21/01/2019 17:36 GMT+7

Cục Trẻ em phản hồi việc VN 'áp chót' bảng xếp hạng chống xâm hại trẻ em

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - "'Việt Nam nằm áp chót bảng xếp hạng, đứng thứ 37/40 nước được khảo sát, về chống xâm hại tình dục trẻ em của một tổ chức không nằm tại Việt Nam đăng trên mạng là chưa rõ ràng, minh bạch, nhiều tiêu chí rất nhập nhèm, sai sự thật'.

Cục Trẻ em phản hồi việc VN áp chót bảng xếp hạng chống xâm hại trẻ em - Ảnh 1.

Ông Đặng Hoa Nam (phải) - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - trao đổi với báo chí chiều 21-1 - Ảnh: Đ.BÌNH

Ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí chiều 21-1 về thông tin một tổ chức quốc tế mới đây đã đăng lên mạng xã hội bản báo cáo kết quả khảo sát, xếp Việt Nam thứ 37/40 nước được khảo sát về chống xâm hại tình dục trẻ em.

"Tôi không hiểu họ lấy thông tin và căn cứ vào tiêu chí gì để xếp Việt Nam như vậy. Cho đến thời điểm này, Cục Trẻ em chưa từng nhận thông tin hay báo cáo phản ánh gì từ các tổ chức nghiên cứu nào về trẻ em.

Tổ chức đứng ra làm khảo sát này không có trụ sở hay đại diện tại Việt Nam. Chúng tôi cũng đã hỏi các tổ chức quốc tế tại Việt Nam thì các tổ chức này cũng cho biết họ chưa từng tiếp xúc hay cung cấp thông tin gì cho tổ chức khảo sát kia. 

Tôi đã vào thử trang web này, và biết đây chỉ là trang nội bộ và họ công bố khảo sát tại đấy chứ không gửi báo cáo cho chúng tôi.

Do thông tin của họ đưa ra không đề cập đến thời điểm họ cập nhật, tiêu chí để xác định nên hiện chúng tôi cũng đang tiếp tục thu thập thông tin và cân nhắc xem có gửi văn bản phản hồi cho họ hay không", cục trưởng Cục Trẻ em cho biết.

Chỉ đứng trên 3 nước 

Theo ông Nam, ngày 16-1, báo cáo mang tên "Out of the shadows: Shining light on the response to child sexual abuse" (tạm dịch: Ra khỏi vùng tối: Tìm hiểu về phản ứng đối với xâm hại tình dục trẻ em) do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện và được công bố trên trang web của tổ chức này. 

EIU là tổ chức nghiên cứu thuộc Economist Group, công ty truyền thông sở hữu tạp chí The Economist ở Anh.

Bản báo cáo đưa kết quả khảo sát về chống xâm hại tình dục trẻ em, và Việt Nam bị xếp gần áp chót, chỉ đứng trên Mozambique, Ai Cập và Pakistan.

Trong báo cáo này, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên thang điểm 100. Việt Nam đứng sau tất cả các nước cùng khu vực được khảo sát như Philippines (vị trí 16), Campuchia (23), Indonesia (32), Trung Quốc (36)...

40 nước trong nghiên cứu được xếp hạng dựa trên 4 tiêu chí: môi trường mà việc xâm hại xảy ra cũng như được biết đến; mức độ bảo vệ và khung pháp lý của một nước; cam kết và khả năng của chính phủ trong việc trang bị cho các thể chế, nhân sự chống lại nạn xâm hại; sự tham gia của các ngành nghề, xã hội dân sự và truyền thông.

EIU cho điểm Việt Nam rất thấp ở các yếu tố như thu thập thông tin về nạn xâm hại trẻ em, không có cơ quan riêng để thi hành luật lệ về chống xâm hại, chương trình hỗ trợ dành cho đối tượng xâm hại, sự tham gia của giới truyền thông, nhân viên hỗ trợ...

Theo ông Nam, Cục Trẻ em sẵn sàng nghe và đối thoại với các tổ chức quốc tế muốn tìm hiểu hay nghiên cứu về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tuy nhiên, ở nghiên cứu này, Cục Trẻ em không hề nhận được thông báo, không hay biết gì về việc nghiên cứu, khảo sát nên cũng không biết EIU thu thập thông tin ở thời giai đoạn nào, tiêu chí xếp loại ra sao.

"Tôi chưa nói xếp hạng của họ đúng hay sai, mà chỉ riêng về cách thu thập số liệu như vậy thì rất quan ngại cho cách làm của họ", ông Nam nói.

Có đủ chính sách bảo vệ trẻ em

Cục trưởng Cục Trẻ em dẫn chứng những điểm báo cáo của EIU "chưa rõ ràng, minh bạch" và "nhập nhèm": "Ta có Ủy ban quốc gia về trẻ em, với rất nhiều thành viên là đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương. 

Từ khi có Luật trẻ em 2016, chúng ta đã 'luật hóa' được các chuẩn mực quốc tế về trẻ em, trẻ em đã được tham gia vào cả việc bàn luận, đưa ra những chính sách liên quan đến trẻ em. Ta cũng đã nâng cấp tổng đài quốc gia 111 về trẻ em để tiếp nhận, xử lý tất cả các thông tin về trẻ em…".

Theo ông Nam, hiện cả nước có 116 cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thuộc hệ thống công lập, và hàng trăm cơ sở trợ giúp trẻ em khác do các tổ chức cộng đồng phụ trách. Ngoài ra có 34 trung tâm công tác xã hội ở 34 tỉnh, thành phố có thể hỗ trợ cho địa phương, các cơ sở hỗ trợ trẻ em trong việc bảo vệ trẻ em.

Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ thị và thông báo kết luận của Thủ tướng về việc nâng cao công tác bảo vệ trẻ em. Thậm chí đã có những hội nghị trực tuyến Thủ tướng trực tiếp chủ trì, đưa ra nhiều giải pháp, cam kết rất mạnh mẽ trong việc bảo vệ trẻ em.

Tổng đài điện thoại quốc gia 111 về trẻ em trực 24/24 để mọi người dân có thể thông báo, phản hồi các thông tin liên quan đến trẻ em. Năm 2016 có hơn 300.000 cuộc gọi, năm 2017 là 370.000 cuộc gọi và năm 2018 ghi nhận khoảng 1 triệu cuộc.

17 cơ quan bảo vệ trẻ, lúc cần vẫn không biết nhờ ai! 17 cơ quan bảo vệ trẻ, lúc cần vẫn không biết nhờ ai!

TTO - Khi biết con mình bị đánh đập, chửi mắng kinh khủng, các phụ huynh cũng chỉ biết bức xúc bày tỏ sự thất vọng vì "đã đặt niềm tin nhầm chỗ".

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên