Cuộc đua nghẹt thở của các đại gia ví điện tử

TRÚC ANH 16/06/2019 16:06 GMT+7

Thanh toán không tiền mặt bao gồm cả thanh toán bằng thẻ và ví di động. Người tiêu dùng các nước đã đón nhận công nghệ này ra sao và cần gì để người dân yên tâm bỏ ví ở nhà, ra đường chỉ mang theo smartphone là đủ?

Ảnh: Fitbit Pay
Ảnh: Fitbit Pay

Người dùng ngày nay muốn làm mọi thứ với smartphone, sự phát triển của ví di động - các ứng dụng (app) có liên kết với thẻ ngân hàng và biến smartphone thành ví tiền, có thể quét mã QR hoặc giao tiếp NFC (near field communication: kết nối không chạm ở phạm vi gần) để thực hiện giao dịch thanh toán - là điều tất yếu.

Thao tác quét mã để thanh toán chắc chắn nhanh hơn việc cà thẻ truyền thống vì mọi thứ được thực hiện và xác nhận trên smartphone (chẳng hạn dùng vân tay để xác thực giao dịch, đồng ý thanh toán thay vì ký hóa đơn) đương nhiên nhanh và tiện hơn so với việc mở ví và tìm tiền mặt.

Ví di động không chỉ thay thế tiền mặt hay thẻ nhựa để trả tiền khi mua sắm, ăn uống, sử dụng dịch vụ trong đời sống hằng ngày mà còn là một cổng thanh toán online, giúp người dùng ngồi một chỗ vẫn có thể mua thẻ trả trước, thanh toán hóa đơn điện nước, đặt vé xem phim hay chuyển/nhận tiền cho nhau qua tài khoản ví di động.

Tất cả đều chỉ cần vài thao tác trên smartphone và các app ví di động đều áp dụng chuẩn bảo mật cao, đảm bảo an toàn cho người dùng. Ngay cả khi làm mất điện thoại, về lý thuyết “ví” của người dùng vẫn an toàn vì ai muốn dùng phải vượt hai vòng bảo mật: của smartphone và của ứng dụng ví di động.

Theo dữ liệu của trang web chuyên phân tích các hệ thống thanh toán Expert Market, số người dùng ví di động toàn cầu ngày càng tăng, cứ mỗi năm lại có thêm 140 triệu người bắt đầu tham gia “trả tiền bằng smartphone”.

Expert Market khảo sát 36 quốc gia và cho biết Trung Quốc dẫn đầu về mức độ phổ biến của ví di động, với 36% giao dịch thanh toán ở nước này thực hiện qua ví điện tử. Điều này không ngạc nhiên vì Trung Quốc có hai đại gia ví di động là Alipay và WeChat Pay.

Vẫn theo số liệu của Expert Market, ví di động chiếm khoảng 4% các giao dịch thanh toán toàn cầu. So với mức bình quân toàn cầu này, Anh đạt tỉ lệ cao hơn một chút (5%), trong khi con số ở Mỹ là 3%.

Nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hay gần gũi hơn với Việt Nam là Đông Nam Á, cũng đã bắt đầu thúc đẩy việc sử dụng ví di động. Mỗi nước đang ở một mức độ áp dụng riêng và có những bài học kinh nghiệm đáng tham khảo trong nỗ lực xây dựng xã hội không tiền mặt, mà ở đó thanh toán dễ dàng và thông suốt bằng thiết bị di động đóng vai trò rất quan trọng.

Ảnh: wsj.com
Ảnh: wsj.com

Người dùng đón nhận

Theo báo cáo “Số hóa ở châu Á: Một khu vực định hình phần còn lại của thế giới ra sao”, tác giả đứng tên là Michelle Evans - giám đốc toàn cầu phụ trách mảng tiêu dùng điện tử thuộc Công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dẫn đầu toàn cầu trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Một báo cáo khác, “Thăm dò lối sống 2019”, cũng của Euromonitor, cho biết xét riêng về thanh toán di động, 60% người tiêu dùng ở khu vực này dùng smartphone để mua hàng hay trả tiền dịch vụ ít nhất một lần một tháng.

Báo cáo “Số hóa ở châu Á” đánh giá nhiều thị trường trong khu vực như Hong Kong, Hàn Quốc và Indonesia đã bắt đầu chuyển sang tư duy “mobile first” (ưu tiên thiết bị di động), với giao dịch qua ví di động chiếm hơn 50% tổng các giao dịch thanh toán điện tử.

Báo cáo nhận định khu vực châu Á - Thái Bình Dương đặc biệt phát triển mạnh mẽ ở ba lĩnh vực: mua sắm trực tuyến qua mạng xã hội, các siêu ứng dụng làm được đủ tính năng và ví điện tử.

Riêng về mảng ví điện tử, báo cáo lấy ví dụ Alipay và WeChat Pay tổng cộng có hơn nửa tỉ người dùng riêng ở Trung Quốc, còn tại Singapore có đến 27 ứng dụng ví điện tử khác nhau.

Báo The Star Online của Malaysia ngày 20-5 nhận định Malaysia đang xây dựng xã hội không tiền mặt và tỉ lệ dùng ví điện tử ở nước này đang tăng mạnh khi người tiêu dùng đón nhận ý tưởng có thể mua sắm, chi tiêu và thanh toán chỉ với chiếc smartphone. Đồng thời, việc theo dõi chi tiêu cũng dễ dàng hơn với một bộ dữ liệu đầy đủ các khoản chi trong quá khứ.

Nhưng những người kinh doanh nhỏ lẻ có e dè trước xu hướng thanh toán hiện đại mới này hay không?

Đó là câu chuyện chung ở các quốc gia muốn thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

The Star Online dẫn góc nhìn từ chính các doanh nghiệp, nhà bán lẻ cho thấy lợi ích của việc chấp nhận thanh toán bằng ví di động là rất lớn. Việc thanh toán bằng smartphone có mức phí giao dịch thấp, không cần xác minh khách có dùng thẻ giả hay không, không cần trữ tiền mặt để sợ bị cướp… là các điểm thuyết phục người bán hàng ở Malaysia.

Trong phiên chợ Kashless Ramadan bazaar vừa qua tại Malaysia. (Ảnh: Salaam Gateway)

Yusri Yusoh, người bán đồ ăn ở chợ Ramadan Bazaar (Kampung Baru, Kuala Lumpur), vừa mới bắt đầu nhận thanh toán qua di động và thích thú khi thấy giao dịch đơn giản, nhanh chóng hơn, “những điều này cuối cùng sẽ giúp chúng tôi có thể phục vụ nhiều khách hơn”.

Thật ra Yusri là 1 trong 400 gian hàng tại khu chợ phục vụ người theo đạo Hồi vào dịp lễ Ramadan vừa qua tham gia chương trình “Kashless Ramadan bazaar” (Chợ Ramadan không tiền mặt) do một ứng dụng ví di động nội địa tài trợ, mới kết thúc hôm 31-5.

Trong khi đó, tại Indonesia, một báo cáo của Hãng tư vấn RedSeer cho thấy ví di động đang là một trong những công nghệ có tốc độ phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech).

Thị trường ví di động tại Indonesia đạt 1,5 tỉ USD hồi năm 2018 và dự đoán tăng lên 25 tỉ USD vào năm 2023.

Hai đại gia ví di động đang có cuộc đua song mã tại quốc gia Hồi giáo này là Go-Pay (thuộc Go-Jek) và Ovo đều có tiềm lực tài chính, sẵn sàng “đốt tiền” trong các chương trình khuyến mãi để thu hút người dùng và tạo thói quen thanh toán không tiền mặt.

Tương tự, ví điện tử KBZPay đang chứng kiến tăng trưởng mạnh mẽ ở Myanmar, với 1,6 triệu lượt tải về và 1 triệu tài khoản đã xác thực. Tổng giám đốc KBZPay Soe Ko Ko nói với báo The Nation rằng 1 triệu khách hàng và mạng lưới 40.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc là khởi đầu tuyệt vời để ứng dụng này hướng đến mốc 30 triệu người dùng trong 10 năm tới.

Như mọi ví di động khác, người dân Myanmar dùng KBZPay để nạp tiền điện thoại, chuyển tiền cho nhau và thanh toán hóa đơn. “Chúng tôi cho rằng Myanmar đang tăng tốc để chuyển mình từ một xã hội chủ yếu dùng tiền mặt sang không tiền mặt trong các giao dịch thường ngày” - Soe nói.

Cần hệ sinh thái sẵn sàng

Trong khi người tiêu dùng các quốc gia kể trên đón nhận ví điện tử thì báo Rappler ngày 18-3 có bài viết: “Vì sao Philippines vẫn còn chậm trong việc ứng dụng ví di động?”, nêu ra nhiều nguyên do khiến quá trình “phi tiền mặt hóa” ở quốc gia này vẫn chưa thể cất cánh.

Bài viết dẫn báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Philippines (BSP) cho biết tính đến năm 2018, 99% các giao dịch trong nước vẫn dùng tiền mặt. Một thăm dò do Hãng phân tích dữ liệu The Nerve thực hiện cho thấy người dân Philippines vẫn thích dùng tiền mặt trong thanh toán. Trong khi đó, chỉ 12% người Philippines trưởng thành có tài khoản ví điện tử, theo thăm dò năm 2017 của BSP.

Rappler phân tích các rào cản chính có thể là tốc độ Internet ở Philippines còn chậm, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Thanh toán di động sẽ mất đi yếu tố nhanh nếu người dùng phải chờ giao dịch xử lý quá lâu vì hạ tầng mạng Internet kém.

Ngoài ra, Philippines không có những đại gia như WeChat Pay hay Alipay để tăng nhận thức về thanh toán di động với người tiêu dùng trong nước. Thăm dò năm 2017 của BSP cho thấy 40% người Philippines có thẻ ngân hàng vẫn chưa quen với thanh toán điện tử, huống hồ là thanh toán qua ví di động.

Người Philippines cũng e ngại vấn đề bảo mật. Theo thăm dò của The Nerve, đa số người trả lời cho biết sẽ không dùng ứng dụng di động để thanh toán vì không an toàn, sợ mất dữ liệu cá nhân và tiền trong tài khoản.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận