20/07/2005 08:32 GMT+7

Cuộc đua "tăng trưởng"

NGUYỄN TRƯỜNG UY
NGUYỄN TRƯỜNG UY

TT - Sau nhiều năm nằm trong sự chậm chạp hoặc không tăng trưởng kinh tế, một số địa phương thời gian gần đây bị tốc độ phát triển của các tỉnh bạn “thức tỉnh” nên đã bước vào những cuộc đua tăng trưởng, thậm chí có những cuộc đua được xác định là bằng mọi giá để “bằng chị bằng em”.

Trong cuộc chạy đua đó, cơ sở hạ tầng được dồn sức nâng cấp và xây mới hết sức qui mô, hoành tráng bằng mọi nguồn lực; tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm nội địa (GDP) luôn đặt ra mục tiêu và tổng kết bằng hai con số; những con số phát triển của tháng sau luôn cao hơn tháng trước...

Nhưng sau một thời gian gồng gánh quá sức mình, những “lỗ hổng” trong tăng trưởng đã xuất hiện, những cái giá khá đắt của cuộc đua “nhảy vọt” bắt đầu lộ diện.

Cuộc đua phát triển và tăng trưởng đầu tiên của một số địa phương là cơ sở hạ tầng. Nhiều địa phương đã “tổng tấn công” vào việc khai thác quĩ đất, dành phần lớn ngân sách, vay vốn từ nhiều nguồn… để mở mang đường sá, xây dựng các công trình hiện đại nhằm tạo ra một bức tranh đô thị bề thế, hiện đại với đường bêtông đến khắp ngõ ngách.

Khi công cuộc hiện đại hóa đô thị với tốc độ chóng mặt bắt đầu thành hình cũng là lúc những con nợ ùn ùn kéo đến: ngân sách địa phương thâm hụt, vốn vay ngân hàng chồng chất, doanh nghiệp đòi thanh toán, nguồn lực “vận động” đóng góp trong dân quá nhiều...

Không ít các nhà quản lý chợt nhận ra sự hào nhoáng của các đô thị ấy chỉ là vẻ đẹp bề ngoài. Tính lui tính tới thấy lượng hàng xuất khẩu không tăng, nhà đầu tư mới đến địa phương không nhiều, khách du lịch ít đến dù đường sá đã mở và sân bay đã khai trương. Nghĩa là chất lượng tăng trưởng đã bị bỏ qua, những yếu tố về mặt xã hội không được tính đến kỹ càng trong quá trình phát triển.

Bài toán giải quyết vấn đề xã hội lúc này đặt ra cũng căng thẳng không kém: tỉ lệ thất nghiệp trên thực tế gia tăng, số hộ nghèo đói vẫn không giảm, tệ nạn xã hội phát triển... Hậu quả lớn về mặt xã hội là nhiều hộ gia đình bị mất việc làm khi phải chuyển đến nơi ở mới trong quá trình đô thị hóa, công tác đền bù giải tỏa tiến hành không hợp lý dẫn đến một số vụ kiện kéo dài...

Thành phố, dù nhộn nhịp với dáng vẻ hiện đại bên ngoài, cũng không thể giữ chân nguồn nhân lực tiếp tục chảy sang các địa phương khác có nhiều cơ hội việc làm hơn, các nhà đầu tư ra đi, du khách không trở lại...

Khác với cuộc đua phát triển bằng cơ sở hạ tầng phồn hoa, một số tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai... không đặt mục tiêu “lột xác” đô thị là số một mà đã chọn một hướng đi khác trong cuộc đua phát triển: tập trung xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, thu hút đầu tư, thu hút chất xám... trước khi nâng cấp, chỉnh trang đô thị. Từ đó, nguồn đầu tư đổ về, nguồn chất xám cũng chảy tới... Tất nhiên, hướng đi đó đã giúp các địa phương này luôn có tốc độ tăng trưởng cao mà bền vững, nguồn lực mạnh, tính cạnh tranh cao... Đứng bên cạnh “ông anh” TP.HCM, các tỉnh đó vẫn có sức hút riêng.

Cái giá phải trả cho cuộc đua thành tích phát triển đô thị không chỉ là những khoản nợ chất chồng, điều quan trọng là làm chững lại hoặc kéo lùi lại sự phát triển, mà “đại công trường” ở Hà Giang với khoản nợ 1.800 tỉ đồng hiện nay là một ví dụ nhãn tiền.

NGUYỄN TRƯỜNG UY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên