Công nghệ và những “cái chết”

TRÚC ANH 31/08/2017 13:08 GMT+7

Chỉ mới đi nửa chặng đường nhưng năm 2017 đã kịp chứng kiến nhiều công ty, sản phẩm và công nghệ từng mang tính cách mạng bị “khai tử”. Có sự ra đi khiến người dùng tiếc nuối, song cũng có những “án tử” khiến người ta hồ hởi.

Apple dừng bán iPod Nano và iPod Shuffle.
Apple dừng bán iPod Nano và iPod Shuffle.

 

Chia ly nào không hối tiếc?

Tháng 5, viện nghiên cứu Đức Fraunhofer Institute for Integrated Circuits tuyên bố sẽ không gia hạn bằng sáng chế với công nghệ MP3 mà cơ quan này đang giữ bản quyền, đồng nghĩa với việc “khai tử” định dạng nhạc số từng mang tính cách mạng cuối những năm 1990.

“Cha đẻ” MP3 cho rằng thế giới đã có những định dạng nhạc số tốt hơn (như AAC), nên MP3 đành phải lùi vào quá khứ.

Tháng 6, thương vụ trị giá 4,48 tỉ USD mà Yahoo, gã khổng lồ Internet một thời, bán cho nhà mạng Verizon (Mỹ) hoàn tất. Yahoo sau đó được đổi tên thành Altaba Inc và “nữ tướng” Marissa Mayer cũng nói lời từ biệt, trả lại chiếc ghế CEO để tìm bến đỗ mới.

“Bước ngoặt này là dấu chấm hết cho thời đại Yahoo” - Mayer nói trong lá thư chia tay con tàu đắm mà rốt cuộc bà đã không thể vực dậy.

Tháng 7, đến lượt Microsoft tuyên bố bản cập nhật Windows 10 mới nhất sẽ không còn Paint - phần mềm “em tập vẽ” có trên hệ điều hành này từ năm 1985, làm dấy lên làn sóng “khóc thương” khắp thế giới.

Gần như cùng lúc, Apple tuyên bố chính thức ngừng sản xuất, ngừng bán trên web dòng máy nghe nhạc iPod Nano và iPod Shuffle. Apple vốn đã ngừng nâng cấp hai sản phẩm này trong vài năm trở lại đây, và trước đó cũng đã ngừng lưu hành dòng iPod classic. Giới công nghệ gọi tuyên bố này là “dấu chấm hết cho kỷ nguyên máy nghe nhạc cá nhân của Apple”.

firstipod
Tạm biệt iPod.

Những người đã dùng máy tính hay Internet từ hơn một thập niên qua hẳn còn nhớ công nghệ một thời “làm mưa làm gió” Adobe Flash, nền tảng đa phương tiện từng mang đến thay đổi cách mạng cho Internet giúp các trang web thể hiện được nội dung đa phương tiện (âm thanh, video) và tương tác với người dùng, thay vì chỉ có hình ảnh và chữ nhàm chán.

Ngày 25-7, Adobe, công ty làm chủ công nghệ Flash sau khi mua lại cha đẻ của nó là Macromedia hồi năm 1996, tuyên bố sẽ chính thức cho công nghệ này “lên đường”, đồng thời ngưng cập nhật, nâng cấp hay vá lỗi bảo mật cho Flash Player, phần mềm phụ (plugin) dùng để chạy nội dung Flash vào năm 2020.

Khác với những tiếc nuối và tình cảm thương mến dành cho MS Paint, MP3 hay iPod, các trang web công nghệ hồ hởi đưa tin về “cái chết” của Flash, gọi đây là “phần mềm bị ghét nhất thế giới” cùng những dòng tít đại ý “cuối cùng ngày này cũng đã đến”, “lẽ ra Flash đã phải chết sớm hơn”.

Có thể nhiều người dùng từng tiếp cận - và thích thú - với những gì Flash mang lại cho Internet trong gần hai thập niên nhưng không biết nhiều về “số phận” gian nan của công nghệ này. Hơn hai thập niên đầy gian truân sóng gió của Flash, đi từ “người thay đổi cuộc chơi” đến “kẻ đáng nguyền rủa”, phản ánh tính khắc nghiệt của thế giới công nghệ và thói yêu ghét dường như vô lý của người dùng.

a
Flash đã "mồ yên mả đẹp" ?

Flash và “đêm trước đổi mới” của Internet

Vào cuối những năm 1990, thế giới Internet vẫn còn sơ khai và đầy những trang web xấu xí - toàn chữ và hình ảnh độ phân giải thấp. Thứ có vẻ đẹp đẽ nhất là ảnh động dạng GIF cử động giật cục, màu sắc thô sơ hay những dòng chữ chớp tắt như bảng hiệu đèn LED.

Và rồi Flash xuất hiện, thổi luồng gió mới đến thế giới tăm tối đó, bởi nó cho phép web có thể hiển thị nội dung phong phú hơn với video, hình ảnh động kiểu phim hoạt hình (animation) và cả game.

Lần đầu tiên, người dùng có thể tương tác được với nội dung trên web thông qua mọi hình thức đầu vào (input) - từ chuột và bàn phím đến microphone và webcam. Với những thay đổi này, “Flash đã góp phần tạo ra thế giới Internet mà chúng ta biết như hôm nay” - tờ The Independent (Anh) ghi nhận.

Trong khi đó, plugin Flash Player cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khiến Flash là công nghệ mang tính cách mạng, do lẽ “nó đảm bảo nội dung Flash sẽ hiển thị và hoạt động như nhau cho mọi người dùng, bất kể họ sử dụng trình duyệt hay máy tính gì”, theo trang Quartz. Nhờ Flash Player mà YouTube mới có thể ra đời vào năm 2005, bởi nó hỗ trợ việc nén video và chia sẻ trên web.

Khi Adobe mua lại Macromedia năm 2005, Flash Player được cài đặt trên 98% máy tính được sử dụng trên toàn cầu. Cho đến thời “cận đại”, tức trong vòng 10 năm trở lại, Flash vẫn còn giữ vai trò khá lớn: rất nhiều trò chơi trên Facebook chạy trên nền Flash, trong đó có những game gây nghiện toàn cầu như FarmVille và Words with Friends.

Flash mất dần vị thế vì bộc lộ nhiều điểm yếu, cùng lúc nhiều công nghệ khác nổi lên, khắc phục hoàn toàn những khuyết điểm đó.

Có mới nới cũ, công nghệ là vậy!

Theo thống kê mới nhất, chỉ còn 17% máy tính trên thế giới còn cài Flash, và con số này vẫn đang tiếp tục giảm. Flash được cho là “cơn ác mộng của giới bảo mật”, với số lỗ hổng mà tin tặc có thể khai thác được so với “số lỗ trên pho-mát Thụy Sĩ”.

Một nghiên cứu năm 2015 cho thấy có đến 100 lỗ hổng bảo mật có thể khai thác được trên Flash và kể từ đó, công nghệ này được “mang tiếng” là “sản phẩm bị tin tặc lợi dụng nhiều nhất”.

Trang WIRED chỉ ra: chỉ riêng năm 2016, các vụ tấn công mạng đình đám đã diễn ra liên tục trong các tháng 4, 5, 6 và 10. Để chạy nội dung Flash cũng tốn tài nguyên thiết bị, khiến máy tính để bàn dễ treo, còn thiết bị di động thì mau hết pin - một điểm yếu chết người trong thời di động.

Các tên tuổi trong làng công nghệ cũng lần lượt quay lưng với Flash. Hệ điều hành Android tuyên bố ngưng hỗ trợ Flash từ năm 2012, còn YouTube, dù được “sinh ra” từ Flash, cũng chuyển sang công nghệ HTML5 để hiển thị video từ năm 2015.

Cũng trong năm 2015, Google Chrome buộc người dùng phải chọn “đồng ý hiển thị” để xem các nội dung Flash thay vì hiển thị tự động.

Hai trình duyệt phổ biến khác là Firefox và Microsoft Edge cũng nối gót Google Chrome.

Việc tất cả các trình duyệt không muốn hiển thị Flash nữa cũng là một lý do chính khiến Flash phải sớm “lên đường”. Thật ra, chính Apple mới là nguyên nhân chính khiến Flash trượt dài khỏi ngôi vương và đi thẳng xuống hố sâu.

Một trong những người ghét Flash sâu sắc nhất và nổi tiếng nhất chính là Steve Jobs, cố giám đốc điều hành “quả táo cắn dở”. Năm 2010, Jobs công bố bài viết nói rõ vì sao ông không thích Flash, với các lý do đã kể trên. Thiên tài công nghệ ghét Flash đến mức ông tuyên bố các sản phẩm dùng hệ điều hành iOS của Apple sẽ không hỗ trợ công nghệ này.

Kể từ đó, iPhone và iPad không chạy được Flash và điều này ban đầu cũng khiến người dùng khá khó chịu bởi họ không thể chơi game hay xem video trên Internet với các thiết bị của Apple. Song, sức hút của iPhone và iPad quá lớn, và từ quyết định “nói không với Flash” của Steve Jobs, các hãng công nghệ lần lượt nối gót, đẩy Flash đến gần hơn với “cái chết”.

a
 

 

Có công bằng không?

Khi đưa tin về việc “khai tử Paint”, các trang mạng dành những lời ai điếu đầy nước mắt, gợi nhớ tuổi thơ khi ai dùng máy tính từ nhỏ cũng đã từng có những “tác phẩm nghệ thuật” với phần mềm này.

Làn sóng khóc thương mạnh đến mức chỉ một ngày sau đó, Microsoft buộc phải tuyên bố sẽ thôi không “xóa xổ” Paint nữa mà giữ lại (dưới dạng ứng dụng cho tải trên Windows Store) để yên lòng “người hâm mộ”.

Điều tương tự cũng xảy ra với iPod, khi nhiều người bắt đầu “nhớ hồi xưa” với chiếc máy nhỏ xíu đã định nghĩa lại cách thưởng thức âm nhạc của mỗi người.

Trong khi đó, một nhóm lập trình viên lại bị cho là ngớ ngẩn khi kêu gọi ký thỉnh nguyện thư yêu cầu Adobe chuyển Flash thành mã nguồn mở để cộng đồng cùng nghiên cứu hoàn thiện và giữ lại quá khứ.

“Tấm lòng” của người dùng đối với Paint thật vô bờ, dù phần mềm này không có ý nghĩa lớn với thế giới công nghệ như Flash.

“Flash đã truyền cảm hứng cho các kỹ sư, để từ đó có những công nghệ tiên tiến hơn, giúp chúng ta có thể làm được mọi thứ trên web như ngày nay” - Steve Wozniak, một nhà phát triển web, nói với trang Engadget. Vậy nhưng, Flash chỉ nhận được lời hả hê khi sắp cáo chung và dường như sẽ không ai thương khóc cho công nghệ này.

Chính vì thế mà cây bút công nghệ James Francis cảm thấy phiền lòng khi thấy người ta phớt lờ vai trò quan trọng của Flash trong chiều dài lịch sử Internet. “Tôi cảm giác như chúng ta đang tự vứt bỏ “di sản văn hóa số” của chính mình khi không vinh danh những gì mà Flash đã từng làm được” - Francis viết trên trang web công nghệ TechCentral ngày 3-8.

Tác giả cho rằng “người ta đang vứt Flash vào bãi rác chỉ để đổi vài tiếng cười mua vui, ngay cả khi công nghệ này đã từng thay đổi thế giới”, và cảm thán: “Nếu đây là cách chúng ta đối xử với những thành tựu trong quá khứ, liệu chúng ta có thực sự xứng đáng với những gì tương lai mang đến?”.

Nói thế không có nghĩa cứ phải khư khư níu giữ một công nghệ lạc hậu. Chỉ là ta cần một cuộc chia tay lịch sự đối với những gì từng “vang bóng một thời”.■

Khi rũ bỏ Flash, công nghệ được lựa chọn để thay thế là HTML5, thế hệ thứ 5 của ngôn ngữ đánh dấu siêu văn bản (hyperline markup language) dùng để tạo nên các trang web và ứng dụng web. HTML5 hỗ trợ tối đa việc hiển thị các nội dung đa phương tiện nhưng an toàn hơn Flash và được xem là “người thay thế” xứng đáng cho “kẻ tội đồ”. HTML5 cho phép các video hiển thị với chất lượng tương ứng với đường truyền Internet của người dùng, thay vì cố định như Flash Player. HTML5 cũng cho phép video có thể hiển thị không chỉ trên trình duyệt web trên máy để bàn, mà còn trên iPhone, TV thông minh và thiết bị xem video trực tuyến.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận