"Cuộc chiến của con": Biết rõ tố chất của chính mình

KIM DUY 23/06/2014 07:06 GMT+7

TTCT - 1. Phải thừa nhận một thực tế trong xã hội hiện nay là cha mẹ có điều kiện về kinh tế không ai để con mình phải chịu thiệt thòi.

LTS: Tham gia Câu chuyện cuộc sống “Cuộc chiến của con” (xem TTCT số đề ra ngày 15-6) là bài viết từ hai góc nhìn khác nhau của hai người lớn, nhưng họ gặp nhau ở chỗ: người trẻ nên biết mình muốn gì.

Họ quan niệm làm cũng chỉ vì con, nên nhiều cha mẹ đã áp đặt con cái theo ý mình mà không quan tâm ước mơ của con ra sao, nhận thức vấn đề thế nào, nhất là trong việc chọn ngành học, chọn nghề... dẫn đến đôi lúc phải “cược với rủi may”. Có bạn nghe lời cha mẹ (có thành công, có thất bại), nhưng không hiếm bạn phản ứng ngay từ đầu.

Trường hợp M.T., bạn không thể hiện “ra mặt” sự không đồng tình, nhưng bạn băn khoăn dùng dằng, vừa thương cha mẹ kiếm được đồng tiền phải một nắng hai sương, vừa cảm thấy bản thân bị áp lực bởi mong muốn của cha mẹ. Ở đây, sự việc đã rồi, dù sao bạn cũng đã biết nên không phân tích việc làm của cha mẹ bạn như bỏ tiền ra chạy trường, chạy hộ khẩu là đúng hay sai, nên hay không nên.

Họ đã xuất phát từ mong ước (thiện chí) cho con có được một trường học tốt (để phát huy), vào được trường đại học mơ ước (của cha mẹ) phù hợp với học lực của con (chưa bàn đến năng lực).

2. Điều cần giải quyết ở đây là những “lăn tăn” trong lòng bạn. Bạn sẽ đi vào đời bằng sự sắp đặt của cha mẹ hay tự giải quyết mọi việc theo cách riêng của mình? Con đường bạn đi sẽ còn rất dài, nhiều va vấp, thuận lợi và khó khăn mức độ như nhau. Vấn đề là chính bạn, bạn có thấy mình đủ tố chất để làm một bác sĩ sau này hay không?

Có bao giờ bạn tự hỏi lòng mình đã thật sự yêu thích ngành y hay chưa? Bạn có lường được hết những khó khăn gặp phải khi học y khoa và liệu ra trường bạn sẽ là một bác sĩ tốt, giúp ích cho đời? Nếu bạn thật sự tin rằng mình có đầy đủ tố chất của một người thầy thuốc như biết cách tạo sự tin cậy, cảm thông, biết làm giảm nỗi đau và an ủi người khác, có khả năng quan sát, phán đoán tốt, có lòng nhân đạo, thương người, có sự kiên trì, nhẫn nại, can đảm, cẩn thận, tỉ mỉ, trung thực, thẳng thắn, thành thật...

Nói chung là có cái tâm của một người thầy thuốc thì tôi nghĩ, bạn theo ý cha mẹ hay theo ý bạn không thành vấn đề. Bởi mục đích cuối cùng bạn sẽ làm công việc phục vụ con người với tấm lòng nhân ái, tận tụy, suốt đời vì tha nhân. Và nếu bạn đạt được mục đích giúp ích cho đời, không vụ lợi, nguyện đem hết tài năng, kiến thức vì mục đích cao cả thì việc làm (chạy) của cha mẹ bạn ngày hôm nay cũng sẽ có ý nghĩa.

3. Trong bối cảnh hiện tại, khi xã hội gần như “bình thường” mọi việc “không bình thường”, như bạn từng viết: “Một thỏa hiệp thông thường mà ai ai cũng tuân theo như một sự khôn ngoan (?) mang tính thời thượng” thì việc bạn thuận theo ý cha mẹ cũng là một trong những điều bình thường. Chỉ mong rằng bạn không lấy đó làm “kim chỉ nam” trong xử thế sau này và trong việc giáo dục thế hệ tiếp nối.

Quan trọng là dù bạn học Đại học Y dược hay Y khoa Phạm Ngọc Thạch, bạn cũng sẽ cố gắng học tốt để trở thành người bác sĩ tốt, có đủ 10 đức tính cần thiết của một bác sĩ tương lai (*): thông minh, lòng quan tâm về khoa học, một nhân cách thu hút, sức mạnh tinh thần và thể lý, khả năng có thể chấp nhận và dung dưỡng những bất trắc và ưu tư thất bại, có thói quen tổ chức công việc tốt, khả năng tự học hỏi, ý thức thực tế xã hội, thành quả thực hiện, óc sáng tạo.

Đó cũng là mong ước của cha mẹ bạn và bạn khẳng định được mình đứng vững và đi trên chính đôi chân của mình. Được như vậy, dù cha mẹ bạn có “trải thảm” cho bạn những bước đi đầu đời cũng là việc làm có ý nghĩa. Hãy vì con đường dài, tương lai phục vụ tha nhân mà bỏ qua những suy nghĩ “lăn tăn” không cần thiết phải suy nghĩ.

Như vậy bạn đã “dám sống thật với chính mình, dám đối diện với khó khăn và học cách thoát khỏi nghịch cảnh”, những năm tháng gian khó trong trường y và sau này làm trong ngành y bạn sẽ gặp phải rất nhiều “cuộc chiến” với những tình huống còn khó khăn, khó xử hơn bội phần.

(*): Theo www.giohocduong.vn/

------------------------------------------

Hoàn cảnh của T. là đặc trưng của rất nhiều hộ gia đình chọn TP.HCM là nơi lập nghiệp. Câu chuyện của T. quá điển hình khiến người ta dễ dàng lướt qua trong dòng thông tin ăm ắp của báo. Tôi không quen T., nhưng ưu tư của em về sự công bằng, về việc em tước đi cơ hội của người khác khiến tôi có một số suy nghĩ xoay quanh vấn đề này.

Sự công bằng ép buộc?

"Tôi thích sự cân bằng khi có thêm nhiều thắc mắc như của T., theo chiều kích tăng lên của điều tốt, của tri thức trong trẻo"

Câu chuyện mà T. chia sẻ với tư vấn viên chỉ dừng lại ở kỳ thi đại học năm nay. Ở đó, chiếc hộ khẩu - có - mùi - tiền của gia đình em mở ra cánh cửa cuộc đời em, nhưng như chính em băn khoăn, “vì ba mẹ em có tiền nên em đã lấy đi của ai đó một cơ hội”. Thế nhưng hộ khẩu chỉ là điều kiện cần điều kiện đủ là điểm số từ kỳ thi đại học vào tháng 7 này.

Đại học y Phạm Ngọc Thạch hay Đại học Y dược TP.HCM? Không ai có thể nói trước kết quả dù có cầm trong tay chiếc bìa hộ khẩu! Rồi con đường học tập khắc nghiệt của trường y trong 6-7 năm và sau đó nữa, liệu em có trụ lại được sự chuẩn bị gian nan cho một người thầy thuốc? Xa hơn nữa, khi em ra trường, bệnh nhân sẽ không hỏi em học trường Y Phạm Ngọc Thạch hay Y dược TP.HCM để trao gửi sinh mệnh.

Với người bệnh, có lẽ màu áo blouse trắng tự nó đã chứng nhận người xứng đáng khám chữa bệnh cho họ. Lúc đó em sẽ thấy những đặc quyền mà em có không ảnh hưởng nhiều đến tương lai. Trở thành bác sĩ được thừa nhận hay không tùy thuộc vào bản thân T. chứ không phải nhờ cha mẹ cho em hộ khẩu!

Khi tôi kể câu chuyện của T. cho bạn bè, không ít người đã sửng sốt. Hình như có điều gì không phù hợp trong giá trị hiện tại của xã hội. Thang đo về công bằng hiện tại của những kẻ U-30, U-40 là cơ hội kiếm tiền, thật nhiều tiền cho bản thân. Không ai lo lắng xem tiền đó đến từ đâu và sẽ lấy lại thứ gì trong cuộc đánh đổi giữa các bên. Chỉ có T. là lo lắng về sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận cánh cửa Đại học Y Phạm Ngọc Thạch của những người bạn cùng độ tuổi.

T. ý thức việc dùng tiền lo lót hộ khẩu là sai, nhưng trong suy nghĩ của cha mẹ T., việc đó khá bình thường. Phải chăng đó là lý lẽ mà người lớn chúng ta đang vin vào? Phải chứng kiến những cuộc đổi chác ghê gớm thì việc cố gắng lo lót hộ khẩu cho con là điều chính đáng. Công bằng của cha mẹ T. là công bằng về nhân quả. Với họ, đền đáp cho cuộc sống vất vả từ Bình Định vào TP.HCM mưu sinh phải là tương lai rực rỡ của người con.

Tương lai đó có sự an nhàn tuổi già của họ. Đó là lẽ công bằng của cuộc sống. Do đó, có phải chạy tiền cho việc học của con, cho hộ khẩu TP.HCM thì họ vẫn sẽ làm (dù đồng tiền kiếm được rất vất vả). Tôi tạm gọi đây là sự công bằng ép buộc, khi cha mẹ choàng gánh trách nhiệm báo đáp cho T. bằng việc làm mọi cách cho em vào được Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch.

Xã hội cần thêm những thắc mắc trong trẻo

Trong suốt câu chuyện của T., em chỉ là một nhân vật mờ nhạt! Toàn bộ bức thư chỉ thấy T. là con người của bổn phận. T. có trách nhiệm học giỏi vì thấy cha mẹ quá vất vả. T. thấy mình cần thi y dù còn băn khoăn về môn hóa, về việc hộ khẩu và cơ hội của người khác.

Tại sao T. không nói chuyện với cha mẹ về nguyện vọng thật của em? Em có thật sự thích hợp với trường y? Nếu em chọn một trường khác phù hợp với em hơn, liệu chuyện hộ khẩu có còn ám ảnh em không? Gia đình em có cần tốn tiền cho người ta? Và chúng ta có ngồi đây phiếm chỉ về chuyện công bằng?

Lúc này câu chuyện lại hướng về vấn đề muôn thuở của xã hội chúng ta vào mỗi mùa thi, về việc chọn trường cho con và kỳ thi cho cả gia đình. Và năm nay nó hiện ra dưới một góc độ khác. Âu cũng nên vui vì trong vô vàn chua xót trong cuộc sống còn một tiếng nói dè dặt về lẽ phải của một em học sinh (dù nhìn về em, tôi thấy còn nhiều ưu tư khác).

Vài điều dông dài với tâm tư của một em học sinh đang bỡ ngỡ bước vào cánh cửa trưởng thành. Công bằng hay không công bằng? Khó mà định danh cho rõ vì bản thân từ này đã mang một khái niệm trừu tượng! Chỉ biết nhắn em bằng bài học của thầy giáo tôi rằng: Chẳng có khái niệm công bằng tuyệt đối, vì con người sinh ra đã hàm chứa sự không công bằng.

Nói để biết, không có ai tuyệt đối đúng hay tuyệt đối sai, cũng giống như công bằng không thể đi cùng khái niệm tuyệt đối, mà chỉ có thể công bằng tương đối bằng những thỏa thuận chấp nhận được! Xã hội này vẫn sẽ cân bằng dù thêm hay bớt những tiếng nói của T.. Người lớn sẽ có cách thỏa hiệp với sự chông chênh. Nhưng tôi thích sự cân bằng khi có thêm nhiều thắc mắc như của T., theo chiều kích tăng lên của điều tốt, của tri thức trong trẻo.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận