Công việc dang dở của ông Bambang

DANH ĐỨC 06/04/2014 03:04 GMT+7

TTCT - Thứ tư tuần tới 9-4, cử tri Indonesia sẽ bỏ phiếu bầu quốc hội (1) và các hội đồng địa phương. Một thủ tục cần thiết để bầu tổng thống do lẽ chỉ những đảng hoặc liên minh nào giành được 20% số ghế Đại biểu nhân dân (DPR) hoặc 25% số phiếu bầu DPR mới có thể đề cử một ứng viên tổng thống.

Ứng viên tổng thống và là thị trưởng Jakarta Joko Widodo trò chuyện với những người ủng hộ ông trong chiến dịch vận động của Đảng Dân chủ đấu tranh dân chủ Indonesia (PDI-P) tại Celigon ngày 28-3 - Ảnh: Reuters

Ai nối tiếp Tổng thống Susilo Bambang Yudhoyono cũng sẽ nhận một gánh nặng không nhỏ. Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Bambang, cho dù khá thành công, song cũng mới chỉ tái thiết được đất nước bị “tàn phá” về mọi mặt trong suốt 31 năm dưới trào Suharto.

Tái thiết đủ mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, xã hội, ngoại giao..., mà ở lĩnh vực nào cơ bản cũng cần cải tạo lại “cái đầu óc”.

Dựng nền chính trị

Kinh tế Indonesia 2013

- GDP (tính theo sức mua): 1,2 ngàn tỉ USD, 4.977 USD/đầu người

- Tăng trưởng: 6,2% (bình quân trong năm năm qua là 5,9%)

- Tỉ lệ thất nghiệp: 6,2%

- Lạm phát: 4,3%

- Vốn đầu tư nước ngoài trong năm: 19,9 tỉ USD

- Dân số: 244,5 triệu người

Bắt đầu là cuộc chiến thủ tục ứng cử vừa mới kết thúc vào tháng 1 năm nay bằng một phán quyết của tòa án hiến pháp bảo lưu quy định buộc phải hội đủ số ghế, số phiếu tối thiểu (20% hoặc 25%) nêu trên của luật bầu cử năm 2008. Các đảng “ít phiếu, ít ghế” chống đối kịch liệt điều khoản đó nên cuối cùng đưa ra kiện trước tòa án hiến pháp.

Dẫu sao, việc siết chặt luật bầu cử này cũng đem lại một cấu trúc chính trị nhẹ nhàng hơn cho chính trường Indonesia: từ một “rừng” gồm đến 48 đảng phái ra tranh cử năm 1999, nay chỉ còn 12 đảng (cộng thêm ba đảng nữa riêng trong tỉnh Aceh, tổng cộng sẽ là 15), một con số tương tự chính trường Pháp ở mỗi cuộc bầu cử tổng thống, đủ để tạo nên sự dị biệt trong một xã hội.

Mười lăm năm để từ “trăm hoa đua nở” nay còn đúng một tá, âu cũng là một bước trưởng thành từ tâm lý “ai cũng muốn tự thể hiện” để rồi chính trường như một “cái chợ”, nay trở thành một “sân khấu” đủ rộng để thể hiện sự dị biệt chính kiến một cách chi tiết, cho dù luật chơi vẫn cứ là thiểu số phục tùng đa số, song thiểu số cho dù là dưới 1% cũng phải có cơ hội cất tiếng nói của mình.

Cải cách bầu cử không chỉ là một yêu cầu về mặt hình thức mà là nền tảng. Chẳng ai nghi ngờ giá trị của các cuộc bầu cử “suông” cho bằng chính Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Trong bài diễn văn đọc tại Viện đại học Cairo (Ai Cập) hôm 4-6-2009, khi “Mùa xuân Ả Rập” chưa bất ngờ bùng phát khiến Chính phủ Mỹ không kịp trở tay, không cứu được đồng minh cố cựu Hosni Mubarak, ông Obama phán:

“Chỉ bầu cử mà thôi đâu có làm nên nền dân chủ thật sự..., có những kẻ mở miệng gào thét dân chủ chỉ khi không có quyền hành trong tay, song một khi có quyền thì lại thẳng tay đàn áp các quyền của người khác”. Bốn năm sau, khi ông Morsi, tổng thống được dân chúng Ai Cập bầu lên, song lại hiện hình là “Huynh đệ Hồi giáo còn nguy hiểm hơn cả Bin Laden”, ông Obama đã gọi điện thoại cho ông này hôm 1-7-2013 nhấn mạnh rằng “dân chủ không chỉ là bầu cử, mà phải còn hơn thế nữa”.

Chỉ vài giờ sau, đêm hôm đó, phong trào Tamarod - phong trào quần chúng Ai Cập đang phản kháng tổng thống Hồi giáo Morsi - loan báo “Mohamed Morsi Eissa al-Ayyat không còn là tổng thống hợp pháp của nước Cộng hòa Hồi giáo Ai Cập nữa”.

Các cải cách bầu cử ở Indonesia dưới trào Tổng thống Bambang không chỉ trên bề mặt như đã và đang thấy ở Ai Cập, mà là trong bề sâu đang sửa đổi từng bước “tâm tính” người dân và người làm chính trị ở Indonesia: chấp nhận sự khác biệt song trong một khuôn khổ trật tự tối thiểu, chứ không phải trong một “cánh rừng dân chủ”.

Tiến bộ thật song vẫn còn đó những bí ẩn, tỉ như lịch trình bầu cử kéo dài đến ba tháng. Ngày 9-4 bầu quốc hội, ngày 9-5 mới công bố kết quả, sau đó từ ngày 11 đến 17-5 mới tổng kết số ghế của mỗi đảng. Căn cứ trên số ghế/phiếu giành được đó, các đảng sẽ đề cử ứng viên tổng thống và bầu cử tổng thống ngày 9-7.

Một tháng để kiểm phiếu bầu quốc hội, hơn một tháng để vận động tranh cử tổng thống, hai khung thời gian suýt soát bằng nhau này quả là hơi khó hiểu cho dù có phải đếm tới 190 triệu lá phiếu (kể cả trong trường hợp cử tri đi bầu 100%)! Nhất là khi năm nay sẽ bỏ phiếu điện tử bằng thẻ căn cước (điện tử).

Vai trò người phụ nữ

Một yêu cầu nghiêm khắc khác rất “đặc sắc Indonesia” trong chế độ bầu cử nước này là mỗi đảng phải hội đủ 30% số thành viên tham gia tranh cử là phụ nữ. Ngày 29-8-2012 Tòa án hiến pháp Indonesia đã lật ngược được xu hướng luật định trước đó là cho phép mọi đảng phái tham gia tranh cử mà không cần biết đến sự tham gia của phụ nữ.

Trong một xã hội nặng tập tục Hồi giáo như Indonesia, mà mới cách đây 30 năm còn phải đếm đến bốn phu nhân tổng thống xung quanh tổng thống Suharto, thì sự tham chính của phụ nữ theo tỉ lệ 30% bắt buộc đó chính là một tiến bộ tuyệt vời vượt qua cả cái mạng che mặt phụ nữ, làm cho chính trường “quân bằng giới” hơn, “mềm” hơn, không dễ sa đà cực đoan, quá khích như ở một số nước Hồi giáo khác.

Vai trò của bà Megawati Sukarnoputri, nguyên tổng thống thứ năm của Indonesia, cầm quyền từ 23-7-2001 đến 20-10-2004, quả là lớn vô cùng: là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một đất nước Hồi giáo như Indonesia, một vị trí mà phụ nữ cả ở các nước đi trước cả 200 năm như Mỹ mới chỉ đang ngấp nghé (Đảng Dân chủ Mỹ đã không chọn bà Hillary Clinton làm ứng cử viên mà chọn ông Obama).

Vai trò của bà Megawati vẫn còn đó khi bà đang là lãnh tụ Đảng Dân chủ đấu tranh dân chủ Indonesia (PDI-P), đảng đối lập lớn nhất. Tiến bộ này đến từ cả ba vai chính: xã hội nói chung đã tích cực chấp nhận nữ quyền, đương kim Tổng thống Bambang đã có tầm nhìn chính trị xa rộng và thật sự “cân bằng giới”, và bản thân bà Megawati không chỉ “ăn may” trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2001 nhờ là con gái của cố tổng thống đầu tiên của Indonesia bị sát hại năm 1967.

Tiễn quân đội về lại doanh trại

Muốn hay không muốn, ba thập niên “độc diễn” của trào Suharto đã để lại một “di sản” là cố tật dựa vào quân đội mà nắm chặt quyền hành. Trong ngần ấy thời gian cầm quyền, ông Suharto chỉ san sẻ tượng trưng quyền hành cho hai đảng đối lập bình phong, lưu lại di sản là sự hiện diện quá mức cần thiết của giới quân nhân trong chính trường, để rồi sau đó các trào tổng thống Habibie, Megawati, rồi Bambang trong một chục năm qua vẫn chưa gột rửa hoàn toàn được hết.

Thế cho nên, tuy cuộc bầu cử năm nay đã là lần thứ tư kể từ sau khi trào Suharto chấm dứt vào năm 1998, liệu chính trường nước này có thoát ra khỏi cái bóng của quân đội? Muốn hay không muốn, Tổng thống Bambang cũng từng là đại tướng bốn sao trước khi xuất ngũ tham chính, như Tổng thống Thein Sein ở Myanmar.

Trong góc nhìn đó, vai trò người “thừa kế chính trị” của cựu nữ tổng thống Megawati là ông Joko Widodo, đương kim thị trưởng Jakarta, một chính khách dân sự đang dẫn đầu các thăm dò dư luận, sẽ là “ngã rẽ cần thiết”.

(1): Quốc hội Indonesia gồm hai viện: Hội đồng đại biểu nhân dân (560 ghế) và Hội đồng đại biểu các khu vực (132 ghế).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận