Công tác cán bộ: Mơ về một bộ máy giỏi hơn

DU LONG 06/06/2018 20:06 GMT+7

“Luân chuyển cán bộ”, rồi thì “bí thư không phải người địa phương”… Liệu đây chỉ là những giải pháp “chữa cháy”, hay có thể giải quyết rốt ráo một vấn đề “đặc thù” rất Việt Nam?

MH
 

 

Bài viết “Bí thư không phải người địa phương: Tránh tình trạng bị cô lập” đăng trên tạp chí Tổ Chức Nhà Nước hôm 17-5-2018 gây ngẫm nghĩ không nguôi. Bài báo giải thích: “Chủ trương này được coi là bước đột phá trong công tác cán bộ, giúp công tác này khách quan hơn, giảm thiên vị, chạy chức chạy quyền”, đồng thời cảnh báo: “Cần có cơ chế đối với bí thư không phải người địa phương để tránh tình trạng bị cán bộ địa phương kéo bè cánh bao vây cô lập, các nhóm lợi ích thi nhau tranh thủ”. Bài báo cũng dẫn lời đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, theo đó, “chủ trương này chỉ góp phần chứ không giải quyết được triệt để nạn chạy chức chạy quyền”.

Có thể thấy qua sự cẩn trọng lưu ý của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng biện pháp “không bổ nhiệm người địa phương” không hẳn là giải pháp cho ba vấn nạn trầm kha của bộ máy hiện nay: (1) công tác cán bộ không/chưa khách quan, thiên vị; (2) chạy chức chạy quyền; và (3) các nhóm lợi ích kéo bè kết cánh hoặc để cô lập “người mới”, hoặc để “thi nhau tranh thủ”.

Từ đó có lẽ cũng nên thử tìm hiểu tại sao lại phải không bổ nhiệm người địa phương? Trên thế giới có cấm kỵ như thế không? Liệu có cách nào để thôi không bổ nhiệm người địa phương?

Nhận diện hiện trạng

Tham nhũng ở Việt Nam - qua các vụ trọng án hiện tại và quá khứ, các nỗ lực đấu tranh chống tham nhũng suốt thời gian qua - có thể được nhận diện là thuộc quy mô “chủ nghĩa tư bản thân hữu” (cronyism), hay “nhóm lợi ích”, hoặc quy mô “chủ nghĩa gia/thân tộc” (nepotism). Các tin tức trên báo chí chính thống đều có nhắc: “Cả nhà làm quan: Phó bí thư xã thi mãi không đỗ phổ thông”: Hầu hết các chức danh lãnh đạo tại xã Hồng Tiến (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đều là anh em, con cháu có quan hệ thân thuộc với bí thư xã Lê Viết Hương (Soha ngày 14-8-2017); hay “8 anh chị em cùng làm lãnh đạo tại một xã”: Bà Lương Thị Hồng, chủ tịch UBND xã Thông Thụ, huyện Quế Phong (Nghệ An), có em trai làm chủ tịch hội nông dân, em gái làm chủ tịch hội phụ nữ, em rể làm phó chủ tịch UBND và nhiều anh em họ hàng giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt tại xã (Soha 14-10-2017).

Vấn nạn “cả nhà làm quan” ở Việt Nam đã “khét tiếng” đến mức trở thành những tham chiếu kinh điển của các học giả. Mawuli P. Gavor và Bryan T. Stinchfield trong “Tiến đến một lý thuyết về tham nhũng, chủ nghĩa thân tộc và việc thành lập liên doanh mới ở các nước đang phát triển” tháng 1-2013 nêu “điển lệ” Việt Nam: “Đối với một người ngoại quốc đến từ những xã hội cá nhân chủ nghĩa hơn, có vẻ là hợp lý hơn khi một doanh nhân tuyển dụng những người tài năng nhất, bất kể có là thành viên gia đình, dòng họ hay gần gũi về văn hóa với doanh nhân đó hay không. Tuy nhiên, việc tuyển chọn và thuê mướn nhân viên cho các liên doanh mới trong các xã hội có đặc trưng là (a) phụ thuộc lớn vào các quan hệ gia đình hay văn hóa; và (b) lòng tin thấp vào các thể chế chính trị, chẳng hạn như ở châu Phi cận Sahara, Việt Nam và Venezuela, thì doanh nhân đó chắc sẽ chọn nhân viên trong gia đình hoặc văn hóa của họ hơn là chọn người bên ngoài có tài năng hơn”.

Martin Gainsborough, trong biên khảo Vietnam: Rethinking the State (tạm dịch: Việt Nam: Tư duy lại nhà nước), đã gọi đích danh hiện trạng này: “Chủ nghĩa gia đình trị” (nepotism) chứ không phải “hệ thống dựa trên năng lực” (meritocracy), lẽ ra phải là chuẩn mực của việc bổ nhiệm công vụ, mà chủ nghĩa gia đình trị thì chịu sự chi phối của những quy luật bán chính thức, mơ hồ, chứ không phải luật pháp.

Trên đây chỉ là vài ví dụ nghiên cứu quốc tế về “bệnh tình” của Việt Nam. Từ sự “chẩn bệnh” nêu trên, có thể tạm hiểu lý do “không bổ nhiệm lãnh đạo người địa phương” như là một “thuốc chữa” cho bệnh “chủ nghĩa gia đình trị” (với cả những dẫn chiếu lịch sử của chế độ phong kiến ngay tại Việt Nam). Song “bài thuốc” này chưa hẳn đã là chuẩn, như nhận xét của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng trong bài viết nêu trên:

PV: Ông có cho rằng thực hiện chủ trương bí thư cấp tỉnh, cấp huyện không phải người địa phương có thể hạn chế được nạn chạy chức chạy quyền?

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi, chủ trương này chỉ góp phần chứ không giải quyết được triệt để nạn chạy chức chạy quyền. Thực tế, theo tôi, chúng ta mới chỉ xem xét trên cơ sở của việc đánh giá cán bộ và phân công cán bộ làm bí thư của một số địa phương theo phương pháp luân chuyển, đồng thời để giải quyết một số vướng mắc trong khâu lãnh đạo, chỉ đạo điều hành về công tác Đảng ở một số địa phương xảy ra tình trạng mất đoàn kết, hoặc có vấn đề khúc mắc trong công tác lãnh đạo và trong công tác cán bộ ở địa phương đó. Việc đưa một số cán bộ về làm bí thư một số tỉnh thời gian qua còn nhằm mục đích giúp số cán bộ trong diện luân chuyển có điều kiện phát triển, đồng thời tiếp cận với hoạt động của địa phương nhằm đảm bảo đủ tiêu chuẩn để phát triển trung ương… Ở khía cạnh nào đó, có thể nói chúng ta cũng chưa có sự tổng kết là việc điều động hay bố trí một cán bộ không thuộc địa phương đó về làm bí thư cấp ủy có đảm bảo giải quyết được bài toán hạn chế, hay ngăn chặn được nạn chạy chức chạy quyền, hạn chế tình trạng đưa công tác cán bộ trở thành vấn đề thiếu khách quan hay không”.

Còn có thể làm gì khác?

Có lẽ cũng cần nhìn ra ngoài xem ở các nước như thế nào. Trong rừng tin về cuộc bầu cử lịch sử ở Malaysia đầu tháng 5 này, có một chi tiết ít được để ý là ông Mahathir, 93 tuổi và đắc cử thủ tướng, đã ra tranh ghế đại biểu quốc hội ở Langkawi, thuộc bang “nhà” của ông là bang Kedah. Langkawi được xem như quê hương thứ hai của ông Mahathir do lẽ ông gắn bó với nơi này từ giữa thập niên 1950, khi ông vừa tốt nghiệp y khoa về đây nhận công tác. Chẳng ai sợ ông Mahathir sẽ thi ân gì cho cái quần đảo này, hay có con cháu gì muốn “làm vương, làm tướng” để cấm ông ra tranh cử ở đó.

Lý do ở Malaysia hay ở các nước khác không/ít có nạn “cả nhà làm quan” là do ở đó không có chuyện “bổ nhiệm thần tốc”, tất cả đều phải qua thi tuyển công khai, bên cạnh dây chuyền tốt nghiệp Trường Hành chính quốc gia. Mặt khác, việc thi tuyển vào các trường hậu bổ (ra trường được bổ nhiệm ngay) như Hành chính quốc gia hay Sư phạm luôn là việc hệ trọng bậc nhất của nhà nước, chọn lấy những thanh niên ưu tú nhất từng lận lưng một (vài) tấm bằng đại học, chớ không lấy vào ở cấp mới tốt nghiệp phổ thông. Các trường ENA (Hành chính quốc gia) hay Ecole Normale (Sư phạm) của Pháp là những “mẫu mực” của việc tuyển chọn tinh hoa đi làm… nhà nước.

Nếu tuyển dụng được người tinh hoa, có thể hi vọng sẽ không còn vấn nạn mô tả trong nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ: “Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chậm đổi mới, chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn, chưa gắn với quy hoạch và theo chức danh. Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức còn nhiều hạn chế, chất lượng chưa cao, chưa đồng đều…”.

Có lẽ một khi đi theo con đường “tinh hoa chủ nghĩa” (elitism) sẽ ra khỏi hiện trạng mà nghị quyết đã nhận xét là: “Năng lực của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém; nhiều cán bộ, trong đó có cả cán bộ cấp cao, thiếu tính chuyên nghiệp, làm việc không đúng chuyên môn, sở trường; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế…”.

Tuyển tinh hoa vào trong bộ máy, thay vì lấy “tay ngang” hoặc “thợ khẩu hiệu, thợ phong trào”, mới chỉ là bước khởi đầu. Xây dựng và phát triển các tinh hoa là cả một quá trình nữa, hướng tới lớp “cán bộ chiến lược kế thừa”. Một khi đã tuyển chọn tinh hoa vào rồi, không thể tiếp tục đánh giá theo phương thức cũ mà nghị quyết mô tả: “Công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, bất cập, việc thực hiện một số nội dung còn hình thức. Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu, chưa phản ánh đúng thực chất, chưa gắn với kết quả, sản phẩm cụ thể, không ít trường hợp còn cảm tính, nể nang, dễ dãi hoặc định kiến”.

Đầu vào như thế nào, đầu ra sẽ như thế đó - tất nhiên với điều kiện chương trình và ban giảng huấn các trường cũng là tinh hoa. Người tinh hoa sẽ có cách cư xử cũng “tinh hoa” đầy tự kiêu và tự trọng, bớt “phàm phu tục tử”, bớt thiên vị người nhà, bớt lợi ích nhóm, hi vọng là thế.■

Áp lực thay đổi từ bên ngoài

Nhận xét của Tim Lindsey và Howard Dick trong “Tham nhũng tại châu Á - Tư duy lại hệ thức quản trị” (Corruption in Asia - Rethinking the governance paradigm) có thể là lời giải thích chung cho các cải cách hành chính đương thời ở một số nước Đông Á: “Các cơ quan viện trợ song phương và đa phương hiện chỉ đạo nhiều hoạt động Đông Á của họ được gọi là cải cách “quản trị nhà nước”. Hầu hết các dự án phát triển lớn trong khu vực giờ phải được chứng minh thúc đẩy hiệu quả quản trị nhà nước và thường bao gồm yếu tố cải cách thể chế, sáng kiến chống tham nhũng hoặc tăng cường xã hội dân sự - và thường là sự kết hợp của tất cả những điều này. Các cơ quan viện trợ song phương và đa phương lớn như IMF, WB, ADB hiện đang cố gắng không chỉ cải thiện các hệ thống quản trị (nhà nước) và chống tham nhũng, mà còn “âm thầm” tái cấu trúc toàn bộ các hệ thống chính trị và cấu trúc hành chính quốc gia… Nếu thành công, họ có thể biến đổi khuôn mặt của Đông Á”. Trong thực tế Việt Nam, IMF từng khuyến cáo cải cách hệ thống ngân hàng, UNDP khuyến cáo cải cách an sinh xã hội, WB khuyến cáo cải cách “tăng cường năng lực”, nên nay khuyến cáo chống tham nhũng thực chất hơn cũng là dễ hiểu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận