Cuộc phiêu lưu của văn Việt ở trời Tây

(LÊ TẤN chuyển ngữ) 07/04/2013 06:04 GMT+7

TTCT - Việt Nam vừa có bước thâm nhập mới vào thế giới sách Pháp ngữ tại Hội chợ sách Paris thông qua vài nhà xuất bản kiên trì dám “đặt cược” vào những tài năng mới của văn chương Việt.

Đặc biệt, Nhà xuất bản Riveneuve vừa lập ra collection dành cho văn chương Việt Nam dưới sự điều hành của Đoàn Cầm Thi, giáo sư văn chương Việt tại INALCO (Viện quốc gia ngôn ngữ và văn minh phương Đông).

Phóng to
Đoàn Ánh Thuận (bên trái) trong một buổi giao lưu với độc giả về quyển T. a disparu (T. biến mất) - Ảnh: Võ Trung Dung

Mùa đông Paris đang lùi xa, cái lạnh vẫn còn đó nhưng chấp nhận được. Công chúng xếp hàng trước quầy vé, bỏ ra 10 euro để bước vào Hội chợ sách Paris (từ ngày 22 đến 25-3), một sự kiện tầm cỡ ngang hàng với hội chợ sách Frankfurt và Barcelona. Gần 200.000 người yêu sách, 1.000 nhà xuất bản, 25 quốc gia, 2.500 nhà văn trên thế giới đã có mặt tại đây cùng với 120 hội thảo diễn ra trong bốn ngày.

Chuyển tiếp thế hệ

Trước đó, Thuận, Nguyễn Việt Hà và Đỗ Khiêm cùng những tác phẩm xuất bản bằng tiếng Pháp: T. a disparu, Une opportunité pour Dieu (dịch từ nguyên tác tiếng Việt là T. biến mất, Cơ hội của Chúa) và Khmer Boléro (viết trực tiếp bằng tiếng Pháp) đã được đón tiếp tại Trung tâm sách quốc gia (CNL). Chủ tịch CNL Jean François Colosimo giới thiệu: "Đây là ba nhà văn Việt Nam đại diện cho thế hệ mới. Vấn đề ở đây không phải là tuổi tác, mà là văn phong và những đề tài mà tiểu thuyết của họ đề cập".

Thuận - bút danh của nhà văn Đoàn Ánh Thuận - bước đi có vẻ rụt rè, xa cách. Nhưng đằng sau vẻ ngoài đánh lừa đó là nội lực và sự kiên trì. Thuận biết tạo rào chắn nhưng cũng tỏ ra nhiệt tình với người mà cô đánh giá cao. Khi viết, Thuận viết liên tục 4-5 tháng. Qua những câu chuyện của cô, người ta phát hiện một bút pháp hóm hỉnh và phóng túng, được rút ra từ nội tâm sâu kín mà không sa vào tự thuật.

Thuận quan sát khách quan từ trải nghiệm của chính mình, từ thực tế và môi trường sống. Hai câu chuyện diễn ra trong cùng một tiểu thuyết có nguy cơ làm người đọc mất phương hướng. "Tôi cần thay đổi, chấp nhận rủi ro để khám phá chứ không phải khai thác mạch có sẵn" - Thuận nói.

Nguyễn Việt Hà cười nói rổn rảng, đôi vai to chắc. Nếu bỏ đi áo vest và cà vạt, anh giống một công nhân luyện kim hoặc... cầu thủ bóng đá! Bất chấp vẻ ngoài, anh cho rằng "điều quan trọng là câu chuyện trong những tác phẩm của tôi". Tất nhiên các nhà văn thích gây bất ngờ. Nguyễn Việt Hà là nhà văn phi thường của điều bình thường, anh mổ xẻ xã hội và con người bằng sự tinh tế hiếm thấy. Cuộc sống thường nhật của những điều rất bình dị được anh quan sát và kể lại bằng giọng văn hài hước pha lẫn chút dịu dàng.

Ở một góc khác của hội chợ, Đỗ Khiêm gây xôn xao khi vài trang tiểu thuyết mới nhất của anh được đọc lên. Trong Khmer Boléro, anh kể về tình dục, tình yêu bằng những từ đơn giản, thô ráp nhưng không thô tục. Với tác phong thoải mái như một nhà ngoại giao, Đỗ Khiêm thu hút những người đối thoại bằng sự hài hước và những câu chuyện của người đã đi nhiều nơi. "Tôi từng nghĩ làm một bộ phim từ câu chuyện trong tiểu thuyết mới nhất của mình (Khmer Boléro), nhưng rồi tôi đã viết thành sách. Như thế đỡ tốn kém hơn làm phim!" - anh cười nói.

Một phụ nữ, hai người đàn ông, tuổi từ 40 đến 60. Thuận sống ở Paris gần 20 năm nay sau Matxcơva. Đỗ Khiêm là công dân thế giới khi đã lớn lên tại Pháp và hiện đi lại giữa châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Đông. Nguyễn Việt Hà vẫn gắn bó máu thịt với Hà Nội.

Đỗ Khiêm lưu ý: "Ở một góc nào đó, ba chúng tôi đại diện cho lịch sử Việt Nam cận đại. Người được đào tạo ở Nga, rồi ở Pháp, người là sản phẩm thuần túy của nền giáo dục Việt Nam. Bản thân tôi vẫy vùng giữa tính tinh hoa của châu Âu già nua và tính thực dụng của Bắc Mỹ".

Tính cá nhân trong cuộc sống thường nhật

Ba tác giả, ba nền văn hóa, ba cách kể chuyện, rất khác biệt nhưng cũng bổ sung cho nhau. Jean Pierre Hàn - nhà phê bình văn chương, nhà văn, giám đốc và tổng biên tập các tạp chí FrictionLettres Françaises - nhận xét: "Nét mới trước tiên là cách thức. Các nhà văn Việt Nam ngày nay viết tiểu thuyết nhiều hơn truyện ngắn. Kế đó là những đề tài và văn phong khác hẳn thế hệ đi trước".

Khác biệt thế hệ ở đây, theo Jean Pierre Hàn, là gắn với hai thời kỳ: thế hệ những nhà văn đã lớn lên trong chiến tranh như Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh..., còn thế hệ hiện nay là của những tác giả đã sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến. "Họ nhấn mạnh đến vị trí của cá nhân trong xã hội, đề cập thẳng vấn đề tình dục... Họ mô tả những con người bình thường trong cuộc sống thường nhật" - Jean Pierre Hàn nói.

Trong một nghiên cứu mới đây về văn chương Việt Nam, giáo sư Đoàn Cầm Thi nhận xét về các nhà văn Việt Nam cận đại như sau: "Tác phẩm của họ tìm cách gắn với những giá trị nghệ thuật mà những người đi trước thường bỏ qua... Sáng tạo, đối với họ, là mô tả thế giới như nó hiện hữu chứ không phải nó phải như thế này thế kia. Họ không nhắm mắt trước những vấn đề xã hội. Họ nói về cuộc sống cùng những lo toan, những mơ ước và chấn thương. "Cái tôi" từng bị lên án trong văn chương chính thức nay thuộc về thế giới của họ".

Thách thức kinh tế

Nếu nhưGuillaume Musso và Marc Lévy với văn chương nhẹ nhàng và dễ đọc đang thu hút độc giả ở Việt Nam với 6.000-7.000 bản bán được, thì các tác giả "trẻ" hơn như Thuận, Nguyễn Việt Hà, Đỗ Khiêm và những người khác chưa đạt được tầm mức này ở Pháp, Bỉ và Thụy Sĩ. Đây là rủi ro tài chính đối với nhà xuất bản đầu tư mua bản quyền, biên dịch và in ấn.

Ở Pháp, chỉ có sáu nhà xuất bản phát hành sách của các tác giả cổ điển và cận đại của Việt Nam hoặc gốc Việt, trong đó Seuil, Picquier và Acte Sud thuộc các tập đoàn xuất bản lớn và Sabine Wespieser, Vivianne Hamy và Riveneuve thuộc dạng độc lập.

Việc Riveneuve lập ra collection Việt Nam là điều mạo hiểm khi phát hành sách của các nhà văn Việt Nam chưa nổi tiếng ở Pháp, như thừa nhận của giám đốc xuất bản Alain Jauson: "Đây là lựa chọn của chúng tôi và cũng là vai trò của chúng tôi, dù là hơi lý tưởng hóa, trong việc giúp phát hiện tài năng. Vì chúng tôi tin vào độc giả biết đánh giá những câu chuyện mới, những chuyện kể chưa công bố".

Cần biết rằng chi phí phát hành một tác phẩm nước ngoài tại Pháp lên đến 10.000-15.000 euro cho 2.000-3.000 quyển. "Chúng tôi "đánh hơi" được rằng với tầm quan trọng của châu Á ngày càng hiển hiện trên thế giới, văn chương châu Á, vốn đã có ảnh hưởng trong trường hợp của Nhật, Trung Quốc và Ấn Độ, sẽ mang một tầm vóc mới. Tôi muốn nói đến những tác phẩm của phần còn lại của châu Á, trong đó có Việt Nam" - ông Alain Jauson nói thêm.

Để minh chứng cho sự quan tâm này, Riveneuve đang chuẩn bị những tác phẩm mới của Việt Nam trong năm 2014. Giáo sư Đoàn Cầm Thi tiết lộ: "Chúng tôi đang dịch Blogger của Phong Diệp, Thoạt kỳ thủy của Nguyễn Bình Phương, Song song của Vũ Đình Giang, Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lâm và Paris 11 tháng 8 của Thuận".

Phóng to
Phóng to
Phóng to
Khmer Boléro, Cơ hội của Chúa và T. biến mất trong collection văn chương Việt của NXB Riveneuve

VÕ TRUNG DUNG (Paris)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận