“Cuộc chiến chống khủng bố còn tệ hơn khủng bố”

YÊN MAI THỰC HIỆN 06/04/2016 17:04 GMT+7

TTCT - Ông Jan Oberg, giám đốc Quỹ Nghiên cứu hòa bình và tương lai xuyên quốc gia (TFF, trụ sở tại Thụy Điển, nhiều năm là ứng viên Nobel hòa bình), trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần về những vấn đề “hậu Brussels” mà châu Âu nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt.

Ông Jan Oberg
Ông Jan Oberg


15 năm chống khủng bố, vấn đề lớn hơn 80 lần...

TTCT: 31 người chết và hơn 200 người bị thương, nhưng hậu quả của vụ khủng bố Brussels 22-3 không dừng lại ở đó. Từ góc độ một nhà nghiên cứu hòa bình, theo ông, vụ khủng bố này còn để lại những hậu quả nào cho EU?

- Jan Oberg: Hậu quả thứ nhất là sẽ có thêm nhiều thù hận. Thứ hai, sẽ có thêm nhiều kiểm soát với tự do đi lại, tự do ngôn luận, tự do hành động ở châu Âu. Và về lâu dài có thể dẫn đến một nhà nước cảnh sát. Đây là dấu hiệu của một ngõ cụt vì chúng ta không thể sống trong một xã hội tự do nếu như mọi lối ra vào, mọi nhà ga, trạm xe, nhà hát... đều bị kiểm soát an ninh.

Đáng buồn thay, với tình hình hiện nay khi đối phó với khủng bố bằng bạo lực, chúng ta đang chứng minh là những kẻ khủng bố đã đúng. Vì khi những kẻ khủng bố chống lại phương Tây, về căn bản chúng muốn chỉ ra xã hội phương Tây không thực chất là những nhà nước tự do dân quyền, mà hoàn toàn có thể trở thành những nhà nước khép kín, độc tài.

Cho nên trừ phi chúng ta học được điều gì đó từ những gì đã diễn ra suốt 15 năm qua trong cuộc chiến chống khủng bố rằng bạo lực không giải quyết được gì, những điều tệ hại hơn sẽ tiếp tục xảy đến.

Liệu châu Âu có cách nào khác làm cuộc sống công dân mình an toàn hơn?

- Trước hết, tôi muốn bàn về thỏa thuận EU vừa thông qua với Thổ Nhĩ Kỳ mà tôi cho là đã biến EU thành một liên minh tội ác (criminal union), xâm phạm quyền được tìm nơi tị nạn, quyền tự do đi lại trong khu vực Schengen.

Nó cho thấy cách giải quyết duy nhất của EU với dòng người tị nạn là đuổi họ đi bằng một cuộc đổi chác với Thổ Nhĩ Kỳ (trả 6 tỉ euro để Thổ Nhĩ Kỳ lãnh trách nhiệm với người tị nạn).

Trong đội ngũ lãnh đạo EU, chỉ có bà Angela Merkel đang xử lý tình hình người tị nạn đúng cách, những người còn lại là những chính khách không có tầm nhìn. Người tị nạn chỉ là vấn đề nhỏ.

Tôi nói “nhỏ” vì chỉ có 1,2 triệu người tị nạn vào châu Âu, tức bằng 0,2% dân số EU hiện nay (508 triệu người). Nếu chúng ta không thể xử lý vấn đề nhỏ đó, rõ ràng chúng ta không thể xử lý những vấn đề lớn hơn.

Câu trả lời hiện tại của các nhà lãnh đạo châu Âu là tiếp tục đánh bom. Đan Mạch, có thể vào tháng 4 này, sẽ bắt đầu đánh bom Syria. Đó là một hành động thiếu suy nghĩ, cứ như thể chúng ta có một người bệnh khó chữa và giải quyết bằng cách giết chết con bệnh. Với tôi, đây là một cơn ác mộng.

Và cuối cùng, EU không hề có một tiếng nói chung kể từ khi thành lập. Cô nên trích lại lời tôi: “Điều tệ hơn cả sự khủng bố mà chúng ta đang thấy ở châu Âu chính là cuộc chiến chống khủng bố” (The only thing that is worse than the terror that we see in Europe is the war on terror), cuộc chiến này đã bắt đầu từ năm 2001 sau sự kiện 11-9.

Trong năm 2000, trước khi cuộc chiến này bắt đầu, mỗi năm chúng ta có 400 người chết liên quan đến khủng bố. Còn hiện giờ mỗi năm chúng ta mất 32.000 người. Chúng ta có một cuộc chiến chống khủng bố suốt 15 năm và vấn đề đã lớn hơn gấp 80 lần.

Nguyên nhân nào dẫn tới những giải pháp “xây tường ngăn cách” và “tiếp tục ném bom” mà ông đã chỉ trích?

- Theo tôi, thứ nhất vì những nhà lãnh đạo này không phải là người trí thức. Những chính khách của thời nay không có khả năng lập luận, suy nghĩ, tầm nhìn như các chính khách ngày xưa. Thứ hai, họ sợ bị cánh hữu coi là yếu đuối, là cúi đầu trước khủng bố.

Chúng ta có rất nhiều sự phân biệt chủng tộc và chính khách dân túy cánh hữu ở châu Âu. Một nhà lãnh đạo thật sự phải nói: “Tôi sẽ chống lại hệ thống cánh hữu này. Tôi sẽ làm điều tôi cho là đúng mặc kệ họ nghĩ gì. Tôi sẽ làm điều gì đó để giúp những người tị nạn”.

Angela Merkel đang làm được điều này và bà ấy đang bị giới truyền thông đánh rất nặng, nhưng nếu như 28 nhà lãnh đạo kia cũng dám đứng lên như bà thì tình hình đã khác. Đây là lý do chính yếu: họ không có sự dũng cảm và đạo đức để đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc.

Thứ ba, họ còn thuộc về một phức hợp quân sự. Vũ khí có sẵn là những phi cơ chiến đấu chứ không phải là những chuyên gia về thương thuyết, về nền văn hóa Ả Rập, về khủng bố.

Họ có sẵn tư duy là sẵn sàng ném bom ở bất cứ đâu. Chúng tôi đã làm những điều này suốt một, hai trăm năm qua ở châu Âu, Trung Đông, châu Phi, Nam Tư hay như những gì nước Mỹ đã làm với Việt Nam. Nó đã trở thành một thói quen: hễ gặp vấn đề thì xử lý bằng bạo lực, bằng đánh bom.

Châu Phi đâu có ném bom và phá hủy Thụy Sĩ hay Hà Lan hay Pháp, mà là chúng tôi đang phá hủy Afghanistan, Libya, Iraq, Syria... Chúng tôi đã trở thành chuyên gia trong việc phá hủy các quốc gia khác. Bất cứ một người trí thức nào cũng có thể thấy nếu một vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn gấp 80 lần, rõ ràng chúng ta đang làm gì đó rất sai. Và thay vì đặt ra câu hỏi đó, họ tiếp tục làm tình hình trầm trọng thêm.

Nhưng theo Interpol, trong số hàng triệu người tị nạn đổ vào EU vừa qua có khoảng 5.000 tay thánh chiến? Và trong những kẻ đánh bom liều chết ở Brussels có người sinh ra, lớn lên tại châu Âu, không phải mới nhập cư hoặc tị nạn. Phải chăng những giá trị văn minh của châu Âu không thắng nổi lòng thù hận và chủ nghĩa cực đoan?

- Tôi tin vào khả năng có một số người đi theo dòng dân tị nạn vào châu Âu là những kẻ có mục đích khủng bố, nhưng tôi nghĩ đây là một nhóm rất nhỏ.

Hơn nữa, chúng ta phải đặt ra câu hỏi: tại sao có những người sinh ra và lớn lên ngay ở châu Âu lại trở thành khủng bố? Họ đã bị đẩy ra bên lề xã hội, đã mất hết hi vọng như thế nào để rồi trở thành những kẻ cực đoan?

Điều gì khiến họ trở nên trung thành với nguồn gốc của mình ở Trung Đông, châu Phi hơn là trung thành với hệ thống giáo dục, văn hóa châu Âu, nơi họ sinh ra và lớn lên? Ý tôi không phải là họ nên từ bỏ nguồn cội, mà việc họ vẫn gắn kết với nguồn gốc kể cả khi lớn lên ở châu Âu là một điều đáng suy ngẫm. Điều này cần được thảo luận và tìm hiểu nhiều hơn.

Liệu chúng ta đã làm gì sai khiến những người này trở nên cực đoan?

Thứ ba, nếu đúng là trong dòng người tị nạn có những kẻ khủng bố thì chúng ta phải xử lý, ngăn chặn nguyên nhân gốc rễ khiến người tị nạn tràn vào châu Âu. Đó không phải là giữ chân họ tại Thổ Nhĩ Kỳ, mà là làm sao để người ta không phải rời bỏ quê hương mình. Chiến tranh chính là nguyên nhân của điều này.

Vì sao những kẻ khủng bố ghét châu Âu đến vậy ? 

Liệu điều này có khả thi khi những nhà lãnh đạo hiện nay của châu Âu không hề có ý định dừng cuộc chiến?

- Thứ nhất, chính trị gia lên rồi lại xuống. Chúng ta có thể hi vọng trong tương lai ta sẽ có những nhà lãnh đạo tốt hơn, có tầm nhìn hơn. Thứ hai, chúng ta không nên đánh giá thấp những gì đang diễn ra trong xã hội dân sự khắp châu Âu.

Cả trăm ngàn người, nếu không nói là cả triệu người dân châu Âu, đang mở ra những tổ chức chào đón, giúp đỡ người tị nạn. Chúng ta cũng có những cuộc tranh luận trên mạng xã hội, mà rất nhiều người phản đối cách làm của các chính trị gia hiện tại. Những lực lượng tốt cần thời gian để củng cố.

Hãy làm những gì mà các lãnh đạo châu Âu đang không làm, hãy hỗ trợ những người tị nạn. Có rất nhiều người dân châu Âu không hề ghét bỏ người Hồi giáo.

Đương nhiên tôi phải nhấn mạnh rằng việc tôi giải thích vì sao người ta gây ra khủng bố không có nghĩa là tôi bênh vực hành động khủng bố. Đó là những hành động ghê tởm, vô nhân đạo, hoàn toàn không liên can gì đến Hồi giáo hay những giá trị tôn giáo.

Nhưng ta không thể giải quyết vấn đề nếu trốn tránh, không đề cập tới nó. Và đây là điều ta đã làm suốt 15 năm qua ở phương Tây, rất dễ dàng để nói ta chỉ là những người vô tội, đó là điều đầu tiên người Mỹ nói về ngày 11-9. George W. Bush đã phát biểu: “Tôi không hiểu vì sao họ lại làm như vậy vì người Mỹ chúng tôi là những người tốt”.

Tôi không nói người Mỹ xấu, nhưng chính cách George W. Bush đáp trả khủng bố sau vụ 11-9 mà bây giờ mọi việc đã thành ra thế này. Chúng ta cần nhìn vào lịch sử để hiểu được hiện tại.

Khi bàn về tội ác khủng bố, người dân và truyền thông phương Tây thường chỉ nói về các vụ thảm sát ở Paris hay Brussels. Người ta dường như quên rằng hầu như mỗi ngày đều có những cuộc thảm sát như thế ở các quốc gia Trung Đông...

- Tôi không nghĩ chúng ta có thể phủ nhận một sự thật là sẽ luôn có những người gần với chúng ta hơn những người khác. Ta không thể lo lắng, yêu thương cả thế giới và cái chết của một người thân luôn tác động tới ta nhiều hơn cái chết của 20 người không quen. Con người là vậy.

Nhưng chúng ta có thể cố gắng thể hiện lòng trắc ẩn khi ta thấy những người khác phải chịu đau khổ. Kể cả khi họ ở xa ta... Chúng ta phải có một hệ thống đạo đức mang tính toàn cầu, có trách nhiệm với những gì mình đã gây ra cho cả những người ở đầu kia của Trái đất, dù đó là làm thay đổi khí hậu hay là gì đi nữa. Khi ta có một nền kinh tế toàn cầu thì ta phải xây dựng một hệ tư tưởng đạo đức toàn cầu.

Tôi nghĩ xây dựng được một tâm thức toàn cầu sẽ là một thử thách lớn do sự khác biệt văn hóa Đông - Tây?

- Cô đến từ một nền văn hóa chịu ảnh hưởng lớn từ Phật giáo. Đạo Phật cho rằng vạn vật không bị chia thành hai cực, mà là hòa từ hai cực.

Ở phương Tây thì người ta nghĩ: hoặc thế này hoặc thế kia, hoặc là ta hoặc là họ, hoặc cô gần hoặc xa tôi, cánh tả hoặc cánh hữu... Ở phương Tây người ta nghĩ mọi việc theo hướng chia đôi (dichotomy). Trong khi đó Phật giáo lại có hướng suy nghĩ chúng ta là chúng ta, là một.

Ta phải đặt câu hỏi: ta đang là một phần của một thế giới lớn hơn, hay ta đơn thuần chỉ sống trong thế giới nhỏ bé của chính mình?

Và tôi nghĩ đó chính là thử thách của hiện tại với tình hình người tị nạn ở châu Âu. Những người tị nạn đến đây, họ sẵn sàng hòa nhập, làm việc, học hỏi, chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để mở mang tầm nhìn, để hiểu thêm về thế giới và những nền văn hóa khác. Tôi tin là một điều khả quan sẽ xảy ra, nhưng vẫn cần thời gian để đi đến đó.

Cảm ơn ông.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận