“Cũng may có nghề bán vé số”

KHẮC TÂM - SƠN LÂM 26/08/2020 06:08 GMT+7

TTCT - Từ lâu, nghề bán vé số đã trở thành tấm lưới phúc lợi xã hội cuối cùng cho những người gần như không còn lối thoát để ít ra tìm được một sinh kế, dù nhọc nhằn và bấp bênh.

Bà Võ Thị Hai và cháu nội. Ảnh: KHẮC TÂM
Bà Võ Thị Hai và cháu nội. Ảnh: KHẮC TÂM

nẻo đường, bà Võ Thị Hai (ngụ số 612/45H đường Mạc Đĩnh Chi, khóm 6, phường 9, thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) là một trong những người có thâm niên bán vé số dạo lâu nhất ở Sóc Trăng. 

Trong căn nhà chừng 25 mét vuông được xây tặng, bà Hai ngồi tự bóp đôi chân sau một ngày đi bộ bán vé số trở về, tâm sự: “Tui giờ đã ngoài 70 rồi, xương khớp đau nhức suốt, nhưng ngày nào cũng phải lội bộ bán vé số mới có tiền sống”.

40 năm bán vé số dạo

Thưa, ngày nào bà cũng phải đi bộ? Đi bộ bán được nhiều hơn hay sao, thưa bà?

- Không phải đi bộ bán được nhiều hơn mà đó giờ khổ quá, có biết đạp xe đâu, nên mấy chục năm nay cứ phải đi bộ. Giờ ngày nào cũng đi chừng năm cây số. 

Thấy xương khớp nhức quá thì kiếm chỗ nghỉ rồi lại đi tiếp. Già rồi, ngày chỉ dám lấy chừng trăm tờ vé số để bán. Lấy rồi thì phải ráng bán cho bằng hết. Mỗi tờ được 1.200 đồng, bán cho hết để kiếm 120.000 mà sống.

Được cái bán lâu rồi, cũng được nhiều mối quen nên chừng trăm tờ vé số thì ngày nào cũng bán được hết. Vì mình không có tiền, nên ôm vé số luôn để lấy được hoa hồng 1.200 đồng mỗi tờ. 

Chứ mình mà lấy bán kiểu còn dư bao nhiêu trả lại đại lý thì chỉ được 1.000 đồng mỗi tờ. Vừa uổng tiền hoa hồng mà đằng nào mình cũng biết mình chỉ còn sức bán được khoảng trăm tờ thôi nên không lấy thêm.

Dạ vậy là bà đã đi bộ suốt 40 năm ròng rã luôn? Sao hồi xưa bà lại chọn cái nghề cực vậy?

- Nghề chọn mình chứ mình có chọn đâu (cười). Mà nói cho ngay lúc tui theo nghề bán vé số thì đây là cách kiếm tiền thuộc dạng ngon lành so với những việc trước đó nhiều. 

Hồi đó, ba má tui đông con, nghèo khó, tui đi làm thuê làm mướn ai kêu gì làm đó. Toàn những việc nặng nhọc quần quật suốt ngày mà khi có việc khi không. Đến chừng qua tuổi 30, sức cũng bắt đầu không còn mạnh nữa, tui mới lấy vé số đi bán dạo.

 Mà hồi đó bán cũng khỏe, thường thì tui ra chỗ ngã ba Trà Men chờ mấy xe từ thị xã Ngã Năm về thành phố Sóc Trăng đón trả khách thì nhảy lên. Bán trên xe, chờ xe đi tới thị xã Ngã Năm thì nhảy xuống bán loanh quanh, chờ chuyến khác về thành phố Sóc Trăng lại nhảy lên bán tiếp. Có ngày đi về cả ba, bốn chục bận. 

Lúc đó dễ bán lắm, ngày bán trên các chuyến xe đò vậy thôi mà 3 cùi vé số (cùi 100 tờ - PV) bán sạch sẽ. Thu nhập so với công làm mướn hằng ngày cao hơn nhiều.

Dạ hồi đó xem ra bán cũng có tiền, nhưng cuộc sống của bà vẫn còn khổ tới giờ?

- Đúng là tui không có phước phần được như người ta. Chuyện nhà nói ra hơi kỳ, nói không phải để than vãn gì, nhưng tui lận đận lắm. Hồi đó sinh ra rồi ở xã Xuân Hòa (huyện Kế Sách, Sóc Trăng - PV), học hành không mấy mà đi làm thuê làm mướn sớm, đến năm 18 tuổi đã lấy chồng. 

Chồng lúc ấy tham gia cách mạng nên cũng ít khi về nhà. Được hai năm, lúc tui vừa sinh đứa con trai đầu được mấy tháng thì nghe tin chồng hi sinh. Tui thờ bằng liệt sĩ của chồng, làm mướn nuôi con.

Chục năm sau, duyên đến với ông chồng sau, người Đồng Tháp, cũng trong những lần ngược xuôi xe đò bán vé số. Được thêm với ông ấy ba đứa con. 

Lúc này, cũng vì con cái đông mà tui không nhảy xe đò bán vé số nữa, chỉ đi loanh quanh bán vé số đặng còn lui tới trông nhà. Sinh đứa con thứ ba với người chồng sau được nửa năm thì ông ấy bệnh nặng qua đời. 3 trai 1 gái, cả thảy 4 đứa con đều trông chờ vào xấp vé số.

Nhưng con cái bà giờ cũng đã lớn hết rồi?

- Ừ thì tụi nó lớn hết rồi, nhưng cái lận đận của mình truyền cho tụi nó. Cha mẹ khổ thì con khổ theo, không đủ sức cho tụi nó học hành nhiều nên đời tụi nó cũng khổ.

 Giờ đứa nào cũng có gia đình nhưng cũng lắm cảnh khổ. Như thằng trai út, lấy vợ sinh con được nửa năm thì vợ nó bỏ đi. Giờ thằng cháu cũng tui nuôi. 

Tội nghiệp thằng nhỏ, mới sinh ra đã có bệnh, giờ 3 tuổi mà vẫn chậm nói, chậm đi. Tui đi bán vé số bây giờ cũng là lo cho nó. Ngày nào cũng chuẩn bị đồ ăn từ sáng, nhờ bà con lối xóm coi chừng nó giúp rồi đi bán. Đến trưa về cho nó ăn rồi lại tranh thủ lội đi bán luôn cho hết vé.

Nghề cần văn minh, lịch sự

Ngoài chuyện sức khỏe, hồi xưa đi bán khác nhiều bây giờ không, thưa bà?

- Gần 40 năm phải khác chứ, hồi đó không nhiều đài xổ số, cũng không đông người bán như bây giờ. Hồi đó chỉ những người không làm gì được không kiếm được việc mới đi bán vé số. 

Đó cũng là cách mà người ta nhìn người đi bán vé số trước đây. Lắm người khó chịu, mình chưa kịp mở miệng mời mua là đã xua đuổi như đuổi tà, thậm chí còn mắng mỏ. 

Có điều tui nghĩ, mình kiếm tiền bằng mồ hôi, công sức, chịu khó đi bán chớ có phải ăn xin người ta đâu mà ngại. Nói chung thời nào thì người bán vé số cũng phải gặp cảnh người mua từ chối, la mắng (cười).

Nay thì khác, ai cũng đi bán vé số, từ trẻ em đến người khỏe mạnh, người tàn tật gì cũng đi bán. Vì người càng khỏe thì đi bán càng được nhiều, thu nhập càng cao. 

Nghề bán vé số đông lên thì cũng sinh ra lắm kiểu bán. Có nhiều người còn lợi dụng cảnh khổ, tạo lòng thương hại để bán được vé số. Riết người mua dần mất thiện cảm, việc bị từ chối kiểu thẳng thừng, bị xua đuổi ngày càng nhiều hơn trước.

Câu hỏi này cũng tế nhị, nhưng con cũng xin hỏi thật là bà bán vé số theo kiểu nào trong “lắm kiểu” mà bà nói?

- Thì tui nói với cậu đó, tui có khá nhiều mối quen. Những người đó thương nên mua ủng hộ thì đúng. Nhưng chắc không phải thương cảnh đời tui đâu. 

Vì tui cũng ít kể ai chuyện đời, cậu đến thăm nhà vầy tui mới kể. Tui nghĩ bán vé số cũng là một nghề, cũng cần sự văn minh lịch thiệp. Khi khách đang nói chuyện điện thoại, đang ăn thì nhất định không mời mua vé số. Bán được tờ nào, cũng luôn cám ơn khách. 

Khách không mua cũng cám ơn luôn. Lời cám ơn thường đem lại vui vẻ thôi mà, mắc gì mình không mở miệng nói một tiếng cám ơn cho vui. Tui cũng không chèo kéo ai bao giờ, với tui đó là điều tối kỵ. Vì tui nghĩ người ta đã không mua rồi mà còn năn nỉ thì đã làm phiền người ta rồi, lần sau gặp lại họ ác cảm thì càng không được ủng hộ.

Thưa, 70 tuổi rồi, có bao giờ bà nghĩ tới việc “nghỉ hưu”? Hình như căn nhà này cũng được người ta xây tặng?

- Đúng rồi, căn nhà này được chính quyền với bên công ty xổ số kiến thiết trao tặng hai năm nay. Trước đó, tui với con rồi đến cháu sống trong căn nhà lá bữa nóng bức bữa dột mưa. Không có căn nhà này thì chắc mình chết già trong căn nhà lá đó luôn.

Được cái ở đây bà con xóm giềng cũng thương, địa phương cũng quan tâm. Bữa mùa dịch (COVID-19) còn được tặng 900.000 đồng. Đó giờ lần đầu mới nhận được số tiền cho lớn như vậy, nếu không tính cái nhà. Còn tết thì đại lý hay cho ít gạo, dầu ăn vậy thôi.

Còn chuyện nghỉ hưu thì không dám nghĩ đến, cái số mình lận đận mà, chỉ mong còn kiếm được tiền chứ mong gì đến chuyện được nghỉ ngơi. Giờ yếu quá rồi, nhiều khi còn sợ không biết mình lỡ nằm xuống thì ai lo cho thằng cháu nội này. Mà thôi, nghĩ lại thêm lo, mình cứ ráng được chừng nào hay chừng đó cậu à. 

Cũng may là có cái nghề bán vé số này trên đời, chứ cậu thử nghĩ nếu không đi bán vé số, cái thân già này làm được gì để kiếm tiền?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận