Cuộc đua tranh đón khách Ấn Độ

NHƯ BÌNH 18/11/2022 06:43 GMT+7

TTCT - Đông Nam Á đang chạy đua đón khách Ấn Độ, trong nỗ lực lấp khoảng trống mà du khách Trung Quốc để lại vì chính sách zero COVID-19. Đất nước 1,4 tỉ dân đang được xem là đòn bẩy cho sự phục hồi của ngành du lịch khu vực.

Cuộc đua tranh đón khách Ấn Độ - Ảnh 1.

Người Ấn Độ tại TP.HCM trong bữa tiệc lễ hội truyền thống. Ảnh: H.K.

Đầu tư đón khách Ấn

Renaissance Riverside Hotel Saigon (TP.HCM) dành khu đẹp nhất của tầng 21 để mở một nhà hàng Ấn Độ có tên Rooftop Tandoor Grill & Mixology. Nhà hàng, vừa khai trương vào cuối tháng 10-2022, là kết quả hợp tác với một thương hiệu chuyên về món Ấn Độ khá nổi tiếng. 

Từ tầng cao nhất của khách sạn này, thực khách có thể ngắm trọn con sông Sài Gòn về hướng nam. Đây sẽ là điểm hẹn của các chuyên gia, du khách người Ấn Độ khi đến TP.HCM.

Ông Alexander Schoell, tổng quản lý khách sạn Renaissance Riverside Saigon, cho biết đang có sự chuyển dịch đáng kể trong cơ cấu khách đến lưu trú ở khách sạn từ sau dịch COVID-19 đến nay, gắn với sự tăng trưởng dòng khách Ấn Độ. 

Từ một vài đoàn khách, hiện nhóm khách Ấn Độ đến lưu trú ở khách sạn tăng trưởng đến 40% và chiếm áp đảo so với nhóm khách truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Sự tăng trưởng có được một phần từ ẩm thực.

Ban đầu để phục vụ khách Ấn vốn có khẩu vị riêng, quầy buffet bữa sáng dành cho khách lưu trú có khu vực cho các món Ấn. Du khách Ấn Độ cảm thấy thích thú với các thực đơn này vì tìm thấy sự gần gũi trong văn hóa khi đến đây. 

Dần dần, khách sạn đón thêm những đoàn khách Ấn mới và đến nay đang trở thành nguồn khách lưu trú quan trọng của khách sạn với thời gian lưu trú trung bình từ 4-7 ngày/khách, chủ yếu khách doanh nhân, hội họp, chuyên gia… 

"Chúng tôi hợp tác với một thương hiệu ẩm thực lớn mở nhà hàng Ấn Độ để phục vụ riêng dòng khách Ấn và cộng đồng người Ấn ở TP. 

Ngoài ẩm thực, khách sạn cũng trang trí lại cửa hàng mua sắm ở sảnh và chuyển qua kinh doanh thời trang, thay vì mỹ phẩm cao cấp như trước, vì nhu cầu mua sắm hàng thời trang của nhóm khách Ấn rất cao" - ông Alexander Schoell cho biết.

Theo ông B. Subhash Chandar, giám đốc điều hành Công ty cổ phần Quản lý điểm đến châu Á tại VN, lợi thế của du lịch TP.HCM là hệ thống nhà hàng Ấn Độ rất phát triển, được đánh giá ngon và sang trọng nên rất nhiều du khách Ấn thích đến đây. 

"Đưa khách đến TP, các công ty tổ chức thường không quá lo lắng về ẩm thực, trung tâm mua sắm hay điểm tham quan. Nhưng để khách quay trở lại nhiều lần thì vẫn là thách thức", ông Subhash Chandar nói.

Nhiều địa phương khác cũng có tham vọng thu hút khách Ấn Độ để hồi phục mảng thị trường khách quốc tế như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh… Trong đó, Đà Nẵng vượt trội hơn nhờ lợi thế bờ biển dài và khách sạn đẹp, hiện đại, phong cảnh tự nhiên trong lành… 

Mới đây, địa phương này tổ chức đoàn xúc tiến đến Ấn Độ quảng bá các hoạt động du lịch, thương mại, đầu tư. Thông tin được ghi nhận tại chuyến đi là sẽ có ít nhất hai đám cưới của tỉ phú Ấn Độ với lượng khách lên đến hàng trăm người/đám sẽ diễn ra ở Đà Nẵng đầu năm 2023. Các hãng hàng không cũng xúc tiến mở các đường bay trực tiếp từ Ấn Độ đến Đà Nẵng.

"VN quá đẹp, quá đa dạng. Nếu TP.HCM cho tôi sự hiện đại, tấp nập của một trung tâm kinh tế thì Đà Nẵng đang có những bãi biển xanh quá đẹp. Tôi đã lên kế hoạch trở lại Việt Nam để đi dọc đất nước. 

Hiện công ty đã lên các gói khuyến mãi thúc đẩy bán tour du lịch đến Việt Nam, đặc biệt háo hức trước đường bay trực tiếp kết nối Đà Nẵng với hai TP hàng đầu Ấn Độ là New Delhi và Mumbai", ông Naresh Chhatola, giám đốc Công ty GjH India chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, tổng giám đốc Công ty CP phát triển Tùng Lâm, chủ đầu tư điểm đến Yên Tử (Quảng Ninh), cho biết hai năm trước một số công ty du lịch, sự kiện chuyên về tổ chức đám cưới của Ấn Độ đã đến Yên Tử khảo sát để chọn nơi tổ chức điểm cưới của một cặp đôi Ấn Độ.

Đám cưới sẽ bao trọn gói Legacy Yên Tử - MGallery trong vòng 3 ngày cho hơn 200 khách. Nhưng dịch bùng phát khiến đám cưới nhà giàu Ấn Độ không thể diễn ra. 

"Những người Ấn Độ khi đến Trung tâm văn hóa Trúc Lâm với Legacy Yên Tử - MGallery, Làng Nương, Trục Tâm đạo đều rất thích không gian, kiến trúc ở đây, thể hiện được nét đặc trưng văn hóa VN", bà Thu Hà nói.

Cuộc đua tranh đón khách Ấn Độ - Ảnh 2.

Du khách Ấn Độ mua sắm ở chợ Bến Thành, TP.HCM. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thị trường lớn

So với các nước trong khu vực, lượng khách Ấn Độ đến VN còn khá ít. Theo Tổng cục Thống kê, 9 tháng đầu năm nay, VN đón 61.300 lượt khách Ấn Độ, riêng tháng 9 đón 15.000 lượt khách.

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường khách du lịch Ấn Độ đến VN của Asia DMC, với khách du lịch Ấn Độ, có thể chia thành năm phân khúc khách hàng gồm: khách du lịch trọn gói theo nhóm; khách là các gia đình giàu có, ở thành thị; khách du lịch độc lập tự do; Millennials - nhóm nhỏ từ 6-10 người và khách du lịch thế hệ Z. 

Các điểm đến cũng cần quan tâm đến một số phân khúc phụ, mới nổi là khách du lịch một mình, khách du lịch nữ và khách du lịch trung lưu.

Năm 2019, Malaysia đã đón 735.000 lượt khách Ấn. Trên tờ Hindu tháng 10-2022, Hiệp hội Đại lý tour và lữ hành Malaysia (MATTA) cho biết Ấn Độ nằm trong số 5 thị trường có nguồn khách du lịch hàng đầu của nước này. 

Trong 6 tháng đầu năm 2022, khách Ấn đã đóng góp phần lớn vào cơ cấu khách quốc tế đến nước này với 71.481 lượt khách (Malaysia mở cửa từ 1-4-2022) và quốc gia này đang hướng đến hơn 1 triệu lượt trong năm sau. 

Bà Nancy Shukri, bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia, cho biết Malaysia đặt mục tiêu đón 9,2 triệu khách du lịch trong năm nay và doanh thu gần 6 tỉ USD, trong đó nguồn khách Ấn Độ sẽ đóng góp chính. Malaysia có lợi thế thu hút khách Ấn Độ nhờ có cộng đồng người Ấn.

Trung bình một du khách Ấn đến Malaysia chi tiêu cho mua sắm, giải trí khoảng 2.000 USD. Malaysia có kế hoạch quảng bá dài hơi cho thị trường Ấn Độ với mục tiêu thu hút ít nhất 2 triệu lượt khách Ấn vào năm 2025 dựa trên sự giao lưu văn hóa hai nước và các đường bay thẳng kết nối giữa hai quốc gia ngày càng phổ biến hơn.

Indonesia cũng đang nỗ lực lôi kéo khách Ấn Độ đến du lịch. Trước dịch COVID-19, có khoảng 657.000 lượt khách Ấn đến nước này, trong đó điểm hút khách nhất là Bali. 

Để thu hút du khách sau dịch, theo trang Indiatimes, từ tháng 9-2022, nước này triển khai chương trình cấp visa nhanh cho du khách Ấn. Nếu đi diện miễn thị thực thì du khách Ấn Độ có thể được miễn 30 ngày cho một lần nhập cảnh.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết sẽ tổ chức một sự kiện du lịch ở New Delhi để thu hút thêm nhiều du khách Ấn Độ. Khách Ấn Độ hiện là một trong những thị trường lớn nhất từ khi Thái Lan mở cửa du lịch trở lại sau dịch và kỳ vọng sẽ đạt 1 triệu lượt khách trong năm nay. 

Sự chuyển dịch của Thái Lan được xem là nhanh nhạy khi thị trường này mất 1/4 nguồn khách quốc tế do chính sách zero COVID-19 của Trung Quốc. Tuy nhiên một bất lợi của Thái Lan trong cuộc đua thu hút khách Ấn là điểm đến này đã quá quen thuộc. Họ bù đắp bằng chính sách visa thông thoáng so với các nước, và tăng tần suất đường bay giữa hai nước.

Tại Singapore, trong 8 tháng đầu năm 2022, khách Ấn Độ đứng thứ 2 trong nhóm khách đến Singapore, tăng một bậc so với trước dịch. Singapore đã cử đoàn đến Ấn Độ để đánh giá lại thị hiếu của thị trường. 

Theo ông Keith Tan, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, du khách Ấn muốn dễ dàng tìm thấy những địa điểm có đồ ăn, thức uống mà họ quen sử dụng do có du khách ăn chay hoặc không ăn một số loại thực phẩm…

Singapore cũng thành công trong việc thu hút khách Ấn trên du thuyền hạng sang (cruise). Ông Tan nói khách Ấn Độ bay đến Singapore thường sẽ đến bến tàu và đi du thuyền để thăm thú các địa điểm khác ngoài đảo quốc. 

Họ có thể đi quanh khu vực Đông Nam Á như Langkawi, Phuket, thậm chí Malacca hoặc Indonesia trong 3-4 ngày sau đó mới quay trở lại Singapore, dành thêm 2-3 ngày ở đây.

Theo Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới, Ấn Độ là một trong những thị trường người dân đi du lịch nước ngoài có tốc độ tăng nhanh thế giới, ước tính có khoảng 75 triệu hộ chiếu và du khách Ấn có xu hướng yêu thích những bãi biển đẹp và các hoạt động mua sắm.

Du lịch MICE và các chuyến công tác, làm ăn chiếm hơn 32% các chuyến xuất ngoại của người Ấn với khoảng 9,2 triệu lượt chuyến đi. Con số này được kỳ vọng tăng mạnh trong thời gian tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận