Công nghiệp âm nhạc châu Á "tái sinh"

KIM NGUYÊN 18/01/2008 19:01 GMT+7

TTCT - Trong khi công nghiệp Mỹ tiếp tục ủ rũ thì công nghiệp âm nhạc châu Á bắt đầu “tái sinh” (chuyên san Billboard). Nhạc châu Á trở nên “hot” đến mức không chỉ có khả năng đề kháng sự thâm nhập âm nhạc phương Tây mà còn trở thành mặt hàng văn hóa xuất khẩu.

Phóng to
Bi-Rain trong chuyến lưu diễn tại Việt Nam
TTCT - Trong khi công nghiệp Mỹ tiếp tục ủ rũ thì công nghiệp âm nhạc châu Á bắt đầu “tái sinh” (chuyên san Billboard). Nhạc châu Á trở nên “hot” đến mức không chỉ có khả năng đề kháng sự thâm nhập âm nhạc phương Tây mà còn trở thành mặt hàng văn hóa xuất khẩu.

Lực đẩy kinh tế chắc chắn là yếu tố không thể bỏ qua khi xét đến sự bùng nổ showbiz châu Á. Giới trẻ châu Á giờ đã có nhiều tiền hơn, hiện đại hơn với cuộc sống đa truyền thông, và sành điệu hơn với “gu” thưởng thức đa âm sắc. Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ, Việt Nam... đều chứng kiến một “thế hệ iPod”, được kích thích từ sự trưởng thành của công nghiệp âm nhạc địa phương cùng xu hướng giao lưu học hỏi trong khu vực (cuộc thi Asian Idol tổ chức tại Indonesia trung tuần tháng

12-2007 với tham dự của thí sinh Việt Nam Phương Vy là một ví dụ). Làn sóng từ châu Á không chỉ là sự cảm nhận phiến diện mang tính “thiên vị” của việc “tự khen nhau” mà là một thực tế khách quan. Chủ tịch khu vực châu Á - Thái Bình Dương Max Hole của Hãng Universal Music International (nơi sản xuất các CD đóng nhãn Decca, Geffen, Island, Def Jam và Mercury) đã trực tiếp phát động chiến dịch tìm kiếm đầu tư tài năng âm nhạc mới chớm tại châu Á.

Ngày 16-7-2007, Universal tuyên bố đầu tư - quảng bá cho các ca sĩ pop Đài Loan theo hợp đồng với hãng đĩa địa phương Linfair Records để phân phối sản phẩm CD vào thị trường Hong Kong, Malaysia lẫn Thái Lan. Linfair là một trong những hãng thành công của thị trường Canto-pop (nhạc trẻ tiếng Hoa), từng giúp mang lại tên tuổi cho những gương mặt “hot” như Trương Thiệu Hàm (Angela Chang), người có thể hát tiếng Hoa lẫn tiếng Anh, được đề cử danh hiệu nữ ca sĩ xuất sắc nhất Taiwan Golden Melody Awards 2007.

Mục tiêu của Universal còn là đưa những gương mặt tương tự họ Trương vào thị trường Hoa lục. Ca sĩ nữ được Universal kỳ vọng là Tát Đính Đính (Sa Dingding). Cô gái gốc Tây Tạng này (sinh trong gia đình gốc Hán và Mông Cổ) là viên ngọc quí của làng nhạc hiện đại Trung Quốc. Hát bằng tiếng Quan Thoại, Tây Tạng và cả tiếng Phạn, Tát Đính Đính - từng chiến thắng tại cuộc thi do Đài truyền hình trung ương Trung Quốc tổ chức năm 2000, được so sánh với “nữ thần nhạc dân gian” Enya của Ireland - đã mang văn hóa dân tộc vào không khí âm nhạc đương đại. Album Alive (2007) của cô thật sự là một tuyệt tác, đặc biệt với những người yêu nhạc thiền. Universal cũng liên kết với một số hãng địa phương tại Trung Quốc như Dong Music International (Bắc Kinh) hoặc Tian Yun (Thượng Hải) để thực hiện chiến dịch săn lùng tài năng.

Tại hội thảo tổ chức ở Hong Kong năm 2006, chủ tịch kiêm tổng giám đốc điều hành Warner Music Edgar Bronfman từng tiên liệu chính châu Á chứ không phải nơi nào khác sẽ trở thành cứu tinh cho giới sản xuất công nghiệp âm nhạc phương Tây. Và trong bài tham luận đọc tại hội thảo trên, Marcel Fenez - phụ trách nhóm nghiên cứu phương tiện truyền thông - giải trí của Hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers - cũng tin rằng các dạng thức công nghiệp âm nhạc, từ điện thoại di động đến Internet, sẽ đưa khu vực châu Á - Thái Bình Dương chiếm 23-25% doanh số âm nhạc toàn cầu. Cần nhắc lại, doanh số nhạc điện thoại di động tại châu Á năm 2005 đã đạt đến khoảng 2,1 tỉ USD, gấp năm lần tại Mỹ!

Phóng to
Nhóm nữ Baby Vox Re.V (Hàn Quốc) trong chương trình biểu diễn tại Festival âm nhạc quốc tế Pattaya (Thái Lan), tháng 3-2007

Không ví dụ nào minh họa tốt hơn cho sự hưng thịnh của công nghiệp âm nhạc châu Á bằng trường hợp Hàn Quốc, nơi thị trường nội địa hiện trị giá 300 triệu USD. K-pop đã thật sự bước ra khỏi biên giới Hàn Quốc với những gương mặt cực “hot” chẳng hạn Park Ji Yoon hoặc Bi-Rain. Năm 2002, BoA đã trở thành ca sĩ solo đầu tiên trong hơn hai thập niên có đĩa đơn đầu tiên và album đầu tiên đứng hạng nhất bảng xếp hạng tại Nhật. BoA giờ đã thuộc đẳng cấp ngôi sao quốc tế (xuất hiện tại festival âm nhạc Hàn Quốc tổ chức tại Nhà hát Sydney năm 2004; chương trình hòa nhạc Hallyu tại University City - California; hoặc chương trình chiêu đãi nguyên thủ quốc gia tại Hội nghị APEC 2005...).

Tháng 11-2006, BoA còn xuất hiện trong chương trình TalkAsia của truyền hình CNN. “Hàn Quốc giống như một trung tâm kế tiếp của văn hóa pop châu Á - Jessica Kam, phó chủ tịch MTV Networks Asia, dự báo - Họ sẽ là một nước Nhật kế tiếp”. J-pop đã thâm nhập vào đất Nhật từ sau Thế chiến thứ hai, sau gót giày của lính Mỹ. Với thị trường âm nhạc trị giá đến 2 tỉ USD/năm, showbiz Nhật hiện nổi bật với những gương mặt mà tên tuổi đã được ngưỡng mộ toàn cầu, trong đó có Ayumi Hamasaki, Utada Hikaru, Ami Suzuki...

Làn sóng mới Hàn Quốc có thể được xem là những người tiếp đuốc cho âm nhạc châu Á kể từ thời cực thịnh của Canto-pop với nhiều thế hệ ca sĩ thành danh như Vương Phi (Faye Wong, hay còn được biết đến với nghệ danh khác là Shirley Wong - Vương Tĩnh Văn), nữ ca sĩ có số album nhiều nhất trong lịch sử Canto-pop.

Sau cái chết của Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung) và Mai Diễm Phương (Anita Mui) năm 2003, Canto-pop vẫn đi lên, chuyển từ giai đoạn với những nghệ sĩ gốc Hoa thành danh tại hải ngoại chẳng hạn như Diệp Thiên Văn (Sally Yeh), Tạ Đình Phong (Nicholas Tse) hoặc Lý Mân (Coco Lee) sang những gương mặt nội địa trong đó có Hứa Chí An, Hà Vận Thi (Denise Ho), Trần Dịch Tấn (Eason Chan); và thế hệ 8X chẳng hạn Vệ Lan (Janice Vidal), Twins (gồm hai cựu người mẫu Thái Trác Nghiên - Charlene Choi Cheuk - Yin và Chung Hân Đồng - Gillian Chung Yan-Tung), Dung Tổ Nhi (Joey Yung), Trắc Điền (Justin Lo)...

Trong số những gương mặt mới nổi (được Universal cũng như nhiều hãng đĩa Mỹ dòm ngó) còn có Trương Kính Hiên (Hins Cheung), Vịnh Nhân (Vincy Chan), Trịnh Dung (Stephanie Cheng), Tạ An Kỳ (Kay Tse), Vệ Thi (Jill Vedal) hoặc Ưng Xương Hữu. Tại Đài Loan, một trong những gương mặt “nóng” được biết nhiều đối với giới trẻ yêu nhạc châu Á là Chu Kiệt Luân (Jay Chou). Từ khi khởi nghiệp ca hát năm 2000, Chu Kiệt Luân đã giành hơn 200 giải tại khu vực châu Á...

Cùng với những chuyến lưu diễn khu vực đình đám được tổ chức với tính chuyên nghiệp đẳng cấp thế giới và những album phát hành ngoài phạm vi quốc gia, các ca sĩ châu Á giờ đây không chỉ khẳng định vị trí của họ mà còn đem lại sinh khí tươi mới cho không khí âm nhạc nội địa, vốn từng bị đánh bạt bởi dòng âm nhạc phương Tây. Quan trọng hơn, hiện tượng xuất khẩu văn hóa âm nhạc, phần nào đó, đang mang lại cho châu Á cái mà giới học giả phương Tây gọi là “quyền lực mềm” - sức mạnh khống chế văn hóa ngoại đồng thời tạo nội lực cho bản sắc văn hóa dân tộc.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận