Cuộc nổi loạn bất thành

HUY ĐĂNG 25/04/2021 18:05 GMT+7

TTCT - Chỉ một ngày trước khi tổ chức cuộc họp quan trọng nhằm quyết định việc cải cách Champions League, UEFA nhận ngay gáo nước lạnh từ các CLB hàng đầu châu Âu: European Super League (ESL) ra đời.

Nhưng cũng chỉ hai ngày sau đó, cuộc nổi loạn bị dẹp yên, khi 6 đại diện của nước Anh cùng AC Milan và Inter Milan - tức 8/12 đội trong ESL - tuyên bố rút lui.

Quá nhiều diễn biến dồn dập chỉ trong vòng 2 ngày. Nhưng đó thực ra chỉ là phần nổi của một cuộc chiến đã kéo dài suốt nhiều năm qua, và bùng nổ khi làng bóng đá lâm vào tình cảnh khó khăn do cơn đại dịch.

Champions League thể thức mới

Trước tiên hãy nói về kế hoạch cải tổ Champions League của UEFA. Không phải ngẫu nhiên mà 12 CLB hàng đầu châu Âu chọn đúng ngày 18-4, trước phiên họp quan trọng của UEFA, để công bố việc thành lập ESL - “siêu giải đấu” mà một liên minh các đội bóng đã ấp ủ từ lâu, thứ hoàn toàn tương phản với Champions League đại đồng hơn theo dự tính của UEFA.

Nếu ESL ra đời, những trận đại chiến như Real Madrid - Liverpool sẽ phủ sóng cả mùa giải. -Ảnh: AFP

 

Từ năm 2024, Champions League sẽ diễn ra với thể thức mới. Cụ thể, số lượng đội bóng sẽ tăng từ 32 lên 36 đội. Thay vì chia bảng ở vòng đầu mỗi bảng 4 đội, trong thể thức mới, mỗi đội sẽ đá với 10 đối thủ khác (5 trận sân nhà, 5 trận sân khách), với một công thức bốc thăm sao cho đảm bảo tính công bằng.

Tuy gộp chung, các CLB vẫn được chia làm 4 nhóm hạt giống. 10 đối thủ mà họ gặp sẽ được rải đều trong 4 nhóm hạt giống này. Việc đá trên sân nhà hay sân khách sẽ được bốc thăm ngẫu nhiên. 

Sau đó, 8 đội đứng đầu mặc nhiên giành vé vào vòng đấu loại trực tiếp, còn các đội xếp từ hạng 9 đến hạng 24 sẽ đá play-off để chọn ra 8 đội nữa. Sau đó sẽ là giai đoạn đấu loại trực tiếp với thể thức sân nhà - sân khách vốn đã quen thuộc.

Thể thức này gặp phải nhiều sự chỉ trích nhưng UEFA tin rằng nó cũng mang lại nhiều lợi ích như tạo ra sự cạnh tranh lớn hơn, khi chỉ trao tấm vé trực tiếp cho 8/36 đội - tương đương với việc đứng nhất bảng trong thể thức cũ. 

Các trận đấu cũng được chờ đợi sẽ quyết liệt hơn khi mỗi CLB phải chạm trán 10 đối thủ khác nhau ngay từ vòng bảng, và đá sân nhà hay sân khách hoàn toàn là ngẫu nhiên.

Việc đá lượt đi và về ngay từ giai đoạn vòng bảng của thể thức cũ khiến các đại gia luôn có cơ hội sửa chữa sai lầm. Rất khó để một đội bóng yếu có thể hai lần làm nên bất ngờ trước những đối thủ mạnh.

Nhưng chuyện gì cũng phải có giá của nó. Thể thức mới khiến tổng số trận của Champions League tăng từ 125 lên 225 trận. Mỗi đội bóng trước đây chỉ phải đá tối đa 13 trận nếu vào chung kết, bây giờ sẽ phải đá 17 hoặc 19 trận. 

Tất nhiên, đá nhiều thì giá trị bản quyền truyền hình càng tăng, nhưng ai mới là người hưởng lợi thực sự? UEFA hay các đội bóng?

Những nền bóng đá nhỏ ủng hộ phương án mới của UEFA. Việc tăng từ 32 đội lên 36 đội có lợi cho họ. Thể thức thi đấu mới cũng giúp họ thu nhiều tiền hơn (nhờ có đến 10 trận vòng bảng so với 6 trận trước đây - các đội bóng nhỏ thường khó lòng qua nổi vòng này). 

Nhưng các CLB lớn thì than trời. Lịch thi đấu hiện vốn đã rất khắc nghiệt với họ (chỉ cần lọt vào đến bán kết, các CLB hàng đầu đã phải đá đến 50-60 trận/mùa).

Chung quy cũng một chữ tiền

Trở lại với ESL, đó là một giải đấu trong mơ thực sự với người hâm mộ. Liên minh 12 đội bóng sẽ đá ESL gồm 6 đại diện Premier League là Liverpool, Manchester United, Chelsea, Manchester City, Arsenal và Tottenham; 3 đại diện La Liga là Real Madrid, Barca và Atletico; cùng 3 đại diện Serie A là Juventus, Inter Milan và AC Milan. 

Sáu đội Premier League đã rút khỏi ESL. Ảnh: caughtoffside.com

 

Ban tổ chức ESL cho biết họ cần thêm 3 CLB nữa để đủ nhóm 15 đội sáng lập. 15 đội này cùng 5 đội khách mời thay đổi hằng năm sẽ tạo thành ESL hoàn chỉnh với 20 đội, chia làm 2 bảng đá vòng tròn trước khi bước vào vòng đấu loại trực tiếp.

So với Champions League thể thức mới của UEFA, ESL đơn giản, trực diện và quyến rũ hơn hẳn. Tất cả đều là những trận cầu giữa các CLB mạnh nhất, giàu truyền thống nhất, đông đảo người hâm mộ nhất. 

Và nó nằm ngoài phạm vi của cả UEFA lẫn Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA). Thay vì chờ đợi phần chia từ cơ quan quản lý bóng đá, giờ đây tiền sẽ chảy thẳng vào túi các CLB ESL.

Có rất nhiều vấn đề phát sinh khi thành lập một giải đấu như vậy, nó đe dọa phá tan toàn bộ hệ thống mà UEFA dày công xây dựng. Những nền bóng đá nhỏ hoàn toàn nằm ngoài cuộc chơi, cả các CLB trung bình ở Premier League hay La Liga cũng không có cơ hội với đến ESL. 

Tất nhiên, ESL không ảnh hưởng gì đến Champions League và Europa League. UEFA vẫn có thể tổ chức những giải đấu đó như thường lệ để duy trì cỗ máy của mình. Nhưng trong thế giới thương mại hóa, chúng ta có thể hình dung được cảnh ESL sẽ cạnh tranh trực tiếp và lấy mất nguồn tiền của Champions League. 

Các nhà tài trợ lớn, khán giả, các hãng truyền hình... luôn chạy theo giải đấu hấp dẫn nhất, nên Champions League có nguy cơ sẽ trở thành một giải đấu hạng hai.

Sự tức giận từ UEFA, FIFA, hay ban tổ chức những giải quốc nội là điều không thể tránh khỏi. UEFA tuyên bố mọi CLB liên quan đến ESL sẽ bị cấm tham dự các giải đấu do họ tổ chức, FIFA cũng ra thông báo tương tự. 

Cả các nguyên thủ quốc gia cũng lên tiếng. Thủ tướng Boris Johnson của Anh (nơi dự kiến có 6/12 đại diện ESL) hứa “sẽ hành động để ngăn Super League”.

Cuối cùng ESL đã đổ vỡ. Các CLB không thể đứng vững trước quá nhiều sức ép, từ cơ quan quản lý bóng đá, người hâm mộ, và cả chính quyền. Nhưng cuộc chiến giành quyền kiểm soát thế giới bóng đá đỉnh cao liệu có kết thúc, khi mà sự bất mãn giữa các đội bóng và UEFA cùng FIFA - những tổ chức từ lâu đã lún sâu vào các bê bối tham nhũng - ngày càng gia tăng?

Đây coi như một thất bại của các câu lạc bộ lớn, nhưng cũng chỉ là một bước lùi tạm thời. Cuộc chiến này có lẽ còn lâu mới kết thúc. ■

Giàu gấp nhiều lần Champions League

Sau khi các CLB Anh rút khỏi ESL, đại diện ban tổ chức giải thông báo “sẽ xem xét lại kế hoạch”, đồng thời khẳng định ý tưởng thành lập “siêu giải đấu” vẫn còn nguyên giá trị. ESL còn bóng gió việc các CLB Anh xin rút cũng chỉ nhằm xoa dịu dư luận. Những cuộc vận động hành lang có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới. 

Trên thực tế, ESL đã lo xong khoản tài chính của giải khi có được hợp đồng trị giá 6 tỉ USD với JP Morgan - ngân hàng lớn nhất thế giới của Mỹ. Chỉ cần dự giải, các CLB sẽ bỏ túi ngay 400 triệu USD - gấp 3 lần số tiền họ giành được nếu vô địch Champions League.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận