Công nghệ lo chăm sóc sức khỏe và quyền riêng tư

TRƯỜNG SƠN 09/01/2019 21:01 GMT+7

TTCT - Năm 2019 được kỳ vọng sẽ là khởi đầu của kỷ nguyên 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục thông minh và tự nhiên hơn. Nhưng trên hết là quyền riêng tư dữ liệu của người dùng và sức khỏe tinh thần của họ sẽ được quan tâm chăm sóc kỹ hơn.

Mạng xã hội bao vây con người.
Mạng xã hội bao vây con người.

 

Với tất cả những ồn ào về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu cá nhân của một năm trước, không ngạc nhiên khi bảo mật thông tin sẽ được quan tâm hơn cả trong năm nay.

Bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu

CEO của Apple Tim Cook lên tiếng cảnh báo nạn mua bán dữ liệu người dùng của các đại gia công nghệ hồi tháng 10-2018, và kêu gọi một đạo luật liên bang để bảo vệ riêng tư dữ liệu cá nhân cho người dùng Internet Mỹ, theo hình mẫu đạo luật bảo vệ dữ liệu GDPR của châu Âu.

Năm 2019 sẽ chứng kiến một cuộc đối đầu giữa các đại gia công nghệ từng tai tiếng trong việc xem nhẹ quyền riêng tư dữ liệu của người dùng như Facebook và Google với các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ xoay quanh việc có nên bảo vệ dữ liệu người dùng bằng luật hay không. Tim Cook đã cho thấy Apple đứng về phe ủng hộ một đạo luật như vậy.

Noi theo “ngọn cờ đầu” GDPR của EU, mùa hè 2018, bang California đã thông qua một dự luật tương tự, trao cho công dân “quyền kiểm soát chưa từng có” với dữ liệu của chính họ. Đạo luật này sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày đầu tiên của năm 2020, bất chấp sự phản đối của các tổ chức và doanh nghiệp mà mô hình kinh doanh dựa hết vào việc thu thập, xử lý và mua bán dữ liệu người dùng.

Theo trang WIRED, một đạo luật tương tự song có giá trị thực thi liên bang được cho là sẽ được thông qua trong năm 2019 và các đại gia công nghệ buộc phải ngăn cản, hay chí ít giảm nhẹ các quy định trong đó, để bảo vệ “nồi cơm”, tức dữ liệu người dùng, của mình.

WIRED nhận định dù trong năm 2018 Washington đã dọa sẽ mạnh tay với việc thu thập, phân phối và kiếm tiền từ dữ liệu cá nhân của người dùng, cuộc đối đầu chỉ thực sự diễn ra trong năm nay, với các bên tham gia gồm các nhà làm luật, vận động hành lang, những người đấu tranh cho quyền riêng tư dữ liệu.

Tin vui là các hãng công nghệ có thể sẽ nhận phần thua, do lẽ nhóm đại gia công nghệ đã “trót” mất điểm trước giới lập pháp Hoa Kỳ hồi năm ngoái, khi cả CEO Facebook và Google đều phải ra điều trần trước Quốc hội. Vì thế việc thông qua đạo luật liên bang về việc kiểm soát quyền riêng tư dữ liệu là điều hoàn toàn khả thi, “khi mà cả lưỡng đảng đều nhận thấy cần thiết phải có một đạo luật như thế” - Neema Singh Guliani, trưởng cố vấn pháp lý Liên đoàn Tự do dân sự Mỹ, nhận định với WIRED.

Thời của 5G

5G đã được nhắc đến nhiều và giới quan sát công nghệ tin rằng 2019 là năm mà mạng di động này và các thiết bị hỗ trợ 5G thực sự cất cánh. Giới kỹ sư và các hãng viễn thông đã không ngừng thử nghiệm và hoàn thiện 5G, và các nhà sản xuất phần cứng, nhất là smartphone, cũng đã sẵn sàng.

Kết nối 5G nhanh hơn, mạnh hơn, ổn định hơn sẽ hỗ trợ đắc lực cho các công nghệ trên nền Internet khác như xe tự lái, thực tại hỗn hợp (mixed reality, kết hợp giữa thực tế ảo VR và thực tại tăng cường AR) và các thiết bị IoT (kết nối Internet) thông minh.

Tuy nhiên, với người dùng phổ thông, những người vốn chỉ trông đến ngày mà họ có thể dùng mạng không dây để tải một bộ phim dài hai tiếng chỉ trong 3 giây và chơi game VR trực tuyến mượt mà, điều quan tâm nhất là thiết bị nào sẽ hỗ trợ 5G.

Trong bài “Liệu 2019 có phải là năm của 5G”, USA Today nhận định năm nay hứa hẹn sẽ chứng kiến sự ra mắt của các thiết bị hỗ trợ 5G đầu tiên. Nhận định này là có cơ sở, khi tại hội nghị Snapdragon Tech Summit do Qualcomm tổ chức ở Hawaii tháng 12-2018, Qualcomm đã ra mắt Snapdragon 855, con chip đầu tiên trên thế giới giúp smartphone có thể kết nối 5G.

Ngoại trừ Apple, tất cả các nhà sản xuất smartphone trên nền Android (như Samsung và Google) đều dùng chip này và vì thế về lý thuyết, họ đã có đủ linh kiện quan trọng nhất để tung ra những mẫu smartphone 5G “thế hệ thứ nhất” trong năm 2019.

Đó có thể là một chiếc điện thoại Samsung chạy trên mạng 5G của A&T và Verizon, dự kiến ra mắt trong nửa đầu năm 2019, hoặc một chiếc smartphone Huawei ra mắt đâu đó vào giữa năm nay, như hãng viễn thông Trung Quốc này từng tuyên bố.

Điện thoại gấp được

Nhân nhắc đến smartphone 5G, smartphone năm 2019 sẽ ra sao? Nếu màn hình “tai thỏ (notch) hay không tai thỏ” là câu chuyện của smartphone trong năm 2018, thì điện thoại có thể bẻ cong hoặc gấp lại được (foldable) có thể sẽ là tâm điểm của 2019.

Giới công nghệ từ lâu đã phác thảo ý tưởng về một thiết bị di động khi mở ra thì là máy tính bảng (tablet) màn hình lớn, còn gập lại thì thành chiếc smartphone bỏ vừa túi quần. Trải qua nhiều năm, dường như đã đến lúc công nghệ phát triển đủ để biến điều này thành hiện thực.

“Với việc nhiều công ty, bao gồm Apple, LG và Huawei, đã đăng ký bằng sáng chế cho công nghệ màn hình có thể bẻ cong được, năm 2019 có thể là năm trọng đại với điện thoại gấp được” - trang tech.co nhận định.

Nhận định này có cơ sở khi không chỉ một mà hai điện thoại gấp được “người thật việc thật” đã được công bố cuối năm qua. Đầu tiên là chiếc FlexPai của Hãng Royole - với màn hình 7,8 inch, có thể gập 180 độ để biến từ tablet thành smartphone. Trang The Verge đánh giá đây mới là sản phẩm kiểu thử nghiệm, vẫn chưa hoàn thiện, và người ta kỳ vọng nhiều hơn ở một tên tuổi khác - Samsung, với công nghệ màn hình gập Infinity Flex giới thiệu tháng 11-2018.

Smartphone gập được của Samsung, hiện vẫn chưa biết tên gọi là gì và giá cả ra sao, có màn hình 7,4 inch khi là tablet, và 4,6 inch khi đã gập lại. Nhiều khả năng Samsung sẽ chính thức phát hành thiết bị mới tại sự kiện Unpacked vào tháng 3 năm nay. Chiếc điện thoại gập này nhiều khả năng sẽ mở màn cho một quỹ đạo phát triển smartphone mới: vừa điện thoại vừa tablet, mở ra gập vào linh hoạt.

Công nghệ phục vụ con người, thay vì chạy đuổi theo trào lưu.
Công nghệ phục vụ con người, thay vì chạy đuổi theo trào lưu.

 

Nói chuyện với máy móc: thật hơn, tự nhiên hơn

Máy móc có thể thông minh đến mức nào, hay AI sẽ phát triển tới đâu, luôn là đề tài ưa thích của giới quan sát công nghệ. WIRED nhận định nếu năm 2018 đã mang AI vào nhiều ngôi nhà thông qua loa thông minh và các thiết bị tích hợp trợ lý ảo, thì 2019 “sẽ là năm chúng ta nghĩ về vai trò của AI trong đời sống chúng ta”. WIRED cho rằng AI sẽ giữ vai trò quan trọng hơn trong năm nay, từ dự báo biến đổi khí hậu, tư vấn sức khỏe cho đến kiểm soát chi tiêu hộ con người.

2019 cũng được kỳ vọng là năm mà AI sẽ “hoạt ngôn” hơn. Viễn cảnh mà con người nói chuyện tự nhiên với máy móc vẫn thường được vẽ ra, nhưng trong vài năm trở lại đây người ta không khỏi thất vọng khi những gì AI làm được chỉ là nghe lệnh và phản hồi theo các cấu trúc quy định sẵn. Loa thông minh, trợ lý ảo trên smartphone vẫn thường bị “chọc quê” là không làm được gì khá hơn là thông báo thời tiết.

Google năm ngoái đã chứng minh máy móc có thể nói chuyện tự nhiên với con người khi giới thiệu Duplex, hệ thống AI có thể thay người dùng gọi điện đặt bàn ở nhà hàng hay hẹn bác sĩ. Duplex chắc chắn sẽ ngày càng hoàn thiện, và việc các hệ thống AI biết chủ động mở đầu cuộc trò chuyện với con người “sẽ thành chuyện bình thường ở huyện” - Robin Kearon, phó chủ tịch cấp cao Hãng Kore.ai, nhận định.

An nhiên trên mạng

Trong năm 2018 đã có rất nhiều nghiên cứu khác nhau chỉ ra tác hại của smartphone, mạng xã hội lên sức khỏe tinh thần của người dùng, đặc biệt là người dùng trẻ. Dùng mạng nhiều chỉ khiến người ta cô đơn, bất an, bồn chồn, thậm chí trầm cảm.

Điều này đặt ra vấn đề mới cần giải quyết - sức khỏe mạng xã hội (social media wellbeing). Các ông lớn công nghệ đã phần nào nhận thấy mình có trách nhiệm trong chuyện này. Facebook, Apple, Google trong năm qua đều đã cung cấp công cụ để người dùng đo lường thời lượng sử dụng và độ “nghiện” smartphone và mạng xã hội của họ.

Các hãng công nghệ hiểu rằng họ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp tương tự trong năm 2019 này, vì suy cho cùng việc người dùng thực sự “thức tỉnh” mà quay lưng với smartphone hay mạng xã hội chính là cơn ác mộng của Facebook và Google.

“Điều quan trọng là phải tìm ra biện pháp giúp người dùng có thể sử dụng mạng xã hội một cách điều độ trước khi tất cả mọi người “nghỉ chơi” mạng xã hội vĩnh viễn” - Zdnet dự báo.

Vậy năm 2019 sẽ là năm chúng ta “chia tay” điện thoại của mình, sau tất cả những cảnh báo về tác hại của smartphone trong suốt năm 2018? BBC đã đặt câu hỏi này cho Ben Wood, chuyên gia phân tích Hãng nghiên cứu CCS Insight, và nhận được câu trả lời kém lạc quan. “Tôi cho rằng 2019 là năm mọi người sẽ nhận thức tốt hơn về thời gian mà họ đã tiêu tốn trên điện thoại - Wood nói - Nhưng đoạn tuyệt với điện thoại á? Đòi hỏi hơi quá rồi!”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận