Cuộc chiến tranh hạ tầng

TƯỜNG ANH 04/12/2022 09:37 GMT+7

TTCT - Trên mạng Internet những ngày này lan truyền hình ảnh vệ tinh cho thấy hầu hết các thành phố lớn của Ukraine chìm trong bóng tối. Các cuộc tấn công của Matxcơva vào hạ tầng năng lượng Kiev đang ảnh hưởng thế nào tới cục diện chiến sự?

Cuộc chiến tranh hạ tầng - Ảnh 1.

Ekaterina Martynyuk thắp nến trong căn hộ của bà ở Kherson, Ukraine, ngày 15-11, cả thành phố đã cúp điện và nước từ khi quân Nga rút đi năm ngày trước. Ảnh: Getty Images

Từ 23-11, lần đầu tiên trong lịch sử Ukraine, ba nhà máy điện hạt nhân còn lại của nước này (Rivne, Khmelnytsky và Nam Ukraine) được đặt ở chế độ khẩn cấp, hầu hết các nhà máy nhiệt điện tạm thời cúp điện, 11 khu vực chìm trong bóng tối, bao gồm Kiev, Lvov và Odessa. 

Hệ thống nước và sưởi ấm đã ngừng hoạt động ở nhiều thành phố. Kiev mất điện 70%. Thông tin liên lạc và giao thông một số nơi cũng gián đoạn. Thị trưởng Kiev Vitaly Klitschko kêu gọi người dân, những ai có thể, tạm thời sơ tán về vùng quê để trụ qua mùa đông 2022 này.

Nga tấn công hạ tầng Ukraine

Các cuộc tấn công vào hạ tầng năng lượng Ukraine của Nga mới diễn ra ở quy mô lớn gần đây, bắt đầu từ ngày 10-10. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói đây là phản ứng "với các hành động khủng bố của chế độ Kiev, đặc biệt là vụ tấn công cầu Crimea hôm 8-10".

Ngày 15-11, quân đội Nga tiến hành đợt tấn công tên lửa kỷ lục: không quân Ukraine tổng kết "100 tên lửa đã được bắn đi" (một số nguồn Nga nói khoảng 70 tên lửa), dẫn đến mất điện trên diện rộng. 

Roman Tkachuk, giám đốc an ninh của chính quyền thành phố Kiev, cho biết: "Chúng tôi hiểu rằng nếu Nga tiếp tục các cuộc tấn công như hiện nay, chúng tôi có thể mất toàn bộ hệ thống cung cấp điện... Sẽ không có điện, nước và hệ thống thoát nước". Vào thời điểm đó, 40% cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã bị hư hại hoặc phá hủy.

Một cuộc tấn công quy mô khác diễn ra ngày 23-11. Cổng thông tin ukraina.ru dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga nói cuộc tấn công quy mô lớn của Nga vào "hệ thống chỉ huy và kiểm soát quân sự của Ukraine và các cơ sở năng lượng liên quan" là nhằm ngăn cản việc chuyển quân và vũ khí nước ngoài viện trợ cho Ukraine đến các vùng chiến sự bằng đường sắt.

Giám đốc Bảo tàng Lực lượng phòng không Nga Yuri Knutov nói trên tờ Moskovsky Komsomolets rằng các cuộc tấn công mới còn nhắm vào các doanh nghiệp sản xuất vừa sửa chữa vũ khí, trại đóng quân và trung tâm huấn luyện của Ukraine. 

Mikhail Faleev, cựu phó giám đốc Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga, nói với RIA Novosti rằng các cuộc tấn công có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ hệ thống năng lượng của Ukraine và làm tê liệt hoàn toàn việc chỉ huy và kiểm soát.

Theo phân tích của Military Watch Magazine (MWM, Mỹ) ngày 16-11, "cho đến tháng 10, quân đội Nga đã kiềm chế tấn công vào cơ sở hạ tầng Ukraine. 

Quá trình chuyển đổi sang xung đột toàn diện chỉ diễn ra sau khi quân đội Nga phải đối mặt với những thất bại trên thực địa. 

Trước đó, Matxcơva cố gắng giữ nguyên cơ sở hạ tầng của Ukraine với hy vọng nhanh chóng thành lập một chính phủ thân thiện ở nước này và giảm thiểu thiệt hại cho Ukraine. 

Tuy nhiên, do khả năng đưa Ukraine trở lại phạm vi ảnh hưởng của Nga về cơ bản đã mất, đặc biệt là ở các khu vực phía tây... Điều này tước đi động lực [giữ lại cơ sở hạ tầng Ukraine] của Nga".

Theo MWM, các cuộc tấn công sẽ làm tăng áp lực lên Kiev và phương Tây. Có thể cần hỗ trợ quy mô lớn cho Ukraine trong mùa đông này, và một cuộc di cư ồ ạt nữa sang châu Âu là không thể loại trừ.

Cuộc chiến tranh hạ tầng - Ảnh 2.

Những ngọn đèn dầu của thế kỷ trước đang xuất hiện trở lại với nhiều gia đình Ukraine. Ảnh: AP

Ukraine trụ được đến đâu?

Quân đội Nga không thể nhanh chóng vô hiệu hóa toàn bộ ngành năng lượng ở Ukraine, bởi hệ thống từ thời Liên Xô được xây dựng với tầm nhìn dự phòng và tái cấu trúc đa cấp, như Oleksiy Anpilogov, chủ tịch Quỹ nghiên cứu khoa học Osnovanye, nói trên ukraina.ru. 

Hệ thống này là một mạng lưới nhiều nút, trong đó sự cố của một nút không dẫn đến sự sụp đổ toàn bộ mạng lưới - một điểm mạnh của hệ thống năng lượng Xô viết. 

"Chỉ khi nào hơn một nửa số điểm của mạng lưới bị vô hiệu hóa, hệ thống mới sụp đổ. Điều này khác với các hệ thống kiểu phương Tây, nơi mọi thứ được xây dựng trên các hệ thống khu vực tự trị tương tác yếu với nhau", theo Anpilogov.

Với mỗi đòn tấn công tiếp theo, Ukraine sẽ cần thêm thời gian để khôi phục hệ thống năng lượng. Nếu hệ thống đang bị trục trặc đã 2 ngày thì một đòn nữa sẽ khiến hệ thống mất điện trong 5-10 ngày. 

Ông Knutov bác bỏ cáo buộc rằng quân đội Nga tấn công các nhà máy điện của Ukraine: "Không, chúng tôi không đụng đến các nhà máy điện. Chúng tôi chỉ chấm dứt hoạt động các trạm biến áp tiếp giáp nhà máy điện mà người tiêu dùng, bao gồm cả những công ty lớn, như các doanh nghiệp quốc phòng, được cung cấp năng lượng từ đó".

Theo chuyên gia này, việc khôi phục các trạm biến áp là hoàn toàn khả thi nếu có nguyên vật liệu cần thiết. 

Vấn đề ở chỗ các trạm biến áp này là kiểu Liên Xô, và các doanh nghiệp sản xuất những thiết bị này ở Ukraine đã ngưng hoạt động từ năm 2019. Các kỹ sư Ukraine đã than phiền về việc thiếu thiết bị sửa chữa mạng lưới. 

Nên báo Nga Vzglyad ngày 24-11 mới phán: "Chỉ Nga mới có thể khôi phục hạ tầng năng lượng Ukraine".

Dẫn nguồn Công ty năng lượng Ukraine Ukrenergo, tờ Moskovsky Komsolets 23-11 nói hơn 50% công suất năng lượng Ukraine đã bị vô hiệu hóa. Ukraine đã sửa chữa một số trạm biến áp, nhưng rồi Nga lại tấn công. Theo Knutov, "có bằng chứng cho thấy một số trạm biến áp đã ngừng hoạt động tới 8 lần".

Cuộc chiến tranh hạ tầng - Ảnh 3.

Một em bé người Ukraine nhìn ra ngoài cửa sổ toa xe lửa sơ tán khỏi Donbas, tháng 8-2022. Mùa đông sắp tới được dự báo sẽ là "mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử" Ukraine. Ảnh: AFP

Tới 26-11, các cuộc tấn công của Nga nhắm vào những trạm biến áp có điện áp cao nhất - 750kV, chịu trách nhiệm truyền tải điện năng giữa các vùng của Ukraine, phá hủy lưới điện thống nhất thành các phân đoạn riêng biệt (các cuộc tấn công trước chỉ nhắm vào các trạm biến áp 110kV và 330kV). 

Do đó, hệ thống năng lượng thống nhất của Ukraine thực sự không còn tồn tại, như tờ Vzglyad 26-11 đưa tin: "Hệ thống năng lượng thống nhất của Ukraine đã bị xé nhỏ thành các ốc đảo". 

Nếu Nga tiếp tục tấn công với mức độ hiện giờ thì khoảng tháng 1-2023, tới 70% công suất năng lượng được dự báo sẽ ngừng hoạt động, đồng nghĩa với sự sụp đổ của nền kinh tế Ukraine.

Thế giới từng chứng kiến tiền lệ này, như vào năm 1999, khi NATO ném bom Nam Tư, người phát ngôn của tổ chức này Jamie Shea đã tuyên bố: "Thực tế là 70% đất nước không có điện cho thấy chúng tôi đã nắm được công tắc. Chúng tôi có thể bật và tắt điện ở nơi chúng tôi cần và muốn".

Mùa đông khó khăn nhất

Tình trạng mất điện ở Ukraine có thể kéo dài nhiều tuần và nước này cần nguồn dự trữ máy phát điện chiến lược, theo lời người đứng đầu Văn phòng tổng thống Andriy Yermak hôm 23-11. Ông kêu gọi các thành phố châu Âu cung cấp máy phát điện cho Ukraine và các thiết bị điện áp cao, cầu dao, rơ le... cần cho việc sửa chữa mạng lưới.

Hồi tháng 10, EU cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine tối thiểu 400 máy phát điện và viện trợ khẩn cấp 1 tỉ euro để khẩn trương khôi phục nguồn cung cấp điện. 

The Washington Post đưa tin Mỹ đang xem xét khả năng lập kho dự trữ phụ tùng thay thế ở Ba Lan, để chuyển cho Ukraine nhằm phục hồi nhanh chóng cơ sở hạ tầng năng lượng.

Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Herman Galushchenko trả lời Der Spigel nhận định "sắp tới sẽ là mùa đông khó khăn nhất trong lịch sử độc lập của đất nước", dù Ukraine đang làm tất cả để đảm bảo cho người dân khả năng tiếp cận điện và sưởi ấm. 

Ông nói 9 lô hàng viện trợ tổng trọng lượng 39,3 tấn từ Đức hồi tháng 10 đã đến Ukraine, gồm thiết bị sửa chữa, máy biến áp, máy phát điện và các vật liệu cần thiết khác.

Từ 22-11, 4.000 "điểm không thể phá hủy" đã được mở tại quốc gia này - nơi cư dân có thể nhận điện, nước, liên lạc di động và Internet suốt ngày đêm. Tuy nhiên, ngày 26-11 các kênh Telegram của Ukraine đưa ảnh nhiều điểm này không thể hoạt động do mất điện. 

Cùng ngày, phát biểu trên truyền hình về tình trạng cúp điện trên diện rộng, ông Klichtsko thừa nhận: "Ở Ukraine đang xuất hiện nguy cơ cái tủ lạnh rỗng có thể chiến thắng cái tivi, dù người ta có nói gì chăng nữa...".■

Điện của Ukraine là từ đâu?

Điện khí hóa hàng loạt Ukraine bắt đầu vào năm 1924. Lưới điện của đất nước khi đó được tích hợp vào lưới điện của Nga và Belarus.

Đến năm 1991, Ukraine sản xuất 298,8 tỉ kWh điện - gấp đôi so với năm 2021 và gấp 4 lần hiện nay.

Ngày 16-3-2022, quá trình tách khỏi hệ thống điện Nga - Belarus và đồng bộ hóa với hệ thống điện ENTSO-E châu Âu của Ukraine, vốn bắt đầu từ năm 2017, hoàn tất. Điều này đồng nghĩa Ukraine có thể nhập và xuất điện sang châu Âu.

Tuy nhiên theo cổng thông tin ukraina.ru, đến tháng 11-2022, Ukraine chưa hề nhập khẩu điện từ EU.

Ngoài 4 nhà máy điện hạt nhân, tới 30% năng lượng điện ở Ukraine là từ các nhà máy nhiệt điện (TPP) và nhiệt điện kết hợp (CHP), 6,7% từ nhà máy thủy điện và 8% từ các nguồn tái tạo.

Sau khi mất các lãnh thổ vào tay Nga, Kiev mất Nhà máy điện hạt nhân Zaparozhye (ZNPP), 7/15 TPP và ít nhất 1/4 CHP, 2/7 nhà máy điện mặt trời và 3/4 cơ sở điện gió. Các cuộc tấn công lớn dọc sông Dnepr cũng đã vô hiệu hóa Nhà máy thủy điện Kakhovskaya.

Ba nhà máy điện hạt nhân còn lại, ở tây và nam Ukraine, đáp ứng 28% nhu cầu năng lượng hiện tại, nhiều hơn một chút so với ZNPP, vốn đã được Nga chuyển sang "chế độ ngủ".

Hiện công nghiệp Ukraine chiếm khoảng 37% tổng lượng tiêu thụ điện, 29% là điện sinh hoạt bán cho người dân, và khoảng 17% cho khu vực thương mại (phần còn lại phục vụ vận tải, nông nghiệp và xuất khẩu).

(Theo izvestia.ru và rg.ru)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận