng thời ở Anh và 16 nước từ ngày 18-9-2012...

Phóng to

Tranh chân dung nhà văn Salman Rushdie - Ảnh: tomphillips.co.uk

Nhát cắt Những vần thơ của quỷ

Ngày 14-2-1989, ngày giáo chủ Hồi giáo Iran Ayatollah Khomeini ra chỉ dụ tử hình Rushdie vì Những vần thơ của quỷ (xuất bản cuối năm 1988) đã bập một nhát cắt, chia cuộc đời nhà văn Anh gốc Ấn Salman Rushdie ra làm hai. Trước là: một giải Booker, ba cuốn tiểu thuyết bán rất chạy và danh tiếng cỡ nhà văn Anh ngữ lớn nhất thế giới. Sau là: những năm tháng sống ẩn dật, nếu không sẽ có thể mất mạng ngay bởi bàn tay cuồng tín nào đó.

Cao điểm là khi Chính phủ Iran ra giá "cái đầu" của Rushdie tròn 1 triệu USD. Nghi thức xin lỗi của tác giả và nhà xuất bản chẳng được đếm xỉa, cuộc tầm nã vẫn được triển khai kể cả khi giáo chủ Khomeini khuất núi mùa hạ 1989.

Nhiều người dính dáng đến cuốn sách cũng không bảo toàn nổi tính mạng của mình. Nạn nhân đầu tiên là người dịch nó sang tiếng Nhật Hitoshi Igarashi, 44 tuổi, bị đâm chết ngày 11-7-1991 tại chỗ làm việc. Vài tuần sau, người dịch nó sang tiếng Ý Ettore Capriolo bị đâm tại nhà mình ở Milano, may mắn sống sót. Tại Oslo, William Nygaard - chủ Hãng Aschehoug xuất bản Những vần thơ của quỷ bằng tiếng Na Uy - cũng bị tấn công.

Ở Bỉ, hai thủ lĩnh Hồi giáo lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt của giáo chủ Khomeini bị bắn chết ngay giữa phố. Đẫm máu nhất là vụ xảy ra năm 1993 tại Thổ Nhĩ Kỳ, nơi 37 nạn nhân bị thiệt mạng bởi cuộc thanh trừng của người Hồi giáo trong sự kiện lịch sử gọi là "vụ thảm sát Sivas": một số trí thức Thổ tụ họp tại Sivas dự lễ kỷ niệm thi hào dân tộc Pir Sultan Abdal (1480-1550) đang nghỉ ở khách sạn thì bị một toán vũ trang bất ngờ tấn công, nổi lửa đốt khách sạn. Nhiều du khách bình thường, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà văn bị thiêu chết...

Mục tiêu chính của họ là cây bút trào lộng nổi tiếng thế giới Aziz Nesin vì ông đã dịch xong Những vần thơ của quỷ và chuẩn bị trích đăng, nhưng do không biết mặt nhà văn nên Aziz Nesin đã may mắn thoát.

Phóng to
Cuốn sách mới nhất của Salman Rushdie - Ảnh: rapidcityjournal.com

Hồi ức của Joseph Anton

Đoạn đời sau được Salman Rushdie kể trong một cuốn sách 900 trang viết (được gọi là Hồi ức của Joseph Anton - ấy chính là cách nhà văn làm theo lời khuyên của cảnh sát, đổi tên khác, ghép tên hai tác giả thần tượng của mình: nhà văn Anh gốc Ba Lan Joseph Conrad và nhà văn Nga Anton Chekhov).

Đại để, đó là cuộc trốn - tìm bất tận, sự bảo vệ nghiêm ngặt; có những bạn bè và đồng nghiệp thờ ơ, thậm chí phản bội; có những trợ giúp bất ngờ của người không quen biết; tình tan rồi tình đến; những ý tưởng mới và những sáng tác mới..., còn về chi tiết thì được giữ tuyệt mật trước khi sách ra lò, theo đúng hợp đồng.

Để phục hồi mối quan hệ ngoại giao giữa Anh và Iran, ngày 24-9-1998, Thủ tướng Iran Mohammad Khatami ra tuyên bố chính thức bãi bỏ lệnh trừng phạt Rushdie của giáo chủ nước mình. Nhà văn bí mật sang lánh nạn tại New York. Ông như có một cuộc sống mới.

Tiểu thuyết Đất dưới chân nàng in năm 1999 trở thành best-seller trên toàn thế giới Anh ngữ, được dịch ra 15 thứ tiếng. Năm 2007, nhà văn được triều đình Anh ban tước hiệp sĩ và năm sau, kỷ niệm 40 năm giải thưởng sách Booker, nhận danh hiệu "Người được giải Booker hay nhất mọi thời". Nhưng số phận đứa "quý tử tinh thần" của Rushdie thì không được cải thiện, nó vẫn bị cấm bán hoặc ngăn chặn xuất bản (dù đã nhận được tác quyền)...

Xem ra Hồi ức của Joseph Anton ra đời vào thời điểm bất lợi - làn sóng phản đối bộ phim Mỹ Sự ngây thơ của người Hồi giáo đang dâng tràn.

Và đến nay, tuy lệnh trừng phạt chính thức đã được bãi bỏ, nhưng "cái đầu" của Salman Rushdie vẫn tiếp tục được nâng giá. Lần gần đây nhất (16-9-2012) là do tổ chức 15 Khordad Foundation với mức 3,3 triệu USD (*).

ÐĂNG BẨY (Theo itogi.ru)

___________

(*): http://lenta.ru/news/2012/09/16/bounty/

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận