“Cuộc chiến” giành lại bãi biển ở Đà Nẵng

VIỆT HÙNG - HỮU KHÁ 11/04/2018 05:04 GMT+7

TTCT - Dải bờ biển từ bắc kéo qua phía đông Đà Nẵng hơn 20km là bãi biển đẹp. Nhưng hiện các dự án resort, bất động sản ken dày, nối nhau san sát đã cắt nhỏ, bịt hết lối đi xuống biển khiến người dân ngày càng “xa” biển.

Một trong số những dự án ven biển mà TP Đà Nẵng lên kế hoạch thu hồi. Ảnh: H.Khá
Một trong số những dự án ven biển mà TP Đà Nẵng lên kế hoạch thu hồi. Ảnh: H.Khá

 

Rất nhiều lần người dân bức xúc kiến nghị mở lối xuống biển để tắm, sinh hoạt công cộng nhưng quá khó khi bãi biển đã dày đặc các dự án mà TP giao cho doanh nghiệp. Mới đây nhất, người dân, ngư dân làng Nam Ô (P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu) sau một đêm đã bị dự án Lancaster Nam O Resort bịt đường xuống biển mà hàng trăm năm qua họ đã mòn lối. Câu chuyện trở nên “nóng” hơn khi hàng trăm người dân tập trung phản ứng và đích thân Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa xuống tận nơi giải quyết.

“Bán” mặt tiền biển?

Nhiều người dân làng biển Nam Ô sau đó mới “té ngửa” khi biết hơn 30ha từ khu dân cư ra biển Nam Ô đã được TP giao làm dự án, thu tiền. Sau phản ứng mạnh mẽ của người dân, công luận và nhiều cuộc làm việc với chủ đầu tư, TP đã có chủ trương rà soát, điều chỉnh quy hoạch dự án theo hướng giữ nguyên, cải tạo các lối xuống biển đảm bảo phục vụ nhu cầu cộng đồng, thực hiện việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử tại khu vực này, bảo tồn làng nghề, các yếu tố văn hóa và lịch sử của làng Nam Ô. May mắn với người dân là bãi biển đẹp mê hồn Nam Ô dưới chân đèo Hải Vân là dự án Lancaster Nam O Resort mới triển khai nên TP đã có cơ hội “sửa sai”.

Đầu tuyến biển phía đông TP, bán đảo Sơn Trà bao bọc từ triền núi xuống dưới biển là 18 dự án. Du khách, người dân chỉ nhìn những dòng nước biển xanh vắt, bãi cát trắng mịn qua nóc nhà những dự án. Muốn xuống tắm biển hay sinh hoạt tại bãi biển Sơn Trà này, mọi người chỉ còn cách phải vào ở các resort hay nhà hàng ăn uống. Khoảng mười năm trước, chính quyền TP Đà Nẵng đã cấp đất cho các dự án du lịch bít hết lối xuống biển nhưng giờ đây để biển xanh Sơn Trà đem lại không gian công cộng cho người dân đã vượt quá thẩm quyền của TP.

Đi tiếp hơn 10km đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp, Trường Sa, dải bờ biển trong xanh, cát mịn khuất sau những hàng rào của các dự án resort. Nhiều dự án bỏ hoang lâu năm trên bãi biển, hoang phế nhưng vẫn có rào chắn, không có lối xuống biển. Ông Nguyễn Văn Lành (trú P.Khuê Mỹ, Q.Ngũ Hành Sơn) nói phường có bờ biển dài nhưng người dân nơi đây không thể tắm biển được vì bị resort, khách sạn xây chắn hết. TP giao đất cho nhà đầu tư phát triển du lịch, tạo ra công ăn việc làm nhưng không chừa khoảng cách giữa các khu du lịch làm lối xuống biển cho dân. “Bây giờ họ rào kín hết rồi, dân muốn tắm biển phải đi rất xa. Dân phản ảnh cả 10 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị TP thu hồi dự án chưa triển khai để mở đường xuống biển cho dân được hưởng lợi” - ông Lành nói.

Tại cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội ở Q.Ngũ Hành Sơn gần đây, cử tri Văn Đức Xuân bức xúc: “TP hứa mở lối cho dân xuống biển mấy lần rồi nhưng chờ mãi. Giờ xin các anh trả lời cho dân biết bao giờ làm”. Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn chỉ trả lời: “Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư để mở lối xuống biển cho người dân P.Khuê Mỹ”. Còn ông Lê Tấn Nghĩa, chủ tịch UBND P.Khuê Mỹ, cho biết đây là nguyện vọng chính đáng của người dân, TP nên sớm giải quyết. “TP đang tiến hành thỏa thuận lấy lại một phần đất đã giao cho chủ đầu tư để mở lối xuống biển, phường cũng chưa biết lúc nào thực hiện” - ông Nghĩa nói.

Gian nan mở lối xuống biển

Trước tình trạng nhiều dự án đã rào chắn đường xuống biển của người dân, du khách gây bức xúc cao độ trong dư luận, sau nhiều cuộc họp, năm 2016 chính quyền TP đã có chủ trương thu hẹp các dự án để mở 5 lối xuống biển từ đường Trường Sa thuộc 2 phường Khuê Mỹ và Hòa Hải, Q.Ngũ Hành Sơn. Đó là sẽ mở lối xuống biển rộng 17m giữa dự án Silver Shores và dự án Hòn Ngọc Á Châu; lối xuống biển rộng 10m tại phía bắc dự án The Nam Khang; lối xuống biển rộng 3,5m phía bắc dự án Đông Phương; lối xuống biển rộng 4m tại phía nam dự án Future Property và lối xuống biển giữa dự án Furama và dự án Ariyana. Song, mọi việc cho đến nay chỉ dừng lại các cuộc họp và các điểm dự kiến mở lối xuống biển vẫn chưa được thực hiện.

Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Lê Trung Chinh bức xúc 12km bờ biển chạy qua địa bàn quận dày kín với 33 dự án khách sạn, resort, căn hộ cao cấp. Ông đề nghị TP rà soát các dự án không có điều kiện triển khai thì cương quyết thu hồi đất hoặc điều chỉnh quy hoạch, đầu tư thành khu vui chơi, giải trí phục vụ người dân và du khách, để người dân được hưởng lợi, tiếp cận các dịch vụ phụ trợ đi kèm.

Thế nhưng chuyện thu hồi hoặc điều chỉnh quy hoạch dự án đã giao đất cho doanh nghiệp xem ra không dễ dàng. Tại cuộc họp với Q.Ngũ Hành Sơn về vấn đề này, ông Trần Văn Sơn, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP Đà Nẵng, cho rằng hiện các dự án ven biển chậm triển khai có hai dạng: một là trước đây TP giao đất nhưng các nhà đầu tư không lập dự án, họ chỉ nộp tiền sử dụng đất nên sắp tới TP xử lý vi phạm theo Luật Đất đai, thẩm quyền thuộc Sở TN-MT. Đối với dự án có giấy chứng nhận đầu tư, có lập dự án mà chậm triển khai thì sở đang theo dõi. Đồng thời đã yêu cầu các chủ đầu tư gia hạn tiến độ dự án theo quy định là 24 tháng và phải đến cuối năm nay, đầu năm 2019 thì các dự án kết thúc tiến độ gia hạn. Khi đó sở sẽ kiểm tra, lập biên bản, sẽ trình TP phạt hay thu hồi dự án.

Về nhậm chức gần nửa năm nhưng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa không dưới hai lần chủ trì họp để tháo gỡ việc mở lối xuống biển phục vụ cộng đồng. Ông Nghĩa nêu quan điểm: “Bãi biển là của chung, của cộng đồng chứ không phải của riêng nhà đầu tư nào, resort nào hết. Đây là cơ hội chúng ta sửa sai, những dự án còn lại này là của quý, nếu giữ được coi như là của để dành cho mai sau”.

Ông cũng cho rằng những dự án này giao đất năm 2013 về trước nhưng giờ vẫn còn đất trống, chậm triển khai phải xem xét lại toàn diện và có biện pháp xử lý. Phải xem xét lại các dự án phát triển du lịch, địa phương và nhân dân có được hưởng lợi không. Ông Nghĩa đặt câu hỏi: Tại sao có người được giao đất khi chưa có dự án, phải chăng lúc đó ta thiếu tiền quá, có phải là sự lãng phí rất lớn, những dự án đó Sở TN-MT phải báo cáo lại.

Ông Nghĩa cũng yêu cầu UBND TP mở thêm nhiều đường xuống biển, nhất là các vị trí giao thông thuận lợi. TP phải tăng cường quản lý quy hoạch, bờ biển, điều chỉnh lại việc giao đất ven biển làm dự án và cố gắng giành đất ven biển bố trí các mục đích công cộng, cho người dân sử dụng, hưởng lợi. Ông Nghĩa chỉ đạo các sở, ngành đừng ngại mà phải nhanh chóng làm việc với các chủ đầu tư chưa xây dựng dự án, lấy lại phần đất để mở lối xuống biển. Phải nghiên cứu làm lối xuống biển càng rộng càng tốt, đảm bảo được yếu tố công cộng chứ không để người dân có cảm giác đi nhờ qua dự án du lịch khi xuống biển. ■

Đề xuất lấn biển để làm... bãi biển!

Dải bờ biển phía bắc TP Đà Nẵng chạy qua hai quận Liên Chiểu, Thanh Khê làm con đường Nguyễn Tất Thành sát mép nước biển, bãi biển dài hơn 4km nhưng chỉ rộng từ 5-10m nên không phát triển các dịch vụ du lịch được. Bí thư Quận ủy Thanh Khê Nguyễn Thanh Quang cho biết khi thủy triều lên bãi biển càng nhỏ nên đìu hiu, ít người tắm, hạn chế phát triển du lịch. Quận đề xuất TP có phương án bồi đắp mở rộng bãi biển, cải tạo cảnh quan đường ven biển để xây dựng các bãi tắm du lịch phát triển các ngành dịch vụ, thương mại.

Bãi biển ven đường Nguyễn Tất Thành bị hẹp, không có bãi tắm nên quận kiến nghị lấn biển để làm bãi tắm phát triển du lịch. Ảnh: V.Hùng
Bãi biển ven đường Nguyễn Tất Thành bị hẹp, không có bãi tắm nên quận kiến nghị lấn biển để làm bãi tắm phát triển du lịch. Ảnh: V.Hùng

 

Ông Lê Quang Nam, giám đốc Sở TN-MT TP Đà Nẵng, cho rằng nếu lấn biển thì phải được cân nhấc kỹ càng, bởi đụng vào biển chỗ này thì ảnh hưởng môi trường chỗ khác. Theo Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, năm 2007, 2008 TP mới tách ra còn nghèo, làm con đường ven biển này sát mép biển để tiết kiệm chi phí giải phóng mặt bằng, giờ mới thấy là sai lầm. Ông cho rằng giờ để bãi biển Nguyễn Tất Thành như thế thì quá buồn, lãng phí.

Vì vậy làm thế nào cũng phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chứ làm không khéo thì phá vỡ hệ môi trường, lấp chỗ này thì xói lở chỗ khác. Cần phải thận trọng khi đối xử với thiên nhiên chứ không đùa với nó được. Ông Nghĩa đã chỉ đạo TP quy hoạch, đề xuất phương án khai thác hiệu quả con đường ven biển Nguyễn Tất Thành nhưng nguyên tắc phải chống được xâm thực, giữ được bờ biển và khai thác hiệu quả du lịch, kinh tế, phát triển bền vững.

Hoán đổi đất để mở lối xuống biển

UBND TP Đà Nẵng vừa yêu cầu Sở TN-MT tính toán giá trị của các khu đất dự án ven biển, từ đó TP sẽ có phương án thu hồi, hoán đổi các khu đất khác cho các chủ đầu tư để mở lối xuống biển. Cụ thể là khu đất 4,5ha đường Trường Sa (P.Hòa Hải) do Công ty TNHH I.V.C làm chủ đầu tư; dự án khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu (P.Khuê Mỹ); dự án DAP VN do Công ty TNHH DAP làm chủ đầu tư; dự án DAP 1 VN do Công ty TNHH DAP 1 VN làm chủ đầu tư; dự án DAP 2 VN do Công ty TNHH DAP 2 VN làm chủ đầu tư.

Nhiều dự án được giao nhưng chưa triển khai

Theo UBND TP Đà Nẵng, quanh bán đảo Sơn Trà đã chấp thuận đầu tư 18 dự án du lịch, nghỉ dưỡng với tổng diện tích khoảng 1.222ha, trong đó đất giao có thu tiền là 94ha, đất thuê là 274ha, phần còn lại giao quản lý không thu tiền. Hiện đã có 3 dự án đầu tư xây dựng, 4 dự án đã triển khai nhưng tạm dừng và 11 dự án chưa triển khai. Còn 12km chạy qua địa bàn Q.Ngũ Hành Sơn có đến 33 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó hơn nửa đã triển khai đầu tư xây dựng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận